Thứ Năm, 2025-01-23, 5:09 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Mười Hai » 21 » THẾ NÀO LÀ DÂN CHỦ
12:14 PM
THẾ NÀO LÀ DÂN CHỦ
THẾ NÀO LÀ DÂN CHỦ

Nguyễn Phúc Bảo Ân

Thế nào là dân chủ? Người dân Việt đã bao giờ thực sự được sống trong một xã hội dân chủ thực sự chưa?

Đối với nhiều người, thuật ngữ dân chủ có thể là quen thuộc, rất quen thuộc, nhưng lại là một khái niệm đã bị hiểu sai và sử dụng sai, nhất là khi các chế độ chuyên chế, các chính thể quân sự độc tài lợi dụng để kêu gọi sự ủng hộ của quần chúng khi tư gắn cho mình cái mác dân chủ. Chính vì điều này mà dân chúng ở các quốc gia này, trong đó có cả người Việt nam đã hiểu biết về khái niệm dân chủ một cách mơ hồ hoặc hoàn toàn sai lệch,. Đối với họ, dân chủ có nghĩa là nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý và đảng lãnh đạo, tức là người dân có quyền làm chủ về mọi hành vi của mình. Thực ra, khi đề cập đến dân chủ là đề cập đến một khái niệm mà đối tượng của nó là chính phủ, chứ không phải là người dân. Theo từ nguyên học (etymology) thì thuật ngữ dân chủ bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp δημοκρατία - (dēmokratía) có nghĩa là "the power to the people”: "Quyền Lực Của Nhân Dân”, thuật ngữ này được kết hợp bởi căn ngữ  δῆμος (dêmos) tức là nhân dân và κράτος (krátos) tức là quyền lực hoặc chính phủ.

Theo tự điển triết học thì dân chủ "là chính phủ được thành lập bởi nhân dân trong đó quyền lực tối cao được trao cho nhân dân và được thực hiện bởi nhân dân- gọi là dân chủ trực tiếp- hoặc bởi các đại diện do nhân dân bầu ra từ một hệ thống bầu cử tự do –gọi là dân chủ đại nghị”. Và, theo Tổng Thống Abraham Lincoln thì dân chủ là một chính phủ "của dân, do dân và vì dân”

Như vậy, bầu cử là một định chế trọng tâm của các chính phủ dân chủ kiểu đại diện, vì trong một nền dân chủ, quyền lực của nhà nước chỉ được thực thi khi có sự nhất trí của người dân –là người bị quản lý- mà cơ chế căn bản để chuyển sự nhất trí đó thành quyền lực nhà nước là tổ chức bầu cử tự do và công bằng.

Cũng cần phải hiểu rằng tất cả các nền dân chủ hiện đại đều tổ chức bầu cử, nhưng không phải tất cả các cuộc bầu cử đều là dân chủ. Các chế độ độc tài cánh hữu, các chế độ Marxist và các chế độ độc đảng cũng có tiến hành bầu cử, nhưng chủ yếu là để mị dân, để hợp pháp hóa cho quyền lực của họ. Trong các cuộc bầu cử như thế, có thể chỉ có một ứng cử viên, hoặc một nhóm ứng cử viên, mà không có bất cứ ứng cử viên hoặc nhóm ứng cử viên đối lập tranh cử và tất nhiên là cử tri không có bất cứ một sự lựa chọn nào khác. Trong các cuộc bầu cử đó, cũng có thể đề cử nhiều ứng cử viên cho một vị trí, nhưng chỉ có các ứng cử viên được sự chấp thuận của đảng, của chính phủ mới được đảm bảo chọn lựa với những thủ thuật hoặc nhưng hăm dọa đối với các ứng cử viên khác. Một số cuộc bầu cử có thể có sự chọn lựa thực sự, nhưng chỉ được thực hiện trong nội bộ đảng cầm quyền. Tất cả các loại bầu cử đó đều không phải là dân chủ, mà chỉ là "đảng cử dân bầu”. Một số thí dụ điển hình trong lịch sử của những nền "dân chủ” này là Iraq dưới thời Saddam Hussein và  Philippines thời Ferdinand Marcos cũng như ở tất cả các nước trong khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu,  Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trước đây và tất nhiên nền "dân chủ” kiểu này hiện vẫn đang tồn tại ở Công Hòa Nhân Dân Cuba, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên, Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào và cả Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện nay.

Thế nào là bầu cử dân chủ?
Jeane Kirkpatrick, học giả và cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc, đã đưa ra định nghĩa sau: "Các cuộc bầu cử dân chủ không đơn thuần là biểu tượng cho một thể chế, mà là các hoạt động mang tính chất cạnh tranh, định kỳ, đầy đủ và xác định, trong đó các nhân vật chủ chốt của chính phủ được bầu lên do chính những công dân được hưởng quyền tự do phê phán, chỉ trích chính phủ, công bố các phê phán và đề xuất các lựa chọn khác một cách công khai”.

Nguyên tắc trên đây của Kirkpatrick muốn nói lên điều gì? Đó là các cuộc bầu cử dân chủ mang tính cạnh tranh. Các đảng đối lập và các ứng cử viên phải được hưởng quyền tự do ngôn luận, quyền hội họp và biểu tình khi cần thiết để thể hiện tiếng nói phê phán chính phủ một cách công khai và giới thiệu các chính sách cũng như các ứng cử viên cho cử tri. Việc đơn giản chấp nhận phe đối lập tham dự bỏ phiếu kín cũng chưa đủ là dân chủ. Bầu cử mà trong đó phe đối lập bị cấm sử dụng các phương tiện thông tin phát sóng (phát thanh, truyền hình) hoặc bị sách nhiễu hoặc các tờ báo của họ bị kiểm duyệt thì cũng không phải là dân chủ. Đảng cầm quyền có thể được hưởng lợi thế trong phân chia vị trí trí cầm quyền, nhưng các nguyên tắc và cách thức bầu cử phải công bằng.

