
Theo thông tin từ nhóm Phóng viên FNA, chiều ngày 4 tháng 5, anh
Nguyễn Công Hoàng – cháu gọi Linh mục Lý bằng chú ruột và cư trú tại
huyện Quảng Biên, tỉnh Đồng Nai- đã đến trại giam Nam Hà (còn gọi là
trại Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) bằng xe Honda thồ lúc 14g30.
Nộp giấy xin thăm nuôi ở cổng, anh vào nhà khách ngồi chờ. Gần 1 giờ sau
anh mới được cán bộ phụ trách mời vào hội trường bên trong trại để gặp
chú ruột.
Vốn là nơi sinh hoạt, hội họp của cán bộ trại, hội trường này cũng
được làm nơi cho thân nhân của Lm Lý thăm gặp từ lúc ông bị bệnh bại
liệt tới nay. Ngồi chờ vài phút thì thấy vị tù nhân lương tâm được một
cán bộ chở ra bằng xe máy chứ không đi bộ như bao lần trước. Sở dĩ thế
là vì trời đã về chiều. Vào phòng, hai chú cháu ngồi đối diện nhau nói
chuyện, một cán bộ ngồi đầu bàn làm công tác theo dõi.
Sau phần thông tin về gia đình như thường lệ, Linh mục Nguyễn Văn Lý cho biết:
1- Ngày 27 tháng 4 vừa rồi, có phái đoàn của chính phủ Úc đến
thăm linh mục. Đoàn gồm 6 người (chưa kể cô thông dịch viên), trong số
đó có vị phó đại sứ ở VN, còn các vị khác phụ trách Nhân quyền đến từ
Úc. Được hỏi về tình hình sức khoẻ, vị tù nhân lương tâm cho biết: thời
gian sau này, ông khước từ chăm sóc y tế của trại và cũng chẳng dùng
thuốc điều trị do gia đình mang ra, nhưng sức khoẻ vẫn tốt, nhất là đã
tự quỳ gối được bằng chân phải vốn bị liệt mấy năm rồi. Và từ lúc quỳ
gối lại được,
thì khi bắt đầu giờ cầu nguyện sáng sớm mỗi ngày, ông đều cúi xuống hôn
đất nhà tù như hôn nhiệm sở mà Thiên Chúa gởi ông đến. Rồi vị linh mục
đã biểu diễn cho phái đoàn xem. (Cha Lý nói thêm riêng với người cháu:
sau này, nếu đoạn phim -mà lúc ấy có nhiều người quay- được ai đó đưa
lên mạng với những lời diễn giải theo ý xuyên tạc thì mặc kệ họ). Ông
cũng đưa tay phải từng bị liệt lên và viết cho phái đoàn xem.
a/ Phái đoàn có hỏi: Linh mục đã đấu tranh, đòi hỏi tự do tôn giáo
suốt mấy chục năm qua, linh mục thấy đã có những tiến bộ nào? Cha Lý trả
lời: Chưa có tiến bộ nào cả! Dĩ nhiên lúc này nhiều thánh thất, chùa
chiền, nhà thờ được xây to đẹp hơn, lễ hội được tổ chức hoành tráng hơn…
nhưng đó là cái mã bên ngoài, chỉ tô đẹp cho chế độ. Tự do tôn giáo
đúng nghĩa, đúng bản chất vẫn chưa có, bởi lẽ cho đến nay, các giáo hội
vẫn không thể tự do và độc lập đào tạo các chủng sinh hay tu sĩ, các vị
hữu trách cao cấp vẫn chưa có quyền thuyên chuyển chức sắc của mình theo
nhu cầu cộng đoàn tôn giáo địa phương, các giám mục trong Công giáo vẫn
chỉ được tấn phong với phép của chính phủ, trường tư thục của các tôn
giáo vẫn chưa được phép thành lập, các giáo hội vẫn chưa được quyền sở
hữu nhà in riêng để ấn hành sách đạo của mình…
b/ Về vấn đề nhân quyền dân chủ, Lm Lý phát biểu: Khi nào hội đủ 3 điều kiện sau đây thì thể chế chính trị Việt Nam mới có thể gọi là có dân chủ
nhân quyền: + tự do báo chí tư nhân + tự do bầu chọn lãnh đạo + tách
bạch độc lập 3 cơ quan: tư pháp, hành pháp và lập pháp. Quý vị cứ nhìn
thể chế chính trị tại quý quốc rồi đối chiếu với thể chế chính trị tại
nước chúng tôi thì quý vị sẽ rõ. Muốn thế, đề nghị Quý vị mạnh dạn tiếp
xúc với mọi tầng lớp, mọi thành phần dân chúng Việt Nam. Quý vị sẽ thấu hiểu vấn đề dân chủ nhân quyền ở đây như thế nào.
2- Dịp 30 tháng 4 mới rồi, để hiệp thông với và cầu nguyện cho nỗi đau thương của dân tộc,
cha Lý đã tuyệt thực suốt ngày hôm đó. Ngoài ra ông còn viết cho cán bộ
trại: Đừng có rêu rao là "Ngày Giải phóng miền nam” nữa! Nam Hàn đâu
cần Bắc Hàn giải phóng mà nền kinh tế và sự phát triển của Nam Hàn như
thế nào, quý vị quá biết rõ! Việc cần làm lúc này là phải cùng nhau bất
phân chính kiến, thành lập một liên minh Dân tộc
để chung tay gìn giữ biên cương, đất biển mà Trung cộng đã và đang xâm
chiếm. Bằng chứng là hiệp định lãnh thổ và lãnh hải năm 1999 và năm
2000. Tổ quốc lâm nguy lắm rồi! Giải phóng là giúp người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo, khổ cực, nộ lệ… nhưng mấy mươi năm qua, dân miền Nam được gì từ khi quý vị vào "giải phóng”?
3- Sau cùng, linh mục Lý gởi lời thăm hỏi và cám ơn tất cả bà
con, bạn hữu xa gần đã thương mến, cưu mang và hỗ trợ mình từ trước cho
đến nay. Ông xin đồng bào luôn hiệp ý hiệp lòng để lo cho quê hương đất
nước. Vị tù nhân còn nói thêm trước khi chú cháu giã biệt: Ngoài khách
thăm các phái đoàn ngoại quốc và thân nhân ruột thịt, thời gian qua còn
có một số linh mục ở Tổng giáo phận Hà Nội và Tổng giáo phận Huế (dĩ
nhiên trong số này không thể có hai chiến hữu là linh mục Nguyễn Hữu
Giải và linh mục Phan Văn Lợi).
Theo FNA
|