Ngô Nhân Dụng
Một bạn ở Hà Nội cho biết anh cứ tưởng mối lo lớn nhất của nhà nước
trong hai ngày qua là vụ cái hầm cầu ở phi trường Nội Bài. Sau trận mưa
hầm cầu bị nứt, nước nhơ bẩn tràn ra, ngập cả sân bay.
Nguyên do là vì nước mưa ngập không có lối thoát, chất phế thải từ dưới
hầm chui lên, máy bay đang chờ khách phải đóng cửa cho đỡ ngửi mùi xú
uế. Nhờ báo chí loan tin vụ này, với tựa đề, "Sân bay quốc tế Nội Bài
bục bể phốt” mà dân ta học thêm được một tên gọi cái hầm cầu, tên chữ
gọi là cái Bể Phốt. Chữ Phốt có lẽ do chữ Pháp fosse, cái hầm, cái hố,
tiếng Tây gọi hầm chứa các chất phế thải là fosse septique, dịch sang
tiếng Anh là septic tank. Cái sân bay của thủ đô, giống như cái cổng
chính ngôi nhà mở ra thế giới, tại một nước Việt Nam đang tìm đường
tiến tới Chủ Nghĩa Xã Hội, không lẽ lại để nước dơ chảy đem mùi hôi
xông lên nồng nặc như vậy! Chắc Bộ Chính Trị phải quan tâm đến tai nạn
này.
Nhưng người dân đoán lòng đảng bị sai hoàn toàn. Ngay trong lúc nhà
nước chưa xử lý xong vụ nước lụt từ cái hầm, cái "phốt” tại sân bay,
thì đảng đã nhanh tay chuyển mục tiêu sang một điểm mới, bắt buộc dân
chúng phải quay mắt (hoặc mũi) về hướng khác, vào mục tiêu mới, rồi tha
hồ bàn tán với nhau. Ðề tài mới đang được dân chú ý là một cuộc "tọa
đàm” do tạp chí Cộng Sản tổ chức với đề tài lớn vô cùng: Ðổi mới chính
trị! Cuộc hội thảo ngày Thứ Ba, 10 Tháng Năm 2011 vừa qua, góp mặt
"nhiều nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu chiến lược và học viện
lớn!” Có thể coi đây là một cái bể, cái phốt chứa đầy những bộ não siêu
việt nhất của đảng và nhà nước, một cái bể tư duy!
Mạng Việt Nam Net thuật lời ông Vũ Văn Phúc, tổng biên tập tạp chí Cộng
Sản, nói trong cuộc tọa đàm rằng nếu không đổi mới chính trị cùng với
đổi mới kinh tế "đồng bộ, nhịp nhàng, ăn khớp” thì chúng sẽ cản trở lẫn
nhau. Nói cách khác, đổi mới kinh tế không đi song song với đổi mới
chính trị thì kinh tế sẽ ngừng tiến bộ. Ðây là một ý kiến đã được ký
giả nêu lên trên tạp chí Thế Kỷ 21 từ 20 năm trước, trong một bài đặt
câu hỏi "Ði Một Chân Ðược Bao Lâu?” Ý chính là: Không đổi mới chính trị
thì sẽ tới lúc các tiến bộ kinh tế sẽ ngưng lại, vì các chế độ độc tài
chuyên chế không tạo được khung cảnh để sử dụng hết các sức mạnh của
kinh tế thị trường. Bây giờ đảng Cộng Sản Việt Nam mới cho mở cuộc hội
thảo về đổi mới chính trị, nhưng lại chỉ cho các cán bộ nói chuyện với
nhau và nghe lẫn nhau, trong một cái bể khép kín mà thôi!
Tại sao họ lại chậm trễ đến 20 năm như vậy? Một vị từng làm lớn trong
Viện Báo Chí là ông Dương Xuân Ngọc nói rằng ở Việt Nam việc "đổi mới
kinh tế được nghiên cứu kỹ” còn "vấn đề về đổi mới chính trị lại chưa
được đề cập nhiều, thậm chí đôi khi né tránh.” Ðây là một nhận xét được
người dân Hà Nội đánh giá là "tuyệt vời,” vì nó chứng tỏ người phát
biểu ra câu nói đó không hề biết ở ngoài đường, trong tiệm cà phê dân
chúng đang nói những chuyện gì với nhau!
Khi nói "vấn đề về đổi mới chính trị chưa được đề cập nhiều” có nghĩa
là ông này không hề biết đến những vụ bắt giam, bỏ tù các nhà trí thức
đòi đổi mới chính trị, như Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Văn Ðài, Trần Khải
Thanh Thủy, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Ðan Quế, vân vân, cho tới Cù Huy
Hà Vũ! Ai đã bịt mắt bịt tai các ông mà quý ông lại nghĩ rằng người
Việt Nam không bàn đến đổi mới chính trị? Chỉ những bộ óc tự nhốt trong
cái hầm, cái "phốt tư duy” của đảng Cộng Sản mới có thể phát ngôn như
thế!
Hàng chục năm qua, bao nhiêu người Việt Nam lên tiếng đòi đổi mới chính
trị, đòi dân chủ hóa. Gần đây, một thanh niên 21 tuổi là sinh viên
Nguyễn Anh Tuấn quê ở Ðà Nẵng cũng mạnh dạn thách thức chính quyền bằng
cách gửi thư cho Viện Kiểm Sát Tối Cao, xin họ bắt giam và đem anh ra
xử, về những "tội” giống hệt Cù Huy Hà Vũ! Anh Nguyễn Anh Tuấn còn
trưng trên mạng bức hình chụp anh đang cầm những bài do Cù Huy Hà Vũ
viết, những bài được gọi là chứng cớ buộc tội trong vụ xử án cấp tốc
tháng trước! Anh Tuấn thách thức rằng nếu trong 20 ngày mà không bắt
anh, tức là nhà nước công nhận các tài liệu do Cù Huy Hà Vũ viết ra
không "phạm tội,” tức là chính Cù Huy Hà Vũ cũng vô tội!
Một thanh niên 21 tuổi yêu cầu cơ quan công tố cao nhất nước phải trả
lời mình theo quy tắc minh bạch, công khai; hành động đó có nghĩa anh
đang đòi nhà nước thay đổi từ quan niệm chính trị đến định chế tư pháp.
Như vậy thì nói rằng không ai đề cập đến đổi mới chính trị làm sao
được? Ngoài đường, trong quán, người ta nói chuyện đổi mới chính trị từ
hai, ba chục năm nay, các ông cứ sống trong cái hầm tư duy đóng kín của
đảng, không biết gì hết! Ðáng lẽ các ông phải mời những người đã thảo
luận vấn đề này từ 20 năm qua, như Hà Sĩ Phu, Nguyễn Ðan Quế, Nguyễn
Thanh Giang, Mai Thái Lĩnh, tới "tọa đàm” với các ông mới phải! Tại sao
cứ tự nhốt mình trong cái hầm tư duy kín mít như thế? Người dân chỉ
biết là cuộc tọa đàm này gồm toàn các "nhà khoa học” của đảng, họ nói
cho nhau nghe trong một cái hầm của đảng, không cho người ngoài được
tham dự, cũng không ai được vô dự thính! Cuối cùng chỉ có một bản tin
tóm tắt trên mạng lưới của đảng, coi như hé cửa cái hầm cho người ngoài
được ngửi một chút cho biết bên trong có những gì!
Nhưng người dân còn thắc mắc thêm, là tại sao bỗng dưng, trời không mưa
dầm, nước không ngập lụt, mà Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam lại
cho mở hé cái hầm tư duy để cho các "nhà khoa học” của họ lên tiếng nói
với nhau và nghe lẫn nhau như vậy? Nhưng nếu ai tinh ý một chút thì
thấy ngay đã có một tín hiệu được phát ra, báo trước "vụ mở cửa hầm”
bàn về đổi mới chính trị, phát ra từ năm ngoái rồi. Không, không phải
một tín hiệu loan ra trước đại hội đảng Cộng Sản. Trước, sau Ðại Hội
XI, họ vẫn nói đi nói lại là không bàn vụ thay đổi chính trị, cấm ngặt!
Cho tới khi đại hội đó bế mạc, đảng ta vẫn cương quyết đi một chân cho
tới cùng!
Tín hiệu về đổi mới chính trị được phát ra từ năm ngoái, nhưng phát ra
ở bên Tầu! Tháng Tám năm 2010, ông Ôn Gia Bảo, thủ tướng Trung Quốc đi
thăm thành phố Thẩm Quyến, đã đề cập tới vấn đề này. Thẩm Quyến là nơi
thí nghiệm đầu tiên chương trình cải tổ kinh tế của Cộng Sản Trung Hoa.
Nhân dịp họ kỷ niệm 30 năm thành lập đặc khu kinh tế Thẩm Quyến, ông Ôn
Gia Bảo tới thăm đã báo động rằng việc đổi mới kinh tế mà Thẩm Quyến đi
tiên phong, sẽ bị ngưng trệ, nếu Trung Quốc không bước đi thêm cái chân
thứ hai, là thay đổi chính trị!
Tháng Ba năm nay, sau khi bế mạc phiên họp của Quốc Hội ở Bắc Kinh, ông
Ôn Gia Bảo nhắc lại một lần nữa. Trong một cuộc họp báo, ông Ôn Gia Bảo
còn nói rõ hơn về nhu cầu cải tổ chính trị, gia tăng các quyền tự do
cho dân chúng. Ông nói chỉ có thay đổi chính trị mới giải quyết được
những nỗi oán than của dân về lạm phát, tham nhũng, môi trường sống bị
hủy hoại, và sự chênh lệch về giầu nghèo mỗi ngày một lớn hơn.
