Thứ Ba, 2024-12-03, 11:25 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Mười Hai » 27 » Truyện cười chế riễu P3
6:34 PM
Truyện cười chế riễu P3
Năm 1979, làn sóng người Việt vượt biển chạy ra nước ngoài quá nhiều, trong đó có không ít người phải nộp mạng cho Thuỷ tề. Ngọc hoàng động lòng trắc ẩn, vội sai Thiên lôi xuống hạ giới tìm hiểu căn nguyên. Thiên lôi tuân lệnh, lập tức xuống trần và nhảy đúng vào toà biệt thự lộng lẫy, có xe hơi “đờ luých”, máy điều hoà nhiệt độ, ti vi, tủ lạnh... Mọi người trong nhà đều béo tốt phương phi. Lân la dò hỏi, Thiên lôi được bà hàng xóm cho biết: “Đó là nhà một đồng chí lãnh đạo, đầy tớ nhân dân...”

Nghe vậy, Thiên lôi bèn vỗ đùi, phóng vội lên trời, hí hửng tâu với Ngọc hoàng những điều mắt thấy tai nghe. Ông ta kết luận:

"Một gã đầy tớ nhân dân sống sung sướng như vậy thì ông chủ nhân dân còn sống sung sướng đến mực nào! Rõ ràng, bọn trốn ra nước ngoài chỉ là quân phản động. Chúng nạp mạng cho Thuỷ tề cũng phải lắm, xin Ngọc hoàng chớ bận tâm vô ích..."

Một Phần Ba

Một phần ba Ngày 30.3.1980, Bác Tôn Đức Thắng qua đời. Gặp lại Bác Hồ, Bác Tôn mừng mừng tủi tủi. Sau một hồi hàn huyên, Bác Hồ sực nhớ, vội hỏi:

"Di chúc tôi để lại, các đồng chí thực hiện đến đâu rồi?"

Bác Tôn buồn bã đáp:

"Chỉ thực hiện được một phần ba thôi, Bác ơi!"

"Mới hơn chục năm mà đã thực hiện được một phần ba Di chúc, thế là khá lắm rồi! Tôi sẽ gửi điện chúc mừng Đảng ta sáng suốt lãnh đạo toàn dân thực hiện tốt Di chúc... Nhưng mà này, sao đồng chí Tôn lại trả lời tôi với giọng ỉu xìu xìu như vậy? Tin vui thì giọng phải vui chứ?"

"Vui sao được, Bác ơi! Lúc đi gặp Cụ Mác và Cụ Lê, Bác để lại chín chữ: Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Vậy mà hơn chục năm qua, Đảng và Nhà nước mới thực hiện được đúng... ba chữ đầu."

“Bảng Đỏ, Sao Vàng"

“Bảng đỏ, sao vàng" Có một đảng viên chuyên hoạt động bí mật ở Sài Gòn trước năm 1975, được quần chúng lao động tin yêu, che chở. Sau ngày giải phóng, đảng viên nọ trở thành một lãnh đạo cấp cao. Ông ta không còn phải lẩn quất trong khu nhà ổ chuột của dân nghèo nữa, mà được ở trong toà biệt thự nguy nga của một “đại gia” đã di tản. Ông còn được cấp xe hơi bóng lộn và có hẳn tài xế riêng. Bà con lối xóm thấy ông mỗi ngày một đổi thay. Người đảng viên gần dân và cần dân năm xưa đã biến thành một “ông lớn” thực thụ.

Cho tới một hôm, giữa bữa cơm chiều thịnh soạn, bé gái út 8 tuổi rụt rè hỏi ông:

"Ba nè, sao tụi bạn con toàn kêu ba là ông ‘Bảng đỏ, sao vàng’? Con hỏi, tụi nó chỉ nhe răng cười. Con từng nghe mấy chú trong hẻm cũng kêu ba như thế. Vậy là sao hả ba?"

Đang mải gặm đùi gà, ông bố đáp cho qua chuyện:

"Con không thấy các trụ sở cơ quan cách mạng đều treo bảng sơn đỏ, chữ vàng đó sao? Bà con kêu vậy, ý muốn nói ba là người cách mạng..."

Nhưng đến đêm, nằm vắt tay lên trán, ông đảng viên lâu năm nọ bỗng giật mình. Thì ra bốn chữ “Bảng đỏ, sao vàng” nói lái theo giọng Sài Gòn có nghĩa là... “Bỏ Đảng, sang giàu”.

Chỉ Cần Ném...

