Không biết những gì tôi nghĩ có đúng không, nhưng tôi cảm nhận thấy ở
họ - người Mỹ - một tinh thần tự phản biện rất sâu sắc. Họ dám nhìn
thẳng vào những cái xấu của mình, không hề ngại chê mình cũng như không
ngại để nước khác, dân tộc khác chê. Ngay sau khi cuộc chiến với Việt
Nam kết thúc, đã có không biết bao nhiêu bài nghiên cứu, bài báo, cuốn
sách viết về thất bại của Mỹ ở Việt Nam, tại sao Việt Nam thắng, sai
lầm của Mỹ và chính quyền Sài Gòn cũ v.v. Để đến mức giờ đây, 35 năm
sau sự kiện tháng 4/1975, chúng tôi đang phải tìm hiểu về lịch sử Việt
Nam giai đoạn ấy… qua tài liệu của Mỹ.
Một
trong những quan điểm hay thái độ chính trị bị "đặt vấn đề” ở Việt Nam
giai đoạn này là "thân Mỹ bài Tàu”. Nói cách khác, nếu bạn bị ai đó kết
tội là thân Mỹ bài Tàu, nghĩa là bạn có vấn đề về mặt tư tưởng – không
nguy hiểm thì cũng lệch lạc, cực đoan.
Tất nhiên là tôi cũng được đội cái mũ "thân Mỹ bài Tàu” đó, và phải
nói thật là mũ hơi rộng, tôi đội không vừa. Vì chỉ đúng một phần: tôi
thích nước Mỹ và chẳng ưa gì chính quyền hiện nay của Trung Quốc (không
đồng nhất với toàn thể nhân dân Trung Quốc, càng không có liên quan gì
tới một vài người bạn Trung Quốc mà tôi biết). Nhưng làm gì đến nỗi
lệch lạc, cực đoan nhỉ, hừ, tôi cứ nghĩ mình ôn hòa lắm cơ.
Tôi không chỉ thích Mỹ, mà còn thích cả Anh, Tây Ban Nha, có thể coi
là "phương Tây” nói chung. Vâng, xin xác nhận là tôi thân phương Tây.
Còn tại sao tôi thích Mỹ thì entry này sẽ giải thích ngay sau đây. Tuy
nhiên, trước khi bắt đầu thì phải nêu rõ và nhấn mạnh rằng tôi chưa bao
giờ đến nước Mỹ, và chắc chắn là tôi hiểu biết rất ít về xứ sở này. Rất
có thể những gì tôi nói sau đây đúng một phần mà sai đến chín phần. Có
gì xin các bạn cứ chỉ giáo.
* * *
Những bạn Việt Nam từng học tiếng Anh qua bộ Streamline hẳn còn nhớ,
một trong những bài đầu tiên trong quyển I, dạy về "sở hữu” thì phải,
có giới thiệu vài nhân vật. Người thứ nhất là một minh tinh màn bạc, cô
này mãn nguyện với cuộc sống của mình: "Life’s great. I’ve got everything” (Cuộc đời đẹp tuyệt. Tôi có tất cả mọi thứ). Người thứ hai là một gã thất nghiệp: "Life’s terrible. I don’t have anything”
(Đời thật kinh khủng. Tôi chẳng có gì cả). Trong một bài khác, có sự so
sánh giữa một tay rock star đi xe Roll Royce, và một thầy giáo, "cuộc
sống cũng tạm được”.
Hồi học những bài này, tôi mới 12 tuổi. Rất ngạc nhiên, tự hỏi vì
sao "bọn Tây” kỳ cục, sách dạy trẻ con mà đưa vào những nhân vật và
hình vẽ mô tả một xã hội vô cùng bất công, phân biệt giàu nghèo. Thầy
giáo thì nghèo khổ méo mó, mà ca sĩ nhạc rock thì đi xe choáng lộn.
Minh tinh màn bạc phả phê phè phỡn, mà anh chàng thất nghiệp thì đi
giày há mõm, đứng dầm mưa… Tôi cứ nghĩ nếu là sách do người Việt viết
nhỉ, sẽ có các bạn Mơ, Thắm, Lụa, Đào, Kha, Thụ v.v. gì gì đấy, chăm
học, ham lao động, và đều rất bình đẳng, tương thân tương ái. Làm gì có
sự chênh lệch giàu nghèo khủng khiếp và tàn nhẫn thế kia?
