Trung Quốc điều động hải quân xuống Trường Sa tập trận sau khi
thiết lập căn cứ quân sự, dựng HĐND cùng với nhà giam ở đảo Phú lâm, mà
họ gọi là thủ phủ của "thành phố Tam Sa". Tàu cảnh sát biển Việt Nam và
tàu hải giám Trung Quốc đối đầu ngoài khơi Cù Lao Ré, trong khi cố vấn
an ninh toà Bạch ốc rời Bắc Kinh đi Tokyo. Cuộc xung đột quân sự phải
chăng đang ló dạng? Việt Nam trông cậy được vào ai?
Nguy cơ tăng cao
Hôm nay Phó chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc
và Hoa Kỳ đạt được thoả thuận về nhiều điểm trong những cuộc thảo luận
giữa cố vấn an ninh toà Bạch ốc Thomas Donilon với những giới chức lãnh
đạo hàng đầu về quân sự và ngoại giao của Bắc Kinh trong hai ngày nay.
Nhân dân nhật báo cho biết chủ tịch họ Hồ và cố vấn Donilon hứa hẹn
tăng tiến quan hệ song phương, nhưng tờ báo viết tiếp, rằng chủ tịch
Trung Quốc đã yêu cầu Hoa Kỳ thận trọng trong những vấn đề gọi là tế
nhị.
Cố vấn Thomas Donilon đàm đạo với phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn- zimbo photo
Trong khi đó thì nghị sĩ Mc Cain cảnh cáo Trung Quốc là đã có hành
động khiêu khích không cần thiết tại nơi mà ông nói là Việt Nam cũng
cùng nhận chủ quyền. Và "Tổ chức nghiên cứu về khủng hoảng quốc tế”, gọi
tắt là ICG, cảnh giác rằng tình trạng căng thẳng tại biển Đông rất có
thể dẫn đến xung đột quân sự, vì không đạt được một cơ chế giải quyết.
Cùng lúc, Đài Loan cũng tăng cường võ trang cho đảo Ba Bình ở Trường Sa.
Đối chiếu những sự kiện vừa nêu, liệu có nguy cơ xảy ra xung đột võ trang ở biển Đông không?
Nguy cơ xung đột thì lúc nào cũng sẵn sàng bùng nổ, từ lâu nay, nhưng
tình hình này làm cho nguy cơ đó tăng cao. Trong những sự kiện mới nhất
như vừa kể thì điều đáng chú ý hơn hết là Trung Quốc thiết lập căn cứ
phòng thủ và cho bầu cử HĐND của cái gọi là thành phố Tam Sa, ở ngay
trên đảo Phú Lâm theo Việt Nam đặt tên, thuộc Hoàng Sa. Trung Quốc gọi
nó là Vĩnh Hưng đảo. Đây là một hành động quả quyết của Trung Quốc để áp
đặt vững chắc chủ quyền và thực hiện quyền chủ quyền đó của Bắc Kinh,
trước hết là trên vùng biển Hoàng Sa và kế tiếp là trên toàn biển Đông.
Nhưng Việt Nam sẽ tiếp tục cho ngư dân đánh cá quanh vùng biển Hoàng
Sa, với tàu hải quân hay cảnh sát biển hộ tống. Hoạt động đó sẽ đụng
chạm với tàu Hải giám Trung Quốc, gây nguy cơ xung đột cao hơn nữa.
Chưa sẵn sàng
Tuy nhiên, ngay lúc này hai bên vẫn phải cố gắng kềm chế để không
bùng nổ thành xung đột võ trang. Việt Nam chưa sẵn sàng, và Trung Quốc
chưa dám làm.Tuy nhiên tình hình đã rất nguy hiểm.
Người ta thấy trên you tube một tin của đài CCTV 13, là kênh tin tức
của truyền hình trung ương Trung Quốc, đăng hôm thứ hai, tàu hải giám
Trung Quốc và tàu cảnh sát biển của Việt Nam đã đối đầu ở vùng biển
Hoàng Sa cách cù Lao Ré 131 hải lý. Nhưng hai bên chỉ đánh võ miệng.
