Tiếng súng đầu tiên từ bên kia biên giới phía Bắc đã thay đổi nhiều số phận của những người tù trong trại giam Cổng trời.
AFP photo
Đại
tướng Võ Nguyên Giáp (P), đại diện tỉnh Bình Trị Thiên, Phạm Dũng (thứ
2 từ phải), đại diện TPHCM, trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội Việt
Nam tại Hà Nội hôm 28/6/1976.
Ít ra thì nhờ nó mà họ bớt lạnh hơn, đường trở lại gia đình ngắn
hơn, và nhất là được sống gần với con người hơn tại các trại giam dưới
đồng bằng Bắc Bộ. Về gần với đời sống hơn khiến người ta có khuynh
hướng ôn lại chuyện cũ và những người tù thế kỷ này nghĩ gì về những
ngày đầu tiên bị bắt của họ? Bài thứ 9 của Trại Giam Cổng Trời mang đến quý vị những hình ảnh cuối cùng của một trại giam đã đi vào lịch sử.
Đối với những người đã ở lâu trong trại giam Cổng Trời thì ý tưởng
trại giam này sẽ giải thể hay bị phá tan là một điều hoàn toàn không
tưởng. Ngoài vị trí quá cao không thể tấn công hay phá hoại, trại Cổng
Trời còn là nơi gần như bất khả xâm phạm vì quanh năm mây mù che phủ,
việc phòng bị rất chắc chắn khó thể xâm nhập.
Điều không tưởng đã xảy ra
Cái ngày nó bị xóa sổ đến rất bất ngờ và những tù nhân trong trại
chào đón tin này với một niềm hân hoan tột độ. Người tù biết rằng mặc
dù họ không được trả tự do nhưng sẽ không phải tiếp tục sống trong cái
địa ngục trần gian này. Hy vọng đó đã làm cho hầu hết tù nhân thắp lại
niềm tin sống sót mà bao nhiêu năm qua đã tắt ngúm trong lòng họ.
Cái ngày đó là ngày 20 tháng 8 năm 1978. Lý do: Trung Quốc đánh Việt Nam.
Người tù Trần Nhật Kim nhớ lại:
"20 tháng 8 năm 1978 chúng tôi được di chuyển từ trại Cổng Trời về
trại Thanh Cẩm vì khi đó quân đội Việt Nam và Trung Quốc đang đánh ở
các tỉnh miền Bắc rồi. Chúng tôi được di chuyển khỏi trại Cổng Trời
trước đó 1 tháng. Chúng tôi gồm 48 người miền Nam và 70 anh em biệt
kích. 30 người ở Cổng Trời và 40 người ở trại Tuyên Quang dồn lên trên
CổngTrời và sau đó chúng tôi đi cùng một chuyến về trại Thanh Cẩm. Các
anh em biệt kích về trại Lam Sơn trong đó có anh Nguyễn Hữu Luyện.
Sở dĩ tôi biết nó đánh tan trại Cổng Trời là vì một nửa tù hình sự
chạy thoát được còn một nửa thì bị bắt lại mang xuống trại Thanh Cẩm.
Tôi gặp những người này kể lại tôi mới biết là trại Cổng Trời đã bị
đánh tan và không còn ai ở đó nữa." LM Nguyên Thanh kể lại ông và một số người khác rời trại trước nhóm của ông Trần Nhật Kim 5 ngày, và cũng về Thanh Cẩm sau đó:
"Cho đến 15 tháng 8 năm 1978 thì chúng tôi, tất cả là 32 người biệt
kích và 38 tù nhân miền Nam đựơc sơ tán về trại Thanh Cẩm bởi vì Trung
Cộng lúc ấy sắp sửa đánh 6 tỉnh miền Bắc. Trước khi được đưa về trại
Thanh Cẩm Thanh Hóa thì chúng tôi đã bị bắt buộc phải làm ngày làm đêm
đào hào ở các vùng chân núi."
Ngày 20 tháng 8 năm 1978, chúng tôi được di chuyển từ trại Cổng Trời về
trại Thanh Cẩm vì khi đó quân đội Việt Nam và Trung Quốc đang đánh ở
các tỉnh miền Bắc rồi.
