Chủ Nhật, 2024-12-15, 0:49 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Tám » 17 » Thư kêu cứu của bà Lê Thị Kiều Oanh về việc chồng bà, Gs Phạm Minh Hoàng bị công an bắt khẩn cấp một cách vô cớ
8:07 AM
Thư kêu cứu của bà Lê Thị Kiều Oanh về việc chồng bà, Gs Phạm Minh Hoàng bị công an bắt khẩn cấp một cách vô cớ
Công an bắt khẩn cấp GS Phạm Minh Hoàng, ĐHBK/TPHCM
Gửi vào ngày Thứ Hai, 16 Tháng 8, 2010.
Thư kêu cứu của bà Lê Thị Kiều Oanh về việc chồng bà, Gs Phạm Minh Hoàng bị công an bắt khẩn cấp một cách vô cớ

Kính gửi Quý vị trách nhiệm Mạng Bauxite Việt Nam,
Kính gửi quý cơ quan truyền thông trong và ngoài nước,
Kính gửi bà con cô bác khắp nơi,

Tôi là Lê Thị Kiều Oanh, 46 tuổi, hiện đang sinh sống tại Sài Gòn, đau buồn và uất nghẹn gửi thư này đến Quý Vị để báo động về việc nhà nước Việt Nam đã bắt giữ chồng tôi vào ngày 13 tháng 8 năm 2010 để điều tra chiếu theo Điều 79 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.


Ông Phạm Minh Hoàng ngồi giữa các sinh viên. Ảnh do gia đình cung cấp


Ông Phạm Minh Hoàng và bé Trâm Anh. Ảnh do gia đình cung cấp

Chồng tôi tên Phạm Minh Hoàng, 55 tuổi, hiện đang là giảng viên tại trường Đại Học Bách Khoa Thành Phố HCM. Anh sang Pháp du học từ năm 1973. Hấp thụ lối giáo dục trung thực và bình đẳng với nhiều sáng tạo tại đây, anh luôn ước mơ ngày trở về quê hương sẽ là một nhà giáo để mong góp phần xây dựng tương lai tươi sáng cho giới trẻ Việt Nam.

Sau một chuyến về thăm cha mẹ bị bệnh vào cuối thập niên 90, cảm thương cho sự thiếu thốn về kỹ năng của các sinh viên Việt Nam, anh đã cố gắng thu xếp trở về quê hương, sẵn sàng từ bỏ cuộc sống an bình, đầy đủ phương tiện vật chất ở xứ người, trở về Việt Nam sống để săn sóc bố mẹ và nhận làm giảng viên tại trường Bách Khoa TP HCM để thực hiện giấc mơ của mình. Tâm huyết của anh là làm sao cho thanh niên Việt Nam ý thức được bổn phận và trách nhiệm để tích cực xây dựng một đất nước tiến bộ hơn về mọi mặt.

Ngoài những bức xúc về giáo dục và tuổi trẻ Việt Nam, trong gần 10 năm trở về sống trên quê hương, anh luôn khắc khoải về những vấn đề của đất nước, từ nạn tham nhũng đến những bất công trong xã hội. Anh cũng thường chia sẻ với tôi về tình trạng ô nhiểm môi trường sinh thái của Việt Nam. Khi nhà nước cho phép Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên, anh đã than trời là tại sao có một quyết định vô cùng tai hại như vậy?  Nên khi đọc được bản kiến nghị yêu cầu ngưng khai thác bauxite ở Tây Nguyên, do Giáo Sư Nguyễn Huệ Chi, Nhà Giáo Phạm Toàn và Tiến Sĩ Nguyễn Thế Hùng khởi xướng, anh đã không ngần ngại ký tên và kêu gọi bạn bè anh nên ký tên vào bản kiến nghị này. Chuyện Hoàng Sa, Trường Sa và các vụ ngư dân ta bị Trung Quốc hà hiếp, bắt giữ đòi tiền chuộc là những chuyện mà anh rất bức xúc. Anh đã tham gia buổi tọa đàm về Biển Đông và Hải Đảo Việt Nam tổ chức tại Sài Gòn vào ngày 24 tháng 7 năm 2009 để tìm hiểu thêm về các vấn đề này.

