Ngô Nhân Dụng
Ðầu thế kỷ trước, Phan Bội Châu đang ở Ðông Kinh viết thư cho
Phan Châu Trinh ở Quảng Nam trong nước để khuyên không nên đề xướng
các học thuyết tự do dân chủ, "Dân chi bất tồn, chủ ư hà hữu?” Phan Bội
Châu cho rằng người dân Việt Nam chưa đủ khả năng sống theo lối tự do
dân chủ. Cụ ví "quốc dân ta còn đang măng sữa” như đứa trẻ con răng
chưa chắc mà cho ăn xương thì sẽ bị hóc, chân chưa vững mạnh mà bắt
chạy thì sẽ ngã, què chân. Các học thuyết của Montesquieu và Rousseau
thì ngay cả các nhà Nho nước ta cũng chưa biết đến. Ðem những học
thuyết dân chủ ra cổ động, người ta không hiểu đầu đuôi gì thì sẽ không
được mấy người tán thành!
Cụ Phan Hà Tĩnh có lý do riêng để phản đối cụ Phan Quảng Nam: Ông đang
phò tá Cường Ðể, hy vọng sẽ lập lên làm vua sau này, khi đuổi được
người Pháp. Lập một người hoàng tộc làm minh chủ thì dễ vận động dân
chúng hơn. Ngoài ra, muốn cầu viện Nhật Bản thì chọn thể chế quân chủ
lập hiến giống như họ.
Lá thư của cụ Sào Nam viết năm 1907. Bốn năm sau, cách mạng bùng lên ở
Trung Hoa, lật đổ ông vua, thiết lập "dân quốc.” Rồi cụ Sào Nam không
được phép ở lại Nhật Bản nữa. Và tư tưởng cụ cũng biến đổi, năm 1912
lập Việt Nam Quang Phục hội, chuyển sang tư tưởng tự do dân chủ.
Khi can ngăn Phan Tây Hồ đừng vận động dân chủ, Phan Sào Nam chỉ muốn
xin hoãn lại công việc đó thôi chứ không phải muốn bác bỏ hoàn toàn. Cụ
viết: "Rồi đây, mươi, mười lăm năm nữa, huynh ông sẽ đưa cái thuyết đó
ra, thì người đầu tiên đứng cạnh huynh ông mà vỗ tay hoan hô sẽ là tôi
vậy. Huynh ông nghĩ xem, mặt tôi có thể đi làm tôi đòi, làm chó săn
đâu!”
Nếu lấy con số 15 năm mà Phan Bội Châu đưa ra mà tính từ năm 1907, thì
cụ tin rằng tới năm 1922 người Việt Nam đã đuổi được người Pháp, giành
được độc lập rồi. Mà chắc cụ cũng tin rằng đến năm đó dân Việt Nam sẽ
đủ trưởng thành để học hỏi các lý thuyết về thể chế dân chủ. Phan Bội
Châu là người tánh sôi nổi, quả quyết, nóng nẩy, rất bi quan khi nói
đến tinh thần nô lệ còn trong đầu đồng bào nhưng lại rất lạc quan về
triển vọng sẽ thay đổi được tinh thần hủ lậu bằng tư tưởng tự do dân
chủ. Năm 1907 cụ đã tin rằng trong 10 đến 15 năm dân Việt Nam có đủ khả
năng hấp thụ các học thuyết dân chủ.
Chúng ta đã bước sang thế kỷ 21. Nhưng ở Việt Nam có nhiều người bị bắt
giam, chỉ vì muốn truyền bá các tư tưởng tự do dân chủ. Có người chỉ
dịch một tài liệu "Dân Chủ là gì?” mà cũng bị chính quyền cộng sản kết
tội. Ông Hà Sĩ Phu mới bị công an Ðà Lạt cắt điện thoại, để cắt đứt
liên lạc qua internet. Họ nêu ra "sự cố kỹ thuật” nhưng ai cũng biết Hà
Sĩ Phu bị "bịt tai, bịt miệng” chỉ vì ông cổ động cho tự do dân chủ;
không những thế, nhóm ông còn phổ biến tư tưởng Dân Chủ Xã Hội nữa.
Nghĩa là gần một trăm năm sau khi Phan Bội Châu tiên đoán dân Việt Nam
có đủ khả năng học tập về tinh thần dân chủ và thể chế tự do thì Ðảng
Cộng Sản vẫn chưa cho phép các nhà trí thức Việt Nam được tự do tìm
hiểu và không được tự do phổ biến cho đồng bào hiểu chế độ tự do dân
chủ là thế nào!
