Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2011-08-14
Trong phiên họp Quốc hội vừa qua mọi người đều mong muốn những gì
mà Quốc Hội bàn luận về Biển Đông sẽ công khai cho toàn dân nhưng kết
quả ngược lại khiến Thạc sĩ Đinh Kim Phúc, nhà nghiên cứu Biển Đông đã
gửi một bức thư kiến nghị trực tiếp cho chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh
Hùng để cật vấn về vấn đề này.
source chinhphu.vn
Phiên họp đầu tiên của quốc hội khóa 13.
Mặc Lâm đặt những câu hỏi có liên quan với Thạc sĩ Đinh Kim Phúc gửi tới thính giả sau đây.
Minh bạch trong vấn đề đàm phán với nước ngoài
Mặc Lâm: Thưa ông, trước tiên chúng tôi xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho Đài Á Châu Tự Do buổi phỏng vấn hôm nay.
Thưa, có ý kiến cho rằng nhà nước sở dĩ giữ im lặng và cô lập mọi
sự lên tiếng về Hoàng Sa - Trường Sa vì Việt Nam cũng đang âm thầm trang
bị khí tài để đối phó với Trung Quốc, chẳng hạn như họ mua tàu ngầm, họ
mua máy bay, họ mua những loại vũ khí tối tân để trang bị cho quân đội,
vì vậy Việt Nam không muốn những hành động gì có thể làm cho Trung Quốc
cảnh giác và gây hấn với Việt Nam sớm hơn thời gian mà nhà nước dự
tính. Theo ông, lập luận này có cơ sở hay không ạ?
Danh sách vũ khí quân sự VN đặt mua tử Nga: 6 tàu ngầm Kilo và 12 máy bay SU 30 Sukhoi. AFP photo.
Đinh Kim Phúc: Theo tôi thì những lập luận như thế tôi thấy không
hợp lý. Vâng, không hợp lý. Thứ nhất, trong thời gian gần đây Việt Nam
đã tốn rất nhiều ngân sách để hiện đại hóa quân đội, hay nói cách khác
là sắm thêm nhiều phương tiện vũ khí hiện đại để bảo vệ tổ quốc trước
tình hình xung đột ở Biển Đông, nhưng mà nhìn tổng thể thì những phương
tiện vũ khí mà Việt Nam mua cũng không giấu được thế giới. Bên bán cũng
rất nhiều lần công khai, ví dụ mua tàu ngầm hay mua máy bay, hay là mua
tàu chiến của Ukraina hay của Nga thì những việc đó không có gì bí mật.
Và thông thường thì tất cả các nước đều giải thích rằng vấn đề trang
bị vũ khí hoặc hiện đại hóa quân đội là đi theo sự phát triển của nền
kinh tế. Và tôi nghĩ rằng cái này thì cũng không có gì bí mật vì những
trang thiết bị Việt Nam mua hồi gần đây thì so với tiềm lực quân sự của
Trung Quốc thì cũng không đáng kể là bao nhiêu. Nhưng, trong cái tình
thế của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay đang phải đối đầu với rất nhiều
thế lực mà có tham vọng bành trướng lãnh thổ trên những phần đất thuộc
chủ quyền của Việt Nam thì Việt Nam phải tăng cường sức mạnh quân sự của
mình để bảo vệ tổ quốc.
Còn bưng bít thông tin, toàn dân không biết được là vận mệnh quốc gia
dân tộc mình như thế nào, mà mình không biết thì sẽ đâm ra hoài nghi,
và hoài nghi thì sẽ dẫn đến những hành động đáng tiếc khác.
