Tư Ngộ/Người Việt
Ngày 22 tháng 1 năm 2010 trả lời câu hỏi cò mồi của gà nhà, bà Nguyễn
Phương Nga, phát ngôn viên lưỡi gỗ của Bộ Ngoại Giao Việt Nam chống chế
cho các bản án tròng vào cổ 4 người vận động dân chủ hóa đất nước là "để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật”.
Bà đả kích lại sự lên tiếng của đại diện ngoại giao đoàn Mỹ, Anh, Liên Âu là họ "nhận xét thiếu thiện chí”.
Thế nhưng chính hệ thống báo chí trong nước lại tố cáo là tại Việt Nam
chẳng có gì gọi là có sự "nghiêm minh của pháp luật”. Kẻ phạm tội tày
trời thì cho "hạ cánh an toàn”, hoặc chỉ bị tù treo, hoặc bản án nhẹ.
Trong khi đó, những người chỉ đáng phạt hành chính lại bị những bản án
thật nặng.
Hàng triệu cái "nghiêm minh của pháp luật” Việt Nam phơi bày trên
Internet, chỉ cần nêu ra một vài cái để thấy cái sự ‘nghiêm minh’ nó
vênh vẹo ra sao.
Ngày 25 tháng 1 năm 2010, tòa án Hà Nội tuyên án Vũ Ðình Thuần 5 năm
tù, Lương Cao Sơn 6 năm tù trong số 23 bị cáo của vụ án tham nhũng "đề
áp 112” điện toán hóa hệ thống hành chính nhà nước.
Lương Cao Sơn chỉ là "thư ký ban điều hành” trong khi ông Thuần là "trưởng ban điều hành đề án 112”.
Ðề án này bị cáo buộc từ năm 2007 là thất bại và làm thất thoát hàng
trăm tỉ đồng vì nhóm tham nhũng này đã móc ngoặc với nhau lũng đoạn, ăn
cắp, cho các công ty gia đình thân quyến đấu thầu cuội để rút ruột,
theo rất nhiều bài báo tố cáo thời đó.
Ðoàn Văn Kiển làm thất thoát 78 tỉ đồng Việt Nam nhưng lại được ‘hạ cánh an toàn’.
(Hình: Báo Tiền Phong)
Ba người ăn trộm 2 con vịt nhưng bị xử tổng cộng 12 năm tù.
(Hình: Báo Pháp luật)
Nhưng khi ra tòa, cái "hội đồng xét xử” của
chế độ lại ra bản án cho thuộc cấp (Lương Cao Sơn, thư ký) nặng hơn
chính phạm (Vũ Ðình Thuần, trưởng ban) dù quá trình điều tra đều xác
nhận ông Sơn chỉ là người "đề xuất” còn quyết định thế nào đều là của
ông Thuần.
Ðề án này bị coi là thất bại hoàn toàn. Bản án rõ ràng là đầu voi đuôi chuột.
Khi Huỳnh Ngọc Sĩ bị tòa án ở Sài Gòn ngày 24 tháng 9 năm 2009 kết án
tù 3 năm với Huỳnh Ngọc Sĩ về tội chia nhau nuốt tiền cho thuê một phần
cơ sở của Ban Quản Lý Dự Án Ðại Lộ Ðông Tây ở Sài Gòn nhờ "nhân thân
tốt”. Nhưng trước áp lực của chính phủ Nhật Bản và dư luận, ngày 25
tháng 1 năm 2010, chế độ Hà Nội mới đưa tin sẽ truy tố ông Sĩ về tội
"nhận hối lộ”.
Một tháng trước khi có bản án Huỳnh Ngọc Sỹ thì Ðoàn Văn Kiển, chủ tịch
hội đồng quản trị Tập Ðoàn Than-Khoáng Sản bị tố cáo nhiều chuyện tày
trời.
VietNamNet ngày 19 tháng 10 năm 2009 viết, "Sai phạm của ông Ðoàn Văn
Kiển được chỉ ra trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là buông
lỏng quản lý dẫn đến tình trạng khai thác than trái phép trong một thời
gian dài. Hậu quả là từ năm 2005 đến 2008, 18 triệu tấn than khai thác
lậu đã được xuất khẩu (chủ yếu là xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc) gây
tổn thất nghiêm trọng tài sản đất nước... Ông còn vi phạm quy định của
chính phủ, thiếu trách nhiệm trong một hợp đồng tận thu than không đúng
quy định, gây thiệt hại cho TKV 78 tỷ đồng.”
