Kể từ sau khi lần biểu tình thứ 11 tại Hà Nội chấm dứt, những
gương mặt nổi bật trong các đợt biểu tình liên tục bị theo dõi, đe dọa
và sách nhiễu.
Citizen photo
Tiến sĩ Nguyễn Quang A (áo sọc) bị công an ngăn cản trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc hôm 17-07-2011 tại Hà Nội.
Thậm chí, đã xảy ra ít nhất là 3 trường hợp bị nghỉ việc và đuổi khỏi
chỗ ở vì những lý do liên quan đến việc tham gia biểu tình.
Câu
hỏi đặt ra là liệu những sách nhiễu trên có dập tắt được tinh thần yêu
nước và ước muốn được bày tỏ của những người tham gia biểu tình hay
không? Khánh An tìm hiểu và tường trình.
Những "hậu quả” hậu biểu tình
Tin về vụ anh Nguyễn Văn Phương, người đọc Bản tuyên cáo trong cuộc
biểu tình ngày 3/7, chính thức bị Công ty Việt Long đuổi việc, đã khiến
cho dư luận thêm quan ngại về những "hậu quả” hậu biểu tình đang lần
lượt xảy đến đối với những người tham gia. Được biết, sau trường hợp của
Nguyễn Tiến Nam (biệt danh "binh nhì”) và Trịnh Hữu Long thì đây là
trường hợp thứ ba người biểu tình bị buộc phải nghỉ việc.
Theo em được biết thì binh nhì Tiến Nam và Nguyễn Hữu Long thì mọi
người bị áp lực tự xin nghỉ. Còn Nguyễn Văn Phương, người đọc bản tuyên
cáo, thì bị buộc thôi việc.
Trịnh Kim Tiến
Một trong những người bạn tham gia biểu tình với các thanh niên trên là chị Trịnh Kim Tiến cho biết:
"Theo
em được biết thì binh nhì Tiến Nam và Nguyễn Hữu Long thì mọi người bị
áp lực tự xin nghỉ. Còn Nguyễn Văn Phương, người đọc bản tuyên cáo, thì
bị buộc thôi việc và cũng bị buộc chuyển chỗ ở, chủ nhà không cho thuê
nữa ạ.”
Kể từ sau khi các cuộc biểu tình ở Hà Nội chống Trung
Quốc tạm kết thúc vào ngày 21/8, những người tham gia biểu tình không
vì thế mà hết bị đe dọa, ngược lại, nhiều người vẫn bị theo dõi, trấn áp
bằng nhiều hình thức.
Trên trang mạng cá nhân của mình, chị Bùi
Hằng cho biết sau khi được thả ra trong lần bị bắt vì tham gia biểu
tình, chị liên tục nhận được những tin nhắn đe dọa, thậm chí vào lúc
14:26 ngày hôm qua (15/9), chị còn bị một nhóm côn đồ kéo đến nhà và hăm
dọa đâm chết chị. Gia đình và hàng xóm của chị đã kêu cứu với công an,
nhưng ngay cả lúc công an đã có mặt, nhóm côn đồ vẫn ngang nhiên đứng
bên ngoài chờ chị bước ra để tấn công chị.
Chị Trịnh Kim Tiến (áo dài) trong đoàn biểu tình chống TQ ngày 24/7/2011 ở Hà Nội. AFP PHOTO.
Đối với trường hợp của Tiến Nam, bạn bè cho biết kể từ ngày 9/9, anh
liên tục bị cơ quan an ninh mời đi làm việc, cộng với những áp lực khác
đã khiến anh buộc phải tự xin thôi việc.
Trịnh Hữu Long cũng là một trường hợp tương tự.
Riêng
trong câu chuyện bị đuổi việc của Nguyễn Văn Phương, theo lời kể trên
blog cá nhân của chị Phương Bích (tức Bích Phượng), cũng là một người
tham gia biểu tình và bị bắt giữ 3 ngày trong đợt biểu tình hôm 21/8,
thì phía công ty Việt Long, nơi Phương làm việc, cho biết họ bị áp lực
vì công an liên tục làm việc và yêu cầu cung cấp thông tin của Phương.
Được sống với chính mình
Là người thường xuyên theo dõi những tin tức về những người tham gia
biểu tình, anh Dũng, một cư dân của Hà Nội, tỏ ra thất vọng về cách
hành xử của các cơ quan an ninh. Anh nói:
Cho đến tận giờ phút này, không đi biểu tình nữa, vẫn bị đối xử như
vậy, tức là người ta muốn triệt tiêu tính đối kháng ở trong mỗi con
người bằng cách gây khó dễ như vậy.
