Thứ Ba, 2024-11-05, 8:40 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Bảy » 16 » Vụ án Hà Giang
7:15 PM
Vụ án Hà Giang

Trung Điền


Sầm Đức Xương


Ngày 5 tháng 7 năm 2010 vừa qua, Ủy ban kiểm tra trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đã phổ biến bản thông báo về kết quả kiểm tra những sai phạm của cán bộ trong năm 2010. Trong bản thông báo này, Ủy ban kiểm tra đã tố cáo Nguyễn Trường Tô, Phó bí thư tỉnh ủy Hà Giang, Bí thư ban cán sự đảng, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang, từ năm 2005 đến nay đã có những vi phạm nghiêm trọng về đạo đức, sống buông thả, gây dư luận bất bình trong đảng và xã hội dưới sự bao che của Hoàng Minh Nhất, Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư tỉnh ủy Hà Giang và Nguyễn Bình Vận, Thiếu tướng công an, giám đốc công an tỉnh Hà Giang. Ủy ban kiểm tra đã đề nghị cách hết chức vụ của Nguyễn Trường Tô đồng thời buộc Hoàng Minh Nhất và Nguyễn Bình Vận phải làm kiểm điểm trước Tỉnh ủy một cách nghiêm khắc. Căn cứ theo đề nghị này thì cuộc đời chính trị của Nguyễn Trường Tô, Hoàng Minh Nhất và Nguyễn Bình Vận coi như chấm dứt.

Tuy nhiên, hai ngày sau khi bản thông báo nói trên phổ biến trong công luận, Trần Hải Dương, chánh văn phòng của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã cùng với một số cán bộ của Tỉnh mở cuộc họp báo tuyên bố rằng những kết luận của Ủy ban kiểm tra trung ương là chưa thỏa đáng vì chỉ căn cứ trên những tấm hình khỏa thân truy ra được từ điện thoại di động của một gái "bán dâm” để kết luận Nguyễn Trường Tô sống buông thả từ năm 2005 đến nay. Theo Tỉnh Hà Giang thì những kết luận của Ủy ban kiểm tra đưa ra chưa đủ chứng cứ và thiếu thuyết phục. Ông Dương cho biết là tỉnh ủy và ủy ban nhân dân tỉnh đang chờ quyết định của Ban bí thư trung ương đảng. Do đó mà tính đến hôm nay Nguyễn Trường Tô vẫn tham dự các Hội nghị quan trọng của tỉnh với tư cách chủ tịch Ủy ban nhân dân.


Nguyễn Bình Vận, Hoàng Minh Nhất, Nguyễn Trường Tô

Như vậy sau 4 năm "xung đột” quyền lực giữa một số phe nhóm ở trung ương với tỉnh Hà Giang, cuối cùng vụ án Hà Giang sẽ được quyết định tại Ban bí thư mà Trương Tấn Sang, thường trực ban bí thư sẽ ngồi ghế "chánh thẩm”. Đây là vụ án chính trị biểu hiện rõ nét nhất của tình trạng sứ quân trong đảng Cộng sản Việt Nam và những thủ đoạn triệt hạ lẫn nhau giữa các phe nhóm khi sắp đến thời điểm tuyển chọn nhân sự trung ương cho đại hội đảng. Vụ án Hà Giang không đơn thuần là vụ án "mua dâm nữ sinh” của một số cán bộ cao cấp trong tỉnh Hà Giang mà còn là những tranh chấp quyền và lợi giữa lãnh đạo tỉnh Hà Giang với một số cán bộ trong chính quyền Nguyễn Tấn Dũng qua công ty Sông Lô. Tại sao?

