Báo Việt Nam đưa tin đại tướng Gary North, Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương của Mỹ vừa tới thăm Việt Nam.
Bản tin ngắn của TTXVN nói đại tướng North đã được Trung tướng Trần Quang Khuê, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam tiếp.
"Trung tướng Trần Quang Khuê chào mừng đại tướng Gary North đến thăm và làm việc tại Việt Nam, coi đây là dịp tốt để lực lượng không quân hai nước trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tìm hiểu các lĩnh vực có thể hợp tác.”
Bản tin không đi vào chi tiết ‘các lĩnh vực có thể hợp tác’ là gì.
Tin của hãng Thông tấn của Nhà nước viết thêm: "Đại tướng Gary North mong muốn thời gian tới lực lượng không quân hai nước tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực như an toàn bay, hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai và dự báo thời tiết.”
Hợp tác không quân
Năm ngoái đã diễn ra cuộc họp lần đầu giữa các sỹ quan cao cấp thuộc Quân chủng Phòng không Không quân của Việt Nam và Không lực Hoa Kỳ.
...Đây là dịp tốt để lực lượng không quân hai nước trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tìm hiểu các lĩnh vực có thể hợp tác
TTXVN
Cuộc họp hồi tháng Bảy năm 2009 có mục đích "chia sẻ thông tin và chuẩn bị cho các hoạt động hợp tác trong tương lai".
Tiếp xúc này nằm trong chương trình Đối thoại Trực tiếp của không đoàn Thái Bình Dương (Pacific Air Forces' Airman-to-Airman Talks program).
Dẫn đầu đoàn không quân Mỹ là Trung tướng Chip Utterback, tư lệnh không đoàn số 13.
Thông cáo trích lời ông Utterback nói: "Quan tâm của chúng tôi tại cuộc thảo luận này là xây dựng mối quan hệ có ích cho tương lai".
"Qua các cuộc gặp trực tiếp với không quân các nước trong khu vực và đối thoại với cùng một ngôn ngữ của không quân, chúng ta có thể tìm thấy các điểm tương đồng và các cơ hội hợp tác trong tương lai."
Trong cuộc tiếp xúc ở Hà Nội ngày 22/7/2009, đại diện không đoàn số 13 đã giới thiệu với đại diện Bộ Tư lệnh Phòng không Việt Nam về không lực Hoa Kỳ và các chương trình huấn luyện phi công của Mỹ.
Trong thời gian qua quân đội hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đã có một số chương trình hợp tác và trợ giúp huấn luyện.
Như đào tạo quân y, tiếng Anh, tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh, dự báo khí tượng thủy văn.
Lần đầu tiên sự hợp tác trao, đổi kinh nghiệm được mở rộng trong lĩnh vực không quân.
Một lĩnh vực khác cũng bắt đầu khởi động. Đó là bảo dưỡng chiến hạm cho hải quân Hoa Kỳ. Lần đầu tiên xưởng đóng tàuVinashin của Việt Nam sửa chữa một chiến hạm cho hải quân Mỹ.
Ngày 26/2/2010 vừa qua tàu hậu cần Richard. E. Byrd thả neo tại phía nam vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa để sửa chữa và bảo trì, theo hợp đồng với Vinashin Nha Trang.
Kể từ năm 1975, đây là chiếc tàu đầu tiên của hải quân Mỹ được nhận sửa tại Việt Nam. Công việc sửa chữa kéo dài hơn 2 tuần.
Tàu Richard. E. Byrd thuộc hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Hoa Kỳ. Tàu dài 210m, rộng 32,3m, trọng tải 40,000 tấn, thủy thủ đoàn là 145 người.
Giao lưu quân sự
Trở lại chương trình hợp tác không quân cấp cao Hoa Kỳ-Việt Nam, thiếu tá Nate Flint, phi công lái C-17 phụ trách chương trình tập huấn của không quân Mỹ được trích lời nói, cho dù lịch sử giữa hai nước có như thế nào, các sỹ quan không quân hai bên vẫn có thể trao đổi để học hỏi lẫn nhau.
Tiếp xúc không quân lần này là nỗ lực mới nhất trong quá trình mở rộng hợp tác quân sự giữa hai nước cựu thù.
Tháng Sáu năm 2009, Việt Nam cho phép Mỹ tìm kiếm nhân đạo ngoài khơi và ngày 22/04/09, lần đầu tiên hàng chục sỹ quan Việt Nam đã lên thăm hàng không mẫu hạm USS John Stennis đậu ở hải phận quốc tế cách bờ biển Việt Nam chừng 290 hải lý.
Các động thái này được đánh giá là cho thấy hai bên đã "thoải mái" hơn trong trao đổi quân sự.
Trong chuyến làm việc tại Việt Nam tháng Bảy 2009, đoàn không quân Hoa Kỳ có chương trình thăm trường Đào tạo Sỹ quan Không quân Nha Trang, gặp gỡ học viên; và thăm Sư đoàn 370 thuộc Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh.