Đông Hà
Mấy
tháng trước đây, sự "nhầm lẫn" từ câu chữ về biển đảo (được đổ cho là
vì "lỗi của cậu đánh máy") trên báo Đảng Cộng Sản khiến tờ báo của ông
Đào Duy Quát phụ trách bị phạt 30 triệu đồng. Đáng nói là việc xử phạt
chỉ được tiến hành khi có quá nhiều những trang mạng ngoài lề phát hiện
và lên án mạnh mẽ. Trước đó đã có tình trạng các cơ quan văn hoá của
nhà nước cộng sản VN chính thức phổ biến những quan điểm lạ lùng của
những người làm văn hóa Việt Nam; như báo Hà Nội Mới, do Hồ Quang Lợi
là tổng biên tập, đã ca ngợi tướng Hứa Thế Hữu, một tướng từng chỉ huy
quân Trung Quốc đánh Việt Nam năm 1979; còn nhà xuất bản Văn Học tại Hà
Nội, do Nguyễn Cừ phụ trách, tung ra thị trường cuốn Ma Chiến Hữu của
Mạc Ngôn, với nhiều chi tiết khiến người đọc nghĩ cuộc xâm lược năm
1979 của Trung Quốc vào 6 tỉnh biên giới Việt Nam là một cuộc chiến bảo
vệ biên giới của Trung Quốc.
Những sự kiện văn hóa lịch sử nhập nhèm nêu trên đã bị
đại khối người Việt Nam yêu nước và tôn trọng sự thật lên án một cách
dữ dội. Tưởng rằng sau các phản ứng đó, những người phụ trách văn hóa
Việt Nam sẽ rút ra được bài học phải tôn trọng sự thực khi đụng đến
những vấn đề liên quan đến lịch sử, nhất là ở một nước có nền kiểm
duyệt về tư tưởng, văn hóa gắt gao như Việt Nam. Dấu ấn những cuộc
thanh trừng hồi Nhân Văn Giai Phẩm vẫn còn đó. Một câu, chữ, chỉ cần bị
hiểu khác đi trong nghĩa bóng cũng khiến một đời người làm văn hóa, văn
nghệ bị vùi dập, tù đầy, áp bức, một nhà in, một tờ báo bị xóa sổ vĩnh
viễn.
Trong một số trường hợp, sự nhập nhằng còn lộ liễu hơn
nhiều. Vừa đây báo Đắc Lắc đăng bài thơ ca ngợi người lính hải quân
Việt Nam, nhưng minh họa chủ quyền biển đảo lại bằng tấm ảnh lính Trung
Quốc đang trấn đóng Trường Sa với đầy đủ các chữ tàu và bản đồ nước Tàu
ngay bên cạnh. Việc sử dụng hình ảnh lính Trung Quốc, quân phục TQ, vũ
khí TQ trước đó không lâu cũng đã xuất hiện trên những tấm pano kỷ niệm
ngày thành lập Quân Đội Nhân Dân Việt Nam; và trước nữa là hình ảnh
lính hải quân TQ với chữ tàu ngay trên vành mũ trên báo Phụ Nữ để minh
họa lính Việt Nam, v.v.
Tại sao sự nhầm lẫn, vay mượn, lắp ghép của Trung Quốc
với Việt Nam liên tiếp xảy ra như thế? Thoạt nhìn thì sự "nhầm lẫn" này
có vẻ như vô tình, hay chỉ là sự lười biếng, cẩu thả của những người
thực hiện, nhưng hiện tượng không phân biệt được giữa chữ tàu và chữ
quốc ngữ Việt Nam cũng như nhịp độ "vô tình" đó cứ thường xuyên hơn, dễ
xí xóa hơn, dù rằng đã liên tục có những cảnh báo của báo chí "lề
trái", chỉ càng lúc càng lộ rõ tính chủ ý, có kế hoạch và được điều
hướng.
Hơn ai hết những người đang nắm giữ an ninh ở Cục Bảo
Vệ Chính Trị hay những nhà bảo vệ tư tưởng, bảo vệ chính trị nội bộ
hiểu rõ các sự kiện nêu trên không "vô tình" chút nào cả. Những trường
hợp sai sót về văn hóa, tư tưởng tương tự nếu xảy ra ngoài sự điều hợp
của các "cơ quan chức năng", dù mức độ nhỏ vô cùng, nếu ảnh hưởng đến
vai trò lãnh đạo của ĐCSVN đều bị xử lý nghiêm ngặt, rốt ráo, khẩn
trương đến mức bắt nhầm hơn bỏ sót. Đã có quá nhiều người chỉ vì một
bài viết, một hành động nhắc đến chủ quyền biển đảo Việt Nam mà bị mất
chức như nhà báo Bùi Thanh, Huy Đức, Trung Dân, Trung Bảo; hay chịu tù
đày như Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày), Phạm Thanh Nghiên, Phạm Xuân
Nghĩa… Tại sao họ khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam lại bị nhà
nước đối xử như vậy, trong khi những người nhầm lẫn chủ quyền biển đảo
Việt Nam thành của Trung Quốc của những cơ quan báo chí nhà nước lại
chỉ bị xử lý hời hợt, xí xóa cho qua?
