Mặc Lâm, biện tập viên RFA
2012-10-23
Nguyễn Phương Uyên, sinh viên Trường Đại Học Công Nghiệp Sài Gòn,
bị bắt một cách âm thầm vào ngày 14/10, bạn bè và gia đình vẫn tiếp tục
tìm kiếm cô trong tuyệt vọng.
Hình do Bạn cô cung cấp
Cô Nguyễn Phương Uyên tại lớp học ở Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, ảnh chụp trước đây.
Việc bắt người mà không thông báo cho gia đình của công an từ lâu nay
đang làm cho rất nhiều người, nhiều giới bức xúc. Một tuần sau khi bị
bắt Phương Uyên được xác nhận là còn sống khi một mảnh giấy do công an
giao lại cho một người bạn cùng phòng của cô trong đó nét chữ của Phương
Uyên ghi lại cô cần những tài liệu học tập trong khi bị tạm giam. Tấm
giấy học trò mỏng manh này được trao lại cho mẹ Phương Uyên là bà Nguyễn
Thị Nhung, khi bà lặn lội từ Phan Thiết vào tận Sài gòn để tìm con gái.
Vì chống Trung Quốc?
Theo lời bạn bè Phương Uyên cho biết thì cô bị bắt vì viết bốn câu
thơ chống Trung Quốc trên những đồng bạc mệnh giá 10 ngàn đồng. Cùng với
những tờ giấy bạc này là 33 tấm hình chụp cầu vượt An Sương, ba tấm
hình khác của một thanh niên không rõ mặt vì mang khẩu trang, tất cả đều
nằm trong máy ảnh của Phương Uyên khiến sự nghi ngờ về nguyên nhân dẫn
đến sự bắt bớ này càng thêm mù mờ. Bà Nhung nói với chúng tôi trong nước
mắt:
"Tôi nghe được lời thuật lại của cháu Phương ở chung phòng với nó
nói là cháu Uyên bị bắt vì làm bốn câu thơ chốngTrung Quốc. Nói vậy chứ
không biết rõ ràng, nhưng thực chất cháu Uyên mà nó ghét Trung Quốc thì
khi tôi lên công an phường Tây Thạnh thì tôi mới biết. Người ta kể lại
là cháu Uyên trả lời với mấy chú công an là nó rất ghét Trung Quốc.
Thật sự nếu như cháu Uyên nó ghét
TQ thì tôi nghĩ nó không sai trái gì hết. Thật ra thì người dân Việt Nam
bây giờ không thể nào đồng tình với TQ được.
Nguyễn Thị Nhung
Thật sự nếu như cháu Uyên nó ghét Trung Quốc thì tôi nghĩ nó không
sai trái gì hết. Thật ra thì người dân Việt Nam bây giờ không thể nào
đồng tình với Trung Quốc được, không thể nào mà không ghét Trung Quốc
được. Bản thân tôi là người dân nông thôn cũng không hiểu sâu xa gì
nhưng thực chất tôi cũng không chấp nhận được hình ảnh của Trung Quốc.
Cho nên tôi cho rằng con tôi chắc chắn là cháu sẽ không làm điều gì sai
trái nghiêm trọng.”
Blogger Người Buôn Gió cho biết cảm tưởng của anh về việc bắt người một cách âm thầm này:
"Tôi nghĩ là sự bức xúc trước hành vi của Trung Quốc và nhiều
người Việt Nam vì phản ứng đối với Trung Quốc mà đã bị đối xử rất bất
công, khắc nghiệt. Những đối xử ấy của chính quyền đối với người chống
Trung Quốc từ xưa đến giờ, nhất là vài năm trở lại đây nó gây sự âm ỉ
trong lòng của rất nhiều người.
Cái vụ của của bé Phương Uyên này là một cao trào do tức giận, bực
bội ẩn chứa trong lòng của những người phản đối Trung Quốc mà ra. Ngày
trước thì chị Bùi Hằng là một phụ nữ bị đưa tới trại cải tạo thì dân
tình cũng bức xúc lắm rồi, nhưng trong trường hợp này thì một cô bé rất
là ngây thơ, rất trẻ, chính xác chỉ là một thiếu nữ mới trưởng thành
thôi, còn đang ở trên ghế nhà trường chỉ vì bài thơ phản ứng hành vi xâm
lược của Trung Quốc lại bị bắt một cách bí ẩn như là bắt gián điệp, bắt
khủng bố như thế này thì chuyện mọi người phản ứng như thế là tất nhiên
và đứng đắn.”
Thư kêu cứu, một giai đoạn mới?
Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm, nơi SV Nguyễn Phương Uyên đang học. Photo courtesy of diadiem.com
Lần đầu tiên sau nhiều năm, 106 sinh viên Việt Nam đã cùng nhau
viết chung một lá thư gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kêu gọi ông can
thiệp để Phương Uyên được trở lại trường. Lá thư này cho thấy sự trưởng
thành của một bộ phận tương lai của đất nước. Họ không còn sợ hãi trước
những hành động lén lút bắt người của an ninh và lá thư cũng nói lên
tinh thần đoàn kết của những người trẻ tuổi. Giáo sư Hà Văn Thịnh cho
biết sự vui mừng của ông trước động thái này:
"Sự thức tỉnh của rất đông người, trong đó rất nhiều thiếu nữ có
88 người nữ chứng tỏ một sự đoàn kết. Bởi vì đất nước này sợ nhất là
khiếu kiện tập thể, bởi vì họ sẽ quy tội cho là có tổ chức, có liên hệ
thế này thế khác. Họ quy tội nặng lắm. Cá nhân thì bảo là bột phát, bức
xúc nhưng mà đối với tập thể như kiểu Phan Văn Khải nói là nếu tụ tập
quá 5 người thì bị cấm. Bây giờ không phải quá 5 người mà là gấp hai
mươi mốt lần của 5 người. Điều này theo tôi thì là một tín hiệu đáng
mừng đáng trân trọng.
Bởi vì sinh viên luôn luôn bị đè nén, bị o ép, không dám phát biểu
ý kiến hay quan điểm riêng mà lần này dám làm như vậy, tất nhiên trong
hoàn cảnh cũng thuận lợi ngay sau khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến
Sài Gòn thì các em gửi khiếu nại. Như vậy một là nó phản ảnh tinh thần
của tập thể sinh viên chống lại cái ác, cái bất công, lạm quyền. Hai là
giống như một cái test để thử xem Chủ tịch nước nói như vậy nhưng có làm
được như vậy hay không và điều này rất hay.”
Tuy nhiên một người trẻ bất đồng chính kiến khác là Huỳnh Thục Vy lại
không tin vào nỗ lực của sinh viên sẽ đạt được kết quả. Qua kinh nghiệm
của mình Huỳnh Thục Vy chia sẻ:
"Việc bạn bè của Phương Uyên đứng tên trong thư gửi Chủ tịch nước
là một việc bình thường, chỉ là trong thế bắt buộc phải như vậy. Các bạn
hiện nay ngoài các hoạt động truyền thông ra thì không biết phải làm gì
hơn nên viết thư cầu cứu đến một vị lãnh đạo cao cấp thì cũng không tạo
được một áp lực gì to lớn vì trước đây giới blogger hay những người đấu
tranh cho tự do dân chủ cũng đều có thư ngỏ chứ không phải một cái thư
đơn giản như các bạn đã viết. Các bạn xưng là chúng cháu và bác. Các bạn
xưng hô rất thân tình để mong có tình cảm. Mà ở đây nhà cầm quyền cộng
sản Việt Nam đối xử với dân không bằng tình cảm và cũng không có lời kêu
cứu nào có thề rung động những trái tim sắt đá đó. Họ chỉ làm vì quyền
lợi và lợi ích lâu dài của người ta.
Trước đây thì những blogger và những người đấu tranh đã từng viết
nhiều thư ngỏ nhưng kết quả cũng không được gì ngoài thái độ im lặng của
người ta. Có vẻ như người ta không thèm đếm xỉa gì đến nguyện vọng của
người dân.”
Tia lửa Phương Uyên
Người ta rất sợ những người yêu nước nhân chuyện yêu nước để biều tình phản đối chống lại chế độ.
GS Hà văn Thịnh
Lý do khiến nhà nứơc luôn luôn chú tâm đến mọi hoạt động dù nhỏ nhất
của sinh viên vì sân trường đại học là chỗ dễ bắt lửa nhất của mọi phong
trào. Thanh niên vốn là thành phần mang bầu nhiệt huyết vì thế nếu lơ
là không kiểm soát hay áp bức thì họ có thể nổi lên chống lại chính phủ
bất cứ lúc nào. Giáo sư Hà văn Thịnh đưa ra dẫn chứng:
"Người ta rất sợ những người yêu nước nhân chuyện yêu nước để biểu
tình phản đối chống lại chế độ. Như Lenin nói khi mà ông xuất bản tờ
báo Tia lửa: "Từ tia lửa sẽ bùng lên ngọn lửa!" Bé Phương Uyên giống như
một tia lửa rất sáng của phong trào sinh viên. Vì vậy nên người ta muốn
dập ngay tia lửa đó đi. Tôi nghĩ đó là chủ trương. Còn điểm thứ hai, về
mặt ngoại giao theo tôi nghĩ có thể có sức ép từ phía Trung Quốc nó
muốn triệt tiêu tất cả hành vi phản kháng của ta. Tuy nhiên điều này thì
không có chứng cứ mình chỉ suy đoán như vậy thôi.”
Tin tức mới nhất cho biết công an đã chính thức công bố tội danh của
Nguyễn Phương Uyên là "tuyên truyền chống phá nhà nước”, một tội danh mơ
hồ nhưng cho phép tư pháp giam giữ hàng trăm người trong song sắt của
nhà giam khắp nước. Với tội danh này ngay cả Chủ tịch nước cũng chùn tay
không thể làm gì hơn vì dù sao thì chế độ vẫn quan trọng hơn 106 chữ ký
của sinh viên bất kể ông có chú tâm đến nhân tố trẻ, tuơng lai của cả
dân tộc này hay không.
|