§ Vũ Văn An
Các phúc trình gần đây vẫn cho thấy Việt Nam thiếu tự do tôn giáo dù
việc tạm phóng thích Cha Lý để ngài chữa bệnh là một tin vui sau nhiều
năm tháng chịu áp lực của các nhà cầm quyền. Tưởng cũng nên nhắc lại:
Cha Lý vừa trải qua 3 năm trong tù và trong thời gian ấy đã liên tiếp
bị đột qụy tới 3 lần.
Theo Hãng Tin Asociated Press ngày 15/3/2010, ngài được tạm ra khỏi
nhà tù để chữa trị. Cũng theo bài báo ấy, Cha Lý là một trong những nhà
tranh đấu nhân quyền thời danh nhất của Việt Nam, từng ngồi tù hơn 15
năm kể từ 1977. Tháng 7 năm rồi, 37 thượng nghị sĩ Mỹ đã gửi cho chủ
tịch Nguyễn Minh Triết lời yêu cầu trả tự do cho ngài. Nhiều phúc trình
cho rằng sau khi chữa trị, ngài sẽ bị trả về nhà tù.
Tin này xẩy ra chỉ sau khi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho đăng Báo Cáo
Hàng Năm Năm 2009 về nhân quyền vào ngày 11 tháng 3. Trong chương dành
cho Việt Nam, Báo Cáo này phác họa cho thấy nhiều hạn chế về nhân
quyền. Về vấn đề tự do tín ngưỡng, Báo Cáo này nhận xét rằng trong khi
luật lệ ngăn cấm không được dùng bạo lực thể lý, nhưng cảnh sát vẫn có
thói quen đối xử tàn tệ về phương diện thể lý với các người tình nghi
phạm tội trong khi bị bắt hay bị tạm giam. Một số trường hợp bạo hành
như thế đã xẩy ra khi các thành viên của các giáo hội Thệ Phản không
được nhà nước công nhận cố gắng tổ chức các buổi thờ phượng tại một số
tỉnh của Việt Nam.
Bản Báo Cáo cho rằng đối với tự do thờ phượng, hiện có một vài cải
thiện đó đây, nhưng bản Báo Cáo này cũng thừa nhận rằng các hạn chế đối
với nhiều nhóm tôn giáo vẫn còn hiện hữu. Thí dụ, các tổ chức tôn giáo
phải được chính thức nhìn nhận hay đăng ký, và các sinh hoạt cũng như
việc lãnh đạo các cộng đoàn tôn giáo cá thể phải được nhà cầm quyền
chấp thuận. Bản báo cáo cũng cho rằng diễn trình đăng ký rất "chậm chạp
và không trong sáng”.
Kiểm soát
Những việc kiểm soát gắt gao nhất xẩy ra khi chính phủ cho rằng các
tổ chức tôn giáo dấn thân vào phong trào tranh đấu chính trị hay cho
thấy một thách thức nào đó đối với chế độ cai trị của họ. Bản báo cáo
cho rằng: dù có những hạn chế như thế, nhưng việc tham gia các sinh
hoạt tôn giáo vẫn tiếp tục lớn mạnh một cách đáng kể. Theo Bộ Ngoại
Giao Hoa Kỳ, Giáo Hội Công Giáo báo cáo rằng chính phủ tiếp tục nới
rộng các hạn chế về việc thâu nạp các giáo sĩ mới và không phản đối
việc phong chức cho ba tân giám mục trong năm 2009. Cũng thế, một số
linh mục Công Giáo (Phan Khắc Từ là một?) cũng cho rằng chính phủ tiếp
tục nới rộng quyền kiểm soát đối với sinh hoạt của một số giáo phận bên
ngoài Hà Nội (chiến thuật chia để trị?).
