Lịch sử các kỳ hội nghị Trung ương của Đảng CSVN đã ghi nhận hội nghị
Trung ương 6 khóa XI là kỳ hội nghị được dư luận trong và ngoài nước
quan tâm, kỳ vọng nhiều nhất.
Trong thời buổi kinh tế khó khăn vất vả bon chen kiếm sống, người dân
Việt Nam ít người quan tâm đến các hội nghị, cuộc họp của giới quan chức
mà thông thường là nhàm chán, khuôn mẫu, khô khan. Tuy nhiên, thời gian
kể từ sau hội nghị Trung ương 5, chuẩn bị tiến hành hội nghị Trung ương
6, mọi sự quan tâm của người dân, đặc biệt là tầng lớp bình dân, đều
hướng vào các diễn biến xung quanh sự kiện chính trị quan trọng này.
Đa phần tin tức lan truyền trong dư luận đều là tin
đồn, khó kiểm chứng, chỉ đến khi ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng công
khai phát biểu trước toàn thể hội nghị và quốc dân đồng bào rằng: "Ban
Chấp hành Trung ương quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể
Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị; và yêu cầu Bộ Chính trị
có biện pháp tự khắc phục, tự sửa chữa khuyết điểm;” thì những người từ
trước đến nay vẫn kỳ vọng vào cuộc chỉnh đốn do Đảng CSVN phát động,
tin tưởng cuộc chỉnh đốn sẽ đập tan bè đảng tham nhũng hại dân và tên
đầu sỏ Nguyễn Tấn Dũng, họ bỗng chợt nhận ra đây chỉ là "Vở kịch” của
sân khấu chính trị Việt Nam được diễn xuất bởi các kịch gia cộng sản.
Lần đầu tiên trong lịch sử Đảng CSVN, tập thể Bộ Chính trị xin nhận kỷ
luật. Nếu đúng lời ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, thì cả 14 vị
lãnh đạo chóp bu đã thống nhất ý kiến 100%. Báo chí nhà nước ra sức ca
ngợi việc "tự phê bình và xin nhận kỷ luật” này là chưa từng có trong
lịch sử, là dũng cảm, thành khẩn, cầu thị, cách mạng v.v…
Sự thật, không thể có chuyện kỷ luật tập thể Bộ Chính trị, những lãnh
đạo tối cao của đảng và nhà nước, mười mấy ông "Vua tập thể”, làm vậy
chẳng khác nào Đảng tự chặt đầu mình.
Vậy màn diễn nhận lỗi tập thể này là thế nào? Tại sao việc biểu quyết kỷ
luật "một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị” không được tiến hành độc lập,
công khai danh tính, mà lại gắn thêm nội dung kỷ luật cả tập thể Bộ
Chính trị rồi tiến hành cùng lúc, giấu giếm dư luận, tựa như lỗi này là
lỗi của tập thể, cá nhân bị kỷ luật thì cả tập thể cùng bị kỷ luật, vậy
là hòa cả làng, tất cả được xí xóa.
Các nhà quan sát phân tích phần nhiều chỉ tập trung vào kết quả cuối
cùng của hội nghị mà ít chú ý đến tình tiết quan trọng này: Nguyễn Tấn
Dũng cùng phe cánh đã lật ngược thế cờ, từ thiểu số trở thành đa số, từ
tình thế là một đối tượng trọng tâm của cuộc chỉnh đốn Dũng đã tráo trở
biến thành một "dũng sĩ tự phê bình” gắn liền với trách nhiệm tập thể.
Đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đó không cần nói thì ai cũng biết chính là
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đi một nước cờ thật cao, vô hiệu hóa toàn
thể ban lãnh đạo Trung ương Đảng CSVN, thoát hiểm một cách ngoạt mục.
Người đã giúp Dũng đi nước cờ cao, người đó phải có đủ quyền bính để gây
sức ép lên toàn thể ban lãnh đạo Trung ương Đảng CSVN, làm thay đổi cán
cân quyền lực vốn đang nghiêng hẳn về phía liên minh Nguyễn Phú Trọng
và Trương Tấn Sang, người đó không ai khác chính là Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng Phùng Quang Thanh.