Theo phía Trung Quốc thì tàu Việt Nam mắng chửi thậm tệ, nói là "Đề nghị
tàu Trung Quốc ra khỏi lãnh thổ Việt Nam không chúng tao bắn chết".
Phóng viên CCTV nói phía Trung Quốc chỉ trả lời là "ngôn ngữ của Việt
Nam các anh thô lỗ và mất lịch sự”, nhưng liền nói thêm một cách trịch
thượng: "tàu Việt Nam các anh cần chú ý ngôn ngữ và THÂN PHẬN của mình”.
Việt Nam ở vào thế phải tử kềm chế hơn nữa vì lực lượng hải quân–
không quân chưa sẵn sàng trước khi được giao hàng đủ số tàu ngầm, tàu
chiến, máy bay. Trong khi đó Trung Quốc cũng không muốn, hay là chưa
muốn gây chiến, vì thể diện nước lớn đối với quốc tế và vì chiến lược
ngoại giao quốc tế của Bắc Kinh. Bắc Kinh chưa thể để lộ bộ mặt hiếu
chiến và chỉ giỏi ức hiếp nước nhỏ, nhất là một láng giềng đồng chí Cộng
Sản với nhau.
Đài Loan muốn gì?
Trụ sở HĐND Tam Sa mới thành lập- zimbo.com screen capture
Giữa lúc đó thì Đài Loan gấp rút tăng cường và đổi mới võ trang
cho đồn phòng thủ ở Ba Bình, với súng cối 120 ly và đại bác 40 ly phòng
không và chống tàu chiến nhỏ, không rõ số lượng bao nhiêu. Trước đó Đài
Loan đã có kế hoạch nối dài đường băng phi cơ ở đó, và đã tổ chức một
lực lượng hành quân không vận phản ứng nhanh, nhắm đến Ba Bình. Việt Nam
phản đối hành động tăng cường vũ trang, trong khi Trung Quốc không có
phản ứng gì.
Có ý kiến cho là Đài Loan thừa gió bẻ măng, củng cố vị trí trên hòn
đảo chiếm ở Trường Sa năm 1953 mà họ gọi là đảo Thái Bình. Tuy nhiên về
mặt quân sự thì động tác này có vẻ nhằm bảo vệ đảo chống lại cả Việt Nam
lẫn Trung Quốc. Đặc tính kỹ thuật của các vũ khí phòng thủ mới tăng
cường cho thấy, Đài Bắc e ngại không quân và tàu chiến Trung Quốc nhiều
hơn là các lực lượng của Việt Nam và Philippines. Đài Loan phải biết
chắc chắn Việt Nam không thể khai triển lực lượng mạnh ra tới Trường Sa,
trong khi lực lượng hải quân không quân Philippines không đáng kể,
trong khi và Manila cũng như Việt Nam không có ý định giành chiếm lại
đảo Ba Bình.
Hành động của Đài Loan trong thực chất nhắm mục đích chính trị nhiều
hơn là do sự e ngại về quân sự. Trong khi tình hình đang sôi nổi và căng
thẳng quanh Hoàng Sa, Trường Sa với kế hoạch liếm trọn biển Đông của
cái lưỡi bò Bắc Kinh, Đài Loan không thể im lặng đứng nhìn, mà phải làm
một điều gì đó để mạnh mẽ xác định chủ quyền trên hòn đảo đã chiếm giữ
hơn nửa thế kỷ nay.
Mỹ-Trung thoả thuận về biển Đông?
Sang đến hoạt động của cố vấn toà Bạch ốc Tom Donilon ở Bắc Kinh, khi
Trung Quốc nói đến "những vấn đề tế nhị” thì đó là vấn đề biển Đông chứ
không phải vấn đề Syria, là những đề tài mà hai bên thảo luận trong hai
ngày thứ ba và thứ tư.
