Thứ Bảy, 2024-11-23, 2:16 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Giêng » 1 » Tình trạng Nhân quyền tại Việt Nam năm 2009
10:48 PM
Tình trạng Nhân quyền tại Việt Nam năm 2009


2009-12-30

Bán án 5 năm rười tù giam đối với cựu trung tá Trần Anh Kim khép lại một năm 2009 với hàng loạt các vụ bắt bớ, bố ráp, tù tội đối với những người lên tiếng tranh đấu cho Dân chủ Nhân quyền tại Việt Nam.

AFP photo

Người công an trên đường phố. (ảnh minh họa)

Và chiến dịch đàn áp sẽ còn tiếp tục kéo dài sang năm tới, khi vào tháng giêng 2010 một số nhân vật bất đồng chính kiến khác cũng sẽ bị đem ra xét xử.

Các tổ chức theo dõi nhân quyền cho rằng việc đàn áp tiếng nói đối lập của chính quyền Hà Nội là không tuân thủ những công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Hiệp hội Nhân quyền Quốc Tế ISHR, trụ sở tại Frankfurt Đức, là một trong những tổ chức đó.

Tổng thư ký ISHR, đặc trách Châu Á, ông Vũ Quốc Dụng, có những đánh giá về tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong năm qua. Trước hết về phiên xử mới nhất đối với một trong những nhà bất đồng chính kiến là cựu trung tá Trần Anh Kim thì ông có nhận định:

Tội trạng?

Ông Vũ Quốc Dụng: Trước hết tôi không có ý kiến về mức án vì tôi cho ông Trần Anh Kim vô tội. Những điều gì mà ông Kim nhận, và những bằng chứng mà Tòa nêu lên thì không thể dùng để kết tội ông Kim được. Đơn cử như những bài viết trên Interner, việc treo bảng hiệu của tổ chức, việc nhận chức vụ của tổ chức, việc mua sắm máy móc, việc thiết lập các tổ chức của dân oan… do phía công tố nêu lên không phải là hành vi phạm tội.

Vụ án của ông Trần Anh Kim làm cho giới quan sát thiếu tin tưởng vào nền công lý Việt Nam. Ô.Vũ Quốc Dụng.

Hiến pháp Việt Nam và công pháp quốc tế công nhận các quyền tự do ngôn luận và lập hội. các quyền tự do này bao gồm cả quyền tự do phát biểu và quyền tự do tham gia các hoạt động đảng phái. Không có quyền bày tỏ và thể hiện các suy nghĩ và lập trường của mình ra bên ngoài thì nhân quyền không còn ý nghĩa trên thực tế nữa.

Vì thế tôi cho rằng ông Kim có quyền làm những việc mà ông đã làm. Tôi nhấn mạnh lại rằng ngay cả việc đòi hỏi, thay đổi một chính quyền bằng các phương pháp ôn hòa và bất bạo động, ví dụ như bằng đối thoại, bằng tranh luận hay bằng bài viết như ông Kim đã thực hiện cũng được bảo vệ bởi Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị của Liên hiệp quốc. Đây là văn kiện mà Việt Nam đã ký kết và cam kết sẽ tham gia. Không thấy ông Kim làm điều gì đe dọa nghiêm trọng đến nền an ninh quốc gia cả.

Ở đây cần phải dùng ngôn ngữ cho đúng: "Việt Nam hiện đang ở trong thời bình và không có những cuộc xung đột ảnh hưởng đến nền an ninh của cả nước.” An ninh quốc gia bị đe dọa khi có nội loạn hay ngoại xâm; ngay cả trong những trường hợp vừa nói thì luật quốc tế về nhân quyền cũng có những qui định rõ ràng và chặt chẽ; chứ không thể chấp nhận những tuyên bố mơ hồ để giới hạn nhân quyền được.

Ông Kim chỉ dùng lời, dùng bút thì làm sao có thể đe dọa nền an ninh quốc gia. Nếu ông Kim có chống lại Đảng Cộng sản Việt Nam thì không thể xem việc đó là có đe dọa đến an ninh quốc gia, an ninh của cả nước được.

Tôi có nhận xét cuối cùng là ông luật sư Đặng Ngọc Phúc đã không cãi cho ông Kim theo hướng vô tội; trong khi ông Kim không nhận có tội.

Theo tôi dù ông LS Đặng Ngọc Phúc có được Nhà nước chỉ định trong vụ này thì ông Phúc cũng phải cãi theo ý thân chủ và cãi tốt nhất cho thân chủ; chứ không thể cãi theo ý của ông ta và còn yêu cầu ông Kim nhận tội và yêu cầu tòa khoan hồng nữa.

