Thứ Tư, 03 tháng 3 2010
Hình: AP
Đại diện Thương mại Liên hiệp Châu Âu (EU) Karel de Gucht
nói rằng Liên hiệp Châu Âu muốn khởi động các cuộc đàm phán chính thức
với Việt Nam về một Thỏa thuận Thương mại Tự do càng sớm càng tốt.
Tuy
nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề được coi là nhạy cảm cần phải được giải
quyết trước khi hai bên có thể đạt được một thỏa thuận chính thức.
Một trong những vấn đề nhạy cảm đó là vấn đề nhân quyền.
Theo
bản tin của Deutsche Welle thì việc thông qua thỏa thuận thương mại
chính thức sẽ phụ thuộc vào việc Nghị viện Châu Âu (EP) kết luận thế
nào về tình hình nhân quyền ở Việt Nam sau những vụ trấn áp các nhà
hoạt động dân chủ gần đây.
Trong khi đó, Hãng thông tấn DPA
trích lời ông De Gucht nói rằng các cuộc đàm phán về Thỏa thuận Thương
mại Tự Do không hoàn toàn phụ thuộc vào việc Liên hiệp Châu Âu đánh giá
về thành tích nhân quyền của Việt Nam, tuy nhiên bất cứ hiệp định nào
cũng sẽ phải được Nghị viện Châu Âu thông qua, và Nghị viện Châu Âu là
cơ quan sẽ duyệt xét những vấn đề như vậy.
Còn nhớ, hôm 26/11/2009, Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết về nhân quyền Việt Nam, trong đó kêu gọi Hà Nội thả tất cả các nhà hoạt động nhân quyền, các tù nhân lương tâm và chính trị.
Các
nghị viên Châu Âu cũng yêu cầu Việt Nam "thả vô điều kiện" nhà tu hành
bất đồng chính kiến Thích Quảng Độ và "tái lập Giáo hội Phật giáo Việt
Nam Thống nhất" hiện bị cấm hoạt động tại Việt Nam.
Ngoài ra, EP
cũng kêu gọi chính phủ Việt Nam "hạn chế vi phạm tự do ngôn luận, tự do
tôn giáo và tự do hội họp." Cơ quan lập pháp của Châu Âu này cũng đề
nghị "đưa một điều khoản bắt buộc thực hiện và cụ thể về nhân quyền và
dân chủ vào tiến trình đàm phán về Hiệp định Đối tác và Hợp tác mới với
Việt Nam".
Ngoài vấn đề nhân quyền, vấn đề thuế chống bán phá giá cũng được coi là một vấn đề nhạy cảm.
Ông
De Gucht nói rằng thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng giày của Việt
Nam sẽ tiếp tục được áp đặt bởi các cuộc điều tra cho thấy các công ty
của Việt Nam vẫn xuất khẩu giày với mức giá thấp hơn giá thị trường.
Hồi
tháng 12 năm 2009, Liên hiệp Châu Âu đã gia hạn thuế chống bán phá giá
thêm 15 tháng đối với mặt hàng giày của Việt Nam và Trung Quốc với lý
do hai nước này xuất khẩu mặt hàng này với mức thấp hơn mức giá thông
lệ trên thị trường địa phương.
Tháng 2 vừa qua, Trung Quốc đã
đệ đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới đề nghị bãi bỏ mức thuế này, tuy
nhiên Việt Nam vẫn chưa có hành động tương tự.
Được biết Liên hiệp Châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ.
Năm
2009, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa với tổng trị giá đạt 9,3 tỷ đôla sang
thị trường EU. Các mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm giày dép, hàng dệt
may và hải sản.
Nguồn: Deutsche Welle, DPA, AFP
|