Tuy nhiên, không phải mọi viên chức chính phủ Hoa Kỳ đều xác tín là
tự do tôn giáo đang được cải thiện tại Việt Nam. Ngày 12 tháng 3, Ủy
Ban Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (USCIRF) có công bố một bản tuyên
bố báo chí chỉ trích việc bắt giữ Lê Thị Công Nhân. Theo tuyên bố báo
chí này, Lê Thị Công Nhân vốn là một nhà bất đồng ý kiến nổi bật về
nhân quyền và tự do tôn giáo. Cô được thả khỏi nhà tù 2 tháng trước khi
mãn hạn tù 3 năm vì tội danh "hoạt động chống chính phủ”, nhưng liền
sau đó bị câu lưu lại chỉ vì cho báo chí hay thời gian ở trong tù đã
kiên định "niềm tin” của cô trong "cuộc đấu tranh cho nhân quyền và dân
chủ tại Việt Nam”.
Bản tuyên bố báo chí trên nói rằng: "USCIRF đã trao cho Chính Phủ
Obama và Quốc Hội Hoa Kỳ chứng cớ khó chối cãi nhiều vi phạm tự do tôn
giáo nghiêm trọng và liên tiếp”. USCIRF cũng trưng ra chứng cớ trình
trước Ủy Ban Ngoại Giao của Hạ Viện mấy ngày trước đó, do phụ tá bộ
trưởng Kurt Campbell. Ông này nhìn nhận rằng Việt Nam đang thụt lùi về
nhân quyền và tự do tôn giáo.
Càng ngày càng nghiêm ngặt
Cơ quan Theo Dõi Nhân Quyền cũng chỉ trích việc thiếu tự do tôn giáo
tại Việt Nam. Một tuyên bố báo chí kèm theo Phúc Trình Thế Giới 2010,
công bố ngày 21 tháng Giêng, có nhắc tới "bầu khí áp bức chính rị ngày
một nghiêm ngặt hơn”. Theo tổ chức này, chính phủ cố ý làm câm họng bất
cứ sự chống đối nào trong thời gian chuẩn bị Đại Hội Đảng Cộng Sản Việt
Nam trong năm 2011. Cùng với việc bắt giữ các nhà tranh đấu chính trị,
tuyên bố báo chí trên ghi nhận có sự đàn áp các giáo dân Công Giáo tại
Bắc và Trung Việt Nam, là những người phản đối việc chính phủ trưng
dụng tài sản của Giáo Hội.
Theo phúc trình 2010, năm ngoái, các tòa án Việt Nam đã kết án tù 20
người chỉ trích chính phủ và các nhà tranh đấu của các giáo hội độc
lập. Thêm vào đó, hiện còn có hàng trăm các nhà tranh đấu chính trị và
tôn giáo ôn hòa khác đang ngồi tù dài hạn trong các trại giam Việt Nam.
Trái với phúc trình của Bộ Ngoại Giao, tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền
(Human Rights Watch) cho rằng tự do tôn giáo trong năm 2009 đã tệ đi.
Tổ chức này quả quyết: "Chính phủ nhắm vào các nhà lãnh đạo tôn giáo và
tín đồ nào của họ dám cổ vũ dân quyền, tự do tôn giáo và giải quyết
công bằng các tranh chấp về đất đai”.
Tổ chức này trình bày trường hợp điển hình: các cuộc va chạm giữa
cảnh sát và hàng ngàn người Công Giáo tại Quảng Bình đang biểu tình
phản đối việc chính phủ trưng thu các tài sản của giáo hội. Trong tháng
7, có ới 200,000 người Công Giáo biểu tình ôn hòa tại Quảng Bình sau
khi cảnh sát hủy diệt một nhà thờ tạm bợ, dựng gần ngôi nhà thờ lịch sử
tan hoang. Theo tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền, cảnh sát đã dùng hơi cay
và roi điện để đánh các giáo dân. Cảnh sát bắt giữ 19 người và sau đó
kết án 7 người về tội phá rối trật tự công cộng.