Tôi nghi ngờ về sự thành tâm của ông luật sư này, vì lúc đầu ông ta không nhận bào chữa cho ông Kim sau đó lại nói nhận nếu có sự chỉ định.

Công lý

Gia Minh: Sắp đến đây còn có một số phiên xử các nhà bất đồng chính kiến khác nữa, vậy theo hiệp hội thì những phiên xử đó và những phiên xử trong thời gian qua thì như thế nào?

Ông Vũ Quốc Dụng: Phiên xử ông Trần Anh Kim vừa rồi cho thấy việc xử những người thuộc Đảng Dân chủ Việt Nam có rất nhiều vấn đề. Trước hết việc ông Kim phản cung trước tòa cho thấy những thước phim "thú tội” trước đây vô giá trị và phản tác dụng.

Trước Tòa ông Kim hỏi Tòa khi ông tham gia tổ chức "Khối 8406” và Đảng Dân chủ từ 3 năm bảy tháng mà không bị truy tố, sao bây giờ lại đưa ông ra truy tố thì Tòa không trả lời được. Ông Kim cũng nói ông hoạt động ôn hòa nên không có tội.

Vấn đề thứ hai là việc thay đổi tội danh. Đây là vấn đề dư luận rất quan tâm. Sau khi bắt năm người thuộc Đảng Dân chủ, chính quyền Việt Nam tiến hành một chiến dịch rầm rộ tuyên truyền về hành vi phạm tội, với mục đính buộc họ vào tội "tuyên truyền chống Nhà nước XHCN” theo  điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Bây giờ chuyển sang tội "âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” với mức án nặng nhất là tử hình, nhưng không đưa ra được lý do thuyết phục nào. Việc thay đổi tội danh là điều khó hiểu, đặc biệt khi thay đổi từ một tội nhẹ sang một tội nặng hơn với mức án tử hình mà lại là trong một vụ án chính trị nổi tiếng nữa.

Vụ án của ông Trần Anh Kim làm cho giới quan sát thiếu tin tưởng vào nền công lý Việt Nam. Tôi tìm cách lý giải sự việc này: có thể Tòa sợ Luật sư Lê Công Định trước phiên xử có nhiều đại diện quốc tế đến tham dự sẽ vững lý hơn phe công tố viên trong một vụ án "tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN VN” bởi vì LS Định từng cãi trong các phiên tòa cho LS Nguyễn Văn Đài và Lê thị Công Nhân. Lúc đó LS Định dựa trên công pháp quốc tế để cãi.

Thứ hai nữa là quốc tế đang chú ý nhiều đến Việt Nam trong việc sử dụng tội danh tuyên truyền chống Nhà nước XHCN VN để đàn áp những người bất đồng chính kiến. Theo tôi biết thì Liên hiệp quốc hiện nhận được rất nhiều đơn khiếu nại về vấn đề vừa nói. 

Dùng quần chúng nổi loạn để đàn áp dân oan thì đây là một hiện tượng rất đáng ngại vì khi chính quyền không trực tiếp ra tay đàn áp nhằm tránh tiếng vi phạm nhân quyền. Ô.Vũ Quốc Dụng.

Chuẩn mực Nhân quyền

Gia Minh: Căn cứ vào các chuẩn mực quốc tế, thì Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế còn thấy có những vụ việc nào không theo đúng những chuẩn mực đó tại Việt Nam?

Ông Vũ Quốc Dụng: Có hai vụ việc cần phải quan tâm.Thứ nhất là vụ cô Phạm Thanh Nghiên và thứ hai là vụ các tăng sinh Bát Nhã. 

Vụ Cô Phạm Thanh Nghiên là người phụ nữ duy nhất trong nhóm bị bắt hồi tháng 9 năm 2008. Tất cả đều được đưa ra tòa, chỉ riêng cô ta đến giờ phút này đã trên 15 tháng vẫn chưa được đưa ra tòa.

Một điểm nữa là cô ta bị giam 15 tháng mà không cho cô ta gặp thân nhân. Cô ta cũng không được gặp luật sư trong thời kỳ tạm giam, điều tra. Như thế có liên quan đến vấn đề nhân đạo và vấn đề đối xử công bằng đối với những người tù dù đó là tù chính trị hay không.

Chúng tôi quan tâm đến cô Phạm Thanh Nghiên là việc cô bị bắt khi căng biểu ngữ ngồi trong nhà. Như vậy là quyền có quan điểm chính trị riêng và quyền bày tỏ quan điểm chính trị tại nhà riêng cũng bị chính quyền Việt Nam xem là tội.