Bầu cử dân chủ phải mang tính định kỳ. Các thể chế dân chủ không bầu các nhà độc tài hay các tổng thống với nhiệm kỳ suốt đời. Các công chức được bầu phải có trách nhiệm với nhân dân và họ phải quay lại gặp các cử tri theo định kỳ để có được sự nhất trí cho họ tiếp tục giữ quyền hay không. Nghĩa là các công chức trong thể chế dân chủ phải chấp nhận rủi ro có thể bị bãi miễn khỏi chức vụ. Chỉ có một ngoại lệ đó là vị trí thẩm phán, để ngăn cách họ khỏi áp lực của công chúng và đảm bảo tính vô tư trong công việc, các thẩm phán có thể được bầu hoặc chỉ định suốt đời và chỉ bị phế truất khi mắc các sai lầm nghiêm trọng.

Bầu cử dân chủ phải mang tính đầy đủ. Việc xác định các công dân và cử tri phải đủ rộng để bao gồm một tỷ lệ lớn các công dân trưởng thành. Một chính phủ do một nhóm nhỏ và độc quyền lựa chọn không phải là dân chủ, cho dù cách thể hiện hoạt động của nó là dân chủ. Một trong những đấu tranh vĩ đại của dân chủ trong lịch sử là cuộc đấu tranh của những nhóm bị khai trừ (sắc tộc, tôn giáo, phụ nữ) đòi quyền công dân đầy đủ để có quyền bầu cử và đề cử vào các vị trí lãnh đạo. Ví dụ, tại Hoa Kỳ, khi Hiến pháp được ký vào năm 1787 thì chỉ những người da trắng sở hữu tài sản mới có quyền bầu cử và đề cử. Tiêu chuẩn sở hữu này chấm dứt vào đầu thế kỷ 19 và tới năm 1920 phụ nữ mới giành được quyền bầu cử. Đối với người Mỹ da đen thì mãi tới phong trào đòi quyền dân chủ diễn ra vào những năm 1960 mới giành được quyền bầu cử đầy đủ tại phía nam Hoa Kỳ. Và cuối cùng, tới năm 1971 các công dân trẻ tuổi mới được trao quyền bầu cử khi Hoa Kỳ hạ tuổi bầu cử từ 21 xuống 18 tuổi.

Bầu cử dân chủ phải mang tính xác định. Bầu cử dân chủ để xác định sự lãnh đạo cho chính phủ. Những vị đại diện cho dân chúng được bầu thông qua hình thức phổ thông để nắm quyền lực mà quyền lực này sẽ bị luật pháp và hiến pháp chi phối, điều chỉnh. Họ không phải là những nhà lãnh đạo bù nhìn hay tượng trưng.

Sau cùng, các cuộc bầu cử dân chủ không bị hạn chế trong việc lựa chọn các ứng cử viên. Các cử tri cũng có thể phải quyết định các vấn đề chính sách một cách trực tiếp thông qua trưng cầu dân ý và các sáng kiến được đưa vào bỏ phiếu kín. Ví dụ, tại Hoa Kỳ, các vấn đề lập pháp có thể phải quyết định trực tiếp trước các cử tri. Khi có một sáng kiến luật, chính các công dân có thể thu thập một số lượng chữ ký đủ theo quy định (thường theo tỷ lệ % số cử tri đăng ký tại bang) và yêu cầu vấn đề đó phải được đưa ra bỏ phiếu trong lần tiếp theo, ngay cả khi có sự phản đối của cơ quan lập pháp bang hay thống đốc bang. Như tại bang California, các cử tri phải xử lý hàng tá các sáng kiến luật mỗi khi tổ chức bầu cử, từ những vấn đề liên quan tới ô nhiễm môi trường tới vấn đề phí bảo hiểm ô-tô.

Đạo đức dân chủ và phe đối lập trung thành
Các nền dân chủ được phát triển trên cơ sở tính công khai và tính trách nhiệm, với một điểm đặc biệt quan trọng là hành động bầu cử. Để được tự do bỏ phiếu và hạn chế tối đa khả năng hăm dọa khi bầu cử, cử tri phải được quyền bỏ phiếu kín, đồng thời phải bảo vệ được các thùng phiếu và việc kiểm phiếu phải được tiến hành công khai tối đa có thể, khi đó các công dân mới tin tưởng rằng kết quả bầu cử là chính xác và chính phủ đã được thành lập do chính sự nhất trí của họ.

Một trong những khái niệm khó khăn nhất để một số người chấp nhận, đặc biệt là ở những quốc gia đang trải qua thời kỳ chuyển giao quyền lực có tính chất lịch sử bằng vũ lực là khái niệm "phe đối lập trung thành”. Tuy nhiên, ý tưởng này lại có tính chất sống còn cho dân chủ, khái niệm này có nghĩa là các bên trong một thể chế dân chủ cùng chia sẻ một cam kết chung hướng tới các giá trị cơ bản của xã hội. Các đối thủ chính trị không cần thiết phải thương yêu nhau, nhưng họ phải biết chấp nhận nhau và thừa nhận vai trò quan trọng và hợp pháp của nhau. Hơn nữa, các nguyên tắc cơ bản của xã hội phải khuyến khích sự dung hòa và sự lễ độ trong các cuộc tranh luận xã hội.