Một điển hình nữa là cuộc tấn công của một đám đông do chính phủ dàn
dựng. Đám đông này đã dùng bạo lực giải tán các tín đồ của Thích Nhất
Hạnh, một vị sư Phật Giáo nổi danh từng cổ vũ cho tự do tôn giáo. Phúc
trình cũng kể lại vụ xẩy ra năm ngoái ở Cao Nguyên, trong đó các nhà
cầm quyền bắt giữ hàng chục Kitô hữu người Thượng, bị cáo giác thuộc
các giáo hội bất hợp pháp. Trong nhiều trường hợp, cảnh sát đánh đập và
dùng roi điện hành hạ những người Thượng này khi họ từ khước không ký
nhận tham gia các giáo hội được nhà nước nhìn nhận.
Không thay đổi
Cho đến nay, đối với tự do tôn giáo ở Việt Nam, năm 2010 xem ra
không hơn gì, như một số phúc trình đã cho thấy. Ngày 8 tháng Giêng, cơ
quan Asia News cho rằng tượng thánh giá trong một nghĩa địa của giáo xứ
Đồng Chiêm đã bị phá hủy. Cũng theo hãng tin này, Cha Gioan Lê Trọng
Cung cho biết: trước khi có vụ đập phá thánh giá, giáo dân có biểu tình
yêu cầu cảnh sát đừng theo đuổi hành vi phạm thánh ấy, nhưng hàng trăm
cảnh sát mặc đồ tác chiến đã tấn công họ một cách dã man.
Rồi vào ngày 18 tháng Giêng, Hãng Compass Direct News cho hay Sung
Cua Po, người vừa trở lại Kitô Giáo hồi tháng 11 năm 2009, đã bị các
viên chức địa phương đánh đập tại một tỉnh phía tây nam Điện Biên cho
tới khi anh ta phải từ bỏ niềm tin Kitô Giáo. Ngày 25 cùng tháng, Hãng
UCA News công bố một phúc trình về các khó khăn mà tổng giáo phận Hà
Nội từng phải chịu đựng. Cha Lê Trọng Cung, thư ký toà tổng giám mục Hà
Nội cho hay: nhiều linh mục bị ngăn chặn không được đi thăm viếng người
Công Giáo sở tại. Theo phúc trình ngày 26 tháng 2 của hãng Asia News,
một tháng sau đó, tức ngày 24 tháng 2, một nhóm nữ tu và giáo dân bị
nhà cầm quyền địa phương tấn công một cách dã man tại Đồng Chiêm. Họ từ
Sài Gòn ra thăm viếng, nhưng bị các viên chức mặc thường phục tấn công
ngay tại cổng dẫn vào giáo xứ.
Sợ sệt
Tờ Guardian Weekly, số ngày 3 tháng 3, có đăng một phúc trình tựa là
"Người tôn giáo tại Việt Nam sống trong sợ sệt”. Phúc trình viết như
sau: "Đối với nhiều người trong số 8 triệu Kitô hữu ở Việt Nam, Chúa
Nhật, mà ngày xưa nguyên tuyền chỉ là thì giờ dành cho cử hành và suy
niệm, nay đang ngổn ngang với lo âu sợ hãi, phải thờ phượng trong bóng
tối”.
Ngày 17 tháng 11 năm 2009, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã gửi một
thông điệp cho vị chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tức đức cha
Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, giám mục Đà Lạt. Thông điệp này được gửi đi nhân
dịp khai mạc năm thánh tại Việt Nam để mừng kỷ niệm 350 năm ngày thành
lập hai tông tòa đại diện đầu tiên và 50 năm ngày thành lập hàng giáo
phẩm Việt Nam. Ngài viết: "Năm Thánh cũng là một mùa đặc biệt, được
đưa ra để canh tân việc công bố Phúc Âm cho các đồng bào mình và để
càng ngày càng trở thành một Giáo Hội hiệp thông và truyền giáo”. Chắc chắn Giáo Hội tại Việt Nam sẽ tiếp tục việc truyền giáo của mình bất chấp sự chống đối của nhà cầm quyền hiện nay.
Vũ Văn An
|