Kính thưa quý vị,

Là một nhà giáo yêu nước, quan tâm đến các vấn đề giáo dục, môi sinh và chủ quyền đất nước, chồng tôi đã sống một cách lương thiện và trong sáng, nhưng nhà nước đã đáp lại bằng việc bắt giữ chồng tôi, mà không đưa ra được một bằng chứng nào cụ thể để kết tội, ngoài việc điều tra về các mối liên hệ bạn hữu của chồng tôi khi còn ở bên Pháp và việc tổ chức các khóa học miễn phí về kỹ năng mềm cho các em sinh viên trong thời gian qua.

Kỹ năng mềm là những kỹ thuật dạy về tâm lý để tạo sự tự tin ở mỗi con người, giúp họ có cách nhìn khoa học để thích nghi vào đời sống xã hội. Những kỹ năng này được giảng dạy rất nhiều ở môi trường Tây phương, đặc biệt là ở Mỹ cho các em học sinh ngay từ cấp trung học. Hiện nay có rất nhiều khóa chuyên môn loại này ở Việt Nam và rất được giới trẻ ưa chuộng.

Như vậy việc tổ chức những lớp học miễn phí này không lẽ là một cái tội hay sao?

Còn những mối liên hệ bạn hữu khi chồng tôi còn ở bên Pháp, không lẽ nhà nước cũng cho là một cái tội hay sao?

Việc bày tỏ và chia sẻ sự quan tâm trước thực trạng đất nước, đau cái đau của dân tộc, cũng là một cái tội hay sao? Là một nhà giáo mà không biết xúc động, đau xót với những thăng trầm của xã hội, của đất nước thì làm sao có thể truyền dạy tinh thần yêu nước cho tuổi trẻ Việt Nam, những người sẽ phải gánh vác vận mệnh đất nước khi trưởng thành?

Trước những tai ương bất ngờ đổ ập xuống gia đình tôi trong những ngày vừa qua, tôi quyết định gửi đến Quý Vị lá thư này để kêu cứu, để chồng tôi không bị bắt giữ một cách oan ức mà không ai hay biết. Tôi viết thư này trong tâm trạng ngổn ngang và lo âu. Lo âu về việc những người đang giam giữ chồng tôi có thể hãm hại anh ấy trong đêm đen mà không một ai hay biết. Lo âu về những thủ thuật ép cung của những người đang muốn gán ghép tội lỗi lên đầu chồng tôi và bôi đen những nỗ lực cao quí của anh ấy. Lo âu cho bé Trâm Anh, đứa con gái thân yêu của chúng tôi vừa mới lên 6 tuổi, cháu sẽ ra sao khi thiếu vắng sự dìu dắt của người bố thân yêu…

Kính mong Quý Vị lên tiếng và tiếp tay bảo vệ anh Phạm Minh Hoàng và những người yêu nước – những người đang muốn đóng góp cả cuộc đời mình cho ước mơ bảo vệ đất nước và xây dựng tuổi trẻ Việt Nam.

Xin chân thành cảm tạ sự quan tâm của toàn thể Quý Vị.

Lê Thị Kiều Oanh
423 đường Nguyễn Tri Phương, Phường 8, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: +84 838 532 010 +84 93 83 45 343

Hay liên lạc với gia đình chúng tôi: Ông Phạm Duy Khánh, email: dkhanh.pham@gmail.com
Vì không có điều kiện để gửi lá thư này đi, nên tôi đã nhờ anh Khánh chuyển đi giùm.

♦♦♦♦

Công an bắt giữ GS Phạm Minh Hoàng, Đại Học Bách Khoa TPHCM
Khoa Diễm, phóng viên RFA 2010-08-15

Tin từ Việt Nam cho biết cách đây 2 ngày ông Phạm Minh Hoàng, Giảng viên Đại Học Bách Khoa TP.HCM, vừa bị công an bắt giữ, để điều tra về các mối liên hệ bạn hữu của ông khi còn ở nước ngoài.

Photo: RFA Bà Lê Thị Kiều Oanh và con gái. Hình do gia đình cung cấp.

Giảng viên Phạm Minh Hoàng cũng bị công an điểu tra  về việc tổ chức các lớp học miễn phí về kỹ năng mềm cho sinh viên trong thời gian gần đây.

Ông Phạm Minh Hoàng từng du học bên Pháp từ năm 1973, đến cuối thập niên 1990 ông trở về Việt Nam dạy học với ước mơ góp phần đào tạo một thế hệ ý thức được bổn phận và trách nhiệm để tích cực xây dựng một đất nước tiến bộ hơn về mọi mặt.

Gần đây, ông được nhiều người biết đến sau khi ký tên và kêu gọi bạn bè cùng ký tên vào bản kiến nghị yêu cầu nhà nước ngưng cho phép Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên, và tham gia buổi tọa đàm về Biển Đông và Hải Đảo Việt Nam tổ chức ở Sài Gòn hồi cuối tháng Chín năm ngoái.

Ngay sau khi nghe được tin ông bị bắt, Ban Việt Ngữ - Đài Á Châu Tự Do đã liên lạc với vợ ông là Bà Lê Thị Kiều Oanh đã hỏi thêm chi tiết. Sau đây là nội dung cuộc nói chuyện giữa bà Kiều Oanh và biên tập viên Khoa Diễm của Đài RFA.

Lý do bị bắt?

Khoa Diễm:  Dạ. Xin thưa, đây có phải là bà Kiều Oanh, vợ của Giảng viên Phạm Minh Hoàng không ạ?

Bà Lê Thị Kiều Oanh: Dạ. Dạ đúng ạ. Tôi là vợ của Giảng viên Phạm Minh Hoàng ạ.

Khoa Diễm : Dạ. Thưa bà, trước hết xin bà tóm tắt sơ chuyện gì đã xảy ra cho chồng bà là ông Phạm Minh Hoàng ạ?

Bà Lê Thị Kiều Oanh : Tôi cũng không biết lý do từ đâu nữa, nhưng mà vào ngày 11 tây tháng 8 thì có những người công an tới mời tôi và chồng tôi đi lên làm việc. Chồng tôi thì làm việc một nơi, còn tôi thì được làm việc một nơi khác.

Tôi cũng không biết từ đâu mà họ nói là có một người khai ra là chồng tôi và tôi là đảng viên của Đảng Việt Tân, nhưng mà thực sự thì tôi không phải là như vậy, mà tôi cũng biết chồng tôi không phải là như vậy.

Sau mấy ngày họ cứ mời lên mời xuống chúng tôi để hỏi cung, mà thực sự là họ chưa đưa ra được bằng chứng gì để mà buộc tội chúng tôi hết, mà tôi không biết tại sao. Tới tối ngày 13 thì họ tới đọc lệnh khám xét nhà tôi và đọc lệnh bắt khẩn cấp chồng tôi đi và việc đó rất là đau lòng.

Khoa Diễm : Dạ. Vậy thì từ khi mà họ bắt ông Hoàng đi đến giờ thì bà đã có cơ hội nào gặp lại chồng bà chưa ạ?

Bà Lê Thị Kiều Oanh :  Dạ, người ta nói là đang ở trong cuộc điều tra thì người ta không có cho gặp.

Khoa Diễm :  Vậy tình trạng sức khỏe hiện nay của ông nhà ra sao?

Bà Lê Thị Kiều Oanh : Tôi hoàn toàn không biết gì hết, chị ạ. Tôi rất lo cho chồng tôi (khóc…). Tôi không biết chồng tôi bây giờ như thế nào nữa.

Khoa Diễm :  Vậy ít nhứt bà có biết được là hiện tại ông Hoàng đang bị nhốt ở đâu không?

Bà Lê Thị Kiều Oanh :  Dạ, thực sự thì tôi không biết, nhưng mà lúc mà tôi được mời lên làm việc ở tại Nguyễn Văn Cừ thì tôi đoán là chồng tôi bị giữ ở đó thôi, chứ tôi cũng không biết rõ ạ.

Khoa Diễm :  Những người bạn đã cùng chồng bà và ông Hoàng ký vào bản kiến nghị yêu cầu ngưng khai thác bauxite ở Tây Nguyên, hay là chuyện Hoàng Sa - Trường Sa khi ông tham gia buổi tọa đàm về Biển Đông và Hải Đảo ở Việt Nam, thì có giúp cho bà những tin tức hoặc thông tin gì của ông hay không ạ?

Bà Lê Thị Kiều Oanh :  Hiện bây giờ thì tôi không có ạ. Tại vì tôi vốn là một người không có giỏi về internet cho nên trước cái việc của chồng tôi, tôi không biết cách nào. Tôi chỉ biết nhờ người em ruột của chồng tôi  giúp tôi làm cái việc này thôi.

Khoa Diễm :  Theo bà thì tại sao lại có những lời cáo buộc là vợ chồng bà là đảng viên của Đảng Việt Tân ạ?

Bà Lê Thị Kiều Oanh :  Cho tới bây giờ thì tôi không biết. Tôi chỉ biết là họ bắt một người quen của chúng tôi và cậu ta khai - đó là qua lời của họ - nói là cậu ta khai ra chúng tôi, khai ra chồng tôi.

Lo lắng, hoảng loạn

Khoa Diễm :  Trước đây ông Hoàng có đi du học ở Pháp và đã ở lại Pháp một thời gian khá lâu, vậy bà có mong muốn là chính phủ Pháp trực tiếp can thiệp vào vấn đề này hay không ạ?

Bà Lê Thị Kiều Oanh :  Thực sự là tôi muốn được sống yên ổn với lại chồng con tôi, mà tôi đang nghĩ là nếu bây giờ tôi nhờ chính phủ Pháp can thiệp, nếu họ trục xuất chồng tôi thì cuộc sống vợ chồng tôi cũng khó khăn lắm. Thực ra tôi thấy chồng tôi  vô tội. Tôi chỉ muốn chồng tôi được về nhà yên ổn với vợ con thôi.

Khoa Diễm :  Nhưng nếu như mà ông đã có những tham gia và những ý tưởng bảo vệ đất nước và những ý tưởng này có thể nghịch lại với lại chính phủ Việt Nam, thì liệu ông có thực sự được an toàn và thoải mái khi ông được thả ra và nếu như là ông được thả ra, thưa bà?

Bà Lê Thị Kiều Oanh :  Cho tới bây giờ tôi không biết chi hết. Tôi chỉ mong làm đủ mọi cách để chồng tôi được thả ra là vì tôi khẳng định rằng chồng tôi là người vô tội. Còn cái gì nó chưa tới thì thực sự tôi cũng không dám khẳng định một điều gì hết.

Khoa Diễm :  Vậy thì lúc mà đến để làm việc người ta có đưa ra những bằng chứng gì để buộc tội ông về những tội họ đã cáo buộc ông không?

Bà Lê Thị Kiều Oanh :  Dạ, tôi thì vừa mới được cơ quan điều tra người ta cấm tôi là không được nói những nội dung điều tra ra với bất cứ một người nào, thành ra tôi không biết là có được phép trả lời cụ thể cái nội dung cuộc điều tra hay không, vì người ta đã bắt tôi ký giấy là không được phép nói cái nội dung điều tra với bất cứ một ai.

Khoa Diễm :  Dạ. Vậy những câu hỏi đó có làm bà khó chịu khi mà bà trả lời hoặc là họ ép bức bà trong một hướng nào đó không? Hay là bà được tự do trả lời những câu hỏi đó?

Bà Lê Thị Kiều Oanh : Tôi được tự do trả lời.

