Nguyễn Ngọc Quang Đồng Nai ngày 15/07/2010
| Anh Trương Văn Sương đang trò chuyện cùng Linh mục tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Lý
|
Trước đây, tôi đã kể cho quý vị nghe về anh Đại Úy Nguyễn Hữu Cầu, một người bạn tù của tôi qua bài viết "34 NĂM "GIẢI PHÓNG”, 33 NĂM TÙ ĐÀY” đăng ngày 06/10/2009. Nay tôi lại mời quý vị ghé mắt qua một phần rất nhỏ trong cuộc đời của vị anh hùng khả kính: TRƯƠNG VĂN SƯƠNG.
Tôi
chưa một lần gặp anh Trương Văn Sương trước đây. Như nhiều người, tôi
yêu quý anh ấy qua những thông tin trên các trang mạng. Đối diện với
cái ác, tôi cũng khá cứng rắn. Nhưng không biết sao, trước những tình
yêu cao thượng tôi mềm nhũn ra như một con mèo con. Tôi viết những dòng
chữ này đến quý vị với đôi mắt nhòa đi vì những giọt nước mắt sung
sướng không thể dùng lời, sau một chuyến đi Sóc Trăng về. Sau hơn hai
giờ ngồi nói chuyện với anh Sương, tôi mới thấy được một sự thật: Mình
quá nhỏ! Tệ thật!
Sáng sớm ngày 12/07/2010, Tôi nhận được điện thoại của một người anh bạn từ Cambodia là Mục Sư Ngô Đắc Lũy: -
A-lô, Quang hả? Có phải là anh Nelson Mandela được thả ra rồi không?
(Tôi và Mục sư Lũy thường gọi anh Sương là Nelson Mandela khi nói
chuyện với nhau) - Thế à! Đợi em một tí để em kiểm chứng trước nhé!
Tôi
liền gọi cho anh Nguyễn Khắc Toàn, và được anh cho biết đó là thông tin
chính xác. Anh Sương được thả ra từ bệnh viện Phủ Lý vào lúc 4:00 ngày
12/07/2010 và anh Toàn cho tôi số phone của Trương Văn Dũng, con trai
đầu anh Sương để liên lạc. Tôi tức tốc xác nhận tin với Mục sư Lũy. Sau
đó, tôi gọi liên tục đến Dũng, nhưng hoàn toàn không liên lạc được. À!
tôi hiểu rồi! đó chẳng qua là chuyện vặt của các thằng đầy tớ nghịch
ngợm của mình đó mà! Không sao! Tôi gọi con gái đến: - Thảo đến ba nhờ tí nhé, con xuống tiệm bán điện thoại ở ngã ba mua cho ba một cái simcard mới nhé!
Thế
là mọi chuyện được giải quyết một cách dễ dàng. Khoảng 11:30 tôi liên
lạc được với Dũng, được Dũng cho biết hiện đang ở Đà Nẵng, trên đường
đi cùng ba về Sóc Trăng, có xe của trại giam đưa về cùng bác sỹ đi theo
để chăm sóc sức khỏe cho ba. Tôi biết trên xe có công an áp giải nên
không nói thêm. Bấm nút tắt đện thoại, hai dòng nước mắt tuôn ra không
ngăn được. Tôi chỉ biết nói với quý vị rằng: Quá sướng! quá đã! Tôi
không biết phải dùng từ gì hơn. Tôi hô vang trong nhà: Hoan hô Trương
Văn Sương! Hoan hô Trương Văn Sương! Vợ tôi dưới bếp chạy lên, nhìn thấy hai mắt còn ướt, vợ tôi hỏi: - Có gì mà anh vui quá đỗi vậy? Vì vợ tôi biết tôi chỉ khóc khi vui thôi. Tôi gọn lỏn: - Anh Trương Văn Sương về rồi! Chấm hết!
Hai
mắt bà xã tròn xoe và ửng đỏ, lẳng lặng lấy ít tiền nhét vào ví cho
tôi. Tôi rất vui vì vợ hiểu, dù đang còn bị quản thúc nhưng tôi chắc
chắn phải đi.
Tôi biết, khi đưa anh Sương về nhà thì mật vụ và
công an sẽ dày đặc. Dù tôi phản đối lệnh quản chế, nhưng không vì thế
mà tôi sẽ không bị bắt khi xuất hiện tại nhà anh Sương vào thời điểm
đó. Do vậy, để có thể giúp đỡ được nhau tôi nghĩ đến Nguyễn Thu Trâm.
