
Mục sư Dương Kim Khải.
Cơ
quan chức năng Việt Nam vừa cho bắt giữ một số người trong nước và cho
rằng họ vi phạm Điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam, tức có âm mưu lật đổ
chính quyền. Trong số này có một số là người dân lâu nay đi khiếu kiện
về vấn đề đất đai, nhà cửa của họ bị trưng thu mà không bồi thường thỏa
đáng. Vậy thực tế ra sao?
Giúp dân oan cũng bị bắt
Vào ngày 10 tháng 8 vừa qua, một vị mục sư hiện sinh sống tại tổ 33,
phường 27, quận Bình Thạnh là ông Dương Kim Khải bị bắt đi. Việc bắt
giữ khẩn cấp vị mục sư này được cho hay có liên quan đến những người
dân oan từ tỉnh Bến Tre, đã được ông này truyền giáo theo đạo Tin Lành:
"Họ bắt hai tín hữu Tin Lành ở bến Tre hồi ngày 18 tháng 7, rồi đến
ngày 10 tháng 8 đến đưa MS Dương Kim Khải đi.”
Đến ngày 26 vừa qua, con trai ông này mới được một công an mật vụ
tại thành phố Hồ Chí Minh, tên Tâm, thông báo miệng là ông này bị bắt
vì có những dân oan tại tỉnh Bến Tre bị bắt khai ông có tham gia Đảng
Việt Tân. Đây là một đảng chính trị có trụ sở tại Hoa Kỳ và bị chính
quyền Hà Nội lâu nay cáo buộc là một tổ chức khủng bố.
"Họ nói do những người ở Bến Tre khai có dính đến Việt Tân, chống đối Nhà Nước gì đó.”
Cũng vào ngày 10 tháng 8, cơ quan địa phương tại Đồng Tháp cũng đến
gia đình bà Bùi Thị Nở tại ấp Long Thái, xã Long Khánh, huyện Hồng Ngự
tỉnh Đồng Tháp bắt cô con gái Trần Thị Thúy đi, và có những hành vi
đánh đập đối với anh Trần Thanh Tuấn, cũng là con bà Bùi Thị Nở như lời
kể của chính bản thân anh này như sau: "Hôm ngày 10 tháng 8 họ vào còng
nhà tôi, bắt bà Trần Thị Thúy đưa đi. Lúc đó tôi đi mua lúa về gần đến
nhà thấy đông. Rồi ông công an Lực tổ chức bắt tôi đánh. Nay tôi đi xét
nghiệm có kết quả cho thấy tổn thương sọ não, xương sườn.”
Một người dân tại cùng địa phương với anh Trần Thanh Tuấn chứng kiến
việc anh này bị đánh đập có phát biểu với Đài Á Châu Tự do như sau về
sự việc đó: "Tôi là người dưng thôi; thấy người ta bu đông không biết
chuyện gì; ghé thì thấy đánh cậu Tuấn. Nói xin lỗi, khảo tra cũng phải
có phòng, có nơi; còn đây ở ngoài đường, ngoài xá mà đánh đập người ta
thế thì làm sao sống được. Tôi từng là người cách mạng, sống với mấy
ông cách mạng rất lâu; chứ không phải người của bên ‘ngụy’ đâu. Thế
nhưng tôi thấy làm vậy là không được.”
Chúng tôi cố liên lạc với cơ quan công an tỉnh Đồng Tháp và huyện
Hồng Ngự để tìm hiểu thông tin mà chính anh Trần Thanh Tuấn kể lại và
nhận xét của một người chứng kiến, thì một công an tên Hiền làm việc ở
Hồng Ngự cho rằng không hay biết gì vụ việc đó:
Dzụ đó hổng nắm đâu.”
Bà Bùi Thị Nở cho hay, một cán bộ công an là Thượng Tá Nguyễn Văn
Tâm, ở Bến Tre có thông báo cho gia đình bà biết là con gái Trần Thị
Thúy của bà bị bắt vì có dính líu đến Đảng Việt Tân: "Giấy của mấy ông
dưới Bến Tre gửi lên trưa nay, nói chống phá Nhà Nước gì đó.”
Bắt trước, định tội sau
Hồi ngày 13 tháng 10 vừa qua, giáo sư Phạm Minh Hoàng, giảng dạy tại
Đại học Bách Khoa, thành phố Hồ Chí Minh, cũng bị an ninh bắt đi. Phía
cơ quan an ninh cũng thông báo cho gia đình giáo sư lý do bị bắt là vì
vị giáo sư này tham gia Đảng Việt Tân.
Vào sáng ngày 30 tháng 8. Bà Lê thị Kiều Oanh, vợ giáo sư Phạm Minh
Hoàng, cho biết các thông tin mới nhất về trường hợp của ông này với
cáo buộc từ phía an ninh cho rằng ông tham giả Đảng Việt Tân:
"Hôm rồi khi mời tôi lên điều tra, họ cho tôi xem thư mà chồng tôi
gửi cho tôi. Không hiểu sao trong thư anh có nhận có cộng tác với Việt
Tân: viết những bài báo với bút hiệu Phan Kiến Quốc. Thật sự tôi không
rõ về vấn đề này, nhưng việc chồng tôi viết báo tôi không lấy làm lại.
Bởi việc một nhà trí thức bức xúc trước một vấn đề nào đó trong xã hội
thì anh sẽ viết và gửi; mà không gửi riêng gì cho Việt Tân, mà trên
trang Bauxite cũng có bài của chồng tôi.”
Luật sư Trần Lâm ở Hà Nội, nguyên chánh án tòa án Tòa án Nhân dân
Tối cao, nói đến tình hình bắt giam và kết tội đối với những thành phần
có chính kiến khác với nhà nước CSVN: "Bây giờ, người ta muốn trấn áp
ai, họ đưa ra nội dung này hay nội dung kia để trấn áp. Bây giờ phải
hiểu ở Việt Nam: nếu anh là phần tử hay gây phiền hà, là bắt. Sau đó
mới định tội, chứ không như ở nước ngoài, theo luật quốc tế, bắt theo
luật gì…”
Đối với những trường hợp mới bị bắt giam gần đây với cáo buộc âm mưu
lật đổ chính quyền theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam, có cả những
thành phần là nông dân có thể nói không mấy am hiểu về tình hình chính
trị của đất nước, cho đến một vị giáo sư từng du học tại Pháp và về
Việt Nam để giảng dạy, rồi có những chương trình hướng dẫn cho sinh
viên về kỹ năng cuộc sống.
Có ý kiến cho rằng nếu quả thật những nông dân chân lấm tay bùn, vì
uất ức do bất công trong giải tỏa đền bù đất đai, phẫn nộ vì những hành
xử của chính quyền địa phương để rồi ý thức đứng vào một tổ chức chính
trị như Đảng Việt Tân, thì điều này cũng không có gì khó lý giải, bởi
thực tế lịch sử Việt Nam, cũng như thế giới, từng cho thấy sự đứng lên
của tầng lớp người cùng khổ đi theo những lực lượng mang danh xưng
‘cách mạng’, đoan hứa giải phóng họ khỏi những thế lực áp bức, gây nên
những bất công mà họ phải chịu đựng./.