Khi bầu cử kết thúc, người thua cuộc chấp nhận sự quyết định của cử tri. Nếu đảng cầm quyền thua cuộc, sự chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra một cách hòa bình. Cho dù ai thắng cuộc, các bên đều nhất trí hợp tác với nhau để giải quyết các vấn đề chung của xã hội. Những người thua cuộc, nay trở thành bên đối lập chính trị, biết rằng họ sẽ không bị mất mạng hay phải ra tòa. Ngược lại, bên đối lập, cho dù họ gồm một hay nhiều đảng phái khác nhau, có thể tiếp tục tham gia vào đời sống xã hội với một nhận thức là họ đang đóng vai trò quan trọng trong một nền dân chủ xứng đáng với tên gọi như thế. Không phải họ trung thành với các chính sách cụ thể của chính phủ mà họ trung thành với tính hợp pháp cơ bản của nhà nước và trung thành với quá trình dân chủ.

Khi tới lần bầu cử tiếp theo, các đảng đối lập lại có cơ hội để cạnh tranh quyền lực. Hơn nữa, xã hội đa nguyên, do số người nắm quyền lực trong chính phủ chỉ có giới hạn, còn tạo cơ hội tranh cử cho những người thua cuộc vào các vị trí quyền lực công cộng khác ngoài chính phủ. Những người thua cuộc trong bầu cử có thể lựa chọn tiếp tục hoạt động như một đảng đối lập chính thức, hoặc họ cũng có thể quyết định tham gia vào các hoạt động chính trị, các tranh luận công cộng thông qua viết sách báo, giảng dạy hoặc liên kết với các tổ chức tư nhân quan tâm tới các vấn đề chính sách công. Cuối cùng, bầu cử dân chủ không phải là cuộc chiến đấu một mất một còn mà chỉ là sự cạnh tranh để được phục vụ xã hội.

Trở lại với các nước cộng sản ở Đông Âu trước đây, cũng như các nước trong phe XHCN hiện nay để thấy rằng các lãnh tụ của họ một khi đã được "bầu” vào các chức vụ thì họ sẽ tại vị cho đến mãn đời như Lê-nin, Phidel Castro, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành và Hồ Chí Minh, thậm chí trước khi lìa đời, họ còn có đặc quyền truyền ngôi báu lại cho con cái, cho thân nhân, và sau khi đã chết thối thây rồi nhân dân vẫn phải xem họ là những vị "lãnh tụ vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của quần chúng”. Điều đáng buồn, đáng tiếc là không ít người dân đang sống ở các quốc gia này vẫn tin rằng họ đang được sống, được thụ hưởng một nền dân chủ thực sự trên một đất nước dân chủ thực sự, chỉ vì chế độ cộng sản đã quá tinh vi trong các chính sách tuyên truyền, nhồi sọ, đặc biệt là với sách lược "lộng giả thành chân”.

Một nhầm lẫn khác cũng khá phổ biến đối với nhiều người là khái niệm tự do và dân chủ, bởi tự do và dân chủ thường hay được sử dụng thay lẫn nhau nhưng hai thuật ngữ này hoàn toàn không đồng nghĩa với nhau. Dân chủ thực tế là một tập hợp những tư tưởng và nguyên tắc về tự do và cũng bao gồm một tập hợp các thông lệ và các thủ tục đã được đúc kết lại từ quá trình lâu dài, thường không bằng phẳng, của lịch sử. Một cách ngắn gọn, dân chủ là sự thể chế hóa tự do. Trên cơ sở này chúng ta có thể định rõ được các nguyên tắc cơ bản đã được thử thách qua thời gian đối với một chính phủ lập hiến, vấn đề nhân quyền, vấn đề bình đẳng trước pháp luật mà bất cứ một xã hội nào được gọi là dân chủ theo đúng nghĩa của nó cũng cần phải có.

Chúng ta coi những sự thật sau đây là hiển nhiên: mọi con người được sinh ra đều bình đẳng, họ đã được tạo hóa ban cho một số quyền không thể tước bỏ được, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc. Để bảo đảm cho các quyền đó, các chính phủ được thiết lập nên với quyền lực chính đáng dựa trên sự nhất trí của những người bị quản lý (người dân).

Trong những lời đáng ghi nhớ này của bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, Thomas Jefferson đã đưa ra một nguyên tắc cơ bản làm cơ sở cho sự thành lập chính phủ dân chủ. Các chính phủ trong thể chế dân chủ không ban phát các quyền tự do cơ bản mà Jefferson đã nêu, mà chính các chính phủ đó được lập ra để bảo vệ các quyền tự do đó - các quyền mà mọi cá nhân hiển nhiên có do sự tồn tại của mình.

Theo quan điểm của các nhà triết học thời đại khai sáng của thế kỷ 17 và 18 thì các quyền không thể tước bỏ được là các quyền tự nhiên do Tạo hóa ban cho họ. Các quyền này không bị phá hủy khi xã hội dân sự được thiết lập và không một xã hội hay một chính phủ nào có thể xóa bỏ hoặc "chuyển nhượng” các quyền này.

Các quyền không thể tước bỏ bao gồm các quyền tự do ngôn luận và thể hiện, tự do tín ngưỡng và nhận thức, tự do hội họp và quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, đây chưa phải là bản liệt kê đầy đủ các quyền mà các công dân có được trong một nền dân chủ. Các xã hội dân chủ đồng thời thừa nhận các quyền dân sự như quyền được xét xử công bằng, và còn lập nên các quyền chủ chốt mà bất kỳ chính phủ dân chủ nào cũng phải duy trì. Vì các quyền này tồn tại không phụ thuộc vào chính phủ, do đó chúng không thể bị luật pháp bãi bỏ cũng như không phụ thuộc vào ý muốn nhất thời của đa số cử tri nào đó. Ví dụ như điều sửa đổi bổ sung đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kỳ không đưa ra quyền tự do tín ngưỡng hay tự to báo chí cho dân chúng. Điều sửa đổi bổ sung đó nghiêm cấm Quốc hội thông qua các luật vi phạm tới tự do ngôn lụân, tự do tín ngưỡng và quyền hội họp ôn hòa. Nhà sử học Leonard Levy đã phát biểu: "Các cá nhân có thể tự do khi chính phủ của họ không tự do”.