Blogger mẹ Nấm
"Thưa chị, tôi tất nhiên là thất vọng. Cái cách
người ta làm như thế thì nói hơi, tôi dùng chữ là hơi "tiểu nhân”. Cách
ấy là cách rất tiểu nhân, tức là triệt cái nguồn sống của người ta. Tất
nhiên mình là người dân nên mình cũng chẳng biết làm cách nào để giúp
các anh em đó cả. Đây là một sự trả thù, đồng thời là dọa dẫm những
người khác. Nhưng tôi nghĩ đối với những anh em đó, người ta đã có chí
khí như thế thì người ta cũng chẳng sợ. Tôi thì tôi nghĩ như thế.”
Bạn
bè, giờ gần như là "đồng chí” của những người đang gặp sách nhiễu đều
tìm cách chia sẻ và giúp đỡ họ. Qua blog của mình, chị Phương Bích cho
biết chị đã tìm mọi cách để giữ lại công việc cho anh Nguyễn Văn Phương
dựa vào mối quan hệ là bạn học cũ với Phó Giám đốc của công ty Việt
Long. Nhưng khi những nỗ lực của chị Phương Bích cũng không giúp anh
Nguyễn Văn Phương tránh khỏi chuyện bị đuổi việc, nhiều người bạn đã kêu
gọi tẩy chay công ty Việt Long, ngưng mua hàng và giao dịch với công ty
này. Theo một số blogger cho biết việc nhiều người phản đối đã khiến
cho công ty Việt Long đang phải xem xét lại quyết định trên.
Tuy
không quen biết với Tiến Nam, Hữu Long và Nguyễn Văn Phương, nhưng anh
Long cho biết anh thấy buồn vì không giúp được gì khi thấy những người
anh mến mộ và yêu quý gặp khó khăn:
"Tôi bây giờ cũng không có
những điều kiện để tôi giúp được, chứ nếu mà tôi có thể làm được gì thì
chắc là tôi cũng cố gắng giúp. Nhưng bây giờ những điều kiện mà tôi có
thể thu nhận các anh, các chị ấy vào làm cho tôi cũng hơi khó. Trước đây
độ khoảng 5 năm thì tôi còn có công ty của riêng tôi thì tôi có thể
nhận các anh ấy vào làm. Bây giờ thì mình thấy mình bất lực quá.”
Blogger Mẹ Nấm và blogger Người Buôn Gió tại cuộc biểu tình chống TQ ngày 7/8/2011 ở Hà Nội. Courtesy AnhBaSam.
Trong những ngày này, đa số những người tham gia biểu tình bị sách nhiễu
chọn giải pháp im lặng để được yên thân, thế nhưng bạn bè và những
người dân yêu quý họ đều tin rằng những khó khăn hiện tại không thể làm
họ nhụt chí.
Blogger mẹ Nấm, tức Như Quỳnh, chia sẻ:
"Quỳnh
thì Quỳnh nghĩ là mọi người không nhụt chí, bởi vì những bạn trẻ như
Nam, Phương, Long, họ đều nói là không làm được nghề này họ sẽ làm nghề
khác. Quan trọng là họ được sống với chính họ.”
Nhận xét về
việc phong trào biểu tình tại Hà Nội đã tạm thời lắng xuống sau những
đợt bắt giữ, trấn áp, thậm chí theo dõi, mời làm việc của lực lượng an
ninh đối với những nhân vật nổi bật trong các đợt biểu tình, blogger mẹ
Nấm nói:
"Có thể họ nhụt chí ở một thời điểm nào đó, không dám
xuống đường đi biểu tình bây giờ. Nhưng về mặt ý thức, họ lại được nâng
cao. Họ sẽ đi tìm hiểu tại sao những người đi biểu tình bị đối xử như
vậy. Cho đến tận giờ phút này, không đi biểu tình nữa, vẫn bị đối xử như
vậy, tức là người ta muốn triệt tiêu tính đối kháng ở trong mỗi con
người bằng cách gây khó dễ như vậy. Có thể nhìn bên ngoài mình thấy mọi
người nhụt chí hay là sợ, không dám đi biểu tình nữa, nhưng thiệt ra với
cái nhìn của Quỳnh, Quỳnh thấy cái đó khiến cho người ta đi chậm lại và
trưởng thành hơn trong nhìn nhận.”
Cũng giống như blogger mẹ
Nấm, nhiều người quan tâm đến câu chuyện biểu tình tin rằng có thể việc
sách nhiễu, đe dọa, đàn áp về tinh thần và vật chất sẽ làm chậm lại
bước đi của những người yêu nước chân chính trong những phong trào biểu
tình chống Trung Quốc. Nhưng biết đâu, chính nhờ việc bước chậm lại, họ
sẽ lại bước mạnh và bước vững hơn trong tương lai?