Ông Trần Nhật Kim
Trung Quốc đánh Việt Nam khiến trại Cổng Trời đóng cửa là điều mừng
cho người tù nhưng đối với những tù nhân đã được thả trước đó thì chính
biến cố này lại đem phiền toái dồn dập đến với họ. Người tù Nguyễn Chí
Thiện kể về trường hợp của ông:
"Khi Trung Quốc đánh miền Bắc vào tháng 2 năm 79 thì công an bắt đầu
gọi tôi lên sở lên đồn liên tục, viết kiểm điểm đe dọa bắt bớ đủ thứ.
Đến nước này tôi thấy nguy cơ nếu mà nó bắt lần nữa thì khó sống. Thế
nên tôi quyết định phải gửi tất cả thơ tôi làm được trong vòng 15 năm
ra ngoại quốc.
Tôi vào tòa đại sứ Anh ngày 16 tháng 7 năm 1979 lúc 9 giờ sáng để
gửi tập thơ ra ngoài. Sự thực tôi làm thơ để mong gửi vào miền Nam cho
dân chúng biết chế độ miền Bắc để thêm tinh thần chiến đấu. Có ai làm
thơ để gửi ra ngoại quốc bao giờ?"
Bị bắt, bị bắt và bị bắt
Người cộng sản vốn đa nghi nên mỗi khi có sự cố nào xảy ra thì những
người tù lại được lôi ra chiếu cố một cách cẩn thận. Cũng tương tự như
nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, ông Kiều Duy Vĩnh, một đại úy thời Pháp ở lại
miền Bắc vì hoàn cảnh gia đình đã gần bỏ thây trong trại giam CổngTrời,
mãi đến khi trại này không còn thì ông mới được thả về nhà. Tưởng được
yên thân, nhưng khi Mỹ tấn công miền Bắc thì người được chiếu cố đầu
tiên vẫn là ông, một tù nhân bị xem là nguy hiểm, ông kể:
"Tôi được thả về Hà Nội đến năm 1972, khi Mỹ lại bỏ bom tại miền Bắc
thì tôi lại bị bắt! Bị bắt từ năm 1972 cho tới sau năm 1975 sau khi họ
chiếm Sài Gòn thì năm 1976 tôi được về. Cả trước sau tôi tù 15 năm."
Khi được hỏi tại sao họ lại nghi nan một cách vô lý như vậy, trong
khi ông bị cách ly hoàn toàn với bên ngoài thì đâu còn cơ hội nào để
làm gián điệp cho dịch nữa? Ông Vĩnh bức xúc:
"Đấy! cộng sản họ hay vô cùng là ở chỗ ấy. Tôi làm gì? tay không một
tấc sắt? Đi tù 10 năm về không còn một tí gì kể cả kinh tế không còn gì
hết. Tôi đi làm thợ mộc làm cu li kiếm ăn. Tại sao lại thế nhỉ? Họ bảo,
anh phải biết anh chứ! Anh là cái ngòi nổ thì tôi cứ cất đi là yên tâm
hơn cả.
Mới vừa gần đây, vào tháng 8, sở công an Hà nội cử người hỏi thăm tôi,
tôi bảo thẳng, ông bỏ trò lịch sự khôi hài ấy đi. Tôi 80 tuổi còn làm
được gì mà hỏi thăm sức khỏe?
Ông Kiều Duy Vĩnh
Cái ấy là cảnh giác cách mạng mà lỵ! Tôi mới hỏi tội trạng gì? Tội
phản cách mạng! mãi năm 1976 chiếm được Sài Gòn xong tôi mới sống yên
ổn. Cho đến thế kỷ 21 này thì tôi mới không bị gọi lên công an chứ còn
lúc nào cũng bị gọi ra sở để hỏi thăm sức khỏe."