Các nội dung chi tiết và các thủ tục của luật pháp liên quan tới quyền con người cần phải thay đổi tùy theo xã hội, nhưng tất cả các nền dân chủ đều được giao trọng trách trong việc xây dựng các cấu trúc xã hội lập hiến, lập pháp để bảo đảm cho các quyền con người đó.

Tự do ngôn luận và thể hiện là huyết mạch của bất kỳ xã hội dân chủ nào. Tranh luận, bỏ phiếu, hội họp và phản kháng, thờ phụng và bảo đảm công lý cho mọi người - tất cả những điều này có được đều dựa trên sự tự do và thông suốt của ngôn luận và thông tin. Patrick Wilson, người Canađa, sáng lập ra chương trình truyền hình Đấu tranh cho Dân chủ đã nhận xét: "Dân chủ là trao đổi thông tin: mọi người trao đổi với người khác về các vấn đề chung của họ và gây dựng nên một số phận chung. Trước khi con người tự quản được mình thì họ cần phải được tự do để tự thể hiện mình đã”.

Các công dân trong thể chế dân chủ được sống với một niềm tin chắc chắn là thông qua trao đổi cởi mở về các tư tưởng và quan điểm, chân lý và sự thật sẽ được tìm thấy để chiến thắng sai lầm hay dối trá, đồng thời các quan điểm hay các tư tưởng khác sẽ được nhận biết giá trị rõ hơn, các vấn đề thỏa hiệp cũng được xác định rõ ràng và khi đó con đường dẫn tới tiến bộ, phát triển sẽ được khai thông. Sự cởi mở trong trao đổi càng lớn thì kết quả càng tốt đẹp. Nhà bình luận người Mỹ F.B. White đã diễn tả điều đó theo cách sau: "Báo chí ở đất nước tự do của chúng ta được tin cậy và hữu ích cho mọi người không phải vì nó có đặc điểm tốt đẹp nào đó mà chính vì sự đa dạng rất lớn của nó. Chừng nào càng có nhiều chủ thể, mỗi chủ thể đều theo đuổi một sự thật riêng của họ thì chúng ta - những người dân càng có cơ hội đạt tới chân lý và mọi vấn đề luôn được sáng tỏ. Càng nhiều [chủ thể] thì càng tốt”.

Trái hẳn với các chế độ độc tài, các chính phủ dân chủ không kiểm soát, ra lệnh hay đánh giá nội dung của bài viết hoặc bài nói chuyện. Thể chế dân chủ dựa trên các công dân có học vấn và hiểu biết mà khả năng tiếp cận của họ đối với thông tin càng lớn thì càng làm cho họ có nhiều khả năng tham gia đầy đủ hơn vào các hoạt động xã hội. Sự dốt nát sinh ra sự thờ ơ. Thể chế dân chủ đạt được thịnh vượng dựa trên sức mạnh của các công dân luôn được tắm trong các dòng tư tưởng, dữ kiện, ý kiến và sự xét đoán một cách tự do.

Nhưng chính phủ nên làm gì trong trường hợp các phương tiện thông tin hoặc một số tổ chức khác lạm dụng quyền tự do ngôn luận để tạo ra các thông tin mà theo đa số là không đúng sự thật, phản cảm, vô trách nhiệm hoặc đơn giản chỉ là khó chấp nhận? Nói chung, câu trả lời sẽ là: không làm gì cả! Đơn giản chỉ là: công việc của chính phủ không phải để xử lý những vấn đề như thế. Nói chung, phương thuốc cho tự do ngôn luận chính là ngôn luận tự do hơn. Điều này có vẻ nghịch lý, nhưng nhân danh ngôn luận tự do, thể chế dân chủ đôi khi phải bảo vệ quyền của các cá nhân và các tổ chức khi họ tự cho rằng các chính sách phi dân chủ đang đàn áp ngôn luận tự do. Các công dân của xã hội dân chủ bảo vệ các quyền này với một niềm tin tưởng là sự tranh luận cởi mở cuối cùng sẽ dẫn tới sự thật lớn hơn và các hành động của dân chúng sẽ khôn ngoan hơn so với khi ngôn luận hay sự bất đồng bị bóp nghẹt.

Hơn thế nữa, những người ủng hộ tự do ngôn luận lập luận rằng sự đàn áp ngôn luận tự do mà ta thấy đối với ai đó hôm nay sẽ có khả năng là mối đe dọa tới ngôn luận tự do của chính chúng ta vào ngày mai, điều mà cả ta và những người khác đều cảm thấy không chấp nhận được. Một trong những biện luận kinh điển cho quan điểm này là của nhà triết học người Anh John Stuart Mill, ông đã chỉ ra từ năm 1859 trong bài viết "Bàn về Tự do” rằng toàn dân bị tổn hại khi ngôn luận bị đàn áp. "Nếu dư luận là đúng, họ bị tước đoạt mất cơ hội chuyển sự nhầm lẫn thành sự thật, nếu dư luận là sai, họ mất cơ hội để có được nhận thức rõ ràng hơn và mất cơ hội nhìn nhận sự thật sâu sắc hơn khi được đối chiếu với sai lầm”.

Hệ quả của tự do ngôn luận là quyền của nhân dân được nhóm họp và đòi hỏi một cách ôn hòa chính phủ phải lắng nghe những mối bất bình của họ. Không có quyền hội họp, không có quyền được lắng nghe, khi đó tự do ngôn luận không còn giá trị nữa. Do đó, tự do ngôn luận coi như là vô nghĩa nếu không được gắn bó mật thiết, nếu không nói là không thể tách rời với quyền hội họp, phản kháng và quyền đòi hỏi thay đổi. Các chính phủ dân chủ có thể quy định một cách hợp pháp về thời gian và địa điểm của các cuộc tập hợp và tuần hành chính trị để duy trì hòa bình, nhưng họ cũng không thể sử dụng quyền lực để đàn áp sự phản kháng hoặc ngăn cản các nhóm, các tổ chức phản đối lên tiếng cho công luận nghe rõ.

