Vấn
đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên có thể có chuyển biến ở một mức độ
nào đó. Chính phủ không thể không lưu tâm tới công luận vốn dĩ đã nóng
trở lại sau thảm họa bùn đỏ ở Hungary.
Photo courtesy of 3s-vn.com
Công trường khai thác bauxite ở Nhân Cơ - Tây Nguyên.
Báo chí được đưa tin phản biện rộng rãi và nhiều diễn đàn trực tuyến
được tổ chức. Khởi đầu cho những sinh hoạt này là tranh luận Online
ngày 27/10 của Vietnam Net và sau đó một ngày của VnExpress.
Trước đó vài ngày, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn
Xuân Phúc tuyên bố với báo chí bên hành lang Quốc hội: "Chính phủ đang
tập hợp tất cả ý kiến để báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội. Lo ngại của
nhân sĩ trí thức là cần thiết và phải được lắng nghe, nhưng kết luận
cuối cùng thì cần có thời gian”. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh
rằng, phải lắng nghe tất cả ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là
nhân sĩ trí thức để thảo luận, bàn bạc dân chủ để quyết định cuối cùng
đưa ra đạt được mục tiêu hiệu quả kinh tế xã hội, bảo vệ được môi
trường.
Tai họa lớn hơn chuyện bùn đỏ
Khởi đầu bằng một cuộc tranh luận như thế cũng là tốt. Nhưng tôi
thấy cơ quan có trách nhiệm là Tập đoàn than khoáng sản và Bộ Tài
nguyên Môi trường tỏ ra rất lúng túng.
Nhà văn Nguyên Ngọc
Buổi tranh tranh luận trực tuyến trên Vietnam Net do nhà báo Phạm
Huyền điều hợp với sự tham dự của ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài
nguyên Môi trường, ông Nguyễn Thanh Liêm đại diện chủ đầu tư Trưởng ban
Nhôm và Titan thuộc Tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam TKV, TS Nguyễn
Thành Sơn, Giám đốc công ty Năng lượng sông Hồng một thành viên của TKV
và nhà văn Nguyên Ngọc, một trong những người đã ký vào bản kiến nghị
xin dừng dự án bauxite.
Sau cuộc tranh luận trực tuyến, Trả lời phỏng vấn của chúng tôi nhà văn Nguyên Ngọc đã cho biết cảm nhận của ông:
"Vấn đề bauxite nó rộng hơn những gì đặt ra trong cuộc thảo luận
hôm qua (27/10). Nội dung chỉ nói về chuyện bùn đỏ, do sự cố ở Hungary,
nó trở nên bức xúc chuyện này rất quan trọng. Nhưng vấn đề bauxite Tây
nguyên không phải là vấn đề môi trường hẹp theo nghĩa như thế, nó bao
gồm các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường, sinh thái, văn hóa và an
ninh quốc phòng.
Khởi đầu bằng một cuộc tranh luận như thế cũng là tốt. Nhưng tôi
thấy cơ quan có trách nhiệm là Tập đoàn than khoáng sản và Bộ Tài
nguyên Môi trường tỏ ra rất lúng túng trong những vấn đề được chúng tôi
đặt ra cũng như thính giả đặt ra, họ không giải đáp được một cách thỏa
đáng.”
Về câu hỏi là ông có hài lòng với cuộc tranh luận công khai trên
VietnamNet để lật lại vấn đề bauxite, nhà văn Nguyên Ngọc phát biểu:
"Có thể nói là chưa hài lòng được, vì những câu trả lời của họ nó
né tránh và ấp úng lắm. Nhưng mà tôi cho rằng khởi đầu như thế là được
và thế nào cũng có những cuộc thảo luận tiếp như vậy, hoặc bằng phương
cách những kiểu đối thoại như thế, hoặc bằng những phương tiện
khác.”
Bùn đỏ tràn vào làng Kolontar, cách thủ đô Budapest - Hungary 160 km, ảnh chụp ngày 8 tháng 10 năm 2010. AFP PHOTO / STR.
Tờ Người lao Động Online khi tường thuật cuộc tranh luận trực tuyến
ngày 27/10 của VietnamNet về dựa án bauxite Tây Nguyên đã viết rằng,
suy nghĩ của một số đại biểu tham dự cuộc tranh luận là các dự án "chưa
an toàn ngay cả trên lý thuyết”, các đại diện của TKV và Bộ Tài nguyên
môi trường cho thấy là chưa có đánh giá rủi ro theo xác suất. Vẫn theo
tờ báo, lý giải của ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng ban Nhôm và Titan của
TKV về việc lựa chọn công nghệ thải ướt trong xử lý bùn đỏ đã bị phản
biện từ một nhà khoa học của Tập đoàn là TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc
Công ty Năng lượng sông Hồng. Trong khi ông Liêm biện giải công nghệ
thải ướt tối ưu cho nơi có nhiều mưa, thì TS Sơn phản biện rằng, thải
ướt chỉ liên quan đến xút ăn da, không liên quan tới độ ẩm và lượng
mưa. Theo TS Sơn, bùn đỏ có chứa xút gây phỏng hóa học, rất nguy hiểm
cho môi trường và con người nhưng phổ biến vì thải khô mới được phát
hiện gần đây, trong khi ngành luyện nhôm đã có từ 100 năm nay. TS
Nguyễn Thành Sơn nhấn mạnh: "Việt Nam đi tắt đón đầu lẽ ra phải tận
dụng ngay công nghệ mới.
