Thứ Tư, 2025-01-15, 5:01 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Năm » 18 » Trả Hồ Chí Minh về cho lịch sử
1:11 PM
Trả Hồ Chí Minh về cho lịch sử

Tạ Dzu

 
Trong lịch sử dân tộc ta, những người có công với đất nước sau khi mất sẽ được dân chúng tôn thờ. Sự tôn kính này nằm trong bậc thang giá trị văn hoá Việt: có công thì được thưởng, có lỗi phải chịu phạt. Công to sẽ được bổng lộc, chức tước cao, khi khuất núi còn có thể được phong thần, làm thành hoàng của làng hay một vùng rộng lớn, hoặc được cả nước tôn thờ; lỗi lớn bị phạt nặng, có khi còn chịu "bia miệng ngàn năm” nữa.

Tôn kính các anh hùng dân tộc là một nét rất đẹp trong văn hoá Việt Nam. Chúng ta coi trọng ngày chết và giỗ kỵ hơn ngày sinh nhật. Khi một người còn sống, sự nghiệp còn dở dang, khó có thể luận thành bại, anh hùng hay tiểu nhân trọn vẹn, cho đến khi cá nhân đó thực sự nhắm mắt xuôi tay. Do đó, ngày tử và ngày giỗ, người Việt tổ chức rình rang, công phu và chu đáo. Dịp giỗ chạp, mỗi gia đình con cháu đem theo gạo thóc, gà qué, xôi chè… gọi là để "góp giỗ.” Sự cúng bái chỉ nhằm tưởng nhớ, nhưng chính yếu là kể lại công đức ông bà, hoặc những gì người nằm xuống đã đóng góp cho gia đình, dòng tộc và xã hội. Mục đích, trước hết để ghi ơn người đã khuất; sau đó là để cháu con học hỏi, noi gương sự nghiệp, công đức và những việc tốt lành ông bà đã thực hiện lúc sinh thời. Vì vậy ngày tử mới quan trọng, còn ngày sinh thì vừa "bước vào” đời, chúng ta chỉ cảm thấy vui mừng khi gia đình có thêm thành viên mới, chứ không là "tưởng nhớ, ghi ơn và học hỏi.”

Cả cuộc đời, hoạ hoằn lắm con cháu mới tổ chức sinh nhật cho cha mẹ đôi ba lần. Đó là những lúc sẵn dịp "lễ bạc, lễ vàng,” tức khi cưới nhau được 25, 50 năm, hoặc lúc ăn mừng "thượng thọ,” tức khi đã có mặt trong cuộc đời 6, 7 chục năm. Những ngày lễ này, thực ra, cũng do người khác làm dùm, chủ yếu là con cái mừng cha mẹ được thêm tuổi trời và còn có mặt trên cõi đời mà vui thú cùng cháu con, hơn là cha mẹ ăn sinh nhật của chính mình.

Đó là khác biệt căn bản của văn hoá sinh-tử giữa ta và các nước khác.

Chủ thuyết cộng sản khởi thuỷ muốn lật ngược, đạp đổ những tin tưởng cơ bản của thuyết Duy Tâm. Họ muốn minh chứng rằng vật chất quan trọng hơn và nắm vai trò quyết định trong cuộc sống. Tinh thần phải lệ thuộc vào vật chất; đồng thời, cũng muốn "nâng cấp” con người lên và hạ bệ thần linh - đại diện cho tinh thần - xuống. Vì vậy mà tôn giáo trở thành "thuốc phiện” của nhân loại. Cộng sản muốn đưa ra quan niệm rằng: con người tự quyết định lấy vận mạng của mình, nhất là vận mạng chính trị, chứ không do thần quyền nào cả.

Nhìn vào sự tiến hoá của nền văn minh nhân loại, đây là một khám phá lý thú của Tây phương, nhằm nâng vị trí con người lên "cho bằng” trời bằng đất, tương tự quan niệm thiên-địa-nhân của Đông phương. Trong sự quyết định sinh mệnh, nhất là sinh mệnh chính trị tập thể, có sự can dự chủ động của con người, chứ không chỉ thụ động ngồi chờ ngôi chí cả nào quyết định dùm.