Vụ án Hà Giang bắt đầu bùng nổ vào tháng 9 năm 2009 khi một số phụ huynh đã tố cáo Sầm Đức Xương, hiệu trưởng trường trung học phổ thông Việt Lâm, Hà Giang có hành vi ép buộc nữ sinh bán dâm. Công an Hà Giang xúc tiến điều tra và đã xác định có hai nữ sinh Nguyễn Thị Thanh Thúy sinh năm 1991 và Nguyễn Thúy Hằng sinh năm 1992 liên hệ tới vụ án. Ngày 6 tháng 11 năm 2009, tòa án nhân dân huyện Vị Xuyên tuyên phạt Sầm Đức Xương 10 năm và 6 tháng tù giam vì tội mua dâm nhiều lần với trẻ vị thành niên, phạt hai nữ sinh Thanh Thuý và Thuý Hằng, mặc dù tòa xác định là "nạn nhân” mua vui cho hiệu trưởng, nhưng lần lượt đã bị kêu án 6 năm và 5 năm tù về tội môi giới mại dâm. Vào lúc này tên của Nguyễn Trường Tô bị xì ra là có liên hệ đến vụ án mua dâm nhưng không báo chí nào dám nêu tên ông ta vì bị áp lực từ phía Tỉnh ủy.

Sau phiên tòa, cả ba người nói trên kêu oan. Đặc biệt là hai nữ sinh Thúy và Hằng đã viết đơn tố cáo nhiều lần bị hiệu trưởng Sầm Đức Xương bắt ép đi phục vụ tình dục cho khoảng hơn 10 cán bộ cao cấp của Tỉnh trong đó có Nguyễn Trường Tô. Đơn tố cáo của hai nữ sinh này đã được luật sư biện hộ phổ biến rộng rãi và nộp lên Hội đồng xử phúc thẩm tỉnh Hà Giang vào ngày 27 tháng 1 năm 2010. Căn cứ trên đơn tố cáo này, ngày 1 tháng 2 năm 2010, tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang tuyên bố hủy án sơ thẩm xử tại tòa án ở huyện Vị Xuyên vì tòa cho rằng cấp sơ thẩm đã sai phạm nghiêm trọng về thủ tục và vụ án còn nhiều vấn đề phải làm rõ. Nói cách khác là tòa án tỉnh Hà Giang đã buộc phía công an phải điều tra lại và lập thủ tục truy tố mới đối với Sầm Đức Xương và hai nữ sinh Thúy và Hằng. Lần này thì có Bộ công an được chỉ định dính vào vụ điều tra, không để cho công an Tỉnh Hà Giang làm một mình.

Trong khi vụ án mua dâm nói trên đang được điều tra và chưa xét xử trở lại thì Ủy ban kiểm tra trung ương đảng đã ra tay trước đối với Nguyễn Trường Tô. Điều này cho thấy là Trung ương đã "chặt” Nguyễn Trường Tô và vây cánh tại Hà Giang trước khi tiến hành vụ xử với mục tiêu không để đám sứ quân Hà Giang chi phối bản án một lần nữa. Câu hỏi được đặt ra là tại sao Ủy ban kiểm tra Trung ương đảng không đưa ra kết luận từ năm 2006 sau khi công an thị xã Hà Giang bắt được gái mãi dâm Nguyễn Thị Dung và truy tìm trong điện thoại di động của Dung có 13 tấm hình trần truồng nằm trên giường của Nguyễn Trường Tô. Nghĩa là công an và ủy ban kiểm tra trung ương đã biết Nguyễn Trường Tô "sống buông thả” từ năm 2005 theo như báo cáo mà vẫn làm ngơ?