Một dẫn chứng gần đây cho thấy nhà nước không hề buông
lỏng vòng kiểm soát báo chí và khó lòng có chuyện "vô ý" làm sai hàng
loạt như vừa kể. Trong bài nói trước hội nghị báo chí hồi đầu tháng 5
-2010 này, Thường vụ Bộ Chính Trị Trương Tấn Sang chỉ thị việc xiết
chặt hơn nữa vòng kiểm soát báo chí, và xuống tới mức chi tiết từng từ,
từng chữ. Cụm từ "biển đảo" nay được ông chính thức đưa vào cuốn sổ đen
từ ngữ mà chỉ các cơ quan chức năng của Đảng mới được đụng đến. Còn báo
chí không được tự ý lạm bàn mả chỉ đăng lại các bài bản chính thức khi
được yêu cầu. Cùng đứng trong cuốn sổ khá dầy này là những chữ "dân
chủ", "bầu cử tự do", "nhân quyền", "tự do tôn giáo", "tự diễn biến",
"hiệp ước biên giới", "Nam Quan", "Bản Giốc", v.v.
Tới điểm này thì ít ai còn có thể phủ nhận thái độ hiện
nay của nhà nước thể hiện một chính sách có phương hướng rõ rệt. Nhưng
chính sách đó là gì?
Có người cho rằng đó là chủ trương làm hài lòng Bắc
Kinh bằng cách cho phép sự xâm nhập ồ ạt của văn hóa Trung Quốc sang
Việt Nam trên mọi phương diện từ sân khấu, điện ảnh, văn học… đến hàng
hóa và cả đường lối chính trị, kinh tế… Sự xâm chiếm tràn lan này rõ
ràng đã nhanh chóng nhập sâu vào tiềm thức người làm văn hóa, tư tưởng
Việt Nam, nên mới xảy ra những chuyện như dùng lại hình ảnh, dùng lại
pano, sách báo, văn hóa phẩm, trang phục, kịch bản, ngoại cảnh của
Trung Quốc. Đối với giới lãnh đạo hiện nay, hiểm họa mất dần bản sắc
văn hóa dân tộc quả thật quá nhỏ so với nỗi lo xụp đổ chế độ nếu không
có sự phù trợ từ Bắc Kinh.
Có người rành rẽ hơn còn cho rằng những vụ "nhầm, lỡ"
gần đây là tác phẩm trực tiếp của các bàn tay tình báo Trung Quốc và
hay ít là tiền Trung Quốc. Cả 2 loại động cơ này đã luồn vào mọi ngõ
ngách, ban ngành đảng và nhà nước chứ không riêng gì ngành báo chí.
Người dân thường đã có thể thấy những nhân viên Trung Quốc ngang nhiên
ngồi tại các đồn công an Việt Nam để lục lọi máy vi tính của các "đối
tượng có vấn đề". Tình báo Trung Quốc cũng được công an Việt Nam thường
xuyên lấy ra hăm dọa các nhà dân chủ. Nhưng lộ liễu hơn cả là sự tiếp
tục hiện diện của Tổng Cục II Bộ Quốc Phòng và việc liên tục thăng
chức, thăng quyền cho Tổng Cục Trưởng Nguyễn Chí Vịnh bất kể các chứng
cớ cụ thể từ nhiều nhân vật cao cấp của chế độ về quan hệ của ông Vịnh
với tình báo Trung Quốc. Rõ ràng chính sách hiện nay là mọi cấp, mọi
ngành làm ngơ những vụ việc có hơi hướng tình báo Trung Quốc. Và chính
vì vậy mà chẳng ai dám phạt và chẳng ai sợ phạt.
Và sau hết, cũng có nhiều người không tin các nhà lãnh
đạo CSVN thụ động như vậy. Thực ra, sau khi đã "lỡ" tháo bán quá nhiều
chủ quyền, tài nguyên, và quyền lợi của đất nước, nay lãnh đạo đảng
đang chủ động tiến hành chính sách "Trước Lạ Sau Quen" để từng bước
BÌNH THƯỜNG HÓA các hành vi của họ. Họ biết không thể bảo đảm khả năng
giấu mãi các ký kết với Bắc Kinh dưới mắt 3 triệu đảng viên và 83 triệu
người dân Việt Nam như các tấm bản đồ biên giới phía Bắc hiện nay.
Trước sau gì từng vụ việc dâng nhượng cũng sẽ lọt ra ánh sáng, và có
khi do chính Bắc Kinh quyết định công bố. Chính vì thế mà chính sách
"Trước Lạ Sau Quen" được tiến hành để sau một thời gian, khi nhìn chung
quanh, người dân Việt Nam thấy hầu hết mọi thứ đều ĐANG và SẼ là của
Tàu, thì những gì lãnh đạo đảng ĐÃ nhượng cho Tàu chỉ là chuyện nhỏ của
quá khứ, không còn gì đáng xem là động trời nữa.
Đứng trước những mưu đồ nhơ nhớp như vậy, thế hệ người
Việt hiện nay sẽ phải làm gì để chính họ và các thế hệ con cháu tương
lai không cho phép mình QUEN hay QUÊN!?
|