Thứ Ba, 2024-11-05, 8:49 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Năm » 2 » Thế hệ những người 35 tuổi
2:55 PM
Thế hệ những người 35 tuổi

Ngô Nhân Dụng  



 Em bé ngồi trầm tư trên bước đường chạy giặc, năm nay chắc em đã gần 40 tuổi. Năm 1975, các em tuổi đó làm sao biết được trong 35 năm sắp tới mình sẽ sống thế nào? Những em sinh đúng ngày 30 tháng Tư năm 1975, hôm nay vừa đủ 35 tuổi. Trong 5 người Việt Nam bây giờ, 4 người thuộc lớp 35 tuổi trở xuống. Đó là nước Việt Nam, trong hiện tại và tương lai. Tại một quốc gia bình thường, những người trên dưới 30, 40 tuổi là lực lượng thúc đẩy đất nước vươn lên về đủ các phương diện: kinh tế, chính trị, văn hóa. Nếu lớp người tuổi đó có kiến thức cao, có chí phấn đấu, có lòng yêu nước, thì cả dân tộc hưng thịnh. Thế hệ đó gánh trách nhiệm đối với các em nhỏ tuổi hơn mình. Làm sao để những em bé hôm nay mới lên 4, lên 5 không phải mang bộ mặt đăm chiêu, lo lắng như các em cùng tuổi hồi 35 năm trước?

    Trong 35 năm nữa kinh tế nươc ta sẽ vượt lên bằng Hàn quốc, bằng Đài Loan bây giờ hay không? Dân ta sẽ được sống tự do hạnh phúc hay không? Lãnh thổ quốc gia có toàn vẹn hay không? Chính thế hệ 20, 40 tuổi hôm nay sẽ phải lo cho chính mình cũng như các lớp đàn em.

    Trong lớp tuổi 35 trở xuống hiện nay có nhiều người đang suy nghĩ, lo âu và hành động xây dựng tương lai dân tộc. Phạm Thanh Nghiên, 33 tuổi; Lê Thị Công Nhân, 31 tuổi; Nguyễn Tiến Trung, Ngô Quỳnh,... chưa tới 30. Những bạn trẻ này biết nếu dân tộc Việt Nam còn chưa được tự do, còn tiếp tục chậm tiến so với thế giới chung quanh, thì đến cuối cuộc đời họ người Việt Nam sẽ vẫn còn thua kém.

    Thế hệ 35 tuổi chắc đều biết ngày 30 tháng Tư đánh dấu một khúc quanh trong lịch sử. Nhưng họ không mang trong lòng những ám ảnh về cuộc chiến huynh đệ tương tàn gọi là 'tranh chấp quốc cộng' 'mà nhiều người thuộc thế hệ cha anh họ đến nay vẫn chưa quên được. Nhưng khi bắt đầu suy nghĩ về cuộc sống chung quanh mình, về tương lai dân tộc, thì những người 35 tuổi sẽ không tránh khỏi phải đặt ra một số câu hỏi mà các thế hệ cha anh đã tranh luận với nhau, những ý kiến bất đồng gây ra cuộc xung đột đẫm máu giữa những người cùng một giòng giống Việt.

    Khi hiểu rõ nguyên nhân gây nên cuộc chiến chấm dứt ngày 30 tháng 4, thì những người ở lớp tuổi 35 sẽ ý thức được là những câu hỏi được đặt ra từ thời 1930, 1945 tới hôm nay vẫn chưa được trả lời thỏa đáng.

    Trước đây một thế kỷ, người Việt chỉ quan tâm đến việc đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập. Nhưng nhiều người yêu nước đã đặt ra câu hỏi: 'Chúng ta muốn xây dựng một nước Việt Nam như thế nào, sau khi đánh đuổi thực dân Pháp?' Đầu thế kỷ 20 Phan Bội Châu muốn dùng vũ lực, cầu viện ngoại bang, rồi xây dựng đất nước dưới chế độ quân chủ lập hiến. Sau đó, cụ đổi ý kiến, ủng hộ chế độ dân chủ theo chủ nghĩa Tam Dân và cổ động dân tộc tự cường. Từ đó, mọi người đều đồng ý đó là đường lối tốt nhất. Nhưng sống dân chủ như thế nào? Đây là câu hỏi đã gây ra bao nhiêu mâu thuẫn.