Ngay cả hồi gần đây, tức là năm 2010 khi đã gần 80 ông Kiều Duy Vĩnh vẫn không được buông tha, ông kể:
"Mới vừa gần đây, vào tháng 8, sở công an Hà nội cử người hỏi thăm
tôi, tôi bảo thẳng, ông bỏ trò lịch sự khôi hài ấy đi. Tôi 80 tuổi còn
làm được gì mà hỏi thăm sức khỏe? Sự chuyên chính vô sản đến cực độ.
Một anh già 80 thở không ra hơi vẫn bị hỏi thăm xem thế nào?"
Họ đã làm gì?
Thử lần về quá khứ xem những con người này mang tội gì mà đáng bị
đối xử như vậy? Trước tiên là ông Phùng Văn Tại, một giáo sư dạy trong
đại chủng viện hoàn toàn không có một hành động nào chống phá cách mạng
hay tuyên truyền gây nguy hiểm cho chế dộ. Tội của ông là dạy cho chủng
sinh theo tài liệu của Giáo Sư Dương Quảng Hàm, ông kể:
Người tù nổi tiếng của trại giam Cổng Trời, đại úy Kiều Duy Vĩnh.
"Tôi dạy về giáo sử văn chương. Một trong những tội là dám dùng tài
liệu cũ là dùng bộ sách Việt Nam Văn Học Sử Yếu của giáo sư Dương Quảng
Hàm để dạy cho học sinh chủng sinh cho nên đấy là một cái cớ. Thêm nữa
là tôi ra một bài văn, con hãy bình luận câu nói sau đây: Lao động là
vinh quang theo quan điểm giáo hội công giáo. Bài đó tôi cho học sinh 7
điểm và đó là cái cớ. Trong những ý gạch đầu giòng trên bảng mà tôi cho
học sinh làm bài."
Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện cũng không khác với ông Phùng Văn Tại là
mấy, ông dạy học sinh theo sự thật lịch sử mà cả thế giới biết, tuy
nhiên đối với người Cộng sản thì việc này là cố tình phản tuyên truyền,
nhà thơ kể:
"Khi bị bắt sự thực mà nói thì tôi không làm gì cả. Hôm ấy một ông
bạn ông ấy là giáo viên dạy sử. Ông ấy ốm nhờ tôi dạy hộ một lớp bổ túc
văn hóa mà lớp ấy ở trước nhà tôi ở phố Ga Hải Phòng. Tôi cũng tình cờ
vào dạy giúp ông ấy có hai tiếng thôi. Tôi giảng về đại chiến thứ hai
rằng sở dĩ Nhật đầu hàng là do hai quả bom nguyên tử của Mỹ nó bỏ xuống
Hiroshima và Nagasaki. Thế nhưng bài giảng đó nó sai với sách giáo
khoa. Sách giáo khoa nói do Liên Xô đánh tan quân Nhật ở Mãn Châu thì
Nhật phải đầu hàng chứ không phải do Mỹ. Tôi chỉ giảng như thế
thôi. Mình cũng vô tình nhưng nó theo dõi mãi đến đầu năm 1961 nó bắt
tôi ra tòa với tội là phản tuyên truyền. Khi ra tòa thì tôi cũng nói
tôi giảng theo đúng lịch sử thôi. Lúc bấy giờ họ xử tôi hai năm tù
nhưng tôi phải ở 3 năm rưỡi."
Dĩ nhiên trường hợp của ông Phùng Văn Tại và Nguyễn Chí Thiện không
thể đại diện cho tất cả, nhưng với cách làm này chính quyền đã tạo ấn
tượng không tốt cho các vụ bắt bớ khác, nhất là trong những vụ án chính
trị vì bất đồng chính kiến.
