Thùy Linh
- Bầu Kiên bị bắt. Mình biết tin đó vào nửa đêm qua trên FB. Chỉ trong
hơn một phút đã có cả 1000 bạn nhấn nút like. Gần như những gì đọc được ở
các comment là thái độ vui mừng, hân hoan. Cũng dễ hiểu khi người ta
chờ đợi quá lâu cho sự trả giá những tai ương mà đám lợi ích nhóm, nhưng
băng đảng, bố già mafia đang điều khiển mọi hoạt động của xã hội bởi sự
bảo kê của quyền lực quá lâu. Nhiều người đồn đoán về sự thay đổi đang
đến (?). Những ngột ngạt, khổ sở, bất minh, bất công… nhiều chục năm qua
khiến ai cũng mong có sự thay đổi. Thậm chí nghĩ đơn giản rằng: cứ thay
đổi đã, bất kẻ sự thay thế đó là gì, sau đó mới tính tiếp…
Tại sao rất lâu trong xã hội lấy nho giáo làm nền tảng đạo đức lại có
một tình yêu điên cuồng, khát vọng cháy bỏng đến vậy với tiền bạc khiến
người ta không còn cả liêm sỉ khi lao vào kiếm tiền? Mình đã thử hỏi
chuyện nhiều cô cậu học trò quen biết về nguyện vọng thi đại học thì hầu
hết đều mong muốn thi những ngành nghề liên quan đến tài chính, kế toán
dù không thích. Chả thế mà vài trường đại học đã không tuyển đủ số sinh
viên cho các ngành nghề thuộc lĩnh vực nhân văn như ngôn ngữ, môi
trường, lịch sử… Rất ít và hãn hữu có cô, cậu nào đó dám theo đuổi mơ
ước mà họ yêu thích với cái nghề dự báo trước là sẽ nghèo, lương ít.
Đồng tiền đã chi phối ngay từ nguyện vọng, mơ ước của người ta. Và đã
lập trình cho con đường làm giàu ngay từ mơ ước thì đương nhiên họ phải
đi theo tiếng gọi của tiền bạc. Liệu có ai hy sinh mơ ước của mình để
theo đuổi nghề nghiệp kiếm tiền lại chấp nhận sống thanh đạm, biết đủ?
Mình hoàn toàn không có ý trách đám trẻ về chuyện này khi bản thân xã
hội không đủ sức mạnh lôi cuốn giới trẻ dám thực hiện mơ ước của họ.
Những rõ ràng sự yếu đuối trước cuộc sống luôn bị ám ảnh về sự no, đói;
sức hấp dẫn lôi cuốn về cuộc sống xa hoa vật chất hàng ngày chường mặt
trên báo chí, hay trở thành lối sống, tín điều bám chắc trong tư duy của
người Việt hôm nay dường như là vô tận… Hầu như tất cả mọi người đã bị
cơn mê sảng về tiền bạc làm cho mụ mị, nhất là những kẻ như bố già Kiên
và các quan chức. Họ tự tin đến mức ngông cuồng khi tạo dựng đế chế bất
khả xâm phạm trong nhiều năm để kiếm tiền, thâu tóm tiền bạc, của cải
của xã hội vào một nhóm người.
Dân gian ta hay có từ kép thật tài tình: tiền bạc, tiền tệ, bổng lộc, lương lậu…
Đương nhiên những bạc, tệ, lộc, lậu… ấy khi lần bò tìm đường đi cho nó
không thể không để lại những dấu vết không khó cho người khác nhận ra.