Tướng Phùng Quang Thanh ban đầu dường như đứng về phía liên minh Nguyễn
Phú Trọng và Trương Tấn Sang trong cuộc chỉnh đốn nhằm hạ bệ Nguyễn Tấn
Dũng, bỗng chốc trở mặt theo gót những kẻ cơ hội. Tổng cục 2 – Bộ Quốc
phòng từng trợ lực giúp ngài Tổng bí thư điều tra và bắt giữ bọn thuộc
hạ của Dũng, thì nay quay ngoắt 180 độ vào thời điểm quyết định khiến
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng rơi vào thế bí, buộc phải chấp nhận thỏa
hiệp với phe Nguyễn Tấn Dũng. Toàn bộ sự việc trên đều không nằm ngoài
những toan tính của Nguyễn Tấn Dũng. Mưu kế này được giữ kín và sử dụng
đúng thời điểm quyết định.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vì quá tin tưởng vị trí ổn định của mình
trong Đảng, được đa số Ủy viên Trung ương và Bộ Chính trị ủng hộ, trong
khi uy tín và thanh danh của Nguyễn Tấn Dũng rơi xuống thấp tận cùng,
nhưng ông Trọng quên rằng Nguyễn Tấn Dũng hoàn toàn có năng lực dùng
quân đội, công an để điều khiển, khống chế Trung ương và Bộ Chính trị;
từ thiểu số, Dũng có thể trở thành đa số, ngược lại, đa số của ông Trọng
rất dễ là thiểu số.
Tuy thiểu số nhưng Dũng có hai đồng minh quan trọng trong Bộ Chính trị
là Lê Hồng Anh và Nguyễn Xuân Phúc, bên cạnh đó, Dũng còn hai "cánh tay”
vô cùng lợi hại:
Thứ nhất, bên công an, Phụ trách an ninh là Nguyễn Văn Hưởng, Tô Lâm,
Trần Quốc Liêm, họ khống chế cả một hệ thống tình báo, mật vụ, bí mật
theo dõi giám sát tất thẩy các Ủy viên Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí
thư, nhất cử nhất động đều không qua nổi bọn họ. Nguyễn Văn Hưởng – với
vai trò là cố vấn an ninh cho Thủ tướng, luôn sát cánh bên Dũng, trở
thành tay sai đắc lực của Dũng.
Thời gian công tác trong Trung ương (từ tháng 1/1995), Nguyễn Tấn Dũng
được giao giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung
ương, do đó Dũng luôn nắm chắc lực lượng công an để đứng vững chân.
Trong 6 năm làm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định bổ
nhiệm, thăng tướng cho rất nhiều lãnh đạo Bộ Công an. Từ tháng 4/2007
đến tháng 12/2011, có bốn đợt thăng hàm cấp tướng Công an, tổng cộng đã
có 118 người được thăng cấp lên Thiếu tướng, 23 người được thăng cấp từ
Thiếu tướng lên Trung tướng.
Thứ hai, bên quân đội có nhiều tướng lĩnh là thuộc hạ thân tín do Dũng
cất nhắc đưa lên. Dũng luôn nắm chặt quân Át chủ bài là tướng Nguyễn Chí
Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục 2,
người có ảnh hưởng lớn trong quân đội.
Được sự hậu thuẫn của Nguyễn Chí Vịnh, Dũng bí mật lên kế hoạch chia rẽ
và làm suy yếu Trung ương, cô lập đối thủ chủ yếu, lôi kéo sự ủng hộ của
giới tướng lĩnh quân đội, cho thân tín bằng mọi cách mua chuộc được
tướng Phùng Quang Thanh.
Cùng lúc, hệ thống tình báo, mật vụ của Nguyễn Văn Hưởng – Trần Quốc
Liêm đã trợ giúp Dũng thu thập nhiều tin tức, tình hình trong nội bộ
Đảng. Người của Hưởng được tung đi làm nhiệm vụ thuyết khách, mua chuộc
bằng tiền không được thì họ đe dọa, uy hiếp, không từ bất cứ thủ đoạn
nào.
