Trong
vòng 12 năm qua, có ít nhất 4500 phụ nữ và trẻ em Việt Nam đã bị các tổ
chức buôn người bán qua biên giới để phục vụ cho việc bán dâm, "làm nô
lệ tình dục”.
AFP photo/Hoang Dinh Nam
Tranh cổ động ngăn chặn tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em tại TPHCM.
Coi như một món hàng
Phần lớn những nạn nhân này bị lén đưa vào Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Lào, Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Phi. Ở
Việt Nam, việc kinh doanh thân xác con người để trục lợi, nhất là đối
với trẻ em cứ tiếp tục tăng cao mỗi năm. Chuyện mua bán, đấu giá phụ nữ
và trẻ em trên Internet hay E-Bay, trở thành phổ biến và người trả cao
giá nhất sẽ nhận được món hàng mà mình chọn.
Người Việt Nam lúc nào cũng tôn trọng nhân phẩm con người, khi nhìn
thấy phụ nữ và trẻ em bị mua bán thì rất đau lòng, mình muốn anh em
cùng nhau lên tiếng, yêu cầu xã hội hưởng ứng bằng sự thật, vì chân lý
là lẽ phải.
Ô. Cao Văn Minh
Hiện tượng mua bán phụ nữ và trẻ em từ Việt Nam xuất hiện từ năm
1987, sau khi Hà Nội theo đuổi chính sách mở cửa với bên ngoài, ứng
dụng nền kinh tế thị trường, tự do mậu dịch, tạo ra hoàn cảnh thuận lợi
cho nạn tham nhũng, hối lộ từ trung ương xuống địa phương, cấu kết với
các đường dây buôn lậu từ ma túy đến con người.
Năm ngoái, các chiến dịch phối hợp ngăn chặn mại dâm do hai chánh
phủ Việt Nam và Campuchia thực hiện đã cứu được trên 70 nạn nhân sắp bị
đưa qua vùng biên giới qua Xứ Chùa Tháp và bắt giữ mấy chục tay trùm
buôn người.
Mặt khác, theo một tổ chức xã hội thì trong năm 2009, đã có gần một
ngàn phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị bán qua Trung Quốc và Campuchia. Hàng
trăm nghi can dính líu tới hoạt động buôn người đã bị phát hiện.
Các nạn nhân bị lừa gạt, mua bán, bắt ép phục vụ tình dục cho khách trả giá cao nhất.
Theo Vietnamnet điện tử thì có những nạn nhân bị đưa từ Việt Nam
sang Lào, xuyên qua các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thanh Hoá.
Ngoài ra, rất nhiều trường hợp phụ nữ và trẻ em được đưa đến hai sân
bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài để lên dường qua Malaysia, Hồng
Kông, Macau hoặc các quốc gia Âu, Mỹ, Phi Châu.
Nhân phẩm bị chà đạp
Gái mại dâm nhiễm HIV, nghiện ma túy tại Phnom Penh, tháng 6/2008. AFP photo
Sau khi chánh phủ Thái Lan đẩy mạnh chiến dịch quy mô càn quét nạn mại
dâm, Việt Nam trở thành vùng đất mới thu hút khách đam mê "du lịch tình
dục”. Các hoạt động này thường tập trung ở các quán bar, sàn nhảy, khu
nghỉ mát, khách sạn hạng sang tại Hà Nội, Saigon, Hải Phòng, Đà Nẵng.
Từ miền Trung, một trong những khu vực có phụ nữ, trẻ em bị các
đường dây buôn người dòm ngó, ông Cao Văn Minh, chánh trị sự thánh thất
Cao Đài trình bày ý kiến của mình về tệ nạn trẻ em Việt Nam bị bán làm
"nô lệ tình dục”: "Người Việt Nam lúc nào cũng tôn trọng nhân phẩm
con người, khi nhìn thấy phụ nữ và trẻ em bị mua bán thì rất đau lòng,
nhưng lực bất tòng tâm, tiếng nói của mình không được bao nhiêu, mình
muốn anh em cùng nhau lên tiếng, yêu cầu xã hội hưởng ứng bằng sự thật,
vì chân lý là lẽ phải. Không có xã hội nào đối với con người tồi tàn
như vậy.
Đàn bà, trẻ em là con người, có nhân phẩm, có giá trị. Cần những
tiếng nói là cho xã hội này hướng thiện, dứt bỏ đi cái sự nhục nhã của
con người Việt Nam. Người ta theo chủ nghĩa vô thần, vì không có lương
tâm nên mới hành động như vậy. Nhờ sự giúp đỡ của đồng bào, ở quê hương
mà nay sống ở nước ngoài, can thiệp vào chuyện đó (nô lệ tình dục), thì
rất hoan nghênh.”
Chị Nhã, sinh sống ở Xứ Chùa Tháp kể về những vụ ép buộc trẻ Việt Nam vào đường mại dâm: "Phần
đông phụ nữ và trẻ em Việt Nam lên Campuchia là làm nghề mại dâm, họ
tập trung ở Chợ Xa Cà Đa, rồi cây số 11, rồi Chợ Mới. Vì hoàn cảnh khó
khăn, khổ sở, không biết làm gì nên họ phải làm nghề đó để sinh sống
thôi.
Phần đông phụ nữ và trẻ em Việt Nam lên Campuchia là làm nghề mại dâm.
Vì hoàn cảnh khó khăn, khổ sở, không biết làm gì nên họ phải làm nghề
đó để sinh sống thôi.
Chị Nhã, sinh sống ở Xứ Chùa Tháp
Người ta gạt họ nói là lên đây buôn bán, nhưng rồi bị ép bá dâm. Trẻ
em 7, 8 tuổi cũng bị cha mẹ đưa lên đây bán, lấy tiền. Khi vô rồi, muốn
thoát ra thì khó lắm, phải có đủ tiền trả cho chủ thì mới ra khỏi động
được. Phụ nữ và trẻ em bán thân nuôi miệng, rồi cứ sống ngày nào ăn
ngày đó, lại cờ bạc, chích hút nên có dư dả gì. Mong mấy ông lãnh đạo
Việt Nam sớm chấm dứt tình trạng mại dâm này.”
Ông Hoài, từ Việt Nam sang Phnom Penh làm việc góp thêm ý về vấn nạn này: "Nạn
mại dâm ở Campuchia, nhất là với các trẻ em mà trong đó phần lớn là phụ
nữ và trẻ em Việt Nam, bị buộc làm nghề này trong các nhà chứa, quán
bar, karaoke, massage, bắt nguồn từ chuyện nghèo đói. Cho nên muốn giải
quyết vấn đề này, chúng ta phải nỗ lực hơn nữa để nhắc nhở mọi người,
đánh động lương tâm của các vị lãnh đạo sớm dẹp bỏ nạn mại dâm, mà nạn
nhân là trẻ em ở Việt Nam nói chung và tại Campuchia nói riêng.”
Ông Martino, thành viên của một tổ chức ngoài chánh phủ, chuyên về
các vấn đề xã hội cho biết mục tiêu nhóm này là giúp đỡ trẻ em Việt Nam
từng bị mua bán làm nô lệ tình dục ở Campuchia. Đây là một hình thức nô
lệ mới của thế kỷ 21 mà công luận quốc tế và các chánh phủ cần đặc biệt
quan tâm và dồn mọi nỗ lực hầu sớm chấm dứt tệ nạn "bẩn thỉu, tệ hại và
thương tâm” này.