Chả khác gì rãi rớt của con ốc sên rải theo sau vết bò của nó. Tại sao
đến giờ này khi nền kinh tế kiệt quệ, đời sống dân chúng lầm than, cơ
khổ, mọi việc tồi tệ và không thể đứng được nữa mới quyết định cho nó…
đổ? Chiều nay trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng
nhà nước nói việc thành lập Hội đồng sáng lập của ngân hàng ACB là
không đúng với qui chế. Ô hay, giờ mới nói là nó sai khi nó chường mặt
trước bàn dân thiên hạ nhiều năm? Sức mạnh tiền bạc không lẽ đã làm nên
sức mạnh của bất tự trọng, không chùn bước trước bất cứ cản trở nào trên
con đường làm giàu? Bỗng ghét câu tổng kết của dân gian: "Có chí làm
quan, có gan làm giàu” mà nhiều người lấy đó làm động lực cho bản thân
họ… Có lẽ nên thay chữ "chí” bằng chữ "trí” thì đúng hơn? Và cái "gan”
này cũng nên được hiểu là con người nên tiên lượng trước sự thử thách
bản lĩnh của mình khi giàu có? Để có tiền và giàu có, liệu có gan làm
những việc xấu xa, bán rẻ lương tâm, chấp nhận sự vô sỉ được không? Có
gan đối diện với nhà tù và tính mạng không? Vậy nên kiếm tiền và nhiều
tiền chưa thể làm nên quyền lực của cá nhân đó. Sức mạnh cuối cùng để cá
nhân tồn tại bền vững là sự hiểu biết sâu xa về lĩnh vực tài chính,
thậm chí với tất cả cái "bạc”, "tệ” của đồng tiền. Sự hiểu biết này lại
cũng không chỉ trông chờ vào mấy thứ kiến thức sách vở, kinh nghiệm đối
phó với cuộc đời, cách giải quyết khủng hoảng, biết tận dụng cơ hội như
thế nào…, mà còn tùy thuộc vào chỉ số "cảm xúc trí tuệ” và nhân cách
được hình thành nên con người đó. Mà cái này quá thiếu ở các quan chức
trong chính quyền, càng lên cao, chức vụ càng lớn, dễ tiếp xúc với cơ
hội kiếm tiền, nhân tiền hối lộ thì càng là một thử thách không dễ vượt
qua. Với các "đại gia”, nhóm lợi ích thì họ hình như không đếm xỉa đến
sự hiểu biết mang đầy cảm xúc nhân văn và hiểu đời để xây dựng giàu có
bền vững cho chính họ và gia đình. Khi không có kiến thức cơ bản làm
giàu thì không thể giữ và điều khiển được đồng tiền vốn luôn lưu chuyển
trong một thế giới đầy biến động thì tất nhiên họ sẽ bị nó điều khiển
lại. Mà khi đã bị tiền điều khiển đầy thụ động thì cái cuối cùng gặt hái
được là "tệ” và "bạc”. Đồng tiền vốn tự thân không xấu, không tốt.
Nhưng nó sẽ thay màu khi con người cầm đến và sử dụng. Nó sẽ thành "tín
dụng đen”, "tiền bẩn”… Khi qua "đường hầm” đen tối, xấu xa đó, đồng tiền
lại tiếp tục hành trình tự thân của nó, không xấu, không tốt, dù người
ta có tìm cách "rửa tiền”.
Mới chỉ là màn dạo đầu cho những diễn biến tiếp theo sau đây? Có phải
thực sự cuộc chỉnh đốn Đảng CS đã phát huy tác dụng? Liệu còn bao nhiêu
thế lực hắc ám đẩy dân tộc, đất nước đến lầm than này phải ra trước vành
móng ngựa? Liệu có sự thỏa hiệp nào giữa những người mong muốn chỉnh
đốn Đảng CS thực sự với những kẻ tay trót nhúng chàm? Liệu có kẻ nào sau
thời gian dài vơ vét sẽ được hạ cánh an toàn sau cuộc chấn chỉnh này?
Liệu đất nước có đòi lại của cải đã mất vào tay các bố già, đám mafia,
nhóm lợi ích? Nhiều lắm những câu hỏi cần trả lời…
Chợt nhớ, hôm qua thôi, tòa án Trung Quốc đã ra bản án tử hình cho Cốc
Lan Khai với án treo. Cái khiến chúng ta có quyền nghi ngờ vì hệ thống
pháp luật, cách xử lý khủng hoảng của hai nước có cùng sự tương đồng về ý
thức hệ dường như không có gì khác biệt. Sự nghi ngờ nằm ở từ "treo”
đầy co giãn này… Bà phu nhân họ Cốc có thể sẽ được giảm án sau 2 năm? Bà
ta có thể chỉ ngồi tù tượng trưng rồi được thả? Tài sản bất minh của bà
ta vẫn được bảo tồn và đủ để bà ta sống đầy đủ đến chết ở nước ngoài?
Và chiều nay, nghe ông Thống đốc Ngân hàng nhà nước vừa trả lời trong
phiên chất vấn thấy nhiều vấn đề đại sự quốc gia dễ như bỡn vì chắc có… "quyết tâm chính trị" như
ông Chủ tịch Quốc hội hỏi: làm thế nào để xử lý nợ xấu và từ giờ đến
cuối năm sẽ xử lý được bao nhiêu? Nếu chính quyền chỉ cần "quyết tâm chính trị"
để giải quyết các vấn nạn quốc gia thì sau việc xử lý các bố già, đám
mafia, nhóm lợi ích thao túng xã hội xong thì chắc mọi việc lại đâu vào
đấy.
Không có cái gì đi mà không thành đường. Đồng tiền cũng vậy. Con đường
đó sẽ mang lại vinh hay nhục thì con người có thể quyết định được cho
bản thân mình và gia đình họ.
Hãy chờ xem con đường mà các đại gia, bố già, nhóm lợi ích tạo dựng lâu
nay là thế nào? Không hẳn là niềm vui ở việc bắt bớ, giam cầm những con
người này, mà là nỗi phấp phỏng vì nhiều cái giá án dựng lên chỉ để…
treo?