Cứ như vậy, thì biết đến bao giờ người Việt Nam mới thấm nhuần tinh thần tự do dân chủ?
Bởi vì tự do dân chủ không phải chỉ là những tư tưởng, những học thuyết
để học thuộc rồi đem ra bàn cãi, thảo luận với nhau trước khi dùng, như
các lý thuyết về kinh tế hay lý thuyết vật lý học. Dân Chủ là một nếp
sống. Một quốc gia chỉ đáng gọi là có lối sống tự do dân chủ khi nào
người dân đã "thấm nhuần” tinh thần đó. Người dân thấm rồi, sẽ thể hiện
tự do dân chủ một cách tự nhiên, trong nếp sống, nếp suy nghĩ, trong
cách ăn ở, cách đối xử của mình với mọi người, với từng cá nhân một hay
là với cả tập thể xã hội chung quanh.
Muốn tập nếp sống đó, cần thời gian rất lâu dài. Thời Phan Bội Châu
theo chủ nghĩa Tam Dân chắc cụ cũng theo con tính ước đoán của Tôn
Trung Sơn, cho là thời gian "giáo dục dân chủ” cho quốc dân phải mất
một thế hệ. Nhưng trong một thế hệ, chắc cũng chỉ tập cho dân quen sử
dụng các thủ tục dân chủ thôi. Như người dân tập sống cho quen để dám
tự do bỏ phiếu chọn người đại biểu, dám ra ứng cử, dám nói, dám làm
theo ước vọng của mình, dám phê phán người cầm quyền, vân vân. Còn tập
cho người dân một nước cách suy nghĩ tự nhiên theo tinh thần dân chủ,
tự do, ngay trong đời sống hàng ngày, thì có thể cần thời gian lâu hơn
nữa.
Thí dụ như thói quen sợ hãi trước những người nắm quyền hành, đó là
tinh thần nô lệ đã bám rễ trong tâm lý người Việt cũng như người Trung
Hoa trong bao nhiêu thế kỷ trước. Trong Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư (viết
năm 1903), Phan Bội Châu mô tả những người "bình dân, bách tính” nước
ta thấy bọn lại thuộc (công chức) thì sợ như hùm sói; "đến chốn nha môn
khiếp sợ hơn cả con rệp ở khe giường!” Trong cùng thời gian đó, Lương
Khải Siêu ở bên Tàu cũng than, "Quốc dân chúng ta quá quen với chính
thể chuyên chế nô lệ, coi quốc gia là tài sản riêng của vua chúa, không
phải của hạng chúng mình.”
Một thói quen của người dân những nước tự do dân chủ là họ coi cả guồng
máy nhà nước là dụng cụ chung để phục vụ cho mình. Dân đến công sở làm
giấy tờ có quyền yêu cầu nhân viên nhà nước làm cho mình, chỉ dẫn cho
mình cách làm cho đúng luật lệ. Ngược lại, những công chức trong một
nước tự do dân chủ thì tự nhiễm thói quen coi mình có bổn phận phục vụ
cho người dân khi họ đến công sở; có bổn phận giúp dân làm đúng thủ
tục, luật lệ. Không bao giờ một nhân viên nhà nước nhìn người dân đến
sở mình như là họ đến xin ân huệ, nhờ vả mình. Guồng máy nhà nước là
một nơi làm dịch vụ hành chánh giúp dân làm đúng luật lệ, công chức
được trả lương để làm dịch vụ đó; chứ không được làm khó dễ dân khi họ
không biết rõ luật lệ.
Người dân sống trong chế độ chuyên chế thì có những thói quen khác hẳn.
Họ đến công sở mà rụt rè, lo sợ. Sợ, vì các công chức là những "chuyên
gia” về thủ tục hành chánh, độc quyền sử dụng các thủ tục đó, giống như
các pháp sư Ai Cập thời Thượng cổ độc quyền biết các bùa, chú, đóng vai
trung gian giữa thế giới loài người với các thần thánh ở trên cao!
Người dân trong chế độ chuyên chế muốn biết các bùa phép hành chánh thì
phải xin các quan lại dậy bảo, giống như xin ân huệ các thần linh. Sợ
sệt như con rệp nép trong khe giường, Phan Bội Châu ví không ngoa!
