Thứ Ba, 2024-11-05, 8:57 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2013 » Tháng Năm » 17 » Tù chính trị tại Việt Nam
8:55 AM
Tù chính trị tại Việt Nam
Nhân Khánh, thông tín viên RFA
2013-05-16

nguyen_cong_chinh_305.jpg
Mục sư Nguyễn Công Chính tại phiên tòa ở Gia Lai ngày 26 tháng 3 năm 2012.
Courtesy chinhphu.vn

 

Trong năm 2012 vừa qua, có nhiều công dân Việt Nam bị khởi tố với các tội danh liên quan đến chính trị. Hệ lụy sự việc không chỉ dừng lại với bản thân những người bị tuyên án mà còn liên quan đến cả thân nhân của những người này, đến những đứa trẻ 3 tuổi. Cụ thể, các câu chuyện này diễn biến như thế nào?

Qua trao đổi với những người vợ tù chính trị, Nhân Khánh gởi đến quý vị, bản tường trình sau:

Biệt giam

Hồi năm ngoái, trong vụ xử các nông dân khiếu kiện đất đai tại Bắc Giang, có 3 người bị tuyên án tổng cộng gần 14 năm tù. Chúng tôi có cuộc trao đổi với bà Dương Thị Hà, vợ của ông Đỗ Văn Hoa – người có mức án 4 năm tù giam và 3 năm quản chế với tội danh "tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Về cuộc sống hiện nay ở trong tù của chồng và những người liên quan vụ án, bà Dương Thị Hà cho biết:

"Hiện nay, chồng của tôi bị giam giữ rất là khổ. Chồng tôi bảo là người ta cho ăn toàn cơm sống thôi, không có thức ăn gì cả, chỉ có mấy cọng rau. Uống nước cống rãnh. Hoàn toàn là do người nhà tiếp tế, phải mua của người ta rất chi là đắt. Ở ngoài một, nhưng ở trong đấy phải nhiều gấp mấy lần tiền thì mới mua được thức ăn tương đương.

Hồi mới lên, người ta nhốt anh ấy chung phòng với mọi người. Sau này, người ta bảo chồng tôi là thành phần ngoan cố, thành phần đi kích động nọ kia. Bây giờ người ta bảo, nếu chồng tôi như vậy thì người ta sẽ giam vào phòng riêng. Trước đây, chồng tôi bị giam ở Yên Thế, Bắc Giang. Bây giờ chồng tôi đang ở trại giam Ba Sao ở Nam Hà. Trong ba người chung vụ án, ông Đinh Văn Nhượng và anh Hoa thì giam chung ở trại Ba Sao. Còn ông Nguyễn Kim Nhàn thì bị đưa lên trại giam số 5, ở trong Thanh Hóa.”

Đa số người dân Việt Nam vẫn gắn liền với ngành nông nghiệp, đất đai là một phần máu thịt của người nông dân. Những chính sách trưng dụng đất không thỏa đáng của nhà cầm quyền như nhát búa đập thẳng vào xương sống của quần chúng. Nhận xét về trường hợp ông Đỗ Văn Hoa bị bắt giam, bà Dương Thị Hà cho biết ý kiến:

Chồng của tôi bị giam giữ rất là khổ. Chồng tôi bảo là người ta cho ăn toàn cơm sống thôi, không có thức ăn gì cả, chỉ có mấy cọng rau.
-Bà Dương Thị Hà

"Tôi thấy pháp luật Việt Nam làm như thế là sai. Bởi vì người dân có quyền đi khiếu kiện việc gia đình bị mất đất, nhưng người ta lại cho anh ấy là tội tuyên truyền chống lại nhà nước. Nhốt anh ấy cách ly đến tận hôm xử. Đến hôm xử thì không cho tôi vào. Hôm ấy có rất nhiều công an, các loại công an luôn. Giăng dây thép gai khắp nơi, không có ai vào.

Chồng tôi chỉ là người đi khiếu kiện bình thường. Ở tỉnh Bắc Giang lấy của nhà tôi 1 mẫu 1 sào 4 thước ruộng. Nhà tôi chỉ còn mấy sào ruộng để cấy thôi.”

Sau khi ông Đỗ Văn Hoa bị bắt, vụ khiếu kiện đất vẫn chưa được giải quyết. Theo bà Dương Thị Hà, trường hợp này không phải xảy ra chỉ riêng với gia đình bà ấy:

"Từ khi anh ấy bị bắt, tôi vì lo giữ mấy đứa con nhỏ nên không làm được gì, cho nên phải dừng việc khiếu kiện lại. Người ta chẳng giải quyết như thế nào cả, người ta để im. Đến tận bây giờ, nhà nước lấy ruộng nhà tôi đem cho thuê, nhà tôi đòi thì người ta không trả. Cứ ở trên thì đùn xuống ở dưới, ở dưới lại đẩy lên bên trên.

Ở đây xảy ra rất nhiều. Họ lấy đất của nông dân rồi đem bán, hoặc họ bỏ không ra. Khiến nông dân không có ruộng mà làm, người dân thì đang thất nghiệp. Các xã gần đây cũng vậy, người ta đi khiếu kiện rất đông. Ở tỉnh Bắc Giang rất nhiều trường hợp khiếu kiện, ngày nào cũng có nhiều người kéo nhau đi.”

