Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận một tàu Việt Nam bị Trung Quốc bắn bốc cháy ở đảo Hoàng Sa và Hà Nội đang đòi Bắc Kinh bồi thường.
Báo Tiền Phong hôm Chủ Nhật đã đưa tin tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đuổi và nổ súng bắn cháy cabin tại đảo Hoàng Sa nhưng sau đó bà đã bị gỡ xuống.
Trang web của Bộ Ngoại giao dẫn lời người phát ngôn Lương Thanh Nghị nói hôm 25/03:
"Ngày 20/3/2013, tàu cá mang số hiệu QNg 96382 TS của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi trong lúc đang hoạt động nghề cá bình thường tại ngư trường truyền thống thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin.
"Đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam.
"Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)."
Ngoài những lời tuyên bố mang tính quy ước này, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ hơn.
Ông Nghị được dẫn lời nói: "Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xử lý nghiêm hành động sai trái và vô nhân đạo nói trên, bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.
"Ngày 25/03/2013, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại Sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối việc làm nói trên của phía Trung Quốc."
'Hùng hổ đuổi theo'
"Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xử lý nghiêm hành động sai trái và vô nhân đạo nói trên, bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam"
Lương Thanh Nghị, Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao
Theo báo Tiền Phong, tàu cá QNg 96382 cuối cùng đã về tới đảo Lý Sơn hôm 22/3, hai ngày sau khi bị bắn.
Báo dẫn lời thuyền trưởng Bùi Văn Phải, 25 tuổi, và viết:
"Khoảng 10 giờ ngày 20/3, khi sắp kết thúc phiên đánh bắt tại khu vực đảo Lin Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tàu ông [Bùi Văn Phải] - gồm chín ngư dân - đụng phải chiếc tàu tuần tra của Trung Quốc mang số 786, sơn màu trắng xám.
"Tàu sắt Trung Quốc liền hùng hổ đuổi theo. Thuyền trưởng Phải kéo ga chạy thật nhanh. Do nằm ở vị trí không có rạn san hô ngầm để lọt vào tránh né như mọi lần, ngư dân đành cho tàu chạy thẳng.
"Bọn lính bên tàu tuần tra liên tục buộc tàu ngư dân dừng lại. Khoảng 30 phút sau, bất ngờ đạn lửa từ tàu tuần tra Trung Quốc (có thể là động tác cảnh cáo) bắt đầu nã sang ca bin tàu ngư dân của ta.
"Hốt hoảng và bất ngờ, các ngư dân đang ngồi trước mũi thuyền liền đưa tay lên đầu la to.
"Nóc cabin bắt đầu bốc cháy ầm ầm. Tấm bạt nhựa trên cabin tan chảy để lộ ra 4 bình gas đang nằm giữa đống lửa rừng rực. Nếu không kịp thời dập tắt đám cháy thì có thể nổ tàu."
"Nóc cabin bắt đầu bốc cháy ầm ầm. Tấm bạt nhựa trên cabin tan chảy để lộ ra 4 bình gas đang nằm giữa đống lửa rừng rực. Nếu không kịp thời dập tắt đám cháy thì có thể nổ tàu."
Thuyền trưởng Bùi Văn Phải
Tiền Phong nói sau đó một ngư dân lớn tuổi đã trèo lên nóc cabin trong khi tám ngư dân còn lại múc nước đưa lên để chữa cháy trong lúc tàu Trung Quốc "vội vã tháo lui".
Trung tá Nguyễn Văn Thanh, Đồn phó đồn Biên phòng Lý Sơn cũng được dẫn lời cho biết ông đã "chỉ đạo cho các đội nghiệp vụ thu thập hồ sơ để báo cáo về trên xử lý".
Thuyền trưởng Phải cũng nói với Tiền Phong chuyện tàu tuần tra Trung Quốc đuổi tàu Việt Nam ở Hoàng Sa là điều thường xuyên xảy ra nhưng phía Trung Quốc có hành động mạnh tay hơn trong thời gian gần đây.
Ông Phải cũng nói trước lần bị bắn này, tàu của ông từng bị hai tàu tuần tra khác của Trung Quốc mang số 262 và 263 rượt đuổi.
Các hành động bị coi là "hung hăng" của Trung Quốc trên Biển Đông đã kéo theo nhiều cuộc biểu tình phản đối ở Việt Nam trong hai năm qua.
Chính quyền Việt Nam một mặt lên tiếng phản đối nhưng mặt khác lại ngăn cấm người dân có những hành động phản đối tương tự trên đường phố.