Thứ Ba, 2024-11-05, 8:31 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Tư » 17 » Tại sao bài thơ “Trăng nghẹn” bị loại ?
9:10 AM
Tại sao bài thơ “Trăng nghẹn” bị loại ?

Phản bội cách mạng thì đâu còn biết xấu hổ !

http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2010/trangnghen154.htm

          Sáng 14.4 Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP Cần Thơ đã tổ chức lễ trao giải cho các tác giả tham gia cuộc thi thơ Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) lần 4 năm 2009. Nhưng bài thơ Trăng nghẹn của tác giả Hoài Tường Phong, Cần Thơ, tuy đã được Ban giám khảo cuộc thi chấm giải nhất (ngày 20-2-2010) đã bị loại, không được trao giải sáng 14-4.

          Ông Phan Huy - Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP Cần Thơ, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi đã cho tờ Tuổi trẻ biết lí do tại sao:

          „ Ông Huy cho biết nguyên nhân không trao giải nhất cuộc thi cho bài thơ Trăng nghẹn là do ban tổ chức thấy bài thơ không phù hợp với thể lệ của cuộc thi là phải viết về công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, về phát triển và hội nhập, cũng như nội dung và hình thức nghệ thuật bài thơ chưa xứng tầm để trao giải nhất của một cuộc thi mang tầm khu vực."

          Cách diễn tả của Phan Huy, tên cai văn nghệ của chế độ ở Cần thơ, được hiểu là, trong bài thơ Trăng nghẹn tác giả Hoa Tường Phong thay vì tô hồng và điểm son cho „đổi mới" thì lại dám giãi bày mầu xám của xã hội XHCN, cuộc sống đói nghèo của nông dân. Những câu làm khó chịu các cai văn nghệ trong bài Trăng nghẹn là:

Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:
                                          Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,
                                         Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,
                                         Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa.

…….

Vầng trăng vừa lên đã bị mây mưa vần vũ.

Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ,
                                          
Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê.
          Trăng rằm đang lên mà lại „bị mây mưa vần vũ" thì còn gì là trăng rằm nữa ! Trăng bị nghẹn ! Dân muốn được tự do, muốn được sống dân chủ, nhưng bạo lực của cường quyền đang bao phủ! Nông dân ngày đêm quần quật lao động, nhưng vẫn không đủ sống, con cái thất học, thôn nữ phải xếp hàng để cho người ngoại quốc xem mắt chọn lựa như thú vật!

          Trong bài „Xấu hổ cũng là tình cảm cách mạng" dưới đây, đăng trên tờ Tiền phong 15.4 khi tường thuật cuộc trao „giải thưởng thi thơ ĐBSCL" đã phải mượn cả những câu nói của K. Marx, cha đẻ của chủ thuyết Cộng sản và cả Hồ Chí Minh, cha đẻ chế độ độc tài toàn trị hiện nay ở VN, để biện bạch cho những lời phê bình của mình. Nhưng có một điều hết sức quan trọng, dù tác giả biết nhưng không (dám) nói thẳng ra. Đó là, những người cầm đầu chế độ độc tài toàn trị hiện nay đâu có còn biết xấu hổ nữa. Quyền lực và tiền bạc đã bẻ gãy lương tâm và lòng tự trọng của những người này. Đối với Bắc kinh thì họ niệm thần chú „16 chữ vàng" và „bốn tốt", còn với tư bản thì họ tung hô Dollar vạn tuế !

         Nay Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ chính trị và Trưởng ban Tuyên giáo trung ương –tức người cầm đầu các cai văn nghệ trong nước vẫn mở miệng „Làm theo Bác", trung thành với chủ nghĩa Marx-Lenin và bảo vệ quyền lợi người lao động… ! Nhưng lòng ông Hứa cũng như các người trong Bộ chính trị đã nguội lạnh và vô cảm. Những người dân bình thường nhận xét rất đúng: Họ chẳng còn cách mạng mà chỉ còn cách miệng mà thôi ! – Tô Huy Rứa đã như thế thì Phan Huy cũng không thể làm khác được ! Con giống cha là như thế !

