Chủ Nhật, 2024-12-15, 0:50 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Tám » 20 » Tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương hối thúc Ðông Nam Á: 'Phải đầu tư quân sự để bảo vệ biển đảo'
1:01 PM
Tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương hối thúc Ðông Nam Á: 'Phải đầu tư quân sự để bảo vệ biển đảo'


MANILA (TH) - Tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương hối thúc các nước trong khu vực Ðông Nam Á phải xây dựng lực lượng quân sự đủ mạnh để có thể gìn giữ hòa bình cũng như bảo vệ được vùng biển đảo của mình.

"Ðiều quan trọng là các chính phủ trong vùng (Ðông Nam Á) phải đầu tư quân sự và an ninh đủ mạnh để bảo vệ các vùng nước (biển đảo) của mình.” Ðô Ðốc Robert Willard, tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương, nói trong cuộc họp báo hôm Thứ Tư, 18 tháng 8, 2010, sau cuộc họp với tư lệnh quân đội Phi Luật Tân, Ricardo David.


Ðô Ðốc Robert Willard (bên phải), Tư Lệnh Lực Lượng Thái Bình Dương của Hoa Kỳ và Tham Mưu Trưởng quân đội Phi, Tướng Ricardo David (bên trái) họp ở Manila 18/8, 2010 về quốc phòng và an ninh khu vực. (Hình: AFP/Getty Images)


"Ðiều đó chỉ có nghĩa là ngăn ngừa xung đột, không cho phép bất cứ tình huống nào trong khu vực dẫn đến một cuộc nổ súng.”

Ông Willard cho hiểu là nếu các quốc gia trong vùng quá yếu, khó tránh khỏi sự ăn hiếp, chủ trương bá quyền bành trướng của nước lớn có thể tiến tới vì không thấy trở lực nào trước mặt.

Ðô Ðốc Willard, cũng như các người tiền nhiệm của ông, thường thăm viếng tất cả các nước Á Châu dọc theo biển Thái Bình Dương, đối thoại an ninh chung. Tuy nhiên, lần đầu tiên, người ta thấy một lời hối thúc các nước Ðông Nam Á tăng cường khả năng quân sự từ một vị tư lệnh Mỹ. Diễn biến này có thể hiểu từ hậu quả các chuỗi sự kiện liên quan đến sự tranh chấp chủ quyền biển đảo trên biển Ðông giữa các nước trong khu vực, đặc biệt là giữa CSVN và Trung Quốc, ngày càng có dấu hiệu nóng thêm.

Ông Willard, tại Manila, lập lại lập trường của Hoa Kỳ là chống sự sử dụng võ lực để giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo biển Ðông. Ông nói rằng Hoa Kỳ sẽ còn duy trì sự hiện diện quân sự chiến lược trong khu vực trong nhiều năm tới.

Trung Quốc, lên tiếng đả kích một bài phân tích trên báo Mỹ nói các chương trình cải tiến quân sự của Bắc Kinh, đặc biệt là hải quân và không quân gia tăng nguy cơ xung đột trong vùng.

Lời khuyến cáo của Ðô Ðốc Willard đi tiếp theo các lời tuyên bố của nữ Ngoại Trưởng Hillary Clinton hồi tháng 7 từng làm Bắc Kinh tức giận. Bà Clinton nói trong phiên họp Diễn Ðàn An Ninh Khu Vực ASEAN tổ chức ở Hà Nội ngày 23 tháng 7, 2010 là Hoa Kỳ có "lợi ích quốc gia” ở khu vực biển Ðông và mong muốn các tranh chấp chủ quyền biển đảo ở đây được giải quyết qua các cuộc thương nghị ngoại giao của tất cả các nước tranh chấp.

Trung Quốc đả kích bà Clinton và lập lại chủ trương của họ không chấp nhận quốc tế hóa vấn đề mà chỉ muốn đàm phán tay đôi cho dễ bắt nạt.