    Thời 1930 đã nhiều người ý kiến khác nhau, thời 1945 các mâu thuẫn càng gay gắt khiến cho lịch sử diễn ra những cuộc tương tàn, kéo dài cho tới ngày 30 tháng Tư năm 1975.

    Mâu thuẫn chính yếu là hai ý kiến: Một số người muốn xây dựng nước Việt Nam theo chủ nghĩa Mác Lê nin của cộng sản quốc tế; bên kia là những người khác muốn lấy quốc gia, dân tộc làm trọng tâm, và muốn trong xã hội dân chủ các chủ thuyết chính trị được tôn trọng như nhau. Những tranh chấp từ 1945 đến 1975 là do hai tư tưởng đối chọi đó. Năm 1975, phe Mác xít đã thắng trận. Nhưng câu hỏi căn bản trên vẫn đặt ra, vì nhiều người dân Việt Nam không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản. Nhất là sau khi chế độ cộng sản sụp đổ ở Âu châu thì càng nhiều người muốn lên tiếng đặt lại các câu hỏi này.

    Ngày nay Đảng Cộng Sản vẫn tiếp tục hông bỏ tín điều Mác xít; nhưng nhiều bạn trẻ ở lớp tuổi 35 đang đặt câu hỏi: Ngoài chủ nghĩa Mác Lê nin, loài người có cách nào sống với nhau cho tử tế hơn không?

   
 
Năm 1922, Phan Châu Trinh viết một lá thư cho
Nguyễn Tất Thành, khuyên ông ta nên theo chủ
trương "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”
như cụ Tây Hồ vẫn cổ võ. Cụ Phan viết, "đừng có
dùng cái lối nương náu ngoại bang để rung chuông
gõ trống...” Trong bức thư viết ngày 12 tháng 2,
1922, Phan Châu Trinh khuyên Nguyễn Tất Thành
không nên theo đường lối cầu ngoại, vì nếu có
thành công, "thì quốc dân đồng bào vẫn nguyên
 là cái lưng con ngựa, chỉ thay người cưỡi mà thôi.”
Nhưng Nguyễn Tất Thành, sau đổi tên là Hồ Chí Minh,
đã chọn Quốc tế Cộng sản, đã chọn Nga Xô và Trung
Cộng làm chỗ dựa.
Gần một thế kỷ trước đây, người Việt Nam đã đặt câu hỏi đó rồi. Năm 1922, Phan Châu Trinh đã viết một lá thư cho Nguyễn Tất Thành, khuyên ông ta nên theo chủ trương 'khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh' như cụ vẫn cổ võ. Cụ Tây Hồ viết: 'đừng có dùng cái lối nương náu ngoại bang để rung chuông gõ trống....' Nhưng lúc đó thì Nguyễn tất Thành vừa mới 'khám phá ra chủ nghĩa Lê Nin' và đã quyết định đi Nga học Stalin. Chính trong bức thư viết ngày 12 tháng Hai năm 1922 này, Phan Châu Trinh đã khuyên Nguyễn Tất Thành không nên theo đường lối cầu ngoại như Phan Bội Châu từng làm, vì, 'Thảng như cái phương pháp của ông Phan (Bội Châu) mà thành công thì quốc dân đồng bào vẫn nguyên là cái lưng con ngựa, chỉ thay người cưỡi mà thôi.' Nhưng Nguyễn Tất Thành, sau đổi tên là Hồ Chí Minh, đã chọn Quốc tế Cộng sản. Ông đã chọn Nga Xô và Trung Cộng làm chỗ dựa, học các kỹ thuật cướp chính quyền, học chiến lược, chiến thuật, nhận các vũ khí của hai nước đàn anh cộng sản đó. Năm 1975, các đệ tử của ông Hồ đã thành công.

    Hậu quả là đến ngày nay, trên cái lưng con ngựa Việt Nam là một Đảng Cộng Sản do ông lập ra. Đảng Cộng Sản vẫn còn chưa chấp nhận tụt xuống khỏi cái lưng dân tộc Việt, chưa chịu thay đổi độc quyền cai trị của họ mặc dù chính dân Nga đã tự cởi bỏ chủ nghĩa cộng sản rồi. Đảng Cộng Sản vẫn giữ nguyên chủ thuyết của Lê Nin. Vẫn ngăn cấm không cho thông tin tự do, không cho hội họp và bầu cử, tranh cử tự do; vẫn muốn chỉ có một đảng chuyên chế theo một chủ nghĩa lạc hậu lỗi thời.