____________________________

Xấu hổ cũng là tình cảm cách mạng

>> Cần Thơ: Sẽ trao giải cuộc thi thơ 'Trăng nghẹn'
>> Những cuộc thi chán ngán
>> Vụ 'Trăng nghẹn': Không mới nhưng lạ, hiếm

TP - Bài thơ Trăng nghẹn của Hoài Tường Phong có những câu thơ thế này: Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi/ Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất/ Đầu tư văn hoá thấp và khó nghèo cũng nhất/ Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa...

Bài thơ Trăng nghẹn làm tôi nhớ bài thơ Đưa em về nhận mặt quê hương của Lê Viết Tường viết vào những năm 80.

Đưa em về nhận mặt quê hương nhận những mặt người/ Đây khuôn mặt người cậu tôi già trước tuổi/ Suốt đời cặm cụi/ Con cái có đứa nào học hết cấp ba/  Con cái có đứa nào đỏ đắn nước da/ Những đứa lớn theo cha suốt ngày ngoài ruộng/ Đứa theo trâu, đứa cày, đứa cuốc/ Đứa ở nhà trần truồng mũi dãi lê thê (...)/ Em có buồn không khi nhìn những người thân tôi/ Những khuôn mặt suốt đời/ soi mình trong bùn nước/ Giá mà em đọc được/ Những khuôn mặt cuộc đời (...)/ Quê hương tôi nghèo và buồn đến nhường kia/ Em xuống bếp và cầm con cúi/ Thổi bùng lên và nhen bếp củi/ Em sẽ hiểu một phần buồn tủi của quê hương/ Những con cúi rơm cháy hết đêm trường (...)/ Đưa em về nhận mặt quê hương/ Đáng lẽ tôi sẽ chọn đưa em về trong niềm vui ngày hội/ Nhưng sợ lòng mình giả dối/ Bởi khuôn mặt mọi người sẽ làm bộ dễ thương/ Đưa em về nhận mặt quê hương/ Xin đừng trách tôi đưa em về nhằm ngày mưa dữ/ Khi đường vào làng có những vũng bùn đất đỏ/ Có lũ đỉa ngo ngoe đánh được hơi người/ Nếu thật lòng, em ở lại cùng tôi/ Cùng những con người đầu tắt mặt tối/ Sau cơn lũ ta đắp đường sửa lối/ Để khuôn mặt mọi người trong ngày hội thật hơn/ Để đêm dài thôi chua xót từng cơn/ Để hoa khế thôi rưng rưng màu tím/ Để câu hát mừng bông lúa chín/ Lại xôn xao trong mỗi trái tim người...

Bài thơ Trăng nghẹn của Hoài Tường Phong được Ban Giám khảo trong một cuộc thi thơ chấm giải nhất, nhưng rồi tác giả bị vận động rút khỏi giải, rồi bị loại khỏi giải nhất, và loại hẳn ra khỏi danh sách đoạt giải. Lý do là bài thơ u ám, không phù hợp.

Bài thơ Đưa em về nhận mặt quê hương của Lê Viết Tường không biết có bị đánh giá là buồn u ám hay không, nhưng thuở ấy sinh viên chuyền nhau chép vào sổ tay. Rồi sau đó một tờ báo của T.Ư Đoàn đăng lại.

Tình cảm và trách nhiệm của tuổi trẻ với quê hương được đánh thức theo những cảm xúc như thế. Để rồi tiếp theo đó là những năm tháng tuổi trẻ hào sảng lên đường trong những Ánh sáng văn hoá hè. Rồi rúng động Mùa hè xanh. Rồi cao trào Mùa hè tình nguyện trong cả nước, cho mãi đến hôm nay...