Xin kể một câu chuyện có thật. Một người Việt ở nước ngoài về thăm Hà
Nội vào khoảng năm 1995, thời điện thoại di động chưa thịnh hành. Cô ở
nhà người cháu, gia đình thuộc loại có chức vị, trong nhà có máy điện
thoại. Cô muốn gọi ra ngoại quốc, nên quay số nhà Bưu Ðiện, đổi mấy số
rồi cũng có người trả lời. Cô xin cho biết số của bộ phận phụ trách
điện thoại ra nước ngoài, nhờ một người tìm được nhân viên phụ trách có
thể hỏi về cước phí. Gặp được nhân viên đó rồi mới hỏi giờ nào được
hưởng giá rẻ nhất, vân vân. Sau cuộc điện đàm kéo dài, mấy người cháu
trầm trồ nói: "Cô hách quá!”
Bà cô ngạc nhiên: "Hách cái gì?” "Cô nói chuyện với mấy nhân viên Bưu
Ðiện, bắt họ phải đi tìm người có thể trả lời cô, thế mà họ cũng phải
chiều! Rồi giọng cô nói cũng thản nhiên y như cô nói với chúng cháu
vậy!” Bà cô lại ngạc nhiên! Bà đã thưa, hỏi rất lễ độ, lúc nào cũng nói
"xin làm ơn, xin cảm ơn,” vân vân. Cái gì đã khiến cho mấy người cháu,
tuổi từ 40 đến 50, nghe mà nghĩ rằng bà cô "hách?” Tất cả chỉ vì bà cô
đã quen coi nhân viên công sở cũng là người cung cấp dịch vụ cho mình,
mình không biết thì có quyền hỏi, họ tất nhiên sẽ lễ phép trả lời! Bà
không có thói quen nhìn nhân viên nhà nước như các đấng bề trên nắm
quyền ban phát ân huệ khi trả lời câu hỏi của dân chúng.
So sanh thói quen của những người dân sống trong chế độ khác nhau, dân
chủ khác với độc tài, chúng ta phải tự hỏi, sau khi thể chế thay đổi
thực rồi, cần phải mất bao nhiêu năm thì những người sống trong một
nước độc tài chuyên chế mới tập được thói quen suy nghĩ, tập được những
hành vi của người dân sống trong xã hội tự do dân chủ?
Nếu người dân một nước vẫn sợ công chức như hùm, như sói; đến công sở
thì nhút nhát như con rệp trong khe giường, thì dù có ban hành một bản
hiến pháp "dân chủ tuyệt vời” chăng nữa, làm sao quốc gia đó gọi là
sống dân chủ được?
Một cách tập thói quen sống tự do dân chủ, là tập sinh hoạt tập thể.
Vào những năm 1964 đến 1968 ở miền Nam Việt Nam có những phong trào
thanh niên rất sống động. Phong trào sinh hoạt học đường đã tạo cơ hội
cho các học sinh tập sống tập thể. Các hội đoàn thanh niên được tự do
thành lập đã phát triển rất nhanh, trong đó phần lớn nhắm mục đích phục
vụ xã hội, sinh hoạt văn nghệ, tôn giáo, vân vân. Nhưng chính khi tập
họp lại để hoạt động với nhau, các thanh niên, học sinh thời đó đã tập
sống các quy tắc dân chủ ngay trong tập hợp của mình. Ðó là những hạt
giống gieo rắc tinh thần tự do dân chủ, nếu tiếp tục trong một thế hệ
sẽ đào tạo được một xã hội công dân sống động. Chính xã hội công dân là
nền tảng của chế độ dân chủ. Bởi vì chỉ khi nào người công dân trong
nước tự mình tập quản trị những tổ chức, tập thể của mình, bên ngoài
lãnh vực do guồng máy nhà nước lo, thì lúc đó dân mới tập sống theo
tinh thần dân chủ. Chỉ khi nào xã hội công dân phát triển thì dần dần
cả xã hội mới bắt đầu thấm nhuần tinh thần dân chủ tự do!
Phan Bội Châu tin rằng năm 1922 dân Việt Nam đủ trưởng thành để bắt đầu
học nếp sống tự do dân chủ. Nếu bây giờ dân tộc Việt Nam mới bắt đầu,
thì trong một vài thế hệ, nếp sống đó mới hy vọng thành hình. Muốn
người dân tập nếp sống, nếp suy nghĩ tự do dân chủ thì phải phát triển
xã hội công dân. Muốn vậy, phải trả lại ngay cho người dân các quyền
như hội họp tự do, phát biểu tự do. Ðể chậm ngày nào là mang tội với tổ
tiên ngày đó.
Chú thích: Bản dịch lá thư Phan Bội Châu "gửi
Hy Mã tiên sinh” in trong Phan Bội Châu Toàn Tập, tập 2, nhà xuất bản
Thuận Hóa, 1990, trang 22. Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư in trong Tập 1,
trang 143-149
|