Tôi gọi cho Thu Trâm và được biết Trâm đang trên đường đi Bình Định dự
lễ xả tang của cố đệ nhị Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống
Nhất Thích Huyền Quang cùng với Thượng tọa Thích Thiện Minh và đang ở
địa phận Long Khánh. May quá, vì đi chưa xa! Tôi báo tin cho Thu Trâm
và đề nghị Thu Trâm đi với tôi. Thu Trâm đã đồng ý. Tôi tính toán, với
đoạn đường dài như thế thì có thể đến chiều ngày 13/07/2010 anh Sương
mới có thể về đến Sóc Trăng. Vậy là khoảng 15:00 ngày 12/07, chúng tôi
xuất phát từ ngã ba Dầu Dây. 20:30 cùng ngày, chúng tôi lên xe tại bến
xe miền tây đi Sóc Trăng. Đúng 2:00 ngày 13/07 tôi có mặt tại nhà anh
Trương Văn Sương tại địa chỉ: 124/9 đường 30/4, khu phố 2, phường 3, thành phố Sóc Trăng.
Về
gia cảnh của người tù bất khuất Trương Văn Sương sẽ có người khác thông
tin chi tiết đến quý vị. Trong phạm vi câu chuyện hầu quý vị hôm nay
tôi không đề cập đến gia cảnh anh Trương Văn Sương.
Tôi xin giới thiệu sơ lược về anh Trương Văn Sương như sau: (Thông
tin về anh Sương khá đầy đủ trên các trang mạng qua các bài viết của
các anh Lê Minh, Nguyễn Khắc Toàn, nhà văn Tưởng Năng Tiến v.v.. Tôi
chỉ đưa thêm những thông tin thiếu hoặc do khách quan mà sai lệch) Thiếu Úy Địa Phương Quân (không phải Trung Úy như những thông tin trước đây) Trương Văn Sương. Sanh năm: 1943 Ngày nhập ngũ: 01/06/1967 Số quân: 47/315.717 KBC : 4852 Chức vụ cuối cùng: Phân Chi Khu Trưởng xã Mỹ Hương, Quận Thuận Hòa, Tiểu Khu Ba Xuyên. Trong
Quyết định Tạm Đình Chỉ Chấp Hành Án Phạt Tù dưới đây cho rằng, anh
Trương Văn Sương chính là anh Mai Văn Hạnh là không đúng. Nhà cầm quyền
Cộng Sản Hà Nội cố tình gán cho anh Sương với cái tên Mai Văn Hạnh để
giết anh, vì thấy rõ được tinh thần bất khuất, ý chí sắt đá và đặc biệt
là khả năng lãnh đạo kháng chiến được nuôi dưỡng bởi lòng yêu nước nồng
nàn của anh. Sau khi Phó Chủ Tịch Mặt Trận Thống Nhất Các Lực Lương Yêu Nước Giải Phóng Việt Nam
Mai Văn Hạnh đã minh định chính mình mới là Mai Văn Hạnh thì CSVN đành
phải xử anh chung thân nhưng vẫn không sửa sai mà vẫn ghi trong hồ sơ
tên khác của anh là Mai Văn Hạnh. Xin lưu ý với quý vị rằng địa chỉ
hiện nay của anh Trương Văn Sương đúng như tôi đã đưa ở trên chứ không
phải như trong Quyết Định Tạm Đình Chỉ Thi Hành Án Phạt Tù mà tôi gắn
vào bài viết này.
Khoảng 7:00 ngày 13/07, tôi gọi cho Dũng mới
biết rằng đêm 12/07, do bị mệt nên anh Sương được đưa vào bệnh viện Đa
Khoa Đà Nẵng nghỉ lại, 4:00 sáng sớm 13/07 mới tiếp tục đi. Do vậy tôi
bàn với Thu Trâm lên Chợ Mới, An Giang thăm một số anh em tính đồ Phật
Giáo Hòa Hảo Truyền Thống. Tối 13/07 tôi ở lại huyện Chợ Mới, An Giang,
vì Dũng cho biết ba đang nghỉ lại khách sạn Lotus, nằm trên đường
Nguyễn Trãi, đối diện với Bộ Công An tại Sài Gòn. Nếu thuận tiện, tôi
sẽ hầu chuyện cùng quý vị về chuyến viếng thăm anh em tín đồ PGHH
Truyền Thống trong một dịp khác.
5:00
ngày 14/07, anh em chúng tôi trở lại Sóc Trăng từ huyện Chợ Mới, tỉnh
An Giang. Khoảng 8:00, cháu Tài em của Dũng gọi cho tôi báo không nên
đến nhà lúc này vì thấy rất nhiều công an triển khai tại khu vực. Tuy
nhiên, tôi và Thu Trâm vẫn đến khu vực ấy để xem thử coi chính quyền
Sóc Trăng "tổ chức đón tiếp” người anh hùng khả kính của chúng tôi như
thế nào. Tôi không mô tả thêm về tình hình cảnh sát triển khai vào thời
điểm đó như thế nào, vì đã có một tác giả mang bút danh Thuốc Đắng đã
đưa tin rất chính xác vào lúc 11:45 ngày 14/07 rồi.