Tự do tín ngưỡng, hay nói rộng hơn là tự do về nhận thức có nghĩa là không ai bị đòi hỏi phải tin theo một tôn giáo hoặc một niềm tin nào ngược lại với mong muốn của chính họ. Hơn nữa, không ai bị trừng phạt hay ngược đãi bằng bất kỳ hình thức nào chỉ vì họ chọn lựa tôn giáo này chứ không phải tôn giáo khác, hoặc không chọn lựa một tôn giáo nào cả. Nhà nước dân chủ công nhận niềm tin tôn giáo của con người là vấn đề hết sức riêng tư.

Theo một nghĩa liên quan, tự do tôn giáo có nghĩa là không một người nào bị chính phủ bắt buộc phải chấp nhận một nhà thờ hoặc một tín ngưỡng chính thức nào cả. Trẻ em không bị bắt buộc phải theo học ở một trường tôn giáo và không một ai bị đòi hỏi phải tham dự các công việc tôn giáo, cầu nguyện hoặc tham gia vào các hoạt động tôn giáo ngược với ý nguyện của họ. Trải qua lịch sử và truyền thống lâu đời, rất nhiều các quốc gia dân chủ đã thiết lập một cách chính thống các nhà thờ hoặc tôn giáo với sự bảo trợ của nhà nước. Tuy nhiên, điều đó không làm giảm nhẹ trách nhiệm của các chính phủ dân chủ trong vai trò bảo vệ tự do cho các cá nhân mà tín ngưỡng của họ khác với tôn giáo được khuyến khích một cách chính thống.
Các thể chế dân chủ dựa trên nguyên tắc là chính phủ tồn tại để phục vụ nhân dân, còn nhân dân không tồn tại để phục vụ chính phủ. Nói cách khác, nhân dân là các công dân của nhà nước dân chủ chứ không phải là đối tượng của nhà nước dân chủ. Khi nhà nước bảo vệ quyền của công dân, thì đáp lại, công dân trung thành với nhà nước của họ. Dưới một chế độ độc tài, nhà nước tồn tại như một thực thể tách rời xã hội, đòi hỏi lòng trung thành và sự phục vụ từ những người dân của họ mà không có một bổn phận tương xứng nào đối với dân chúng để đảm bảo có được sự nhất trí của người dân đối với các hành động của họ.

Chẳng hạn, khi các công dân trong một xã hội dân chủ đi bầu cử là họ thực thi quyền và trách nhiệm của họ để nhằm xác định ai sẽ là người thay mặt họ thực hiện việc quản lý xã hội. Trái lại, trong một nhà nước độc tài, những hoạt động bầu cử chỉ nhằm hợp pháp hóa sự lựa chọn đã định sẵn của chế độ. Sự bầu cử trong một xã hội như thế không dính líu gì tới quyền cũng như trách nhiệm của các công dân, mà chỉ là một sự bày tỏ cưỡng bức sự ủng hộ của công chúng cho chính phủ.

Tương tự, các công dân trong một xã hội dân chủ được tận hưởng quyền tham dự vào các tổ chức không phụ thuộc vào chính phủ và được tự do tham gia vào các hoạt động của xã hội. Đồng thời họ cũng phải chấp nhận nghĩa vụ đi kèm quyền tham gia đó: Tự tìm hiểu và học hỏi về các vấn đề, biết dung hòa khi xử sự với những người có quan điểm trái ngược, và biết thỏa hiệp khi cần thiết để đạt được thỏa thuận.

Tuy nhiên, trong một nhà nước độc tài chỉ có rất ít hoặc không có các tổ chức hoặc các nhóm tình nguyện tư nhân. Nếu có, các tổ chức đó không đóng vai trò như các phương tiện để cho các cá nhân để tranh luận về các vấn đề hay thực hiện các công việc riêng của họ, các tổ chức này chỉ phục vụ như một cánh tay của nhà nước để bắt các đối tượng của nhà nước phải phục tùng.

Thực hiện nghĩa vụ quân sự cho ta một ví dụ khác về sự trái ngược của quyền và trách nhiệm trong các xã hội dân chủ và phi dân chủ. Cả hai loại xã hội đó đều yêu cầu các thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự trong thời bình. Trong nhà nước độc tài, sự bắt buộc này được áp đặt một cách đơn phương. Trong nhà nước dân chủ, thời hạn phục vụ trong quân đội là một nhiệm vụ mà các công dân phải thực hiện thông qua luật của chính phủ do chính các công dân đó bầu ra. Trong mọi xã hội, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thời bình có thể không được các cá nhân hoan nghênh. Nhưng người lính-công dân trong một xã hội dân chủ thực hiện nghĩa vụ đó với một nhận thức là họ đang đảm nhiệm một bổn phận mà xã hội đó đã tự cam kết phải thực hiện. Hơn thế nữa, các thành viên trong một xã hội dân chủ có quyền thực hiện nghĩa vụ đó theo cách tập thể hoặc thay đổi bổn phận đó: giải trừ nghĩa vụ quân sự bắt buộc và thành lập quân đội tự nguyện như Hoa Kỳ và một số nước khác đã làm; thay đổi thời hạn phục vụ trong quân đội như ở Đức; hoặc duy trì một đội ngũ nam giới dự bị cho nghĩa vụ quân sự như một phần cơ bản của quyền công dân ở Thụy Sỹ.