TS Đinh Kim Phúc
Còn vấn đề bí mật hay không bí mật thì tôi nghĩ ngày nay trong thời
đại thông tin, trong thời đại toàn cầu hóa thì vấn đề tăng cường sức
mạnh quân sự, hay nói một cách khác là chạy đua vũ trang hay không, thì
vấn đề này phải đặt ở trong một bối cảnh khác. Ví dụ các nước Á Châu
hiện nay đều tăng cường tiềm lực quân sự của mình, như Singapore,
Malaysia, Indonesia, ngay cả Philippines trong thời gian gần đây, thì
tổng số tiền mà Việt Nam bỏ ra để tăng cường lực lượng quân sự và quốc
phòng của mình thì cũng không đáng kể so với các nước trong khu vực Đông
Nam Á. Do đó, tôi nghĩ rằng bất cứ một quốc gia nào muốn chủ động trong
thế chiến lược bảo vệ tổ quốc thì cũng đều phải tăng cường lực lượng
quốc phòng của mình tương xứng với trình độ kinh tế và tình hình thực tế
đang diễn ra ở khu vực.
Mặc Lâm: Theo ông thì khi Quốc Hội công khai mọi điều về
chính sách cũng như các ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc thì chúng ta
sẽ có lợi lộc gì? Và nếu không thì tai hại nào sẽ xảy đến?
Đinh Kim Phúc: Tôi nghĩ rằng trong vấn đề bang giao quốc tế,
trong tất cả các hiệp ước, trong tất cả các cuộc đàm phán thì dĩ nhiên
nó có những nhân nhượng, có những trao đổi, nhưng mà những nguyên tắc
bất di bất dịch về chủ quyền quốc gia thì tôi nghĩ không có gì bí mật.
Nếu như chính phủ không minh bạch trong vấn đề đàm phán với nước
ngoài về vấn đề biên giới, vấn đề lãnh thổ thì sẽ tạo ra một sự nghi
ngại ở trong quần chúng nhân dân, và sự nghi ngại đó sẽ rất nguy hiểm vì
người ta sẽ không còn tin tưởng vào quyết tâm bảo vệ tổ quốc của nhà
nước.
Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội ngày 14-08-2011. Courtesy AnhBaSam.
Ở đây tôi muốn phân biệt là những nguyên tắc cơ bản trong bảo vệ chủ
quyền và những kỹ thuật đàm phán thì bất cứ một quốc gia nào việc đàm
phán thuộc nhà nước; không có một tổ chức tư nhân, không một hội đoàn,
không một cá nhân nào mà đàm phán về biên giới, lãnh thổ được. Đó là
thuộc chức năng nhà nước.
Tuy nhiên, những nguyên tắc cơ bản thì toàn dân phải được biết, hoặc
khi toàn dân đã biết được như thế thì toàn dân lại vững tin và sẽ quyết
tâm ủng hộ nhà nước, ủng hộ chính phủ để mà góp phần trong vấn đề bảo vệ
chủ quyền đất nước. Vấn đề đó tôi nghĩ không có hại, mà thậm chí nó còn
có lợi nhiều hơn.
Còn bưng bít thông tin, toàn dân không biết được là vận mệnh quốc gia
dân tộc mình như thế nào, mà mình không biết thì sẽ đâm ra hoài nghi,
và hoài nghi thì sẽ dẫn đến những hành động đáng tiếc khác, ví dụ như
biểu tình, tuần hành, rồi đối đầu với nhà nước thì sẽ dẫn tới những điều
không hay về vấn đề nội trị. Khi mà thù ngoài chưa giải quyết xong thì
vấn đề nội chiến có thể xảy ra.
Thông qua luật lãnh hải sớm
Bản đồ hình lưỡi bò Trung Quốc công bố chủ quyền trên biển Đông.AFP photo.
Mặc Lâm: Trong thư gửi cho Chủ tịch Quốc Hội, ông có đưa ra
một ý kiến là Quốc Hội cần phải luật hóa luật quốc nội để xác lập hay là
thực hiện việc chiếm hữu về ba mặt: pháp lý, lịch sử, và thực tế. Thưa
ông, luật hóa những luật quốc nội này có hiệu quả như thế nào nếu đem ra
trước hội đồng công pháp quốc tế và liệu bây giờ mình mới làm thì có
quá muộn hay không, vì nếu ta làm được thì các nước khác cũng làm được?
