BBC
Đại
sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội nói đang kiểm chứng thông tin nói
có người chết trong vụ bạo động của người Hmong ở Mường Nhé,
Điện Biên.
Trong khi đó, giới
phóng viên nước ngoài thường trú ở Việt Nam nói họ không được
phép tới khu vực đang xảy ra sự kiện mà nhiều người cho là
bất ổn sắc tộc quy mô nhất từ sau cuộc biểu tình của người
Thượng ở Tây Nguyên năm 2004.
Một số
nguồn tin nói với BBC rằng cho tới ngày thứ Sáu 06/05 vẫn còn
đông người Hmong tụ tập tại Mường Nhé, trong khi chính quyền
vẫn đang tìm cách giải tán họ.
Hôm
thứ Năm, ông Lê Thành Đô, Chánh Văn phòng tỉnh Điện Biên, được
Thông tấn xã Việt Nam trích lời, nói người Hmong tụ tập từ
đầu tháng ở Mường Nhé vì tin rằng "một thế lực siêu nhiên sẽ
tới mang họ đến Miền Đất Hứa".
Ông
nói việc một số người Hmong kêu gọi thành lập vương quốc riêng
đã gây bất ổn trong khu vực và rằng sau khi được vận động một
số người đã trở về nhà.
Ông Đô được dẫn lời nói chính quyền "đang tìm cách giải quyết để sớm ổn định cuộc sống cho đồng bào".
Điều này cũng có nghĩa hiện sự việc chưa được giải quyết xong.
Một số tổ chức ở nước ngoài thì cáo buộc đã có thương vong trong vụ bất ổn.
Trung
tâm Phân tích Chính sách Công, nhóm hoạt động ở Washington, nói
28 người Hmong thiệt mạng và hàng trăm người mất tích.
BBC không kiểm chứng được thông tin này.
Tuy
nhiên Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội ra thông cáo nói họ đang điều
tra và "kêu gọi các bên liên quan không sử dụng bạo lực, giải
quyết mâu thuẫn một cách hòa bình và theo đúng luật pháp
Việt Nam cũng như các tiêu chuẩn nhân quyền đã được quốc tế
công nhận".
Thông tin báo chí
Sau
nhiều ngày im lặng, hôm thứ Năm báo chí Việt Nam đồng loạt
đăng bản tin do Thông tấn xã Việt Nam cung cấp dẫn lời ông Lê
Thành Đô như đã nói ở trên.
Bản tin
nói "lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân, kẻ xấu đã phao tin lừa
bịp", kích động "gây mất trật tự, an ninh, an toàn".
Hãng
thông tấn của Nhà nước Việt Nam cũng trích lời quan chức Điện
Biên nói "chính quyền địa phương đã cử cán bộ xuống vận động, thuyết
phục bà con không nên tin vào những thông tin bịa đặt lừa bịp, cùng các
luận điệu sai trái đối với chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của
Đảng và Nhà nước".
Không thấy có báo nào cho hay đã cử phóng viên lên Điện Biên tìm hiểu tình hình.
Một nguồn tin giấu tên nói với BBC tình hình tại Mường Nhé hiện "gần như nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Một
nguồn tin khác cho rằng "Hiện tại chính quyền cấp tỉnh của các tỉnh
Tây Bắc Việt Nam có đông đảo người dân Mông sinh sống như Hà Giang, Lai
Châu, Yên Bái, Lào Cai... đã nhận được chỉ thị cấm người Hmong đi khỏi
địa phương".
Lý do, như lời giải thích
là "nhằm tránh sự liên kết và tổ chức" của họ và thời điểm nhạy
cảm trước bầu cử Quốc hội 22/5.
 Người Hmong ở tỉnh Điện Biên
Phóng viên nước ngoài thì than phiền bị khước từ yêu cầu tới khu vực này.
Hãng AFP khi đề đạt nguyện vọng lên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã được trả lời: "Không ai lên đó cả".
Bà
Nguyễn Phương Nga, Vụ trưởng Vụ Báo chí, nói với hãng này:
"Tình hình không tốt cho các ông lên đó", với lý do thời tiết
xấu, đường xá khó khăn và quan chức địa phương đang bận việc
tổ chức kỷ niệm ngày lễ chiến thắng Điện Biên Phủ 07/05.
Bà Nga cũng nói tình hình Mường Nhé đã "ổn định".
Các số điện thoại của giới hữu trách ở huyện Mường Nhé đều không liên lạc được trong ngày thứ Sáu.
Tình hình phức tạp
Vụ bạo động của hàng nghìn người Hmong tại Mường Nhé bắt đầu xảy ra khoảng 30/04.
Ngoài việc đòi thành lập vương quốc riêng, được biết người Hmong còn yêu sách cải thiện tự do tôn giáo.
Mường
Nhé nằm cách thành phố Điện Biên 200km, là một huyện nghèo
với trên 52.000 người. Đa số người Hmong theo đạo Tin Lành.
Một
người Hmong ở trong khu vực nói với BBC rằng nhiều người Hmong
theo đạo một cách "cuồng tín" và tình hình tại đây rất phức
tạp.
Người này không trả lời thẳng
khi được hỏi liệu ông có nghĩ rằng vụ bạo động này có liên
quan nước ngoài hay không, nhưng nói trong tiếp xúc, ông thấy
những người chủ đạo đều có địa chỉ và số điện thoại của
các lãnh đạo người Hmong ở ngoài.
Ông cũng nói việc đời sống khổ cực và dân trí thấp khiến cho niềm tin có phần "cực đoan".
"Họ theo đạo Vàng Chứ, nhưng mà họ cũng không biết sâu xa triết lý của đạo này."
Báo
đài Việt Nam gần đây có đăng bài chỉ trích việc người dân tộc
thiểu số theo đạo Vàng Chứ, mà họ gọi là một phiên bản của
đạo Tin Lành "gây ảnh hưởng xấu tới đời sống của người dân
miền núi".
Báo chí cũng phê phán
việc lan truyền những thông tin hoang đường trong cộng đồng
người Hmong về một 'Miền Đất Hứa' khiến họ lơi là cuộc sống
lao động.
Các hãng thông tấn nói vụ bất ổn xảy ra tại Nậm Ke
|