Ông Willard cho hay thái độ hung hăng của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo biển Ðông cũng được bàn luận trong cuộc họp với các viên chức quân sự của Phi hôm Thứ Tư. Hoa Kỳ và Phi, đã ký thỏa hiệp hỗ tương quốc phòng năm 1951, bản tin nói dịp này duyệt xét lại các kế hoạch trước đây nhằm bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp có xung đột xảy ra ở khu vực có tranh chấp.

"Chúng tôi thảo luận sự khẳng định mà chúng ta đang thấy từ Trung Quốc (chủ quyền khu vực) về biển Ðông và nó đang tạo ra những âu lo trong khu vực.” Ông Willard nói trong cuộc họp báo như thế nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Cách đây ít ngày, một viên chức ngoại giao cao cấp của Phi tuyên bố không muốn Hoa Kỳ can dự vào sự tranh chấp biển Ðông.

Trong cuộc họp báo, tư lệnh quân đội Phi nhìn nhận quân đội cũng như hải quân nước này quá nhỏ yếu nên không đủ khả năng bảo vệ những hòn đảo đã xác nhận chủ quyền trong quần đảo Trường Sa.

Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa của VN tháng 1, 1974. Mãi đến năm 1988 đến 1995, Trung Quốc mới xua tàu đến đánh chiếm một số đảo trong quần đảo Trường Sa đang do CSVN và Phi tuyên bố chủ quyền và trú đóng.

Trong 10 năm qua, song song với sự tăng trưởng vượt bậc về kinh tế, Bắc Kinh đã không ngừng sản xuất lấy hoặc mua sắm rất nhiều võ khí quan trọng từ hàng không mẫu hạm, tàu ngầm nguyên tử, chiến đấu cơ tối tân với số lượng lớn. Ông Willard khuyến cáo rằng các nước ASEAN cùng với Hoa Kỳ nên thảo luận với Bắc Kinh về mối quan tâm của mình với những sự tăng cường quân sự đó.

Một bản phúc trình của Ngũ Giác Ðài trong tuần này đưa ra các sự phân tích nói những sự củng cố tăng cường sức mạnh quân sự bí mật của Bắc Kinh gia tăng tiềm năng cho các hiểu lầm và tranh chấp với các nước khác. Bản phúc trình nói Trung Quốc phát triển thêm nhiều hệ thống võ khí tối tân và theo đuổi kế hoạch tự sản xuất hàng không mẫu hạm cũng như hỏa tiễn đạn đạo tầm xa có khả năng tấn công các mục tiêu xa 1,500km.

Lời tuyên bố của Ðô Ðốc Willard diễn ra chỉ một ngày sau cuộc họp song phương giữa Phụ Tá Thứ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Robert Scher với Thứ Trưởng Quốc Phòng CSVN Nguyễn Chí Vịnh tại Hà Nội.

Trong cuộc họp báo sau cuộc họp, ông Scher nói "có chia sẻ với phía CSVN các quan ngại của Hoa Kỳ liên quan đến tiến trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc.” Ðây là cuộc họp đầu tiên trong chủ đề đối thoại quốc phòng chiến lược mà hai kẻ cựu thù đang tiến dần đến đối tác.

Cuộc họp đối thoại quốc phòng CSVN-Hoa Kỳ diễn ra ít ngày sau chuyến thăm hàng không mẫu hạm USS George Washington của đoàn quan chức đa ngành của CSVN cũng như khu trục hạm USS John S. McCain đến Ðà Nẵng hồi tuần trước.

Các sự kiện này đều được Bắc Kinh theo dõi chặt chẽ và nói đến trong một bài bình luận với nhiều từ ngữ bóng gió trên Tân Hoa Xã ngày 18 tháng 8/2010 là "đã đến lúc Mỹ nhận ra giá trị của hòa bình.”
Category: Chính trị | Views: 665 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0