Hai ông bày tỏ lo ngại trước việc rừng đầu nguồn tại các
vị trí xung yếu có thể bị xâm hại, và yêu cầu Nhà nước đình
chỉ ngay các dự án này.
Tuy nhiên, giới chức địa phương khi được phỏng vấn đã bác
bỏ quan ngại với lý do các dự án đều đã được cân nhắc kỹ
lưỡng vì lợi ích của cộng đồng dân cư và không có chuyện
đình chỉ dự án.
Có ý kiến cho rằng kiến nghị của hai vị cựu tướng là bắt nguồn từ việc thiếu thông tin chính xác.
Đài BBC đã hỏi chuyện Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên
Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh, xung quanh chủ đề này.
Ông Nguyễn Trọng Vĩnh: Đình chỉ hay không
đình chỉ dự án là quyết định của Bộ Chính trị, của Thủ
tướng Chính phủ. Còn lá thư của ông Đồng Sĩ Nguyên và của
tôi, chúng tôi căn cứ vào kết quả điều tra của các đoàn kiểm
tra liên ngành do Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cao Đức Phát chủ trì.
Không phải tất cả số đất giao cho công ty nước ngoài ấy là rừng đầu nguồn, nhưng có rừng đầu nguồn.
BBC: Thưa ông, giới chức địa phương khẳng
định không có chuyện bán, hay chuyển nhượng đất, mà chỉ là
cho thuê sử dụng đất.
Ông Nguyễn Trọng Vĩnh: Trong bức thư chúng tôi
có đề cập tới việc bán, hoặc cho thuê dài hạn 50 năm. Cho thuê
với thời hạn dài như vậy, không kiểm soát được. Người ta có
thể phá hoại rừng với lý do chặt rừng cũ, trồng rừng mới.
Những chứng cứ đó đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho kiểm tra rồi.
BBC: Khi chúng tôi nói chuyện với giới
chức địa phương, thì được biết trong quá trình thẩm định dự
án không có chú ý phân biệt quốc tịch của nhà đầu tư. Vậy
thưa ông, có cần thiết nhắc tới rằng những công ty thuê đất
này chủ yếu đều của doanh nghiệp gốc Hoa, như Hong Kong, Đài
Loan, Trung Quốc?
Ông Nguyễn Trọng Vĩnh: Nhà đầu tư từ đâu thì chúng tôi chỉ ra họ từ đó tới, chứ tại sao lại không nói?
Giả như nhà đầu tư từ Mỹ, từ Pháp, thì chúng tôi cũng nói là họ từ Mỹ hay Pháp.
Còn đây là các nhà đầu tư từ Trung Quốc, Đài Loan, Trung
Quốc mua hay thuê rừng dài hạn, thì chúng tôi nói rõ ra như
vậy.
Cần phải nhớ tới khía cạnh di dân. Có nhà đầu tư đã có
tiền sử chuyển người của mình tới thực hiện dự án, khai
thác công trình mà họ đầu tư - đó chính là di dân chứ còn là
gì nữa.
"Phản
hồi hay không phản hồi, những nhà cầm quyền của chúng tôi có
giải quyết hay không, thì là những chuyện chúng tôi không thể
biết được".
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
|
Ngay những công trình mà họ trúng thầu ở dưới đồng bằng
ven biển này, họ cũng mang công nhân của họ tới làm chứ có
thuê người địa phương của chúng tôi đâu?
BBC: Thư gửi đi đã khá lâu, thưa ông, vậy tới nay đã có phản hồi chưa ạ?
Ông Nguyễn Trọng Vĩnh: Bức thư của chúng tôi
sau này chúng tôi mới cho đăng trên mạng internet. Nhưng từ
trước, tới nay độ một tháng rồi, ông Đồng Sĩ Nguyên và tôi
đều đã gửi thư đó lên Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ
về các dự án cho nước ngoài thuê rừng.
Hiện chưa có phản hồi gì cả. Từ trước đến nay, thậm chí
cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư còn chẳng được phản hồi
nữa là chúng tôi!
BBC: Thực lòng mà nói, ông có hy vọng những đề đạt và trăn trở của mình sẽ được ghi nhận và phản hồi không ạ?
Ông Nguyễn Trọng Vĩnh: Cái đó thì chúng tôi không thể nào nói được. Việc chúng tôi thấy cần làm thì chúng tôi cứ làm thôi.
Phản hồi hay không phản hồi, những nhà cầm quyền của chúng
tôi có giải quyết hay không, thì là những chuyện chúng tôi
không thể biết được.
Nguồn BBC