Nhã Trần (Danlambao)
- Thoạt đầu cứ ngỡ để bỡn cợt ông, tụi xấu râm ran chuyện ông ngô nghê
khuyên các nghị không nên ăn gà lậu trong lúc nghị trường họp bàn quốc
sách. Rồi cũng chắc tụi thù địch dè bĩu rát tai cái danh hiệu nhà giáo
ưu tú mà ông mới nhận được nên một số báo Gà Ta chính hiệu vội vàng đăng
lên một bài cảm tác của ông khi ông vi hành thăm các em học sinh, với
nhát "chém” kèm theo: "một bài giảng đầy ý nghĩa với tính nhân văn sâu
sắc.”
Giờ mới nhận ra sự ngờ nghệch nơi ông là có thật.
Có gì mới trong bài cảm tác, hay ông vẫn chỉ là "vẹt”: "4000 năm lịch sử hào hùng; đoàn kết dân tộc; tôn sư trọng đạo; uống nước nhớ nguồn…” Ông hồ đồ và đùa giỡn vô ý thức khi nói: "Cách
đây đúng 100 năm thì cứ 100 người Việt Nam thì có 95 người không biết
đọc. Còn ngày hôm nay, có 95 người Việt Nam thì có... 96 người biết đọc,
biết viết.” (!)
Một nhân cách nguyên thủ như ông không cho phép mình "tiếu lâm” thấp cấp
như vậy được. Ta còn nhớ trước đây dư luận đã chê cười khi nghe ông
Triết đùa: "Về Việt Nam đầu tư đi. Con gái Việt Nam đẹp lắm.” Rồi ông mừng húm khi một học sinh lớp 6 trả lời được câu hỏi giáo điều: "Sự phát triển kinh tế nước ta thể hiện qua việc là nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới” (!)
và cũng chẳng buồn giải thích nhiều để làm gì? hiệu quả ra sao? Hay là
đang bị ép giá, lỗ kêu trời? Ông là nhà giáo ưu tú mà không biết nước
Nhật đang dạy con em họ ý thức rằng nước Nhật gặp quá nhiều khó khăn:
quốc gia kiệt quệ vì chiến tranh; nghèo tài nguyên; liên tục bị thiên
tai tàn phá... và khuyến khích người dân đi lên bằng chính sự thông
minh, kiên trì, học hỏi, sáng tạo của bản thân họ. Hoặc giả vì không
muốn gieo vào đầu óc non nớt các em câu chuyện nạn tham nhũng đã tàn phá
đất nước này, thì chí ít ông cũng nên "chuyển hướng” rằng: "Nước
mình nghèo, từng bị ngoại xâm, rồi nội chiến, và nay bị cơn bão khủng
hoảng kinh tế thế giới…” để lời rao giảng của ông có được chút mùi "nhân
văn và sâu sắc”(!)
Đã rõ, không biết đến thế hệ thứ mấy chứ thế hệ hiện nay và kế tiếp vẫn
còn bị ru ngủ trong những giấc mơ quá khứ huyễn hoặc, trong những tư duy
nhân bản ấu trĩ, trong lời kinh tiếng kệ ê a rao giảng về những thành
tựu đất nung.