Không hiệu quả kinh tế
Chúng tôi thấy rằng lúc này không khai thác bauxite thì cũng không
làm cho Việt Nam có thất thiệt gì trong quá trình phát triển, mà cái
hại là cái nhìn thấy trước mắt.
GSTS Đặng Hùng Võ
Cuộc tranh luận trực tuyến trên Vietnam Net cũng cho thấy những ý
kiến rất khác nhau về hiệu quả kinh tế của các dự án. Trong khi đại
diện TKV cố biện bạch về vấn đề này, thì TS Nguyễn Thành Sơn trưng dẫn
giá alumin trên thị trường thế giới rớt giá chỉ còn 180 USD/tấn bằng
một nửa mức TKV dự kiến. Dự báo giá alumin năm 2011 cũng không quá 270
USD/tấn, trong khi thặng dư alumin của thế giới ngày càng tăng nhanh.
TS Sơn cho rằng hiệu quả kinh tế của dự án đã vỡ ngay từ khi triển
khai.
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, GSTS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ
trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, một trong những người ký tên vào kiến
nghị ngừng dự án bauxite Tây nguyên để nghiên cứu và đánh giá lại đã
nhận định:
"Chúng tôi thấy rằng lúc này không khai thác bauxite thì cũng
không làm cho Việt Nam có thất thiệt gì trong quá trình phát triển, mà
cái hại là cái nhìn thấy trước mắt, nhất là những vấn đề về môi trường
về xã hội và cân nhắc về kinh tế thì các chuyên gia kinh tế cũng cho
rằng nếu mà tính toán đầy đủ cả đầu vào lẫn đầu ra thì khả năng lãi là
không có, mà sẽ dẫn tới lỗ riêng nói về phần kinh tế.”
Chúng tôi tiếp xúc với GSTS Lâm Minh Triết, nguyên Viện trưởng Viện
Tài nguyên Môi trường thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, giáo sư không có
tên trong kiến nghị xin dừng các dự án bauxite Tây nguyên, tuy vậy ông
nhận định:
"Sự kiện xảy ra ở Hungary là một bài học rất lớn cảnh báo cho
mình là không phải không có những rủi ro. Thực tế Hungary làm cho mình
tỉnh ngộ xem xét lại những đầu tư như thế, quyết định như thế, những
bài học được rút kinh nghiệm như thế nào. Theo tôi nghĩ rủi ro đó là
bài học rất lớn để cho quyết định cuối cùng của nhà nước sao cho có lợi
nhất.”
Công trường khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Photo courtesy of soctrang.gov.vn
Trở lại cuộc tranh luận trực tuyến ngày 27/10 trên Việt Nam Net, theo
trích dẫn của Người Lao Động Online, Đại diện cơ quan quản lý, Thứ
trưởng Tài nguyên Môi trường Bùi Cách Tuyến nói rằng: "Dự án bauxite
Tây nguyên là vấn đề đa-biến, không thể dùng khái niệm cảm quan để nói
tiếp tục triển khai hay dừng. Phải có các phân tích, đánh giá rủi ro
đựa trên phương pháp khoa học. Trên cơ sở đó, chính phủ ráp các biến số
lại thành phương trình để có kết quả chính xác.”
Khi cuộc tranh luận trực tuyến trên VietnamNet khép lại, đại diện
chủ đầu tư Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Liêm nói
rằng TKV chưa nhận được một chỉ đạo nào về việc dừng các dự án bauxite
Tây nguyên, hiện nay TKV đang thực hiện chỉ đạo đã có là đẩy mạnh để dự
án hoàn thành đúng tiến độ. Còn trong trường hợp phải dừng dự án thì
thiệt hại chắc là sẽ rất lớn. Khi nào có chỉ đạo dừng lại thì TKV sẽ
tuân thủ.
TKV là chủ đầu tư dự án tổ hợp bauxite Tân Rai ở Lâm Đồng và dự án
alumin Nhân Cơ ở Đăk Nông. Dự án Tân Rai công suất đợt 1 là 650.000 tấn
alumin một năm đã khởi công từ 2008, dự kiến đầu năm 2011 sẽ có sản
phẩm. Còn dự án Nhân Cơ đang còn là một công trường ngổn ngang với
nhiều ẩn số.
Trong vòng hai tuần tính đến ngày 27/10, danh sách ký tên vào kiến
nghị ngừng khai thác Bauxite đã đạt gần 2.300 và tiếp tục gia tăng.
Những tên tuổi như Nguyễn Thị Bình cựu chủ tịch nước, Giáo sư Hoàng Tụy
cùng nhiều chuyên gia trí thức, tướng lĩnh về hưu càng làm cho bản kiến
nghị thêm sức mạnh. Bauxite Tây Nguyên giờ đây trở thành một mối lo
chung cho cả quốc gia, cho mọi người dân bất kể thành phần.