Ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đã qua rồi. Mười ngày lễ hội đã
chấm dứt. Áo màu, khăn thêu rực rỡ đều được xếp vào một xó. Cờ quạt
đèn lồng nằm chất đống, ủ rũ. Cả trăm cái trống đồng mới đúc, lại được
cất vào kho. Mấy chục công trình xa hoa, phù phiếm, được các quan lớn
quan nhỏ nặn óc bày vẽ trong 8 năm trời, giờ này đã hạ màn và 4 tỷ rưỡi
đô la được các lãnh đạo "vén tay áo sô, đốt nhà tang giấy” đã thành
tro.
Cuộc vui đã tàn, Mỹ Đình mới hôm qua còn chộn rộn, hôm
nay nằm trơ trẽn, vắng vẻ với cả núi rác. Cuộc diễu binh với 30.000
người được "tin nhanh” ca tụng là cuộc diễu binh lớn nhất trong lịch
sử, nhưng lại gợi cho các người thưởng lãm một câu hỏi cay đắng: Phô
trương binh hùng tướng mạnh để làm gì nhỉ? Binh, tướng là để giữ gìn
giang san, bờ cõi, bảo vệ nhân nhân. Nhưng nay, đất nước cứ bị cắt xén
dần, ngư dân hành nghề trong hải phận cũng bị "tàu lạ bắt nhốt, tịch
thu tàu thuyền, và đòi tiền chuộc. Nhà nước chẳng hề có một hành động
bảo vệ người dân, thì đám binh hùng tướng mạnh này chỉ đáng giá là một
phường giá áo túi cơm. Phô trương làm chi cho thành Thăng Long và người
dân Thăng Long thêm tức tủi?
Đai Hội mới khai mạc có 2 ngày
thì miền Trung bị lũ lụt khủng khiếp. Nặng nhất là tỉnh Hà Tĩnh, nước
dâng cao đến nỗi người dân phải leo lên mái nhà để tránh lụt. Xã Xuân
Hoá đã có 70 người chết đuối. Trong lúc người dân khiếp đảm vì cái chết
đe dọa không biết lúc nào, vì đói và rét, thì tại Hà Nội đang tưng bừng
chiêng trống, với những văn công ngả nghiêng uốn éo, với những bài diễn
văn thậm thượt…nhưng rỗng tuếch của các vị lãnh đạo. Chỉ 3 ngày sau,
tức là ngày 5/10, những người dân bị nạn mới nhận được gói mì tôm cứu
trợ đầu tiên. Người ta tự hỏi tại sao thiên tai lũ lụt xảy ra hàng năm
ở miền Trung, mà nhà nước không có kế hoạch dự phòng để cứu ứng kịp
thời, đến nỗi cứ mỗi năm, cảnh người chết, nhà trôi mãi tiếp diễn.
Người
ta tự hỏi sao phải o bế cảnh quang của Mỹ Đình quá hoành tráng như vậy?
Các kỳ hoa dị mộc kềnh càng, nặng nề, đáng giá hàng tỷ đồng được chuyên
chở cấp thời bằng máy bay, bằng xe tải, ngày đêm, từ những nơi xa xôi
như Thanh Hoá, Thái Nguyên về để kịp trưng bày trong ngày lễ hội, mà
cấp cứu sinh mạng lại để trì trễ như vậy?
Những ngày đại lễ
reo vui của Hà Nội, lại là những ngày khổ hạnh của nhóm trẻ nhà nghèo,
kiếm sống bên lề đường. Các trẻ em đánh giày, bán báo, bán vé số,
khoảng 1,600 em đều bị công an lưu giữ trong 130 "trung tâm xã hội” để
làm đẹp thành phố, và gây ấn tượng….phồn hoa giả tạo cho du khách.
Phóng sự này đã được phóng viên Hervé Lissandre của Pháp đang tải trên
tờ Liberation (Giải Phóng), tại Pháp ngày 7/10. Bài báo nói thêm: "rồi
các em sẽ được trở về đời sống bình thường để nuôi sống bản thân và gia
đình, một khi các khẩu hiệu, cờ xí, đèn hoa giăng mắc dọc hai bên hè
phố được gỡ xuống.”
Ngoài những chi phí chỉ dùng một lần… rồi
thôi như trống đồng, biểu ngữ, cờ hoa, đèn lồng, còn có những công
trình tốn kém do kế hoạch luộm thuộm mà chẳng đi tới đâu, làm tổn thất
công quỹ không phải là nhỏ. Bốn cái cổng chào ở 4 cửa ngõ vào Hà Nôi,
với dự phí là 100 triệu đồng, xây trên đất ruộng trưng thu của dân. Đã
khởi công xây cất thì được lệnh ngưng lại. Khi đó, thì đất ruông đã
biến thành đất xi măng, làm sao mà cầy cấy? Hồ Xuân Hương, Đà Lạt, theo
kế hoạch thì được đào sâu thêm để làm tăng vẻ thẩm mỹ của hồ, nhưng đào
rồi, thì hết tiền phải ngưng lại, làm cỏ dại mọc cao đầy lòng hồ. Pháo
bông nhập cảng từ nước ngoài, nhưng do bảo quản không tốt để phát nổ,
làm tổn thất 4 nhân mạng. Sau vụ nổ, đã tuyên bố bãi bỏ việc đốt pháo
bông, nhưng vì sợ mất mặt với quốc tế, phải khẩn cấp nhập pháo mới đốt
trong ngày bế mạc.
Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, không nói lên
được ý nghĩa lịch sử nào, ngoài việc phô diễn cái tinh thần nô lệ Bắc
thuộc. Ngày khai mạc đại hội, cũng như các bức tượng vua Lý Thái Tổ, và
cuốn phim "Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long” biểu dương được sự
trung thành của đám lãnh đạo với mẫu quốc phương Bắc, và bôi bác lịch
sử VN.
Ngày hôm nay, cuộc vui tàn rồi! Hà Nội, giống như cô gái
nghèo được bôi son trét phấn, mặc áo kim tuyến long lánh trong 10 ngày
để mua vui. Giờ đây, trở về với đời sống thường ngày, cô gái Hà Nội
lại tiếp tục nhận viện trợ của các nước thế giới để xây cầu làm đường,
và nhận 60 triệu USD từ Chương Trình phát triển Liên Hiệp Quốc để cải
tiến môi trường, vì VN được Hội nghị Copenhagen, Đan Mạch ngày
7/12/2009 xếp vào danh sách 10 nước nghèo ở Châu Á.
Ngày tàn của cuộc vui, là lúc nhìn lại và đánh gía cuộc vui. Quả là không có gì vui, mà toàn những ngậm ngùi, cay đắng!
Trương Vĩnh Khôi tamthucviet.com |
|