Quyền công dân trong những ví dụ kể trên dẫn đến một định nghĩa rộng hơn về quyền và nghĩa vụ, bởi lẽ chúng là hai mặt đối lập của một vấn đề. Việc thực hiện các quyền của một cá nhân cũng đồng thời là trách nhiệm của họ phải bảo vệ và nâng cao các quyền đó của chính họ và của người khác. Ngay cả các công dân trong các thể chế dân chủ đã được thiết lập vững mạnh cũng thường hiểu sai mối quan hệ đó và thường chỉ chú ý tới lợi ích của quyền con người trong khi phớt lờ các trách nhiệm, nghĩa vụ. Như nhà chính trị học Benjamin Barber ghi nhận: "Dân chủ thường được hiểu như là sự thống trị của số đông và quyền càng được hiểu như sự sở hữu của các cá nhân và dẫn đến như là sự đối lập tất yếu đối với dân chủ số đông. Nhưng như thế là hiểu sai cả về quyền lẫn dân chủ”.

Chúng ta nhận thấy một sự thật chắc chắn là khi các công dân thực hiện các quyền cơ bản hay quyền không thể tước bỏ được - như tự do ngôn luận, hội họp và tôn giáo thì chính các quyền đó sẽ thiết lập nên các giới hạn đối với mọi chính phủ được xây dựng trên cơ sở dân chủ. Do đó, những quyền cá nhân chính là bức tường thành ngăn chặn sự lạm dụng của chính phủ hoặc bất kỳ số đông chính trị nhất thời nào.

Nhưng theo một nghĩa khác, quyền con người, cũng như các cá nhân con người không hoạt động một cách cô lập. Quyền không phải là sự sở hữu riêng của cá nhân mà nó chỉ tồn tại khi nó được thừa nhận bởi các công dân khác của xã hội. Cử tri, như triết gia người Mỹ Sidney Hook đã diễn tả,là "người trông coi sau chót đối với sự tự do của chính họ”.. Với quan điểm này thì chính phủ dân chủ do dân bầu và có trách nhiệm trước dân không thể là kẻ đối lập với các quyền cá nhân mà phải là người bảo hộ các quyền đó. Chính khi nâng cao các quyền lợi của họ mà các công dân trong một thể chế dân chủ thực hiện các nghĩa vụ và bổn phận dân sự của họ.

Nói rộng ra thì các nghĩa vụ này bao gồm cả sự tham gia vào các hoạt động dân chủ để đảm bảo dân chủ được thực hiện. Ở mức tối thiểu, các công dân nên tự tìm hiểu, nghiên cứu các vấn đề bức xúc đang diễn ra trong xã hội của họ, như việc bỏ phiếu bầu một cách sáng suốt cho các vị trí lãnh đạo cao cấp. Việc thực hiện một số nghĩa vụ khác như tham gia đoàn hội thẩm trong các phiên tòa dân sự hoặc hình sự hầu hết mang tính tự nguyện hoặc đôi khi tuân theo luật quy định.

Cốt lõi của hành động dân chủ là sự tham gia của các công dân một cách tích cực và tự nguyện vào trong đời sống chung của cộng đồng hay quốc gia của họ. Nếu không duy trì được sự tham gia rộng rãi này, dân chủ sẽ tàn lụi và trở thành đặc quyền dành riêng cho một số nhóm và tổ chức. Nhưng với sự cam kết tích cực của các cá nhân trong toàn xã hội, các thể chế dân chủ có thể vượt qua các cơn bão chính trị hay kinh tế - vấn đề không thể tránh khỏi đối với mọi xã hội- mà không phải hy sinh các quyền lợi và sự tự do mà họ đã tuyên thệ gìn giữ.

Tham gia tích cực vào đời sống xã hội thường được hiểu một cách hạn hẹp như là sự tranh giành các vị trí chính trị. Nhưng sự tham gia của các công dân trong một xã hội dân chủ mang ý nghĩa rộng lớn hơn rất nhiều việc chỉ tham gia vào các cuộc tranh cử. Ở các cấp khu vực hoặc thị xã, các công dân có thể tham gia vào những việc như hoạt động trong các ủy ban trường học, thành lập các nhóm cộng đồng hoặc kể cả giữ các vị trí lãnh đạo ở địa phương. Ở cấp bang, tỉnh, hoặc quốc gia, các công dân có thể đóng góp ý kiến của họ bằng cách phát biểu hoặc gửi văn bản tới các cuộc tranh luận về các vấn đề chung hoặc họ có thể tham gia vào các đảng chính trị, liên đoàn lao động hoặc các tổ chức tình nguyện. Cho dù ở cấp nào, một nền dân chủ lành mạnh cũng dựa trên sự tham gia liên tục và công khai của đa số công dân.
Diane Ravitch đã viết: "Dân chủ là một quá trình, một cách thức sống và làm việc cùng nhau. Đó là một quá trình luôn phát triển chứ không đứng im. Nó đòi hỏi sự hợp tác, thỏa hiệp và dung hòa giữa các công dân. Thực hiện dân chủ là một điều khó khăn chứ không dễ dàng. Tự do đồng nghĩa với nghĩa vụ chứ không phải được miễn các nghĩa vụ”.

Thể chế dân chủ là sự biểu hiện các lý tưởng về tự do và tự thể hiện, nhưng nó cũng là sự thể hiện rõ ràng về bản chất của loài người. Nó không đòi hỏi con người phải có một đạo đức toàn diện, nó chỉ đòi hỏi con người phải có trách nhiệm. Như nhà thần học người Mỹ Reinhold Nieburh đã phát biểu: "Khả năng của con người đấu tranh cho sự công bằng sẽ tạo nên dân chủ, nhưng sự tuột dốc của con người dẫn tới bất công sẽ tạo nên đòi hỏi tất yếu của dân chủ”.