Nếu Việt Nam không cho cô Phạm Thanh Nghiên bày tỏ quan điểm chính trị tại nhà và không cho viết bài trên Internet thì Việt Nam phải giải thích quan điểm về quyền tự do ngôn luận và quyền tự do báo chí theo điều 69 Hiến pháp Việt Nam có những nội hàm thế nào; và quan niệm của Việt Nam như thế có phù hợp với những công ước quốc tế mà Việt Nam  ký kết hay không.

Vấn đề tăng sinh Làng Mai tại Bát Nhã thì họ là những người Việt Nam, xuất gia tại Việt Nam, họ trực thuộc giáo hội Phật giáo Việt Nam.Phật giáo Việt Nam là tổ chức được chính quyền Việt Nam công nhận từ năm 1981 cho đến nay.

Như thế đàn áp họ là đàn áp Giáo hội. Việc các tăng sĩ cao cấp trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lên tiếng bày tỏ bất mãn trước sự kiện đánh đuổi các tăng sinh vô cùng ôn hòa đó.

Chúng ta thấy đáng lẽ chính quyền có thể cho số tăng sinh đó ở lại Bát Nhã vì họ bỏ tiền ra xây, cũng có thể đổi cho họ một khu đất khác để họ đến, hoặc cho họ dung thân tại những ngôi chùa như Phước Huệ. Thế nhưng chính quyền nhất định phân tán họ, như thế chính quyền muốn giải tán cả tu viện. Như thế là đàn áp tôn giáo.

Chúng tôi thấy chính quyền cho rằng những người đàn áp các tăng ni là người dân nổi giận, thì chính quyền đã không có khả năng bảo vệ được những người công dân đang sống trên đất nước của mình, đã không làm tròn nhiệm vụ bảo vệ nhân quyền.

Chúng tôi có những bằng chứng cho thấy chính quyền trung ương Việt Nam có những chỉ thị giải tán tu viện Bát Nhã, và đó là không tôn trọng nhân quyền. Đây là những điều được ghi rõ trong văn bản Luật Quốc tế về Nhân quyền.

Gia Minh: Trong năm qua cũng có những vụ việc như các blogger bị chính quyền triệu tập đến và yêu cầu không cho viết blog nữa, và vấn đề quần chúng tự phát tại những nơi khác?

Ông Vũ Quốc Dụng: Trong quyền tự do phát biểu, quyền tự do ngôn luận thì có quyền phát biểu bằng mọi phương tiện, và vượt qua mọi biên giới. Tức là có quyền dùng bút ghi trên giấy hay dùng nhạc, dùng những bài viết phổ biến trên Internet để phổ biến suy nghĩ một cách ôn hòa. Tất cả những quyền này được qui định trong Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã ký từ năm 1982.

Việc dùng quần chúng nổi loạn để đàn áp dân oan thì đây là một hiện tượng rất đáng ngại vì khi chính quyền không trực tiếp ra tay đàn áp mà mượn tay quần chúng để đàn áp nhằm tránh tiếng vi phạm nhân quyền thì điều đó bị lên án mạnh mẽ hơn bình thường.

Chính quyền phải có luật pháp, tuân thủ luật pháp để giữ giềng mối quốc gia. Trong trường hợp những nhóm quần chúng tự phát vượt khuôn khổ luật pháp quốc gia, xâm phạm quyền tự do, và cả an toàn thân thể của người khác thì đó chính quyền không hoàn thàn bổn phận bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam. 

Gia Minh: Trong thời đại hội nhập hiện nay, các vị nguyên thủ Việt Nam đi đến nhiều nơi trên thế giới, và được báo giới nêu ra câu  hỏi về tình hình vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, vấn đề tù nhân lương tâm.Trước những câu hỏi đó thì các vị lãnh đạo chính quyền Hà Nội đều cho rằng Việt Nam có những chuẩn mực, luật lệ riêng và những người vi phạm đều bị trừng phạt, vậy ông có ý kiến ra sao trước những lập luận đó?

Ông Vũ Quốc Dụng: Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế quan niệm tù nhân chính trị là những người thực hiện nhân quyền của họ một cách bất bạo động mà bị tù tội. Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế hoạt động dựa trên Bản tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên hiệp quốc, và chúng tôi công nhận tất cả các công ước quốc tế. Như vậy chúng tôi công nhận những người hoạt động trên tinh thần của công pháp quốc tế như vậy. Chúng tôi xem nhân quyền, nhân phẩm gắn liền với tính chất làm người. Một khi đã tôn trọng nhân phẩm thì phải tôn trọng những điều rất riêng của người khác cho dù mình không đồng ý với những cái riêng đó. Do đó chúng tôi gọi những người tù nhân chính trị là tù nhân lương tâm; họ làm theo tiếng gọi lương tâm cho dù biết rằng vì thế có thể họ phải bị đưa vào tù.