Từ trưa
ngày 14/07, tôi đã gọi nhiều lần cho cháu Trương Văn Tài – em của Dũng,
nhưng lần nào cháu cũng bảo chưa vào được, khi nào vào được thì cháu sẽ
gọi cho tôi. Khoảng 14:30, cháu Tài gọi cho tôi nói rằng đã đưa ba đi
thăm bà cô. Cháu bảo tôi hãy vào nhà lấy hành lý. Tôi hiểu, Anh Trương
Văn Sương không muốn gây phiền phức cho chúng tôi khi gặp anh ấy tại
nhà, vì quá nhiều công an và mật vụ theo anh ấy. Bí thế, tôi gọi cho
anh Nguyễn Khắc Toàn nhờ anh Toàn giải thích. Sau khi nghe anh Toàn
giải thích, anh Sương đã nói chuyện với tôi qua phone cho biết là anh
lo lắng cho an nguy của chúng tôi chứ không phải ảnh sợ công an. Tôi
phá lên cười nói với anh ấy rằng: "Em sợ thì đã trốn biệt ở Đồng
Nai rồi chứ xuống đây làm gì. Báo cho anh biết để anh khỏi phải lo lắng
là em mới về trước anh mới 10 tháng thôi!”. Anh Sương cười: ”Sao không nói trước?, ai mà biết Quang cũng đã qua một khóa rồi! Vậy thì Quang cứ ngồi ở nhà cháu Dũng, tôi sẽ về ngay”.
Khoảng 20 phút chờ đợi, cháu Tài đưa anh Sương về nhà của Dũng. Chúng tôi đứng dậy bắt tay chào anh khi anh bước vào nhà: - Em chào anh. Em là Quang – Tôi quay qua ThuTrâm – còn đây là Thu Trâm, đến thăm anh từ Bình Dương. Anh cười thật hồn hậu, bộc trực đúng chất miền Tây Nam Bộ: - Nguyễn Ngọc Quang phải không? Nguyễn Ngọc Quang thì nói là Nguyễn Ngọc Quang đi, cứ Quang Quang làm tôi lo. - Sao anh biết họ của em? -
Anh Toàn vừa xác nhận là Nguyễn Ngọc Quang và cô Thu Trâm. Hơn nữa,
những ngày tháng sau này tôi ở và ăn chung với Nguyễn Văn Đài mà! Anh mời tôi và Thu Trâm ngồi xuống nền nhà cùng nói chuyện. Anh tươi cười: - Quang cũng đã ở trỏng mới ra à? kể cho tôi nghe với! - Nếu có dịp, em sẽ kể. Hôm nay đến đây chào mừng anh, thăm anh và để nghe anh nói.
Tôi
nhìn anh, nghe anh kể về những tháng ngày tù tội. Với tôi, anh không kể
về những khắc nghiệt trong nhà tù, vì có lẽ anh biết là tôi ít nhiều
cũng đã biết rồi. Anh kể cho tôi nghe những kỷ niệm đấu tranh trong tù
và tình yêu trong những anh em bạn tù chính trị. Suốt từ năm 1985 về
sau, mỗi năm anh bị cùm ít nhất hai lần trong hai quý viết kiểm điểm
(Anh đã nói rất rõ khi trả lời phóng viên Thanh Quang của đài RFA rồi).