Đinh Kim Phúc: Vấn đề này phải nhìn tổng thể trong tình hình
của Việt Nam và của các nước Đông Nam Á trong thời gian vừa qua, vì anh
biết rằng vấn đề tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải rất là
phức tạp và ảnh hưởng đến nhiều quốc gia.
Các nước chung quanh chúng ta thì họ đều có thông qua luật lãnh hải
để xác định chủ quyền ở trên biển, nhưng mà Việt Nam vì những lý do gì
đó mà tôi không được biết, nhưng đến ngày hôm nay thì luật biển chưa
thông qua, trong khi Trung Quốc năm 1992 họ đã thông qua luật biển, họ
xác định rất rõ, và đường lưỡi bò của Trung Quốc thì hiện nay cả thế
giới biết rằng đó là cái đường lưỡi bò phi lý, vi phạm luật pháp quốc
tế, một cái đường rất là ngang ngược.
Còn về Việt Nam, chủ quyền trên Biển Đông đến mức độ nào, chủ quyền
trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì vấn đề Việt Nam đã có rất
nhiều bằng chứng về cả lịch sử, về cả pháp lý để mà khẳng định, tuy
nhiên, một vấn đề mà tôi đã từng nói, nếu như bước vào vòng đàm phán mà
nếu Hoàng Sa - Trường Sa không phải là của Việt Nam mà là của ai đó,
hoặc chúng ta còn hồ nghi về chủ quyền của ta trên hai quần đảo đó, thì
bước vào đàm phán chúng ta nói gì với đối phương?
Những yêu sách của chúng ta đưa ra liệu đối phương có chấp nhận, có chịu đàm phán trên bàn hội nghị hay không? Đó là một vấn đề.
Các nước chung quanh chúng ta thì họ đều có thông qua luật lãnh hải để
xác định chủ quyền ở trên biển, nhưng mà Việt Nam vì những lý do gì đó
mà tôi không được biết, nhưng đến ngày hôm nay thì luật biển chưa thông
qua.
TS Đinh Kim Phúc
Về chủ quyền thì rõ ràng hiện nay chân lý thuộc về Việt Nam, nhưng mà
kỹ thuật đàm phán như thế nào thì nó phải tùy thuộc vào bước đi của nhà
nước. Và tôi nghĩ rằng luật biển được thông qua trong thời gian sớm
nhất, đó là một thuận lợi cho Việt Nam.
Vừa qua tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có phát biểu vấn đề này
rất rõ là cần phải đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên luật pháp quốc tế và
kể cả luật quốc nội. Bế mạc phiên họp Quốc Hội trong thời gian vừa qua
đã tuyên bố là trong nhiệm kỳ Quốc Hội kỳ này sẽ thông qua luật biển, mà
sớm nhất là năm 2012, thì đây là vấn đề luật thuận lợi.
Nhìn lại lịch sử Việt Nam chúng ta đã biết rằng trong những năm 1970
thì vấn đề tuyên bố đường cơ sở của Việt Nam đã gặp sự phản đối của một
số nước Đông Nam Á và một số nước trên thế giới trong vấn đề Việt Nam
công bố đường cơ sở của mình, nhưng có thể trong thời kỳ này là thời kỳ
thuộc về giai đoạn chiến tranh lạnh, Việt Nam là một quốc gia cộng sản
đang bị nghi kỵ, đang bị bao vây cấm vận, do đó những vấn đề mà không
thỏa mãn với cái đường tuyên bố của Việt Nam thì có thể là do vấn đề
chính trị, do những áp lực quốc tế nào đó, thì ngày hôm nay nhân cơ hội
này mà chúng ta xây dựng được một luật biển đúng luật pháp quốc tế.
Hài hòa quyền lợi các quốc gia trong vùng Đông Nam Á thì tôi nghĩ các
quốc gia trong khu vực và các nước trên thế giới sẽ ủng hộ chúng ta.
Điều đó rất có lợi, còn hơn chúng ta không có luật quốc nội thì chúng ta
sẽ không có những cơ sở về công pháp quốc tế để đưa ra đàm phán đa
phương, thậm chí là song phương.