Một cách khác để nhận biết ai là tù nhân chính trị: đó là những người bị bắt bỏ tù chỉ vì chính kiến của họ khác với chính kiến của đảng cầm quyền trong một nước, và đảng đó đã dùng mọi thủ đoạn kể cả thủ đoạn phi pháp để bắt giam họ, họ không được hưởng quyền được đối xử bình đẳng.Các phiên tòa đối với họ cũng không công bằng như đối với các công dân khác. Trong tù họ cũng bị phân biệt đối xử. Theo cái nhìn đó thì tại Việt Nam có rất nhiều tù nhân chính trị. Không biết vì sao mà Việt Nam nhất định ‘cãi cùn’ là tại Việt Nam không có tù nhân chính trị, mặc dù trên thực tế chúng ta thấy rõ ràng có tù chính trị tại Việt Nam: các tòa án và báo chí Việt nam vẫn gọi là ‘án chính trị’; trong trại giam vẫn tách tù chính trị ra riêng; người tù chính trị bị đối xử theo qui chế khác tù thường phạm. Đơn cử, tù chính trị bị cáo buộc với bất cứ tội gì vẫn không được gặp thân nhân, luật sư trong thời gian bị tạm giam điều tra, tù chính trị bị đưa đi giam xa nhà, thư từ bị khám xét, không được gọi điện thoại về nhà …

Chúng tôi có danh sách khoảng 300 tù nhân chính trị tại Việt Nam, trong đó có 200 người Thượng.  

Gia Minh: Khi đưa ra những bằng chứng như thế thì Việt Nam có thừa nhận không?

Ông Vũ Quốc Dụng: Tôi có cảm tưởng là Việt Nam đang ‘cải cùn’ về vấn đề tù chính trị; thì đó chỉ là vấn đề sỉ diện, vấn đề ngôn từ thôi. Vấn đề chính là quan điểm về nhân quyền của chính quyền Hà Nội. Việt Nam đang theo đuổi quan điểm nhân quyền hai mặt: mặt ngoài thì ra vẻ chấp nhận; nhưng mặt bên trong thì đang tấn công ngầm vào những quan điểm nhân quyền của thế giới. Việt Nam không chấp nhận những thuộc tính căn bản của nhân quyền, ví dụ như tính phổ quát. Phổ quát có nghĩa là bất cứ con người ở nơi nào cũng có những quyền như nhau không phân biệt người đó thuộc chủng tộc, màu da, nam hay nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, quan niệm, nguồn gốc, dân tộc, xã hội, tài sản, nguồn gốc, dòng dõi…Việt Nam không chấp nhận tính chất nhân quyền đó mà đòi thực hiện nhân quyền tùy theo điều kiện xã hội, kinh tế, lịch sử và chính trị. Việt Nam không chấp nhận thuộc tính bất khả phân chia của nhân quyền; tức không được phân chia ra những quyền nào muốn cho người dân được hưởng; ví dụ cho phép dân có quyền có niềm tin tôn giáo mà lại giới hạn quyền thực hiện niềm tin đó; hoặc nói dân có quyền tự do tư tưởng nhưng lại bắt bớ những người viết bài trên Internet..

Việt Nam cần phải xét lại quan niệm về nhân quyền mà chính quyền hiện dùng, xe có đúng với Công pháp quốc tế hay không, hay những quan niện mà các quốc gia khác trên thế giới thường dùng.  Nếu không giải quyết vấn đề căn bản đó thì vẫn tiếp tục xảy ra chuyện Việt Nam nói không vi phạm nhân quyền, nhưng không ai trên thế giới có thể thông cảm cho Việt Nam được.

Tiến bộ trong kinh tế và tôn giáo

Gia Minh: Vậy việc đấu tranh cho những chuẩn chung đó giữa phía Việt Nam và các quốc gia cổ xúy cho nhân quyền cũng như các tổ chức như của ông thì ra sao?