Có những sự thật không thể né tránh. Có những nỗi buồn rực rỡ để làm bệ phóng của trách nhiệm, làm thăng hoa những khát vọng đổi thay. Tuổi trẻ sẽ ứng xử thế nào nếu ta nói với họ quê nhà hôm nay không còn khó khăn và nghèo đói?

Có bạn sẽ không tin, và có bạn sẽ tin, không phải vì cả tin, mà đôi khi chỉ để ru ngủ thói vô trách nhiệm. Lẽ nào kẻ biếng lười không tận dụng lý do để lót ổ cho sự vô cảm yên giấc?

Tôi biết có nhiều người né tránh sự thật bởi sợ xấu hổ vì những thành quả kém cỏi ở địa phương mình. Điều này thật xa lạ với tuổi trẻ khi chúng ta khuyến khích nhau sống chính trực và nói lời ngay thiệt.

Đó là lý do mà Tiền Phong, tờ báo của thanh niên, của tuổi trẻ, đã lên tiếng từ đầu cho trường hợp bài thơ Trăng nghẹn. Không chỉ vì bài thơ, mà vì một lề thói tư duy có hại trên đường đổi mới và phát triển.

Marx nói: "Xấu hổ là loại hình nổi giận hướng vào bên trong, nếu như cả một dân tộc biết xấu hổ thì nó sẽ mang sức mạnh của một con sư tử thu mình lại để chuẩn bị phóng tới” (Toàn tập Marx - Engels, NXB Sự thật tập 1, tr.487).

Nếu như những người có trách nhiệm ở địa phương biết xấu hổ vì sự kém cỏi ở địa phương mình thì nhiều vùng đất trù phú hào sảng của đất nước đã sớm cất cánh.

Bác Hồ luôn dặn cán bộ phải Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Liêm đi liền với Sỉ. Sỉ là sự xấu hổ. Xấu hổ là đặc điểm thuộc bản tính người. Biết xấu hổ để điều chỉnh thân tâm cho tốt hơn trong đời sống và trong tư cách quản lý.

Vậy xấu hổ cũng là tình cảm cách mạng. Cớ sao phải né tránh?

Đoàn Công Lê Huy

Trích : Tiền phong 15.4

_______________________

Trăng Nghẹn

Hoàng Tường Phong

Mẹ sinh tôi vào một đêm rằm mưa gió ngày xưa,
Lúc chào đời đã lỡ hẹn cùng vầng trăng viên mãn.
Vùng tản cư hồi này ruộng hoang nhà trống,
Rước được bà mụ vườn, ngoại cực trần thân.


Tôi lớn trong quê mùa như cây tạp vườn hoang,
Bảy tuổi biết leo lưng trâu, không từng ngồi xe đạp.
Không biết lời bải buôi để mua lòng người khác,
Nên thua thiệt cả đời vì không thể dối lừa ai.


Ngơ ngác buổi ra thành, trước cuộc sống đua chen,
Mười năm sau chưa gội rửa cho mình thành dân chợ.
Lớp phèn hết bám chân, nhưng chất chân quê vẫn còn đó,
Tôi tranh thủ những tháng hè, thích về lại thăm quê.


Bè bạn theo đuôi trâu một thời, mơ ước nhìn tôi,
Tưởng tôi thoát kiếp ngài, nhởn nhơ hóa bướm.
Tôi nhìn vẻ hồn nhiên của đám bạn xưa thèm quá,
Cộng một chút phù hoa đâu thêm lớn tâm hồn.


Mỗi lần về quê bè bạn cũ lại vắng hơn,
Gái mười bảy đã lấy chồng, trai hai mươi đòi vợ.
Cô bạn xưa nách con ngang nhà mua chịu rượu,
Đôi mắt ướt một thời bẽn lẽn ngó bàn chân.


Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,
Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.
Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,
Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi.


Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:
Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,
Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,
Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa.


Chập tối buồn ra nhìn bến nước cô đơn,
Vầng trăng vừa lên đã bị mây mưa vần vũ.
Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ,
Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê.

         Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử:

            www.dcpt.org     hay    www.dcvapt.net

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 626 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0