Quan điểm Duy Tâm được chuyển lồng vào tôn giáo: khi con người phụ thuộc vào một thế lực bên ngoài - gọi tên là thượng đế hay thần thánh nào đó - đương nhiên phải tôn thờ và chịu sự sai khiến, định đoạt bởi quyền lực tối cao ấy. Con người phải phục tùng không những vị thần kia, mà còn cả thế lực thần quyền đại diện cho đấng tối cao ấy nữa. Điều này thể hiện rất rõ trong xã hội Tây phương trước kia, giáo hội gần như có quyền tuyệt đối trên đời sống tinh thần của xã hội. Các vị vua khắp Âu Châu phải được giáo hội La Mã ban phép lành mới có giá trị. Giáo hội có quyền "rút phép thông công” đối với thần dân của mình nếu họ không tuân theo lời dạy của giáo hội, dù lời dạy có thể trái với tin tưởng khoa học. Trường hợp Galileo là một ví dụ điển hình. Là một nhà khoa học, ông tin trái đất tròn và xoay quanh mặt trời. Giáo hội dạy ngược lại.

Khi con người ở vị thế phụ thuộc, tức con người đánh mất sự tự chủ, phải coi mình là nô tì, là đầy tớ. Chủ có quyền ban ơn giáng họa cho con người, và con người phải chấp nhận tự nguyện phục tòng, không có quyền thắc mắc hỏi han, cứ việc mạnh mẽ tin vào tín lý đã được mặc khải. Nếu giáo hội hoặc chính quyền sáng suốt, xã hội còn dễ thở; nếu ai đó lợi dụng lòng tin mà khích động chiến tranh, hậu quả sẽ rất khốc liệt. Ấn Độ và Trung Đông là những ví dụ rõ nét nhất.

Có lẽ do ý thức được điều này, cộng với thực tế xấu xa của nền kinh tế tư bản phôi thai rừng rú lúc đó mà Mác tìm cách đảo ngược Duy Tâm, biến thành Duy Vật để "giải thoát” nhân loại. Mác mơ ước tạo thiên đường ngay tại trần thế để con người thụ hưởng, chứ không cần chờ đến lúc chết, đến đời sau.

Muốn đả phá duy tâm nhưng cộng sản lại đi vào lối mòn chính họ hô hào đạp đổ, là đã tôn-giáo-hoá chế độ. Gần như mọi lãnh tụ trọng yếu của cộng sản đều được thần-thánh-hoá, hoặc ít nhất, được bộ máy đảng tuyên truyền sùng bái, coi họ như những giáo chủ của một tôn giáo mới: tôn giáo cộng sản!

Cộng sản đã đi từ ước mơ giải phóng con người thoát khỏi thế lực thần quyền nhằm tạo thiên đường đại đồng dưới thế, đến sự sùng bái, thần thánh lãnh tụ, và cơ-cấu-hoá bộ máy nhà nước theo cơ chế thần quyền. Thân phận con người đã bị động-vật -hoá, biến thành vật sở hữu của tôn giáo cộng sản để họ sử dụng và đổi chác, nếu cần. Đảng khinh thường, loại bỏ dân và dân không được phép tham dự vào việc thiết kế xã hội (điều 4 Hiếp pháp). Nhân dân chỉ có quyền tin vào lãnh tụ và lý thuyết cộng sản, được rao truyền tựa những tín lý tôn giáo mà không được quyền tra vấn, thậm chí thắc mắc. Quyền công dân đã bị tước đoạt thì làm gì có nhân quyền hay xã hội công dân, cơ chế tối cần cho sự phát triển xã hội một cách lành mạnh?

Vì muốn giữ sự cai trị độc tôn của đảng, tựa một thế lực thần quyền nhằm tận hưởng trọn vẹn lợi lộc trong xã hội, các đảng cộng sản không bao giờ muốn chia sẻ quyền hành, hoặc cho phép người dân phản biện và ra báo tư nhân. "Giáo dân” cộng sản chỉ có thể cúi đầu tuân phục hoàn toàn "giáo hội” đảng, chứ không được phép thắc mắc, làm gì có quyền đòi hỏi nọ kia.