Nhưng nhờ "nhân thân tốt” ông Kiển được "hạ cánh an toàn” mà không hề
hấn gì. Rất nhiều bài báo hồi năm ngoái mô tả tình trạng dung túng khai
thác và xuất cảng lậu than đá của Việt Nam sang Trung Quốc suốt nhiều
năm trời thiệt hại lớn lao như thế nào.
Trong khi cán bộ đảng viên cao cấp được đối xử theo kiểu "nhân thân tốt”, người dân đen thì được cư xử ra sao?
Ngày 10 tháng 8 năm 2009, báo Pháp Luật ở Sài Gòn tường thuật một phiên
tòa ở huyện Ðức Trọng, tỉnh Lâm Ðồng. Theo cáo trạng, "tối 28 tháng 9
năm 2008, Quyền cùng bạn bè đang nhậu thì hết mồi. Nhớ ra nhà hàng xóm
có một bầy vịt, Quyền sang xin bởi trước đó Quyền từng được nơi này cho
một con vịt què. Lần này Quyền không những bị từ chối mà còn bị con
trai của chủ vịt ‘mắng sốc’. Bực bội, Quyền về rủ Hưng, Long, Hà (đã bỏ
trốn) sang đánh ‘thằng nhỏ mà láo’ cho bõ tức.
‘Cả bốn kéo nhau đến chòi vịt, chia thành hai nhóm đi vào. Nghe tiếng
chó sủa, người coi vịt cầm đèn pin ra rọi. Trong đêm, Hưng cầm một hòn
đá nhỏ chọi về phía người coi vịt. Người coi vịt hoảng, chạy tọt vào
chòi, đóng cửa lại cùng con trai chủ vịt ở luôn trong đó. Chờ một lúc
không thấy ai, Long bắt hai con vịt đưa cho Quyền rồi tất cả kéo về nhà
làm thịt nhậu tiếp.”
Chuyện chỉ có vậy, bắt trộm 2 con vịt về nhậu, nhưng trong phiên xử
ngày 10 tháng 8 năm 2009, tòa án huyện Ðức Trọng (Lâm Ðồng) đã xử
Trương Ngọc Quyền 5 năm tù, Vy Hoàng Bảo Hưng và Vy Kim Long mỗi người
4 năm tù về tội cướp tài sản.
Cách đây hơn hai năm, theo bản tin khác của tờ Pháp Luật, ngày 11 tháng
8 năm 2007, 6 thanh niên niên đã ăn cướp 22 con vịt của một người dân ở
xã Bửu Tân, huyện Bến Lức (Long An), ngày 26 tháng 10 năm 2007, họ đã
bị tòa án huyện phạt tổng cộng 21 năm tù.
Hai con vịt trị giá bao nhiêu mà án nặng như thế? 22 con vịt trị giá bao nhiêu mà án nặng như thế?
Còn những vụ say rượu lái xe hơi đâm chết người, lái xe ngủ gật, lái ẩu
đâm chết người xảy ra ở Việt Nam rất nhiều vụ chỉ bị xử án treo. Giám
đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Chu Văn Thưởng của tỉnh Hà
Tây (nay là Hà Nội mở rộng), trong phiên tòa ngày 22 tháng 10 năm 2009,
bị kết án 36 tháng tù treo dù lái xe đụng chết 2 cha con chở nhau trên
xe gắn máy đi đằng trước xe ông.
Ông Thưởng, sau khi tai nạn xảy ra, đã đổ tội cho tài xế của ông. Tuy
nhiên khi ra tòa, người tài xế sợ bị tù đã phản cung, khai ngược lại là
chính ông Thưởng lái và gây tai nạn.
Hai mạng người đổi bằng bản án treo thì nghiêm minh ở chỗ nào? Hai con vịt bị kết án 13 năm tù thì nghiêm minh chỗ nào?
Ngày 5 tháng 2 năm 2010 tới đây, vợ chồng bà Trần Khải Thanh Thủy bị
lôi ra tòa vì bị vu cho tội "cố ý gây thương tích” dù họ là nạn nhân
của một vụ hành hung có chủ ý dàn dựng của công an.
Cái "nghiêm minh của pháp luật” mà chế độ Hà Nội khoe khoang lại bị cả thế giới phỉ nhổ!
|