Theo nguyên tắc, việc bảo vệ nhân quyền được chấp nhận rộng rãi: được đưa vào hiến pháp của các nước trên thế giới cũng như được đưa vào trong Hiến chương Liên Hợp Quốc hoặc trong các hiệp định quốc tế như Thỏa ước Helsinki (Hội nghị về an ninh và Hợp tác châu Âu - CSCE).
Để bảo vệ các quyền không thể tước bỏ được, như quyền tự do ngôn luận, các chính phủ phải biết kiềm chế bằng cách tự giới hạn các hành động của mình. Trong khi để khuyến khích giáo dục, phát triển y tế và đảm bảo công ăn việc làm lại đòi hỏi chính phủ điều ngược lại: chính phủ phải tích cực tham gia trong việc thúc đẩy một số chính sách và chương trình xã hội. Sự chăm sóc đầy đủ về sức khỏe và các cơ hội giáo dục phải là quyền lợi đương nhiên của mọi trẻ em. Nhưng điều đáng buồn là trên thực tế không phải như vậy, nhất là ở các nước cộng sản, trong đó có cả Việt nam, đặc quyền đặc lợi chỉ tập trung chủ yếu trong tay của tầng lớp thống trị và thân tộc của họ còn đa phần người dân, là tầng lớp bị trị vẫn đang bị hạn chế đến mức thấp nhất những quyền này, ngay cả quyền cơ bản nhất là được bình đẳng trước pháp luật.
Bởi quyền bình đẳng trước pháp luật hay sự bảo vệ bình đẳng của luật như vẫn được phát biểu, là một yếu tố cơ bản đối với bất kỳ một xã hội công bằng và dân chủ nào. Bất kể giàu hay nghèo, dân tộc chiếm đa số hay thiểu số tôn giáo, liên minh chính trị của nhà nước hay phe đối lập, tất cả đều được hưởng sự bảo hộ bình đẳng của pháp luật.

Nhà nước dân chủ không thể đảm bảo là cuộc sống sẽ đối xử bình đẳng với tất cả mọi người, và do đó nó cũng không có trách nhiệm để thực hiện điều đó. Tuy nhiên, John P. Frank - chuyên gia về luật hiến pháp đã viết: "Nhà nước không được áp đặt thêm các điều bất công cho xã hội trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhà nước cần phải đối xử công bằng và bình đẳng với tất cả mọi người dân của mình”.

Không ai có quyền cao hơn luật, hơn nữa, luật chính là sáng tạo của con người chứ không phải là sự áp đặt lên con người. Công dân của thể chế dân chủ cầu viện tới luật vì họ hiểu rằng, bằng cách gián tiếp, họ đang cầu viện tới chính họ với tư cách là những người đã tạo ra luật. Khi luật được xây dựng bởi chính người dân, những người phải phục tùng luật, thì khi đó cả luật và dân chủ sẽ cùng được thực thi.

Frank chỉ ra rằng tại bất kỳ xã hội nào trong lịch sử thì những người nắm quyền quản lý hệ thống tư pháp hình sự đều có khả năng dẫn tới sự lạm dụng và dễ có hành động bất công. Nhân danh nhà nước, các cá nhân có thể bị bỏ tù, tài sản bị tịch thu, bị hành hạ, bị đi đầy và bị hành quyết mà không có sự chứng minh hợp pháp, và thường cũng không có một kết tội công khai nào. Không có một xã hội dân chủ nào chấp nhận những lạm dụng như thế.

Mọi nhà nước bắt buộc phải có quyền lực để duy trì trật tự và xử phạt tội phạm, nhưng các nguyên tắc và thủ tục để nhà nước thực thi pháp luật bắt buộc phải được công khai, rõ ràng, không che dấu, không tùy tiện, không được sử dụng vào mục đích chính trị của nhà nước.
Các yêu cầu cơ bản để có quyền bình đẳng trước pháp luật trong một nền dân chủ là gì?
*Cảnh sát không có quyền đột nhập và lục soát bất kỳ ngôi nhà của người dân nào nếu không có lệnh của tòa án với lý do rõ ràng. Thể chế dân chủ không cho phép cảnh sát mật gõ cửa nhà dân vào lúc nửa đêm.

*Không ai bị bắt, giam giữ nếu không có văn bản rõ ràng chỉ ra sự vi phạm. Những người đó không những phải được biết lý do chính xác của sự kết tội chống lại họ mà còn phải được trả tự do ngay lập tức theo nguyên tắc lệnh đình quyền nếu tòa thấy sự kết tội đó không có chứng cứ và sự bắt giữ là vô lý.

*Không được kéo dài thời gian giam giữ đối với người bị cho là có tội, họ cần phải được đưa ra xét xử trước công luận một cách không chậm trễ, được đối diện và chất vấn trước những người kết tội họ.

*Nhà chức trách phải chấp nhận thả tự do khi người bị coi là có tội đã đóng tiền bảo lãnh hoặc trả tự do theo một số điều kiện nào đó trong khi chờ phiên tòa xét xử, nếu như ít có nguy cơ người đó trốn chạy hay gây thêm tội ác. Các hình phạt độc ác hay bất thường so với truyền thống hay quy luật của xã hội phải được ngăn cấm.

*Không ai có thể bị cưỡng ép tự làm chứng chống lại họ. Cần phải nghiêm cấm tuyệt đối mọi hành động tự kết tội một cách cưỡng bức. Như một hệ quả tất yếu, cảnh sát không được sử dụng sự hành hạ hoặc sự lạm dụng về thân thể hay tinh thần đối với người bị tình nghi trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Hệ thống luật pháp trong đó ngăn cấm sự thú tội cưỡng bức sẽ làm giảm ngay lập tức động cơ của cảnh sát sử dụng sự hành hạ, đe dọa hoặc bất kỳ một hình thức lạm dụng nào để có được thông tin, ngay cả tòa án cũng không cho phép đưa các thông tin kiểu đó ra trước tòa xét xử để chứng minh.