Các đảng cộng sản đều tự biến thành tôn giáo, CSVN cũng không ngoại lệ. Họ sùng bái và thần thánh hoá ông Hồ, biến ông thành nhân vật siêu phàm xuất thế, suốt đời hy sinh cho dân nước, nhất là không bị bả đàn bà cám dỗ. Ông có muốn được thần thánh hoá hay không, ta không biết chắc, nhưng chắc là có, dù do bất kỳ động cơ nào. Đã có ý kiến cho rằng do Đảng CSVN lúc đầu còn quá yếu và đầu óc nhân dân mê tín, khiến ông phải đích thân nhúng tay vào việc thần thánh hoá mình với mục đích chính trị (kiểu Nguyễn Trãi bôi mỡ lên lá cây để kiến ăn lủng, với hàng chữ Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần?). Nhưng những điều ông và đảng làm nhằm tôn vinh ông như vị thánh sống đã tạo ra bao hệ luỵ đắng cay nhân dân phải chịu cho đến nay. Sự việc ông có năm bảy cô bồ hay hai ba bà vợ khác nhau cũng là chuyện bình thường trong thời ông sống, thậm chí nhiều người còn coi đó là thành tích cá nhân, là tài cua gái của ông nữa là đằng khác. Số ông rất đào hoa!

Sự thần thánh hoá này của đảng khác xa việc phong thần các anh hùng dân tộc trong văn hoá Việt, vì nó bị cưỡng bức từ mặt tầng thống trị chứ không phải sự tự nguyện công nhận từ đáy tầng quốc dân. Hành động sùng bái chủ tịch, vì vậy, mất tính chính thống nên không được nhân dân công nhận, dù đảng đã ra sức tuyên truyền. Khi sử dụng phương cách thần thánh hoá, họ đi xa hơn mục đích chính trị: muốn nhân dân tôn thờ ông và phục tùng đảng như một tôn giáo, để đảng được cai trị mãi mãi! Vì vậy thay vì hỏa thiêu, họ cố tình giữ và ướp xác ông.

Muốn giải quyết vấn nạn VN, một trong những điều kiện thiết yếu là phải đưa bác Minh về đúng vị trí, rồi phục hồi cho ông có vợ, có con đàng hoàng theo tiêu chuẩn đạo lý dân tộc, và phục hồi tên tuổi những bà vợ lâu nay đảng cố tình chà đạp và dấu diếm. Làm như thế không phải là "hạ bệ” chủ tịch, mà là trả lại vị-trí-thực của ông đối với lịch sử đảng và lịch sử VN. Điểm thứ hai là cần giải quyết thân xác nhục thể theo đúng ý nguyện sở cầu. Những nhân vật có liên hệ đến di chúc ông viết đều đã qua đời, thông thường là thời điểm thuận tiện để giải mật những tài liệu liên quan đến lịch sử, lại là lịch sử của nhân vật từng ảnh hưởng lớn nhất đến xã hội VN đương đại.

Vì thiếu vắng tài liệu và vì không đủ điều kiện (hoàn cảnh, thời giờ, tiền bạc… phỏng vấn, thu thập thông tin những nhân vật liên quan v.v…) nên chúng tôi chỉ có thể làm công việc gợi ý nhằm tìm ra sự thật về HCM, cách riêng trong bài này, chỉ liên hệ đến nội dung chính xác của những bản di chúc.

Đảng CSVN hãy công khai hoá di chúc ông viết và chỉ rõ bản nào là bản cuối, bản chính thức, không bị cắt xé, bôi xóa, xem ông nói gì và ước nguyện điều gì. Một con người thông minh và có chí lớn như ông - dù chí lớn đó có thể là lầm lẫn đi ngược ý ông (như nhiều đảng viên đang chứng minh ông bị áp lực lúc cuối đời) và quyền lợi dân tộc - không thể không có những nhắn gửi ý nghĩa, nhất là ông đã suy tư nhiều, quyết định ra đi vào đúng ngày sinh của đảng, và cặm cụi viết đi viết lại dăm bảy di chúc khác nhau! Điều này cho thấy những trăn trở và khúc mắc của ông. Có nguồn tin cho rằng ông muốn chơi khăm Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và chính đảng cộng sản do ông thiết lập, nên đã rút giây nhợ trợ thuốc gắn vào cơ thể, để chết đúng ngày 2 tháng 9? Ông muốn chôn sống/hỏa thiêu Đảng CSVN theo ông?