Năm 1978, nhiều vùng bị lụt lớn. Anh Ba, anh Chinh [12] và anh Đồng [13] đáp máy bay trực thăng đi “thăm thú dân tình”. Thấy dân chúng khốn khổ vì lụt lội, anh Ba động lòng thương, vội ném một nắm tiền 50 đồng xuống. Nhiều người tranh nhau nhặt tiền, nhưng ai nấy vẫn buồn thiu. Thấy vậy, anh Chinh bèn nói với anh Ba: “Anh ném tiền lớn quá, ít người nhặt được, nên dân chúng không vui”. Nói đoạn, anh Chinh liền ném một nắm tiền 10 đồng. Quả là số người nhặt được tiền có nhiều hơn, nhưng dân chúng vẫn chẳng vui hơn chút nào. Thấy vậy, anh Đồng bèn nói: “Để tôi ném tiền 1 đồng xem sao”. Dĩ nhiên, số người nhặt được tiền lại nhiều hơn, nhưng quái lạ, dân chúng vẫn buồn rũ.

Bối rối, anh Ba hỏi viên phi công:

"Theo cháu, nên ném tiền gì xuống thì dân chúng mới vui?"

Viên phi công thủng thỉnh đáp:

"Dạ, thưa bác, chỉ cần ném... ba đồng chinh thôi ạ."

Ai Được Dân Thích Nhiều Hơn?

Lại chuyện anh Ba, anh Năm và anh Đồng đáp máy bay trực thăng đi “thăm thú dân tình”. Anh Ba lên tiếng:

"Nếu tôi ném 50 tờ hai chục xuống thì có 50 dân thích tôi."

Anh Năm nói theo:

"Nếu tôi ném 500 tờ hai đồng xuống thì số người dân thích tôi còn gấp anh Ba cả chục lần."

Anh Đồng cũng nói:

"Tôi chỉ cần ném 5.000 tờ hai hào, số người dân thích tôi sẽ gấp anh Ba cả trăm lần."

Nghe ba anh tán dóc với nhau như vậy, viên phi công liền bàn góp:

"Nếu cháu... buông tay lái, chắc hẳn cháu sẽ được 50 triệu người dân yêu thích!"

Ba Thủ Lợn

Một hôm, anh Ba cùng anh Năm và anh Đồng đi mua thủ lợn. Trong hàng thịt, có ba thủ lợn lớn bằng nhau. Anh Đồng chọn một cái, phải trả 5 đồng. Anh Ba lấy cái thứ hai, phải trả 3 đồng. Anh Năm mua cái còn lại, chỉ phải trả có 1 đồng. Anh Đồng lấy làm lạ, hỏi người bán: "Tại sao ba thủ lợn lớn bằng nhau mà lại bán ba giá khác nhau?"

Người bán thịt đáp:

"Cái thủ thứ nhất có óc nhưng không có mắt nên giá 5 đồng. Cái thứ hai có mắt nhưng không có óc nên giá 3 đồng. Còn cái thứ ba, chẳng có óc mà cũng chẳng có mắt, giá chỉ 1 đồng thôi. Tôi bán thế là phải giá lắm rồi, còn thắc mắc gì nữa?"

Chuyện Lương...

Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng được tiếng là người thực sự quan tâm đến đời sống nhân dân. Ông lại là một trong số rất ít cán bộ lãnh đạo cấp cao muốn và biết lắng nghe ý kiến của mọi người, kể cả những ý kiến “nghịch nhĩ”. Một hôm, ông mời nhà văn Nguyễn Tuân đến chơi và hỏi:

"Anh nói thật cho tôi biết, trong xã hội ta hiện nay, lớp người nào sung sướng nhất?"

"Lớp người vô lương" - Nguyễn Tuân đáp liền.

"Anh có thể nói rõ hơn được không?"

"Đó là lớp cán bộ vô lương tâm và đám con phe... không ăn lương nhà nước."

Một lần khác, Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm vùng mỏ Quảng Ninh và ghé vào nhà một công nhân. Sau khi hỏi mức lương của hai vợ chồng, ông nói:

"Lương cô chú thấp như vậy, đời sống chắc khổ lắm?"

Anh chồng đáp:

"Lương thấp chưa hẳn đã khổ, chỉ lương... thiện mới khổ thôi ạ!"

Thấy Thủ tướng ân cần lắng nghe, chị vợ mạnh dạn “đế” thêm:

"Anh chị em công nhân chúng tôi thường kháo nhau về phong trào đấu tranh chống tiêu cực đang diễn ra rầm rộ trong cả nước: Bên trên các vị lãnh đạo cứ tha hồ mà tiêu, còn bên dưới dân đen chúng ta cứ tha hồ mà cực”.

Thủ tướng xo vai, im lặng...

Đưa Hình Đi Đâu?

Ở Thành phố Hồ Chí Minh có nhà nọ vốn là cơ sở cách mạng thời chống Mỹ. Sau ngày giải phóng, chủ nhà dán lên tường, ở chỗ trang trọng nhất, hình Bác Hồ và hình anh Ba, anh Năm... Nhưng gần đây, bà con lối xóm thấy chủ nhà chỉ còn giữ lại hình Bác Hồ. Biết chuyện, một cán bộ phường lân la tới hỏi:

"Hình anh Ba, anh Năm đâu rồi bác?"