Có một chi tiết thật thú vị là sau mỗi lần viết kiểm điểm anh luôn ký
xong và lăn dấu hai ngón tay trỏ của mình vào để chứng tỏ rằng: Bản
kiểm điểm này do chính Trương Văn Sương này viết chứ không ai khác. Anh
thường hay bị bịt miệng và xốc nách khiêng khi bị đem đi cùm vì khi đi
qua các phòng anh hô rất to: "Đả đảo Cộng Sản”. Xin
mời quý vị hãy nghe anh kể về nội dung trước sau như một của tất cả các
bản kiểm điểm, thông qua trả lời câu hỏi của phóng viên Thanh Quang:
"Trước
đây thì tôi cũng là người chống đối cực kỳ tại trại giam Nam Hà. Tất cả
anh em đó đều gọi tôi là người hùng. Cứ 6 tháng đầu năm là tôi bị đi
cùm, biệt giam, kỷ luật. Mỗi năm thì tôi bị đi 2 lần như vậy. Không có
gì khác hơn là họ bảo tôi viết một bản kiểm điểm. Tôi viết bản kiểm
điểm với nội dung như sau: Chúng tôi khẳng định rằng chúng tôi vô
tội. Chúng tôi là những người có công với đất nước. Mặc dù chúng tôi
không đắp được một con đường hay xây được cái nhà, nhưng chúng tôi là
những người đã đem mồ hôi, nước mắt, xương máu để đấu tranh cho nhân
quyền, tự do, dân chủ cho VN. Còn nói những người có tội, thì
chính đảng CSVN là những người có tội. Họ đã 2 lần gây thêm thù và bớt
bạn. Bằng chứng là năm 1954, họ đã cải cách ruộng đất, cải tạo công
thương nghiệp, giết chết hàng triệu người Miền Bắc vô tội. Và lần thứ
hai là vào năm 1975, khi chiếm được Miền Nam, họ bày ra tập đòan, tập
thể, thu gom, làm cho người dân VN bất mãn, kể cả giới xe lôi, xe kéo,
nông dân và những trung nông giàu có... đều bị đánh tư sản. Dân VN
không thể sống nỗi nên họ mới bế bồng nhau đi vượt biên, tức xuống
thuyền ra ngòai biển để làm mồi cho cá – cũng gần cả triệu người. Chính
quyền hiện tại là một chính quyền thối nát, tham nhũng. Những đảng
viên, những người chức quyền, họ mới có cái quyền tham nhũng. Còn những
người bán rau, dân xe lôi, xe kéo...thì làm gì có chuyện đó. Cho nên
chúng tôi mới khẳng định rằng chính quyền nầy, chúng tôi không ủng hộ,
không tán thành. Hơn nữa, họ còn bán đảo Hòang Sa, bán Trường Sa, rồi
bán một phần đất liền dọc theo biên giới Việt-Trung gần 70 km2 – gần
bằng diện tích của tỉnh Bắc Ninh. Điều đó chứng tỏ họ bán đất, bán đảo,
họ hiến dâng như vậy để củng cố địa vị của họ trong Bộ Chính trị. Với
những điều vừa nêu, chúng tôi khẳng định rằng chúng tôi là người vô
tội, còn đảng CSVN mới là người có tội. Vì thế chúng tôi mới yêu cầu họ
phải thả chúng tôi vô điều kiện. Chẳng những thế, mà họ còn phải có lời
xin lỗi trước quốc dân đồng bào VN về sai trái của họ để dư luận quốc
nội và hải ngọai minh oan cho chúng tôi là những người tù chính trị VN
phải chịu hàm oan suốt hơn 30 năm nay. Với nội dung tôi viết như vậy,
lúc nào họ cũng kiềm kẹp, hành hạ, kỷ luật tôi một cách khổ sở. Lúc đó
sức khỏe tôi còn tuổi trẻ. Nếu già như bây giờ thì tôi đã chết mất rồi".
Anh nói thêm với tôi rằng: "Bán
đất, bán biển của Tổ Quốc để củng cố quyền lực, quyền lợi là hành động
bán nước cầu vinh. Tội bán nước cầu vinh của đảng Cộng Sản là cái tội
Trời tru, Đất diệt. Muôn đời sau lịch sử sẽ không quên”
Thật!,
trước mặt tôi hiện tại là một Trương Văn Sương bằng xương, bằng thịt mà
tôi ngỡ như trong mơ. Nấp đằng sau một thể xác tàn tạ vì rất nhiều bệnh
tật là tặng phẩm của đảng Cộng Sản Việt Nam, là một tinh thần hết sức
kiên cường và một ý chí sắt thép. Tim anh bị suy độ 4, nhưng tình yêu
chứa trong trái tim ấy không hề suy chút nào!
Trước đây, khi nói
chuyện về Anh, Mục sư Ngô Đắc Lũy và tôi thương gọi Anh là Nelson
Madela. Nhưng nay, tôi không gọi Anh là Nelson Mandela nữa, mà tôi gọi
Anh là TRƯƠNG VĂN SƯƠNG, vì Anh đã phá vỡ kỷ lục ở tù trước đây do ông
Nelson Mandela nắm giữ. Anh chỉ thua một người duy nhất - cũng là người
Việt Nam: Đại Úy Nguyễn Hữu Cầu! Thật là một kỷ lục đáng tủi hổ cho
lịch sử nước Việt! Kỷ lục về sức chịu đựng sự tàn bạo, man rợ của một
chế độ từng tồn tại trong lịch sử nước Việt! Quý vị vui được không? Có
tự hào được không khi người Việt của mình nắm giữ kỷ lục đó? Câu trả
lời xin dành cho tất cả mọi người.
Để thay lời kết, tôi xin gởi lên đây những tấm hình – với chú thích của tôi. Xin quý vị thêm lời bình:
| Từ phải qua : Anh Trương Văn Sương, tác giả, cô Nguyễn Thu Trâm
|
| Anh Trương Văn Sương với đôi giày, mũ len là kỷ vật của Linh Mục Tù Nhân Lương Tâm Nguyễn Văn Lý
|
| Di ảnh của hiền thê anh Trương Văn Sương
|
|