Đánh đập thân nhân

baHong-250.jpg
Bà Trần Thị Hồng, vợ mục sư Chính cùng con gái út, ảnh chụp trước đây. Photo courtesy of DanLamBao.

Chúng tôi cũng vừa nhận được tin bà Trần Thị Hồng, vợ của Mục Sư Nguyễn Công Chính vừa bị công an tỉnh Gia Lai tiếp tục mời lên làm việc. Đây là trường hợp một phụ nữ khác, cũng có chồng bị tù đày với những tội danh liên quan đến chính trị. Chúng tôi được bà Trần Thị Hồng cho biết:

"Hôm qua thì họ có đưa giấy mời để gọi tôi lên làm việc. Trong giấy mời đó thì có nói là sẽ làm một số việc có liên quan. Tuy nhiên thì tôi cũng không có biết sự việc gì có liên quan cả. Nhưng tôi không có đi, vì thứ nhất là con cái của tôi có 4 đứa, không có người chăm sóc. Thứ hai là bản thân tôi đã bị công an tỉnh Gia Lai đánh đập rất nhiều lần rồi. Đó là một điều tôi thấy bức xúc vô cùng, cho nên khi họ mời tôi thì tôi không có đi.

Sáng hôm nay, họ cho ông Tổ trưởng đến gọi tôi lên công an nhưng tôi nhất quyết không đi. Nếu có vấn đề gì thì cứ trực tiếp xuống nhà. Tôi bị đánh đập rất nhiều lần rồi. Không tin được.”

Trong hoàn cảnh nhiều khó khăn như vậy, chúng tôi có hỏi thăm vợ Mục Sư Nguyễn Công Chính về những suy nghĩ và dự định trong tương lai. Bà Trần Thị Hồng cho chúng tôi biết:

"Tôi không biết là những ngày sắp tới đây thì họ sẽ tiếp tục làm gì với gia đình tôi. Nhưng mà trong hiện tại, gia đình gồm 5 mẹ con của tôi, sao mà cuộc sống nhiều bất an quá. Từ khi ông Mục Sư Chính bị bắt với một bản án 11 năm, mà họ vẫn chưa có buông tha cho gia đình tôi.

Bản thân tôi đã bị công an tỉnh Gia Lai đánh đập rất nhiều lần rồi. Đó là một điều tôi thấy bức xúc vô cùng, cho nên khi họ mời tôi thì tôi không có đi.
-Bà Trần Thị Hồng

Tôi không nói tới việc bản thân mình bị đánh đập nhiều lần, nhưng 4 đứa con của tôi thì còn quá nhỏ, tôi cảm thấy đau xót cho 4 đứa con của tôi quá. Đứa nhỏ nhất thì năm nay, cháu được 30 tháng chứ chưa được 3 tuổi; còn đứa lớn nhất mới được 10 tuổi, được 4 đứa như vậy. Chúng còn nhỏ quá, cho nên khi chúng thấy cái hình ảnh chính quyền đi xuống nhà như vậy, chúng hoang mang lo sợ lắm.

Các con tôi thấy rất nhiều lần những cảnh tượng xảy ra với cha mẹ mình. Chúng từng nói, mẹ nên đi trốn đi. Tôi đã trả lời, mình không có vi phạm gì để phải trốn tránh hết. Con tôi lại nói, nhưng mà con sợ quá mẹ ơi. Khi nghe con mình nói như vậy, tôi cảm thấy đau đớn lắm.”

Khi được hỏi về các mong muốn, những người phụ nữ đang trao đổi với chúng tôi, họ có vẻ như quên đi những khổ nhọc của bản thân. Những người phụ nữ luôn nghĩ về chồng của họ, những người đàn ông đang bị giam cầm ở một nơi xa xôi nào đó. Bà Dương Thị Hà cho chúng tôi biết:

"Mong là mọi người lên tiếng giúp tôi, để cho người ta bớt hành hạ chồng của tôi. Tôi rất sợ là chồng mình sẽ bị nhốt vào phòng… tôi cũng không biết phòng riêng là phòng gì. Tôi rất lo sợ chồng của tôi sau này sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý.

Tôi rất mong mọi người giúp cho tôi. Bây giờ ở nhà chỉ có một mình, tôi chẳng biết phải làm thế nào cả. Tôi chỉ là người làm ruộng. Tôi không đi đâu được cả vì không có người trông con tôi. Khi nào đi làm, tôi lại gởi chúng sang nhà bà ngoại, đến sẫm tối thì lại đón chúng về. Đứa nhỏ nhất là gần 3 tuổi, hôm anh Hoa bị bắt thì cháu ấy mới được có mấy tháng thôi.”

Liệu tiếng nói của những người phụ nữ Việt Nam có chồng đang bị giam cầm với các tội danh liên quan đến chính trị sẽ được lắng nghe như thế nào ? Câu trả lời thích đáng xin dành lại cho các cơ quan hữu trách Việt Nam và nhân quyền quốc tế.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 509 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Năm 2013  »
SuMoTuWeThFrSa
   1234
567891011
12131415161718
19202122232425
262728293031
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 545
Khách: 545
Thành Viên: 0