Như vậy khi tin loan báo hai bên đạt được những thoả thuận về nhiều
vấn đề, thì người ta tin rằng không thể có thoà thuận hoàn toàn về vấn
đề biển Đông. Nếu đạt thoả thuận về biển Đông thì chủ tịch Trung Quốc đã
không cần nhắn nhủ cố vấn Donilon và toà Bạch ốc là Bắc Kinh mong
Washington thận trọng khi tiếp cận những vấn đề tế nhị.
Trong khi đó, nghị sĩ Mỹ John McCain,người thường chỉ trích chế độ
chính trị của Cộng Sản Việt Nam nhưng lại luôn luôn bênh vực Việt Nam
trong vấn đề biển Đông, đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc "có hành động
khiêu khích không cần thiết” khi lập căn cứ phòng thủ ở đảo Phú Lâm, hay
Vĩnh Hưng, hay Woody Island, và tổ chức bầu cử xong HĐND cho cái gọi là
"thành phố Tam Sa” do họ dựng ra trên hải phận của nước khác!
Ông McCain cũng là người chủ trương Mỹ nên liên kết quân sự với Việt
Nam để giúp Việt Nam chống Trung Quốc đồng thời để Hoa Kỳ giữ ảnh hưởng ở
khu vực Đông Nam Á phía nam Trung hoa.
Lập trường của hành pháp của Tổng thống Obama hiện nay về biển Đông
và quan hệ Việt Nam-Trung Quốc cũng không thể mâu thuẫn với lập trường
đó của nghị sĩ McCain, có thể đã được bày tỏ trong chuyến đi của cố vấn
Donilon sang Bắc Kinh.
Chưa rõ về Việt Nam
Tuy nhiên Hoa Kỳ chưa thể liên kết quân sự hay giúp bán vũ khí sát
thương cho Việt Nam khi chưa biết Việt Nam có thực tâm muốn có Mỹ sau
lưng để chống Trung Quốc hay không. Việt Nam có thực sự muốn "chọn bạn
mà chơi”, có thực tâm cắt đứt tình đồng chí Cộng Sản với người láng
giềng Trung Quốc là kẻ không cần coi họ là đồng chí mà còn bày tỏ dã tâm
xâm chiếm?
Hoa Kỳ cũng chưa biết Việt Nam có tiếc nuối 16 chữ vàng hay không, có
tiếc nuối quan hệ kinh tế có lợi cho Trung Quốc hay không, có tiếc tấm
tình hữu nghị "răng cắn sứt môi” sau khi đã mất cả đất ở Hà Giang lẫn
biển ở vịnh Bắc Bộ và còn mất cả những lô dầu mà Trung Quốc đang gọi
thầu?
Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ thăm Việt Nam, tháng 6-2012- Sreen capture.
Nhưng người Mỹ biết rõ Việt Nam hiển nhiên còn tiếc nuối cái mô thức
hệ thống chính trị "Vô sản nhân dân nô lệ, tư bản nhà nước độc tài” của
Trung Quốc đang áp dụng ở Việt Nam, là hệ thống chính trị "Cộng sản nhân
dân” duy nhất còn lại trên thế giới.
Việt Nam vẫn cần dựa vào Trung Quốc để áp dụng thể chế cai trị đó với
người dân và xã hội Việt Nam, liệu có thể dứt bỏ hẳn mẫu mực chính trị
để quay thẳng mũi súng vào nhau?
Cuối cùng, chính sách đi xa nhất của Mỹ để giúp Việt Nam chỉ có thể
nằm trong lãnh vực kinh tế, quốc phòng một khi Việt Nam dứt khoát hẳn
với Trung Quốc về sự chọn lựa chính trị.
Về ngoại giao, dù sao Mỹ cũng không thể ủng hộ những công bố xác định
chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trong khi ngoài Trung Quốc còn có
Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan công bố chủ quyền trên những
diện tích lãnh hải chồng lấn với nhau.