Đây là sự kiện lịch sử mà nhân dân và đảng viên cộng sản đang cần biết rõ sự thực nhằm hoàn tất tiến trình dân chủ hoá đất nước (hay cộng sản hoá quê hương?) mà người lãnh đạo tối cao của đảng đã mơ ước lúc sinh thời.

Nhiều đảng viên cộng sản hoàn toàn tin tưởng ông Minh như một người có cuộc đời của một vị thánh, hơn thế nữa, còn là một vị thánh-sống-anh-hùng-dân-tộc ngay từ lúc sinh tiền, do chính ông và lớp đảng viên lão thành chung quanh ông ra sức tuyên truyền. Họ không muốn thần tượng bị sụp đổ và vì thế còn áy náy, không hoàn toàn thoải mái quay về hoà vào giòng sống chung? Dân tộc ta vì thế cũng rất khó chấp nhận đảng cộng sản, nhất là nhân dân tin ông từng có "tì vết” không ngay thẳng là tự viết sách ca ngợi mình - dù với mục đích và động cơ nào - cũng như đã khai ra nhiều ngày sinh và rất nhiều tên khác nhau (có người liệt kê được trên 30). Nếu vì bất cứ lý do gì mà phải dấu diếm di chúc thật của ông, thiết nghĩ đây là thời điểm thuận tiện nhất để bạch hoá nó. Biết đâu, chính vì di chúc kia sẽ giải toả được nhiều khúc mắc lịch sử và ông sẽ có một vị trí nhất định nào đó. Dân tộc ta là một dân tộc hiếu hoà và nhân ái, nên đã đồng tình với nhà Phật rằng: người đồ tể nếu biết buông đao trước khi mất, cũng sẽ có thể trở thành Phật.

Tất cả sự thật rồi sẽ được phơi bày ra ánh sáng, nhưng nếu đảng mau mắn và thành tâm, kiên quyết quay về với dân tộc, tên tuổi của ông và vị trí của Đảng CSVN trong cuộc kháng chiến chống Pháp và công cuộc thống nhất đất nước không dựa vào chủ nghĩa cộng sản làm động cơ (?) cũng có thể được lịch sử ghi nhận theo hướng khác? (Hiến Pháp 1946 của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà không kêu gọi thiết lập chế độ cộng sản tại VN). Chiến thắng thực dân Pháp chính là chiến thắng vinh quang của toàn dân, không riêng của Đảng CSVN.

Đánh giá lại nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh là việc làm cần thiết, nếu không muốn nói là cần thiết và quan trọng nhất cho vấn nạn hoà giải dân tộc. Đây là công việc rất nhiêu khê, cần sự đóng góp của nhiều người ở cả hai phía để chúng ta có cái nhìn toàn cục, vì ông không chỉ liên quan đến nội bộ nước ta mà còn có những liên hệ phức tạp và chằng chịt với các quốc gia trong cuộc Chiến tranh Lạnh vừa qua. Những âm mưu, dàn xếp quốc tế trên thân phận Việt Nam không phải là không có - nhiều nữa là đàng khác - cũng phải được nêu rõ. Sự đánh giá này rất cần cái tâm công minh, đứng trên lập trường dân tộc mà nhận xét. Phe "quốc gia” đã có nhiều nghiên cứu, nhiều bài viết về ông, cao điểm là hai cd "Sự Thật Hồ Chí Minh” trình bày những gì đã xảy ra và những bằng chứng khó chối cãi, và ai cũng có thể kiểm chứng dễ dàng. Chúng ta cần nghe phản biện từ "phe kia,” nếu được chính những nhân vật cùng thời có liên quan trực tiếp đến HCM, trình bày với tinh thần khách quan vô tư, tính trung thực càng được tôn trọng. Tài liệu về ông do đảng đưa ra ít nhiều có tính chủ quan và tuyên truyền trong đó nên khó thuyết phục được nhân dân và "đối phương,” những nạn nhân trực tiếp của cuộc chiến và là những người rất mong mỏi sự hoà giải chân thành, trong sáng và công khai từ nhà nước CSVN, không nhằm đến "áp phe” chính trị hoặc mang tính mị dân không thành thật.