Khoa Diễm :  Những người hỏi cung bà có đánh đập hoặc là có những cử chỉ thô bạo xúc phạm đến bà khi họ hỏi bà những câu hỏi này hay không?

Bà Lê Thị Kiều Oanh :  Họ không có đánh đập, không có hung dữ đối với tôi, nhưng mà duy nhứt chỉ có những ngày đầu họ hỏi cung tôi là ngày 11, ngày 12 và ngày 13 thì họ rất là lịch sự, nhưng mà tôi không hiểu tại sao tới ngày 14 thì tôi được mời vào lúc 8 giờ rưỡi và tôi tới rất là đúng giờ, và tôi chờ tới hơn 9 giờ thì mới bắt đầu cuộc điều tra, và kéo dài cho tới chiều mà họ không có mời tôi một ly nước nào cũng như không hỏi xem tôi có đói không vào cái giờ cơm trưa, thì tôi lấy làm lạ như vậy thôi. Chứ còn hai ngày trước thì rõ ràng tôi thấy họ rất là lịch sự, nghĩa là vẫn mời tôi uống nước, vẫn mời tôi ăn vào giờ cơm.

Khoa Diễm :  Dạ. Vậy thì trong lần làm việc cuối cùng đó họ đã giữ bà lại bao nhiêu lâu?

Bà Lê Thị Kiều Oanh :  Dạ. Từ hơn 9 giờ sáng cho tới 2 giờ chiều ạ.

Khoa Diễm : Hai giờ chiều! Vậy thì lúc đó bé Trâm Anh được ai săn sóc khi mà cả ông và bà đều được mời đi làm việc?

Bà Lê Thị Kiều Oanh :  Dạ, bữa đó tôi phải gởi qua cho ông bà nội của nó ạ. Ông bà nội của nó thì lớn tuổi lắm rồi. Cả hai đều gần 90 tuổi.

Khoa Diễm :  Dạ. Tình trạng hiện tại của hai mẹ con bà hiện nay ra sao?

Bà Lê Thị Kiều Oanh :   Chắc chắn là rất khó khăn rồi, tại vì nhà tôi thì cũng đang trong giai đoạn sửa chữa. Tôi đang sửa chữa mà bây giờ thiếu vắng một người đàn ông trong khi tinh thần tôi thực sự tôi đang hoảng loạn, rồi con tôi đã vào giai đoạn nhập học, cho nên bao nhiêu việc, phải nói là tôi rối, rất là rối.

Khoa Diễm :  Tôi có một câu hỏi cuối cùng xin được hỏi bà là bà có lời nhắn nào hoặc là tâm tình nào bà muốn gởi đến quý thính giả của Đài Á Châu Tự Do khi mà họ nghe về câu chuyện của chồng bà và của bà không ạ?

Bà Lê Thị Kiều Oanh:  Dạ. Tôi mong là bất cứ một ai quan tâm tới những người Việt Nam yêu nước như là chồng tôi, tại vì rõ ràng chồng tôi lúc hồi 17 tuổi bước lên máy bay đi du học chồng tôi đã từng tâm sự với tôi là "Anh ngồi trên máy bay anh nhìn qua khung cửa của máy bay, anh nhìn xuống đất nước Việt Nam, anh quyết định rằng là một ngày nào đó anh sẽ trở về để phục vụ quê hương của mình."

Nhưng mà bây giờ chị nghĩ xem, chồng tôi về đây bỏ tất cả cuộc sống đầy đủ hạnh phúc ở trời Tây để về đây với cái mong muốn là phụng sự đất nước mình, mà bây giờ không biết tại sao chồng tôi lại bị lâm vào cái chuyện như thế này (khóc).

Tôi chỉ mong rằng những ai cảm thấy là xót xa cho chuyện của chồng tôi  xin hãy lên tiếng, xin hãy làm cái gì đó để giúp cho chồng trong việc đó thôi ạ.

Khoa Diễm :  Dạ. Tôi cảm ơn chị rất nhiều ạ.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 565 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0