Tôi bỏ qua chuyện đó rất nhanh. Tuy nhiên, tiếp tục học tiếng Anh
qua các sách của Anh, Mỹ sau này, tôi phát hiện ra một điều còn kỳ cục
hơn: Bè lũ tư bản Anh – Mỹ rất ít mượn các bài giảng để nói về chúng.
Hay diễn đạt cách khác, chúng không hề có ý thức thông qua những cuốn
sách giáo khoa đó để truyền bá văn hóa của chúng tới người học. Thay vì
thế, chúng toàn dạy những chủ đề chẳng mấy liên quan trực tiếp đến
chúng, hoặc không hề có giá trị đề cao chúng, chẳng hạn khí hậu ở miền
xích đạo, sự ra đời của bài "Silent Night”, một ngày (vô công rồi nghề)
của nữ hoàng Elizabeth, có khi hứng chí còn dạy cả về vũ khí, bom
nguyên tử, rồi cấu trúc ADN, sự trôi giạt của các lục địa v.v.
Chưa kể, chúng còn đưa vào sách nhiều chủ đề rất phản cảm (từ "phản
cảm” này tôi mượn của ông hiệu trưởng trường THPT Phan Đăng Lưu –
trường vừa cấm nữ sinh mặc váy ngắn trên đầu gối vào học), chẳng hạn mô
tả những vụ say xỉn ở quán bar hay là xô xát giữa cảnh sát và dân .v.v.
Đọc mà thấy tình hình xã hội Anh – Mỹ sao nhiễu loạn?
Về điểm này thì Anh – Mỹ khác cả nước Pháp. Bạn cứ mở thử một cuốn
sách dạy tiếng Pháp xem, rất có thể là sách sẽ được lồng ghép nhiều chủ
đề về nước Pháp, nhằm tranh thủ truyền bá văn hóa – văn minh Pháp đến
người học. Anh – Mỹ thì không thế, sách dạy tiếng có khi lại nhằm phổ
biến những kiến thức khoa học, nghệ thuật không mấy liên quan tới Anh –
Mỹ.
Nhưng… có lẽ cũng chính vì thế mà tôi thích học tiếng Anh. Thời kỳ
Internet chưa xuất hiện ở Việt Nam, nhiều khi tôi phải tìm các sách dạy
Anh ngữ của Mỹ và Anh để tìm hiểu một vấn đề gì đó, ví dụ "gió ether”,
hiện tượng cực quang, tán sắc ánh sáng, 7 kỳ quan thế giới cổ đại… Tôi
thích, vì tôi cảm thấy những người Anh và Mỹ viết sách thật sự đàng
hoàng, đúng mực, không "chính trị hóa” giáo dục. Tôi thích, vì tôi cảm
nhận thấy từ những cuốn sách của họ tinh thần khách quan khoa học thực
sự. Đó là chưa kể còn vì điều này: Tôi đọc cách họ viết về vật lý, sinh
học, di truyền học, địa lý căn bản v.v... lại thấy… dễ hiểu và hấp dẫn
hơn đọc sách của nhà mình viết nhiều. :-((
* * *
Không biết những gì tôi nghĩ có đúng không, nhưng tôi cảm nhận thấy
ở họ - người Mỹ - một tinh thần tự phản biện rất sâu sắc. Họ dám nhìn
thẳng vào những cái xấu của mình, không hề ngại chê mình cũng như không
ngại để nước khác, dân tộc khác chê. Ngay sau khi cuộc chiến với Việt
Nam kết thúc, đã có không biết bao nhiêu bài nghiên cứu, bài báo, cuốn
sách viết về thất bại của Mỹ ở Việt Nam, tại sao Việt Nam thắng, sai
lầm của Mỹ và chính quyền Sài Gòn cũ v.v. Để đến mức giờ đây, 35 năm
sau sự kiện tháng 4/1975, chúng tôi đang phải tìm hiểu về lịch sử Việt
Nam giai đoạn ấy… qua tài liệu của Mỹ. Và tìm hiểu một cách hào hứng,
tin tưởng nữa mới khổ - tôi tin rằng họ viết với tinh thần khách quan
khoa học, họ không cay cú, không có ý định "tuyên truyền” gì cả, mặc dù
họ có thể làm điều đó.