Các ủy viên Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đa số đều ủng hộ Tổng
bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiến hành cuộc
chỉnh đốn nội bộ, song do họ sợ sự uy hiếp của hệ thống tình báo, mật
vụ, nên không dám liên minh, hợp tác với nhau.
Nguyễn Tấn Dũng đã đạt được mục đích không để Trung ương đoàn kết, nhất
trí xung quanh Tổng bí thư và Chủ tịch nước. Tình thế dần dần đảo ngược,
Dũng có thêm nhiểu sự ủng hộ, đặc biệt là của tướng Phùng Quang Thanh.
Không loại trừ khả năng Nguyễn Tấn Dũng lợi dụng sự can thiệp của Bắc
Kinh để kiếm thêm số phiếu ủng hộ về mình. Trong bối cảnh Trung Quốc
đang chuyển giao quyền lực, nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc không muốn
Việt Nam có xáo trộn lớn về nhân sự cấp cao, vượt ra khỏi tầm kiểm soát
của Trung Quốc.
Kết quả cuối cùng, Ban Chấp hành Trung ương đã biểu quyết không thi hành
kỷ luật Nguyễn Tấn Dũng và tập thể Bộ Chính trị. Với kết quả này Nguyễn
Tấn Dũng tiếp tục tại vị chờ thời cơ để phục thù. Trước tình thế đó,
liên minh giữa hai ông Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang cũng tạm thời
hoãn binh để tìm đối sách phù hợp.
Những tội trạng mà Nguyễn Tấn Dũng phải kiểm thảo tại hội nghị Trung
ương 6 không được công khai cho toàn dân biết, nhưng đối với tự kiểm
thảo của Dũng, hội nghị Trung ương đã ra quyết nghị và truyền đạt trong
nội bộ Đảng. Qua lời nhận lỗi của Nguyễn Tấn Dũng trước Quốc hội (phiên
khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII) có thể thấy rằng Dũng đã chịu
sức ép rất lớn, không thể tiếp tục lộng quyền, phải tạm thời nhường bớt
quyền hành.
Chức vụ Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Dũng
nắm giữ, thì nay chuyển về cho Tổng bí thư; Những thân tín của Dũng
trong hệ thống ngân hàng từng bước bị thanh lọc; Nhóm lợi ích kinh tế
cùng "chiếc vòi bạch tuộc” vươn dài bị chặt đứt, các tập đoàn kinh tế,
các tổng công ty nhà nước được cấu trúc lại, chấm dứt giai đoạn thí điểm
thành lập tập đoàn kinh tế nhà nước… Tuy nhiên, quyền uy của Dũng trong
chính phủ, công an vẫn rất lớn, lực lượng còn nguyên vẹn không bị tổn
thất nào.
Kẻ tham quyền cố vị thì vẫn chứng nào tật ấy không bao giờ thay đổi, một
người mưu mô thủ đoạn, tham tàn vô độ như Nguyễn Tấn Dũng sẽ không dễ
gì đầu hàng. Nguyễn Tấn Dũng đã không từ thủ đoạn nào để khống chế Trung
ương CSVN, tranh đoạt quyền lực, thì cũng không từ thủ đoạn nào để trả
thù, trừng phạt những đối thủ chính trị, phe đối lập và bất đồng chính
kiến.
Đòn thù của Nguyễn Tấn Dũng có thể giáng xuống bất cứ lúc nào, tàn nhẫn
và khốc liệt. Có thể kết luận hội nghị Trung ương 6 khóa XI là một thất
bại của Đảng CSVN; Những nhân tố gây bất ổn chưa được loại bỏ, những mâu
thuẫn nội tại chưa được giải quyết, không có thay đổi đáng kể nào ở
thượng tầng kiến trúc, hình thái ý thức hệ; Tóm lại không có bất cứ đột
phá nào ngoài những lời xin lỗi, hứa hẹn suông!
Việt Nam, ngày 30 tháng 10 năm 2012
Trần Vân (gửi đăng)