Tụ nghĩa?
Bùi Tín – VOA
-
Những ngày đầu năm, thủ đô Hà Nội lạnh,
nhưng có một cuộc họp ấm cúng ở trụ sở tạp chí Tia Sáng trên đường Điện
Biên Phủ. Đây là một tin vui, rất vui. Vì trong khi các gia đình họ hàng
bạn bè đi thăm nhau, các quan chức thi nhau lo quà cáp biếu xén chúc
tụng các quan trên, một số trí thức – kẻ sỹ thủ đô – chừng 20 vị, đều
từng có chức vụ nổi bật trong xã hội, hẹn nhau tụ họp mừng đón Xuân Nhâm
Thìn.
Cuộc họp này – một cuộc mini-tụ nghĩa
giữa thủ đô – sẽ có thể được ghi vào lịch sử đất nước vì những người
tham dự đều là kẻ sỹ có tâm và có tầm, đau đáu một khắc khoải lớn, đưa
đất nước vượt qua khó khăn chồng chất, khắc phục khủng hoảng lạc hậu, để
Việt Nam mở mặt mở mày với thế giới, xã hội phát triển bình đẳng văn
minh, toàn dân chung hưởng thành quả của phát triển.
Những người dự họp đã trao đổi ý kiến gọn
gàng, bộc trực, tâm huyết về hiện tình đất nước, qua những phát biểu
đều cô đọng, cân nhắc, nghiêm trang, biểu lộ một ý thức trách nhiệm
chung khi Tổ quốc thực sự lâm nguy, khi lãnh đạo đảng tỏ ra không ngang
tầm, còn cao ngạo cấm trí thức phản biện công khai đường lối chính sách
của đảng.
Các trí thức có mặt trong cuộc họp mặt
đầu Xuân này hẵn đã không quên rằng trong tháng 10-2010, theo yêu cầu
của đảng, hơn 20 anh chị em trí thức tiêu biểu đã góp ý tận tình và sâu
sắc vào các văn kiện dự thảo cho Đại hội XI, bác bỏ với lập luận chặt
chẽ hầu hết các luận điểm đã được Bộ Chính trị thông qua. Nhưng tất cả
phản biện rất có giá trị ấy đều bị những người cầm quyền gác bỏ ngoài
tai vì cho là lẩm cẩm.
Cuộc họp đầu xuân này có thể coi là một
cuộc phản biện nối tiếp. Vì Vì trí thức chân chính là thế. Quyền uy
không khuất phục được. Danh lợi không mua chuộc được. Họ chỉ bị thuyết
phục bởi lẽ phải. Họ chỉ sợ lương tâm của chính họ. Với họ, nhân dân là
cao nhất. Những sỹ phu như Chu Văn An, Nguyễn Trường Tộ…đáng ngưỡng mộ
là vì cốt cách ấy.
Do đó việc Bộ Chính trị đầy quyền uy
cưỡng ép Đại hội XI thông qua một nghị quyết đã được xem xét kỹ bởi các
chuyên gia và kết luận là "sai từ đầu đến cuối”, "cần viết hẳn lại,
không thể sửa được”, là một sự chà đạp chân lý, một sự khiêu khích đối
với lương tri, một hành động có tính cách miệt thị đối với trí thức, là
một sự phản bội dân tộc và nhân dân.
Chính vì lẽ đó mà tại cuộc họp đầu năm
Nhâm thìn này, nhà sử học Dương Trung Quốc đã báo động: cỗ xe đất nước
đang chạy không có định hướng, nó chạy theo quán tính, nó không phanh
hãm, nó không có số lùi. Lẽ ra nó đã phải quay chữ U – U turn -, để lùi
về phía sau rồi quả đoán rẽ vào đại lộ Văn minh, như nhà trí thức phản
biện – dấn thân Hà Sỹ Phu từng nêu lên 20 năm có lẻ rồi. Lãnh đạo là bẻ
lái, là biết tiến, biết lùi, biết ngoặt trái, ngoặt phải khi đến ngã ba,
ngã tư… Đi hàng trăm cây số rồi mới biết là lạc đường, nhưng ngoan cố
nhất định không quay lại, vì mù quáng, sỹ diện, cứ rúc sâu vào rừng rậm,
ngày càng xa đại lộ văn minh.
Các nhà lãnh đạo VN định đưa dân này, nước này phiêu lưu đến chỗ tận cùng bi đát nào nữa?
Dù sao anh Dương Trung Quốc cùng thân hữu
họp mặt đầu xuân Nhâm thìn vẩn còn niềm tin và vẫn còn ít nhiều lạc
quan về con đường xa lộ lớn của dân chủ và văn minh. Do đó số người họp
tuy nhỏ nhưng là của quý của đất nước và nhân dân. Họ không chịu xuôi
tay, Họ rất hiểu thời cơ lớn đã và đang đến dồn dập. Không thể để nhân
dân ta lỡ tàu một lần nữa.
Họ đang tụ nghĩa đấy. Một vài mini Diên Hồng để dẫn đến một Diên Hồng 2012.
Blog Bùi Tín (VOA)
|