Những lời hứa
Năm 1975 sau khi kiểm soát toàn bộ miền Nam, sĩ quan chế độ Sài Gòn
được lệnh mang theo lương thực 10 ngày hoặc 30 ngày cùng các thứ cần
dùng để đi học tập. Lời hứa 30 ngày đó đã trở thành kỷ niệm khó quên
cho cả miền Nam khi không một người nào có cái may mắn được Nhà nước
giữ lời hứa. Thật ra, trước đó hơn 10 năm, ngay tại miền Bắc lời
hứa tương tự đã được áp dụng với nhiều tu sĩ công giáo khi họ được lệnh
đem theo quần áo cho mấy ngày đi học tập thôi...LM Chu Quang Tòng nhớ
lại:
"Họ gọi họ bảo mình đem quần áo cho mấy ngày thôi. Trại giam lúc bấy
giờ là Ty công an Hà Bắc tại Bắc Giang. Ngày 11 tháng 7 năm 1964 thì họ
gọi lên cho biết là đi tàu suốt! Tức là lên trại giam Trung ương 2 Yên
Bái, trại mà họ giam thiếu tướng De Castries."
Ông Đặng Chí Bình, một điệp viên bị giam nhiều năm trong các nhà tù
miền Bắc kể lại những lệnh tập trung mà ông biết chế độ thường áp dụng:
"Mỗi lệnh tập trung là 3 năm, anh tốt thì về nhưng thực tế cái cách
quỷ quái của họ làm thế nào mà biết tốt hay không tốt. Thường thường
sau này tôi gặp rất nhiều người, có người 7 lệnh, mỗi lệnh 3 năm nên ở
tù 21 năm! Rồi 5 lệnh, 4 lệnh chứ không có ai được về trong 3 năm cả."
Một nhân chứng khác cho biết giá trị lời hứa của các cán bộ trại
giam như thế nào, tù binh Đỗ Lệnh Dũng cho biết kinh nghiệm của ông còn
cay đắng hơn, ông nói:
"Chúng tôi có gặp một số tù binh ngày xưa. Điều làm chúng tôi sửng
sốt nhất là có một vài anh viết đằng sau lưng áo bằng sơn. Tôi nhớ kỹ
ảnh viết 1962. Sau đó tiếp xúc tôi mới biết đó là những anh em biệt
kích bị bắt từ thời Ngô Đình Diệm khi các anh ấy xâm nhập ra Bắc.
Chúng tôi ở đó một thời gian rất ngắn, lại tiếp tục chuyển tới một
trại khác làm công tác chuẩn bị đón tiếp anh em miền Nam ra. Xong công
tác đó chúng tôi nghĩ sẽ được về như cán bộ trại giam đã hứa nhưng thực
tế mãi tới năm 1985 tôi mới được thả, tức là tôi ở gần 11 năm.
Thậm chí còn sau anh em học tập cải tạo nữa. Đối với chính quyền
miền Bắc tôi không có một sự tin tưởng nào vào những lời hứa của họ."
Đối với chính quyền miền Bắc tôi không có một sự tin tưởng nào vào những lời hứa của họ.
Ông Đỗ Lệnh Dũng
Còn không biết bao nhiêu người nữa là nạn nhân các lời hứa mây bay
này. Mặc dù đã nhiều chục năm trôi qua, những người tù chính trị và gia
đình họ vẫn còn ám ảnh bởi những gì mà các trại giam đã gây ra. Họ
không phải là tù binh nên công ước Geneve không thể bảo vệ. Họ bị bắt
và chịu đủ thứ hình phạt chỉ vì tư tưởng và niềm tin tôn giáo khác biệt
với chế độ.
Sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhiều nạn nhân trong tác phẩm Quần
Đảo Ngục Tù của Aleksandr I. Soltzhenitsyn đã được phục hồi quyền công
dân và xã hội buộc phải nhìn họ với đôi mắt khác với thời cộng sản.
Những con người đó tuy mất mát tất cả sau bao nhiêu năm tù tội nhưng dù
sao thì cuối cùng họ vẫn được đối xử công bằng hơn những nạn nhân Việt
Nam, những con người tội nghiệp vẫn sống trong âm thầm không ai biết
đến sau nhiều năm đất nước hoàn toàn thống nhất.
Trong lòng những nạn nhân này nghĩ gì và nếu được công khai trước dư luận thì họ sẽ nói gì? Câu hỏi này sẽ được giải đáp trong bài thứ 10, cũng là bài cuối cùng trong loạt bài Trại Giam Cổng Trời.