    Trong lúc đó, những người trẻ tuổi đang truyền bá tư tưởng tự do dân chủ, họ theo đuổi những công việc mà Phan Châu Trinh đã làm là 'khai dân trí, chấn dân khí,' chính họ đang bị ngăn cấm.

    Cho nên những vấn đề chính trị căn bản đặt ra từ thời 1930, tới giờ vẫn còn là mối bận tâm day dứt của nhiều người trẻ tuổi thuộc thế hệ trên dưới 35 tuổi ở nước ta. Các vụ đấu tranh và đàn áp trong năm 2010 này trong bản chất không khác gì những vụ tranh chấp giữa hai chủ trương xây dựng đất nước khác nhau thời 1930, bùng nổ năm 1945 rồi kéo dài đến 1975. Đó là mâu thuẫn cơ bản của lịch sử nước ta từ 1920 đến 1975.

    Khi những mâu thuẫn về chủ trương trị quốc của người Việt Nam lại trùng hợp với mối mâu thuẫn lớn trên thế giới, là cuộc đấu tranh giữa hai khối tư bản và cộng sản quốc tế, thì nước Việt Nam đã không may bị chọn làm bãi chiến trường, dân tộc Việt Nam bị đem làm vật thí nghiệm, cho những cuộc thử thách bom đạn, vũ khí, chiến thuật và kỹ thuật trong cuộc tranh chấp quốc tế đó. Bao nhiêu nước cựu thuộc địa trong thế giới Á Phi đã tránh khỏi vòng lửa đạn này, là nhờ ở nước họ không có một đảng cộng sản như ở nước ta.

    Cuộc tranh chấp tư bản, cộng sản trên thế giới đã kết thúc được 20 năm rồi. Loài người đã đồng ý với nhau muốn tiến bộ và hạnh phúc thì phải sống tự do, về chính trị cũng như về kinh tế. Nhưng ở nước ta, Đảng Cộng Sản vẫn tiếp tục cưỡi trên lưng dân tộc Việt. Mâu thuẫn về phương cách xây dựng đất nước vẫn còn nguyên, mặc dù đã biến dạng. Những bất đồng ý kiến từ thời 1930 đến giờ vẫn còn đó nhưng bây giờ là mâu thuẫn giữa một đảng độc quyền thống trị và nhân dân. Cuộc nội chiến kết thúc năm 1975 còn tiếp tục trong cuộc đấu tranh dai dẳng giữa những người cộng sản cầm quyền và những người dân không đồng ý kiến với họ. Hôm nay, những người như các cô Lê Thị Công Nhân, Trần Khải Thanh Thủy, Tạ Phong Tần, các anh Nguyễn Văn Đài, Điếu Cầy, vân vân, đang vận động tranh đấu cho một nước Việt Nam tự do dân chủ và một xã hội công bằng, trong sạch hơn. Họ dùng phương pháp bất bạo động, họ đấu tranh bằng cách phổ biến thông tin cho đồng bào biết thế giới đang thay đổi như thế nào và người Việt Nam nên sống với nhau ra sao. Họ đang theo chủ trương 'khai dân trí, chấn dân chí,' của Phan Tây Hồ. Họ đang bị chế độ cộng sản đàn áp. Khi đứng lên đòi tự do cho dân tộc Việt Nam; những bạn trẻ đó đang tiếp tục cuộc đấu tranh ý thức hệ dưới hình thức mới.

    Cuối cùng, nước Việt Nam vẫn phải chọn một câu trả lời cho câu hỏi mà thế hệ 1930 đã đặt ra. Phải dứt khoát giã từ chủ nghĩa Mác xít để dân tộc được hòa mình vào gióng sống của lịch sử loài người. Như một nhà thơ ở Sài Gòn viết: 'Chủ nghĩa chết đi, quê hương vẫn sống!' Phải chọn sống tự do dân chủ thay vì độc tài đảng trị, chọn công bằng xã hội thay vì độc đảng độc quyền. Đó là trách nhiệm của những người Việt Nam thuộc thế hệ 35 tuổi.

    CHÚ THÍCH: Những câu trong lá thư của Phan Châu Trinh trích dẫn từ trang 40, sách 'Việt Nam 1920 -1945' của Ngô Văn, xuất bản tại Montreuil, Pháp và tại Texas, Hoa Kỳ, năm 2000.

 
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 643 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 553
Khách: 553
Thành Viên: 0