Thứ tư, 24 Tháng 3 2010 07:11
"…Duy
trì tập san Tổ Quốc là sứ mệnh rất cao cả và thiêng liêng của những
công dân như chúng tôi. Nếu có thứ luật pháp nào ngăn chặn chúng tôi
thực hiện sứ mệnh đó thì đấy là thứ luật pháp phản động và buộc lòng
chúng tôi phải đạp qua nó…”
Tôi lại đang bị công an Việt Nam tra
vấn. Đợt tra vấn này đã kéo dài ba ngày từ thứ tư (17/3) đến thứ sáu
(19/3/2010). Tôi phàn nàn già yếu và mệt mỏi. Họ đồng ý cho nghỉ Thứ
Bảy, Chủ Nhật. Tuần sau lại tiếp tục. Đây là lần thứ chín thứ mười gì
đó, tôi bị công an triệu tập để hạch hỏi.
Đại tá Phạm Quế Dương gọi điện cho biết hôm 17/3 ông cũng bị
nhận giấy triệu tập của công an. Ông bảo đang mệt, không đi được. 18/3
họ lại triệu tập. Ông lại trả lời mệt, phải ở nhà. Hôm qua, 7 công an
đã ập vào nhà ông uy hiếp, buộc ông phải viết thư tuyên bố từ bỏ tập
san Tổ Quốc.
Về phần tôi, như giấy triêu tập đã ghi rõ, nội dung
tra xét đợt này là về tập san Tổ Quốc. Điều kỳ lạ là, suốt mấy ngày
qua, vẫn những câu hỏi đã hỏi từ các đợt tra vấn cuối năm 2008 và cuối
năm 2009. Người hỏi không phải ở các bộ phận khác mà vẫn chỉ là thượng
tá Ngô Quang Du. Phải chăng họ đang thực hiện phương sách đàn áp mềm mà
dai dẳng làm tinh thần tôi suy kiệt hòng đẩy tôi vào bẫy độc ác của họ?
Đại khái các câu hỏi như sau: Tờ báo tên gì? Thành lập
ngày nào? Tôn chỉ, mục đích là gì? Ai là người chủ trương? Khi ông ghi
tên những người vào danh sách Hội đồng cố vấn và Ban Biên tập ông có
hỏi ý kiến người ta không? Biết gì về nhân thân những người này? Nguồn
kinh phí nhận từ đâu? Tại sao lúc đầu không có Chủ nhiệm, Tổng Biên tập
mà sau hơn một năm mới có, rồi bây giờ lại không? Tiến trình vận hành
để hình thành một bản báo? Phương thức phát hành? v.v.
Tôi
trả lời thẳng thắn, trung thực đối với những câu có thể trả lời được.
Với thái độ hoà nhã, chân tình và có phần lễ phép dù ông thượng tá ngồi
trước mặt tôi chỉ hơn tuổi con trai tôi không nhiều.
Tôi dứt
khóat từ chối trả lời những câu hỏi sâu về nhân thân người khác và các
câu hỏi kiểu như: Đã trang bị máy photocopy, máy tính, máy in cho những
ai? Đã tặng quà biếu (thay nhuận bút) cho những người nào? Ai đã nhận
trách nhiệm tán phát tập san cho ông? v.v.
Đôi khi, không kìm
giữ nổi bản thân, tôi đã đập bàn quát lớn đến mức một số cán bộ làm
việc ở các phòng gần đó phải đẩy cửa chạy sang xem sự cố gi. Đấy là khi
tôi cứ bị đay đi đay lại những câu hỏi liên quan đến chuyện tiền nong
do bọn xỏ lá muốn dựng lên để bôi bẩn và chọc tức tôi. Dẫu sao, hay nổi
nóng chính là một điểm yếu, một thói xấu của tôi.
Cuối buổi
làm việc ngày thứ ba, người thẩm vấn hỏi tôi: Ông có thấy việc phát
hành tờ Tập san Tổ Quốc của ông là vi phạm pháp luật không?