*Mọi người đều không thể bị kết tội kép: không thể bị kết tội hai lần cho cùng một tội. Bất kỳ người nào đã được tòa xử vô tội đều có thể không bao giờ bị kết tội lại với cùng hành vi đó.

*Để tránh khả năng lạm dụng quyền của các nhà chức trách nên mọi quy định về luật hồi tố đều bị bãi bỏ. Luật hồi tố là các luật được xây dựng sau khi đã xảy ra sự kiện để người nào đó có thể bị kết án cho dù điều luật đó không có hiệu lực vào thời điểm xảy ra sự kiện).

*Bị đơn có thể có thêm sự bảo hộ để chống lại các cưỡng bức của nhà nước. Ví dụ tại Hoa Kỳ, người bị kết tội có quyền có luật sư làm đại diện cho họ trong suốt quá trình tiến hành tố tụng kể cả khi chính bản thân họ không đủ tiền để chi phí cho sự đại diện hợp pháp đó. Cảnh sát phải thông báo cho người bị tình nghi về các quyền của họ vào lúc bị bắt, kể cả quyền có luật sư, quyền giữ im lặng (để tránh cưỡng bức nhận tội).

Một thủ đoạn bất công thường thấy là kết tội các bên đối lập vào tội phản bội tổ quốc. Do đó, tội phản quốc bắt buộc phải được giới hạn một cách thận trọng về định nghĩa để nó không bị lợi dụng trở thành vũ khí dập tắt mọi phê phán, góp ý đối với chính phủ.

Các giới hạn đó không có nghĩa là nhà nước thiếu quyền lực cần thiết để thực thi luật pháp và trừng phạt tội phạm. Mà ngược lại, hệ thống tư pháp hình sự trong một xã hội dân chủ sẽ đạt được hiệu quả khi sự quản lý của nó được chính người dân đánh giá là công bằng và có tác dụng bảo vệ quyền của mỗi cá nhân cũng như lợi ích chung của xã hội.

Các thẩm phán có thể được chỉ định hay được bầu cho một nhiệm kỳ giới hạn hoặc vô hạn. Dù thẩm phán được chọn theo cách nào đi chăng nữa thì điều cốt yếu là họ phải độc lập, không bị phụ thuộc vào thế lực chính trị cầm quyền để đảm bảo tính vô tư trong công việc. Các thẩm phán không thể bị cách chức chỉ vì các lý do không quan trọng hay chỉ thuần túy vì chính trị, họ chỉ bị cách chức khi phạm các tội nghiêm trọng hoặc có hành động nguy hiểm và việc kết tội phải được tiến hành theo đúng các thủ tục tố tụng, chẳng hạn như thông qua quá trình luận tội và đưa ra tòa xét xử.

Nền tảng chính xây dựng nên một chính phủ dân chủ là hiến pháp - đó là sự tuyên bố chính thức các quy định, các giới hạn, các thủ tục và các định chế. Hiến pháp của một quốc gia là bộ luật tối cao của đất nước đó, và tất cả mọi công dân, từ thủ tướng tới nông dân đều chịu sự chi phối của nó. Ở mức độ tối thiểu, hiến pháp -thường được hệ thống hóa thành một văn bản duy nhất- xây dựng quyền lực cho chính phủ quốc gia, mang lại sự đảm bảo cho các quyền cơ bản của con người và đưa ra các thủ tục hoạt động cơ bản cho chính phủ.

Một thực tế đáng buồn cho dân tộc Việt nam là chỉ có những người dân thấp cổ bé họng mới chịu sự chi phối của hiến pháp, còn các ủy viên trong bộ chính trị, đặc biệt là chủ tịch nước, tổng bí thư đảng và thủ tướng chính phủ… là nhưng người có quyền cao hơn luật pháp, là những người không bị hiến pháp chi phối, đó là lý do tại sao chủ tịch Hồ Chí Minh đã phạm phải một sai lầm vô cùng nghiêm trọng khi tiến hành đấu tố địa chủ và hành quyết hơn 300,000 nông dân miền bắc trong cải cải ruộng đất từ 1949 đến 1956 mà vẫn không bị một tòa án nào xét xử  nhưng lại tiếp tục tại vị chức chủ tịch nước cho đến cuối đời… Và gần đây nhất, cũng bởi cao hơn luật pháp, bởi không bị hiến pháp chi phối mà thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phạm phải một sai lầm cũng vô cùng nghiêm trọng là bán Tây Nguyên cho Trung Cộng vào khai thác bô-xít để tàn phá môi trường sinh thái của đất nước, để công nhân quốc phòng của Trung Cộng nghênh ngang tàn phá môi trường văn hóa của dân tộc, mà vẫn không có một tòa án cấp nào có thể xét xử hầu có thể ngăn chặn sự sai phạm này để giữ gìn nguồn sống cho quê hương và an ninh cho đất nước. Buồn thay!

Thế giới vốn vận động và thay đổi không ngừng, tất nhiên khái niệm tự do và dân chủ cũng không ngoài quy luật đó. Trong khuôn khổ một bài viết, vì thế, người viết không có tham vọng trình bày một cách đầy đủ và trọn vẹn thế nào là dân chủ, chỉ mong ước được góp một phần nhỏ giúp người dân Việt hiểu một cách chính xác hơn về dân chủ bởi khi chúng ta chưa hiểu đích thực cái mà chúng ta đang tìm kiếm thì e rằng chúng ta sẽ khó lòng mà tìm được nó.

Huế, ngày Đông chí năm 2009
Nguyễn Phúc Bảo Ân
Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 729 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Mười Hai 2009  »
SuMoTuWeThFrSa
  12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 18
Khách: 18
Thành Viên: 0