"Qua đưa đi lộng kiếng [1] hết trơn rồi!"

Quái Vật Thái Bình Dương

Ở giữa Thái Bình Dương bỗng xuất hiện một con quái vật khủng khiếp. Bất cứ tàu bè lớn nhỏ nào đi qua đó đều bị quái vật nuốt trọn hoặc nhận chìm. Cả thế giới kinh hoàng. Hội đồng Bảo an họp khẩn cấp. Hai “siêu cường quốc” ra tay đầu tiên. Mỹ dội bom B-52, nhưng quái vật vẫn sống nhăn. Liên Xô phóng tên lửa vượt đại châu, trúng ngay đầu quái vật, nhưng nó vẫn chẳng hề hấn gì. Một số nước khác cũng mang vũ khí hiện đại ra diệt quái vật, đều bị thất bại. Thấy vậy, anh Ba bèn điện cho Hội đồng Bảo an, báo rằng anh đã có cách diệt con quái vật khủng khiếp kia.

Một tàu chiến đặc biệt của hải quân Liên Xô cấp tốc đưa anh Ba tới gần chỗ quái vật hoành hành. Anh Ba đứng oai phong trên boong tàu, quát lớn: “Quái vật kia, đến vùng kinh tế mới với ta ngay bây giờ!”

Anh Ba chưa dứt lời, quái vật đã... lặn mất tiêu.

Nhại Thơ, Hoạ Thơ Tố Hữu

Hồi “chín năm”, Tố Hữu sáng tác bài thơ nổi tiếng “Bầm ơi!” dạt dào tình nghĩa gắn bó giữa chiến sĩ cách mạng và người dân nghèo. Bài thơ có đoạn:

Bầm ơi có rét không bầm

Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn

Bầm ra ruộng cấy bầm run

Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non...

Nhiều năm trôi qua. Tố Hữu “chín năm” và Tố Hữu ngày nay cách xa một trời một vực không chỉ về chức tước, mà cả về tình người.

Cho nên, một “sĩ phu Bắc Hà” đã nhại thơ Tố Hữu bằng bốn câu chua chát dưới đây:

Bầm ơi có rét không bầm

Vônga [3] con cưỡi, gà hầm con xơi

Con thương bầm lắm bầm ơi

Bảy mươi, bầm vẫn phải ngồi nhá khoai...

Ngoài chuyện nhại thơ Tố Hữu, tưởng cũng nên kể thêm chuyện hoạ thơ Tố Hữu theo chiều hướng... “tiếu lâm”. Ấy là khi Tố Hữu cho [4] đăng trên báo Văn nghệ và nhiều báo khác bài “Đảng và thơ”, toàn văn như sau:

Trên năm mươi tuổi Đảng và thơ

Từ ấy [5] hồn vui mãi đến giờ

Mái tóc pha sương chưa cạn ý

Con tằm rút ruột vẫn còn tơ

Thuyền con vượt sóng không nghiêng ngả

Nghiệp lớn muôn đường lộng ước mơ

Mới nửa đường thôi, còn bước tiếp

Trăm năm duyên kiếp, Đảng và thơ.

Ngay sau đó, từ Hà Nội lan truyền khắp cả nước bài thơ hoạ, ý và thơ “đối nhau chan chát”:

Năm mươi năm ấy vẫn còn thơ

Từ ấy đua chen mãi đến giờ

Mái tóc pha sương chưa hết dại

Con tằm rút ruột chẳng còn tơ

Thuyền con quá tải không qua sóng

Mộng lớn tài hèn chớ ước mơ

Với giá, lương, tiền [6] dân khốn đốn

Trăm năm bia miệng, hỡi nhà thơ!

Bà con khoái thơ phú kháo nhau rằng tác giả bài thơ hoạ này là một sĩ phu thứ thiệt: nhà trí thức văn hoá, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện [7].

Nhân nhắc đến chuyện ông Tố Hữu vừa làm quan vừa làm thơ, cũng cần kể thêm rằng hồi ông ta còn làm Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, ông cùng các cán bộ tuyên huấn - đối ngoại phải diễn trò xiếc “đi trên dây” giữa ông anh cả (Liên Xô) và ông anh hai (Trung Quốc) khi hai ông anh tối ngày hục hặc và thậm chí còn “tẩn” nhau ở biên giới. Cám cảnh anh Lành (bí danh thường dùng của Tố Hữu), một “vè sĩ” Hà Thành đã “tặng” hai câu sau:

Anh Lành mà dạ chẳng lành

Tay vin cành táo, tay giành cành nho...

Category: Giải trí | Views: 3357 | Added by: hoidocthanbienhoa | Tags: Giải Trí | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Mười Hai 2010  »
SuMoTuWeThFrSa
   1234
567891011
12131415161718
19202122232425
262728293031
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 5
Khách: 5
Thành Viên: 0