Trong một cuộc bút đàm trên mạng, ông Ôn Gia Bảo đã nhấn mạnh tới vấn
đề hạn chế quyền lực của nhà nước. Ông nói quyền hành của các quan chức
lớn quá, mà không có định chế nào kiểm soát các giới hạn cả; đó là một
nguyên nhân gây ra tham nhũng.
Cái gì của Ôn thì trả lại cho Ôn, cho nên trong cuộc tọa đàm ở Hà Nội
ông Phó Viện Trưởng Viện Chiến Lược Bùi Tất Thắng đã nhắc lại những ý
kiến của ông Ôn Gia Bảo, tức là "nếu không có sự đảm bảo về cải cách
thể chế chính trị thì các thành tựu cải cách kinh tế sẽ biến mất.” Ông
Ôn Gia Bảo còn nói: "Muốn trừ bỏ cái đất sống của nạn tham nhũng, chúng
ta cần thay đổi những định chế và hệ thống chính trị.” Cho nên, các ông
khác ở Hà Nội cũng nói giống hệt như vậy, như khi nói cần đổi mới chính
trị để "hạn chế được tầm ảnh hưởng của một vài cá nhân đến lợi ích toàn
cục” (Dương Xuân Ngọc) hoặc để "khắc phục tình trạng tha hóa, yếu kém
của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ có trọng trách cao ở
các cấp” (Thiếu tướng Lê Văn Cương).
Tướng Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng Viện Chiến Lược và Khoa Học, Bộ
Công An cũng nói giống hệt như ông Ôn Gia Bảo: "Quyền lực không được
giám sát là quyền lực sẽ bị tha hóa. Ðó là tất yếu và không có ngoại
lệ.”
Như ta thấy, những lời Ôn gia Bảo nói ở Thẩm Quyến, Bắc Kinh, đã được
lập lại ở Hà Nội trong cái "hầm tư duy” do Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản
Việt Nam cho phép mở ra. Ðây là một truyền thống lâu đời của đảng Cộng
Sản Việt Nam. Từ năm 1950, Hồ Chí Minh đã theo đường lối đó. Khi Bác
Mao hô "chỉnh huấn” thì Hồ cũng hô chỉnh huấn. Khi Mao hô "lao cải” thì
Hồ cũng thành lập các trại tù "cải tạo lao động.” Mao đấu tố địa chủ
thế nào thì Hồ cũng cải cách ruộng đất như vậy. Khi Mao hô "Bách hoa tề
khai, bách gia tranh minh” thì Hồ cũng phát động "Trăm hoa đua nở, trăm
nhà đua tiếng.” Tóm lại, cho đến nay đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn trước
sau như một tiếp tục sự nghiệp "ăn theo, nói theo” đã được Hồ Chí Minh
mở đường từ 60 năm qua! Bác đã nói theo Mao, giờ các cháu cũng biết nói
theo Ôn!
Ðiều đáng chú ý là bữa Tháng Ba vừa qua, ông Ôn Gia Bảo đã lập lại các
ý kiến về đổi mới chính trị sau khi đã nghe ông Ngô Bang Quốc, chủ tịch
Quốc Hội, nhấn mạnh trong bài diễn văn khai mạc khóa họp, rằng đảng
Cộng Sản Trung Hoa không chấp nhận cải tổ chính trị! Ông này còn dọa
các đại biểu Quốc Hội rằng nếu thay đổi thì sẽ sinh loạn! Ngô Bang Quốc
nói Trung Quốc không thể "sao chép” các thể chế chính trị dân chủ, mà
ngược lại, phải "củng cố và nâng cao quyền lãnh đạo của đảng, phải làm
cho quyền lãnh đạo này thêm chặt chẽ và hoàn hảo hơn!”
Như vậy thì đảng Cộng Sản Trung Quốc theo Ôn Gia Bảo hay theo Ngô Bang
Quốc? Có lẽ họ theo cả hai. Nói theo Ôn, làm vẫn theo Ngô! Nên nhớ, Ngô
Bang Quốc đứng hàng thứ hai trong Bộ Chính Trị, trên Ôn Gia Bảo và chỉ
dưới Hồ Cẩm Ðào!
Ở Việt Nam, cái hầm tư duy của đảng cũng biết giữ mồm giữ miệng. Khi
nói về đổi mới chính trị, ông tướng công an Lê Văn Cương không quên
nhấn mạnh rằng "...đổi mới chính trị mạnh mẽ là để góp phần củng cố vai
trò lãnh đạo của Ðảng!” Ðó là tóm tắt mục đích cuộc hội thảo trong hầm
này: Ðổi mới chính trị làm sao cũng được, miễn là vẫn chỉ có một đảng
thống trị!
Cái hầm tư duy được mở hé ra cho dân ngửi chút mùi "đổi mới chính trị.”
Nhưng người dân Hà Nội vẫn chỉ ngửi thấy một thứ mùi từ bên trong cái
hầm đó. lúc nào cũng vẫn một mùi cũ: Bên Tầu nói sao, bên ta nói vậy!
Và mục đích vẫn là: Củng cố đảng!
@ http://www.nguoi-viet.com/
|