Ông Vũ Quốc Dụng: Việt Nam trong những năm vừa qua cũng có một số tiến bộ, đặc biệt là quyền trong lĩnh vực kinh tế. Mặt này được quốc tế đánh giá nhiều lần là khá tốt. Trong lĩnh vực tự do tôn giáo thì Việt nam cũng có một số cải thiện, đặc biệt với Đạo Tin Lành. Những cải thiện này được đánh giá là sự hợp tác hiếm có giữa chính quyền Việt Nam và chính quyền các quốc gia khác, với các tổ chức Tin Lành, các tổ chức chuyên lo về quyền tự do tôn giáo ở ngoại quốc. Mặc dù còn có nhiều khó khăn nhưng hiện không còn bị đàn áp một cách dã man, tràn lan như xưa nữa. Những văn bản có giọng điệu thù nghịch với Đạo Tin Lành nay cũng bớt đi nhiều. Điều này cho thấy lo ngại trước đây của Việt Nam khi cho rằng Tin Lành là đạo của Mỹ, một phương tiện của diễn biến hòa bình, một đe dọa cho an ninh quốc gia là những điều không thực tế. Trong thực tế điều đó gây trở ngại hơn là giúp cho Việt Nam hội nhập vào thế giới.

Tuy vậy nhìn lại, thì vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề: Việt Nam không giải quyết êm đẹp vấn đề tranh chấp tài sản với Giáo hội Công giáo, bất chấp sự có mặt của phái đoàn Liên hiệp Âu Châu trong việc hành hung các tăng ni tại Chùa Phước Huệ hồi giữa tháng 12 này.

Nhân quyền không đe dọa an ninh quốc gia

Hồi tháng 5 vừa qua nhân phiên họp báo cáo định kỳ của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, Việt Nam đã bác bỏ 46 trong số 150 khuyến nghị của các quốc gia trên thế giới. Đa số liên quan đến các quyền dân sự và chính trị; cũng như liên quan đến việc xây dựng một chế độ thượng tôn pháp luật tại Việt Nam. Hà Nội cũng từ chối mời những quốc gia về nhân quyền của Liên hiệp quốc được thường trực đến khảo sát tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Trong năm qua hợp tác với quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền có giảm bớt đi; đồng thời chính sách đàn áp lại cứng rắn hơn đối với những người trong nước. Đây là lĩnh vực mà trong năm tới quốc tế phải đối thoại với Việt Nam mạnh mẽ hơn nữa.

Gia Minh: Ngoài những biện pháp đã làm, thì những biện pháp mạnh mẽ đó cần phải làm như thế nào?

Ông Vũ Quốc Dụng: Chúng tôi chỉ xin phép nêu quan niện của Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế, một số đề nghị mà chúng tôi muốn đề nghị phía Việt Nam thực hiện. Trước hết Việt Nam cần xét lại toàn bộ hệ thống về quan niệm nhân quyền của Việt Nam, điều chỉnh cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Muốn làm việc đó, chính quyền Việt Nam cần từ bỏ tư thế phòng thủ đối với các vấn đề nhân quyền, phải ngưng xem nhân quyền là cớ cho việc xâm phạm chủ quyền, hay là can thiệp vào nội bộ của nước tiềm ẩn nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, phi chính trị hóa vấn đề nhân quyền, không xem vấn đề nhân quyền là an ninh quốc gia nữa. Ngược lại cần phải xem những đóng góp về nhân quyền như là những đề nghị xây dựng.

Tôi đã đi đến nhiều nước có trình độ phát triển kinh tế kém hơn Việt Nam,nhưng chính quyền ở đó có thái độ rất trân trọng đối với các phái đoàn nhân quyền. Họ tiếp thu và thực thi các góp ý về vấn đề nhân quyền, từ đó tiến rất nhanh vì gây được thiện cảm với cộng đồng thế giới. Nếu Việt Nam càng để có các phái đoàn nhân quyền thuộc Liên hiệp quốc, Liên hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ, các tổ chức quốc tế đến thăm viếng, giám sát tình hình nhân quyền thì Việt Nam sẽ nhận được nhiều sự trợ giúp để cải thiện vấn đề nhân quyền hơn.

Một đề nghị cuối cùng của chúng tôi: Việt Nam cần nhanh chóng thay đổi các bộ luật trong nước cho phù hợp các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia để tránh mâu thuẫn với luật quốc tế, đồng thời thúc đẩy cho việc tôn trọng nhân quyền tại Việt Nam theo đúng các chuẩn mực quốc tế. Như thế sẽ giúp cho Việt Nam dễ hội nhập vào thế giới trong lĩnh vực nhân quyền hơn.

Gia Minh: Cám ơn Ông Vũ Quốc Dụng đã có những trình bày liên quan tình hình nhân quyền Việt Nam trong năm qua.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 634 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Giêng 2010  »
SuMoTuWeThFrSa
     12
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
31
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 55
Khách: 55
Thành Viên: 0