Việt Nam đã có tài liệu nào phân tích một cách cụ thể thất bại (?)
của quân đội miền Bắc trong chiến dịch Mậu Thân 1968 chưa? Đã có tài
liệu nào "dám” đề cập tới sự kiệt quệ về kinh tế của Việt Nam hồi cuối
những năm 1940 trong kháng chiến chống Pháp chưa?
Theo tôi biết thì chưa có. Hoặc có rồi mà "lưu hành nội bộ”. Hình
như phải nói thẳng nói thật về thất bại, sai lầm, nhược điểm của mình,
phải thừa nhận "tôi sai” là một việc khiến người Việt Nam rất đau khổ.
Ngược lại, khi có dịp nói về thành công, về sự tài giỏi, trí tuệ, người
Việt hân hoan lắm. Tôi không bao giờ quên bài học làm báo mà "người
thày đầu tiên” đã dạy: "Ở Việt Nam thì, tin có yếu tố tích cực có thể
được đưa lên trang nhất, ví dụ: Việt Nam xuất khẩu thành công pin sang
Campuchia”. Điểm này quả là vô cùng khác biệt so với báo chí Mỹ. Trang
nhất của họ chẳng khoe tin vui bao giờ thì phải.
Chủ quan mà phán, tôi tin rằng một dân tộc có tính cách thẳng thắn,
chấp nhận nói về cái xấu của mình và bình thản nghe nước khác chê mình,
đó là một dân tộc tiến bộ, hoặc ít nhất cũng đạt tới sự tiến bộ nhanh
hơn các nước khác. Ở đất nước ấy, người ta không có cái văn hóa giãy
lên đành đạch khi bị chỉ trích, kiểu: "Nó nói xấu tôi. Nó bôi nhọ tôi.
Nó chống đối tôi”. Người ta không có sự vui mừng hả hê khi xuất khẩu
thành công pin sang Campuchia. Không có sự tranh thủ dùng sách để quảng
cáo văn hóa và tài năng của mình theo cái cách mà chúng tôi gọi là
"khoe thô”. Nói cho cùng thì Anh, Mỹ có sự truyền bá văn hóa của họ
không? Có quá đi chứ, nhưng… nó tinh vi lắm. Bằng chứng là họ khiến một
đứa bảo thủ như tôi cảm thấy thích nền văn hóa của họ, thông qua những
cuốn sách giáo khoa về… vật lý.
Và, người ta cũng không có (hay là đã qua thời kỳ đó rồi?) những
cuộc tranh luận trên mạng, nơi chỉ được vài câu là các tranh luận
chuyển thành tấn công cá nhân cho bằng hết, phe này phồng mang trợn mắt
chửi phe kia "ngu”, "xấu”, "chắc đời thất bại nên mới cay cú thù hận”,
"ăn cứt Tây” v.v. Không có gì là "khách quan khoa học” cả, càng không
có sự điềm tĩnh khi phê phán và nghe phê phán. Vì sao mà những cái đó
lại khó đạt được đến thế cơ chứ?
Viết đến đây lại nhớ tới một cuốn sách về gương danh nhân mà tôi có
viết "review” vài tháng trước, cuốn "5 phương trình nổi tiếng thế
giới”. Là cuốn sách của một tác giả người Mỹ, nó chọn viết về 5 nhà
khoa học nổi tiếng của những quốc tịch khác nhau (khoe thô: cụ thể thế
nào, xin mời bạn xem ở đây: http://www.tuanvietnam.net/2010-01-07-ghet-toan-phai-doc-
) Chẳng thấy tác giả nhảy lên sung sướng, hay có biểu hiện của "hội
chứng vơ vào”, khi nói về một nhà khoa học nào đó chỉ cần hơi gần với
nước Mỹ thôi. Vậy mà… ta cứ tưởng tượng sách danh nhân do một người
Việt Nam viết nhỉ? Có khi sẽ vơ đủ các nhà khoa học, nghệ sĩ thành danh
ở nước ngoài nhưng có… ông ngoại, mẹ kế v.v. là người gốc Việt cũng
nên. Hoặc một cách đơn giản hơn là viết về những người đã đi khỏi Việt
Nam từ lâu lắm. Bao nhiêu năm nay, chúng ta chẳng lôi mãi Đặng Thái Sơn
ra nhắm đấy thôi, mặc dù anh ấy thọ giáo thầy Tây cơ mà?