Kẻ thù của kẻ thù chưa chắc là ta là bạn của ta
Các nhà lập pháp Philippines cùng các cư dân địa phương giăng biểu ngữ
đảo "Biển Tây Philippines", một đảo thuộc Trường Sa, ngày 20 tháng 7
năm 2011. AFP PHOTO / POOL.
Mặc Lâm: Riêng về câu hỏi ông đặt ra là tại sao nhà nước hoàn
toàn im lặng trước việc Philippines tuyên bố chủ quyền Bãi Cỏ Rong thì
cũng có ý kiến cho rằng Việt Nam muốn lôi kéo Phi vào chung trận tuyến
chống Trung Quốc với mình, và rồi sau đó khi thành công rồi thì Hà Nội
sẽ lật lá bài dành chủ quyền cũng chưa muộn. Ông có nhận định gì về ý
kiến này?
Đinh Kim Phúc: Nếu ai có ý kiến như vậy thì tôi nghĩ rằng đó
là một sai lầm, vì chúng ta đã có một bài học kinh nghiệm xương máu
trong thời kỳ gọi là "chống Mỹ cứu nước".
Tất cả các viện trợ của các cường quốc xã hội chủ nghĩa đã giúp Việt
Nam rất lớn, ví dụ như Liên Xô và Trung Quốc, và Trung Quốc đã nhân vấn
đề tinh thần quốc tế vô sản để âm thầm bành trướng lãnh hải của mình
bằng rất nhiều việc, và đến ngày hôm nay chúng ta thấy rõ chỉ có một
tuyên bố của Ung Văn Khiêm, một tuyên bố của Lê Lộc, cái công hàm hữu
nghị trên tinh thần quốc tế vô sản của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thì họ
tận dụng coi đó là một trong những yếu tố để họ tuyên bố chủ quyền trên
Biển Đông.
Và ngày nay nếu mà ai nghĩ rằng chúng ta lợi dụng Phi để đối đầu với
Trung Quốc để mà chúng ta cùng một lúc bắn một mũi tên mà đạt được nhiều
mục tiêu thì điều đó là sai lầm.
Vấn đề là Philippines bao giờ cũng chọn cái lợi lớn nhứt về mình, do
đó, đó là bài học kinh nghiệm: đừng tưởng rằng kẻ thù của kẻ thù ta là
bạn của ta.
TS Đinh Kim Phúc
Trong thời kỳ của cựu Tổng thống Arroyo chúng ta đã có một bài học
kinh nghiệm. Khi Philippines thỏa thuận âm thầm với Trung Quốc để tiến
hành khảo sát địa chất trên thềm lục địa ở Biển Đông, Việt Nam không hề
hay biết, và khi Việt Nam phát hiện được thì Việt Nam đấu tranh bằng mọi
cách phải khảo sát tay ba.
Bài học mới nhất mà chúng ta không được quên là khi Việt Nam đề nghị
Philippines đứng chung liên danh để mà nộp hồ sơ cho Ủy Ban Ranh Giới
Thềm Lục Địa của Liên Hiệp Quốc xin mở rộng thềm lục địa ra khỏi 200 hải
lý thì Philippines đã có những cử chỉ rất là hữu nghị, rất ủng hộ quan
điểm của Việt Nam, nhưng vì sao chỉ trước 2 ngày có thời hiệu phản đối
thì Philippines lại phản đối hồ sơ của Việt Nam gửi cho Ủy Ban Ranh Giới
Thềm Lục Địa của Liên Hiệp Quốc?
Vấn đề là Philippines bao giờ cũng chọn cái lợi lớn nhứt về mình, do
đó, đó là bài học kinh nghiệm: đừng tưởng rằng kẻ thù của kẻ thù ta là
bạn của ta.
Mạc Lâm: Xin cảm ơn ông Đinh Kim Phúc rất nhiều về những câu trả lời rất thú vị của ông trong ngày hôm nay. Một lần nữa, xin cảm ơn ông.
Đinh Kim Phúc: Xin cảm ơn anh.
|