Sáu Nghệ
Mấy ngày gần đây, thấy trên truyền hình diễn ra đại hội Đảng cấp tỉnh ở
nhiều nơi và nhiều vị Ủy viên Bộ chính trị đến phát biểu chỉ đạo. Lần
nào thấy các vị nói xong, tôi cũng hay suy nghĩ. Ủy viên Bộ Chính trị,
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, chỉ đạo ở đại hội Đảng tỉnh Lạng
Sơn: Phải phát triển bền vững. Tôi nghĩ đến vụ Vinashin và tự hỏi, đóng
tàu dưới đồng bằng đã đổ bể lớn, phải chăng nay phải "bền vững” trên
núi? Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị chỉ
đạo ở đại hội Đảng tỉnh Phú Yên: Quy hoạch phải có tầm nhìn xa. Tôi
nghĩ, tầm nhìn xa như ở Hà Nội hay phải xa hơn? Ủy viên Bộ Chính trị,
Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chỉ đạo đại hội Đảng tỉnh Sóc Trăng:
Cần quan tâm đến đồng bào dân tộc Khmer để tăng cường tình đoàn kết.
Tôi nghĩ, vậy không cần quan tâm đến dân tộc Kinh, và vấn đề dân tộc là
nguy cơ mất đoàn kết nhất hiện nay? Nghe
các vị chỉ đạo các đại hội cần tập trung thảo luận sâu sắc các văn
kiện, tôi nghĩ, nhiều tháng qua thảo luận chưa sâu sắc? Văn kiện đại
hội Đảng ở một tỉnh, tôi được nghe giới thiệu là đã qua 6 lần lấy ý
kiến của các cán bộ lão thành, các cấp trung ương, chưa kể thảo luận ở
các đại hội Đảng từ cấp xã đến cấp huyện, lại được đăng tải trên các
phương tiện truyền thông khoảng một tháng để lấy ý kiến của dân. Trong
hai ngày đại hội, với rất nhiều nội dung, làm sao các đại biểu thảo
luận "sâu sắc” hơn nữa? | Rồi
nghe các vị chỉ đạo các đại hội tập trung bầu cho được lãnh đạo đủ đức
tài, tôi nghĩ, danh sách đề cử do lãnh đạo nhiệm kỳ cũ đưa ra chưa đủ
đức tài? Tôi biết ở một địa phương, việc nhân sự bàn từ ba bốn tháng
trước, đến nay đã qua ít nhất 5 vòng: Gồm các vòng gọi là A1, A2, A3,
A4 với nhiều cấp, có cả cán bộ lão thành, tham gia, lần cuối làm việc
với Ban Tổ chức Trung ương để "chốt lại”. Đại hội "tập trung bầu người
có đức tài” là những người ở ngoài hay ở trong danh sách đã qua các
vòng lựa chọn trên? Tôi lại nhớ đến một
vị đã 67 tuổi nhưng chưa muốn rời ghế quyền lực, còn muốn "hy sinh phấn
đấu”, đã nói với một vị to hơn khi làm việc về nhân sự như sau: "Tôi
còn khỏe lắm, làm việc không thua ai. Nhưng bà mẹ mấy thằng tổ chức hồi
đó làm thế nào lại ghi lộn ngày sinh của tôi. Tôi chưa đến 60 mà ghi
trong hồ sơ thành 67 tuổi”. Rồi có vị
hồi mới làm cán bộ to, có tin xài bằng giả cử nhân luật. Cấp có thẩm
quyền tổ chức một đoàn đi xác minh, nhưng thông tin về đoàn xác minh
lại đi trước đến nơi cần xác minh, khi đoàn xác minh xuất hiện thì hồ
sơ học hành của vị mới làm cán bộ to đã đâu vào đó. Thế là vị mới làm
cán bộ to được thăng chức to hơn, thêm nhiều quyền sinh quyền sát.
Nhiều năm sau, người ta trình lên danh sách cán bộ ngấp nghé tuổi 60 để
xem xét cho nghỉ hưu, phát hiện trong đó có cái người đã ký bằng cử
nhân luật mấy năm trước. Tức thì, người ký bằng cử nhân thật chứng nhận
việc học giả ấy, đã được giữ lại để đặt vào ghế êm ấm hơn. Tiền
của dân đem kinh doanh phung phí như Vinashin. Quyền của dân, nhiều nơi
đem chia chác, ban tặng nhau. Kéo dài tình trạng này thì đất nước đi
đến đâu? Nên thấy các vị chỉ đạo trên truyền hình, tôi suy nghĩ và hy
vọng tình trạng ấy sẽ được khắc phục. S. N.
|