Tôi trả lời:
"
Trả lời câu hỏi này tôi sẽ bảo không, còn ông bảo có. Ra toà, luật sư
và tất cả những người có tinh thần khách quan đều bảo "không”, trong
khi chánh án phải kết luận là "có”. Bởi vì Toà án phải làm thao lệnh
của ĐCSVN! Cho nên tôi đành trả lời câu hỏi này của ông bằng triết
thuyết sau đây:
"Nhận thức của tôi và những người yêu nước đều
cho rằng hãy vì dân vì nước mà duy trì cho được tập san Tổ Quốc. Đặc
biệt trong tính hình hiện nay cần có tiếng nói phản biện đủ sức thuyết
phục để góp phần ngăn chặn nguy cơ người ta đang âm mưu đưa Việt Nam
vào vòng đô hộ của ngoại bang và duy trì những chủ trương đường lối cố
cựu sai lầm ( ngày xưa, sai lầm là do cuồng tín ngây thơ, ngày nay
người ta cố tình sai lầm để duy trì cho được quyền lợi của những cá
nhân, những tập đoàn này nọ ).
Sở dĩ họ âm mưu đưa đất nước
vào vòng đô hộ của ngoại bang vì trông cậy ở đấy một lực lượng bảo vệ
vững chắc cho những cái ghế của họ (Nếu xảy ra những biến động lớn thì
khả năng huy động quân đội và công an Việt Nam tắm máu nhân dân Việt
Nam như kiều Thiên An Môn là rất khó, nên họ đành trông cậy ở những đội
quân đã từng có kinh nghiệm, lại khác máu tanh lòng).
Sở dĩ họ
cố tình duy trì những đường lối sai lầm là để tiếp tục cướp đất cướp
ruộng nông dân, thí cho những người khốn khổ này vài trăm ngàn rồi bán
lấy hàng chục triệu để trở thành tỷ tỷ phú.Họ dư tiền mua sẵn đất đai,
biệt thự ở Mỹ, ở Canada, ở Úc… để khi đất nước đã tàn tạ quá họ sẽ đưa
con cháu họ sang sống xa hoa, phè phỡn ở nước ngoài.
Duy trì tập
san Tổ Quốc là sứ mệnh rất cao cả và thiêng liêng của những công dân
như chúng tôi. Nếu có thứ luật pháp nào ngăn chặn chúng tôi thực hiện
sứ mệnh đó thì đấy là thứ luật pháp phản động và buộc lòng chúng tôi
phải đạp qua nó.
Nếu các ông cứ ngang ngược buộc tội chúng tôi
về vấn đề này thì xin cứ đưa tôi ra toà. Trong trường hợp ấy, tôi
khuyên các vị hãy chuẩn bị bắn tôi ngay giữa toà thì mới có thể kịp
ngăn những lời buộc tội đanh thép đấy sức thuyết phục của tôi đối với
ĐCSVN trước nhân dân Việt Nam và thế giới”.
Tôi bỗng liên
tưởng tới những dòng này trong " Thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp”
của Nguyễn Ái Quốc ký tên Chú Nguyễn in trong cuốn Những mẩu chuyện về
đời hoạt động của Hồ Chủ tịch:
"Công việc của chúng ta "Hội
Liên hiệp thuộc địa” và tờ báo "Người cùng khổ” (Le Paria) đã có những
kết quả tốt. Nó đã làm cho nước Pháp, nước Pháp chân chính hiểu rõ
những việc xẩy ra trong các thuộc địa. Làm cho nước Pháp hiểu rõ bọn cá
mập thực dân đã lợi dụng tên tuổi và danh dự của nước Pháp để gây nên
những tội ác không thể tưởng tượng được. Nó đã thức tỉnh đồng bào chúng
ta”.
Tập san Tổ Quốc của chúng tôi cũng "đã có những kết quả
tốt” như thế (Không phải ở Pháp mà ở Việt Nam). Nhờ Trời Phật phù hộ,
nó đã tồn tại được hơn ba năm và ngày càng được độc giả trân quý. Điều
ấy chứng tỏ chúng tôi đang làm điều thiện rất cần thiết.
4 giờ sáng ngày 20 tháng 3 năm 2010
Nguyễn Thanh Giang
Nguồn: Thông Luận 2010
|