Chiều 16 tháng 5, tại Quận Cam có buổi ra mắt cuốn sách "Tâm tư Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu,” nêu lên những trăn trở, những khó khăn của ông khi phải đối đầu với Bắc Việt lẫn "đồng minh” Hoa Kỳ trong cuộc chiến, khiến ông khó có thể thực hiện được ý nguyện của dân chúng miền Nam trước thời cuộc. Riêng đối với miền Bắc, những khúc mắc, trằn trọc nào của vị Chủ tịch sáng lập Đảng CSVN, cũng như những sắp xếp, âm mưu nào của phe cộng sản quốc tế trên thân phận VN đã được nêu ra hết và trung thực hay chưa? Nếu tất cả sự thật được công khai phơi bầy, trưng dẫn bởi những tài liệu, chứng cứ thuyết phục, chúng ta sẽ có bức tranh toàn cục hơn về cuộc chiến VN, soi sáng lại bằng quan điểm dân tộc. Tất nhiên, những nhà lãnh đạo của cả hai miền đều phải gánh chịu trách nhiệm nặng nề nhất trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn vừa qua.

Suốt trong tháng Tư, nhiều nhân vật lãnh đạo đảng, nhiều bài báo đã kêu gọi hoà hợp dân tộc nhằm thống nhất lòng dân và hàn gắn lòng người, thì đây sẽ là bước căn bản Đảng CSVN cần thực hiện gấp, trước khi kêu gọi các điều khác. Đồng thời, hãy chấm dứt ngay các hành động khủng bố nhân dân và trả tự do tức khắc cho những con dân yêu nước đang bị cầm tù, là những hành động chứng tỏ thiện chí thực tâm mong muốn hoà giải để tiến đến hoà hợp. Đương nhiên, song song với những việc đó chúng ta vẫn có thể bàn với nhau và vẫn có cách làm thế nào để xã hội sinh hoạt bình thường, không bị xáo trộn vì những kêu gọi dân chủ hoá chế độ. Đừng hiểu lầm dân chủ là loạn. Độc đảng như hiện thời mới dễ loạn. Ngược lại, có dân chủ thực sự xã hội mới sinh hoạt bình thường và thăng tiến luôn mãi. Nếu vì những tranh chấp trong nội bộ đảng mà xảy ra đàn áp, bắt bớ nhân dân vô cớ, phe quyết tâm quay về với dân tộc hãy nhanh chóng tố cáo trước dư luận để nhân dân hợp lực kiên quyết xử lý phe muốn độc quyền cai trị và nhẫn tâm đi với kẻ lạ.

Tuần rồi, trong buổi lễ mừng chiến thắng phát xít có nhiều nguyên thủ các quốc gia mà VN cũng tham dự, Tổng thống Nga, ông Medvedev, đã "khai tử” Stalin khi nói rằng việc dẹp bỏ thần tượng Stalin không ảnh hưởng tới chiến thắng của Liên Xô và đồng minh trước phát xít, vì đó là thắng lợi của nhân dân và của lòng yêu nước. Vai trò của Stalin dù rất lớn, nhưng đó không phải chiến thắng của ông ta. Tổng thống Nga nói thêm, "Bất cứ ai cũng có quyền đánh giá Stalin theo cách của mình, nhưng quan điểm của chính phủ Nga là rõ ràng, Stalin đã phạm những tội ác chống lại nhân loại và điều này là không thể tha thứ được, dù dưới sự lãnh đạo của ông ta, đất nước đạt được một số thành tựu.”

Ở chính cái nôi của chủ nghĩa cộng sản, nhà nước họ đã thay đổi cách nhìn, mạnh mẽ chối bỏ Stalin và dẹp bỏ chế độ cộng sản, tại sao ta là học trò lại cả gan đi cãi lời thầy, vẫn tôn vinh Stalin và chủ nghĩa vô nhân ngoại lai ấy?

Vì vậy, việc đặt lại vai trò HCM trong lịch sử đảng và lịch sử dân tộc là cần thiết.

Cuộc giải phẫu nào cũng có thể gây nhức nhối và phản ứng phụ, nhưng thà vậy mà vết thương dân tộc mau được chữa lành. Nếu có sai lầm mà thực tâm sửa đổi, mong muốn chuộc lỗi, không ai có quyền lên án hành động dũng cảm đó.

Kỷ niệm ngày sinh của Hồ Chí Minh, Đảng CSVN có cùng một suy nghĩ với nhân dân hay chăng?

 
Category: Đạo đức Hồ Chí Minh | Views: 720 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 22
Khách: 22
Thành Viên: 0