Nguyễn Trường Tô nổi tiếng không chỉ vụ mua dâm nữ sinh mà còn dám "dọa nạt” đại biểu quốc hội Lê Văn Cuông của tỉnh Thanh Hóa vì ông Cuông đã chất vấn Nguyễn Tấn Dũng tại quốc hội vào tháng 11 năm ngoái, rằng ông Tô đã không thèm chấp hành lệnh của ông Dũng giải quyết vụ khiếu nại của công ty Sông Lô ở Hà Giang. Ông Lê Văn Cuông nói rằng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ thị nhiều lần phải giải quyết vụ tiền bạc của công ty xây dựng Sông Lô, nhưng Nguyễn Trường Tô lờ không chấp hành. Lúc đó Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời rằng ông ta muốn theo gương Phạm Văn Đồng không muốn kỷ luật bất cứ ai. Tuy nhiên ông Cuông thì bị Nguyễn Trường Tô và những đại biểu quốc hội thuộc Tỉnh Hà Giang gọi điện thoại chất vấn và hăm dọa đủ điều về sự việc nói trên. Điều mà người ta thắc mắc là tại sao Lê Văn Cuông, đại biểu ở tỉnh Thanh Hóa, không có liên hệ gì với tỉnh Hà Giang mà lại đứng lên chất vấn "thủ tướng” một vấn đề khá tế nhị ở một địa phương khác. Cuộc chất vấn này lại xảy ra ngay vào thời điểm diễn ra phiên tòa mua dâm nữ sinh có liên hệ đến ông Tô, tháng 11 năm 2009.

Với sự kiện nói trên, người ta thấy hình ảnh Nguyễn Trường Tô quả là một "lãnh chúa” vùng Hà Giang mà chính Nguyễn Tấn Dũng không đụng vào được. Theo tin tức thì công ty Sông Lô đã trực tiếp thầu xây dựng khoảng 16 dự án tại tỉnh Hà Giang như xây dựng công viên nước Hà Phương, dự án đường Tùng Ba – Na Sơn, dự án đường Tráng Kìm - Đường Thượng, dự án đường cây số 9 - Quốc lộc 4 đi xã Thái An, Dự án tường kè chắn đất bờ Đông Sông Lô v...v… lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên theo khiếu nại của công ty Sông Lô thì Nguyễn Trường Tô đã không trả tiền một số dự án lên đến hàng chục tỷ đồng với lý do là thi công sai hay không hoàn thành đúng thời hạn. Nguyễn Tấn Dũng đã ra nhiều văn thư chỉ thị tỉnh Hà Giang phải giải quyết, đồng thời cử cả tổ công tác thanh tra chính phủ đến làm việc nhưng Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang vẫn làm ngơ.

Sau khi vụ chất vấn của đại biểu Lê Văn Cuông nổ ra ở quốc hội và vụ án mua dâm đem ra xét xử vào tháng 11 năm 2009, Nguyễn Tấn Dũng đã "thân hành” đến Tỉnh Hà Giang họp với ban lãnh đạo tỉnh trong hai ngày 9 và 10 tháng 1 năm 2010 để yêu cầu giải quyết vụ trả tiền cho công ty Sông Lô. Sau khi Nguyễn Tấn Dũng ra về, lãnh đạo Tỉnh chần chừ chưa muốn giải quyết; nhưng khi tòa án tỉnh Hà Giang ra lệnh hủy bỏ bản án sơ thẩm vụ án mua dâm nữ sinh và bắt xử lại từ đầu vào đầu tháng 2 thì Nguyễn Trường Tô ra lệnh cho đàn em của mình là Hoàng Đình Châm, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, tham dự cuộc đối thoại với đại diện công ty Sông Lô qua sự trung gian tổ chức của tổ thanh tra chính phủ vào ngày 11 tháng 3 năm 2010. Trong cuộc đối thoại này, Tỉnh Hà Giang đồng ý trả 26 tỷ đồng nợ cho công ty Sông Lô.

Sau khi công ty Sông Lô nhận được số tiền nói trên vào cuối tháng 3 thì bốn tháng sau, Nguyễn Trường Tô, Hoàng Minh Nhất, Nguyễn Bình Vận… những lãnh chúa của Hà Giang đã bị trung ương đề nghị lột chức, khiển trách trong thông báo ngày 5 tháng 7 của Ủy ban kiểm tra. Đây có thể coi như sự phủi tay của một thế lực nào đó ở Trung ương đã từng che chở cho các lãnh chúa Hà Giang nhưng nay phải rút lại vì thấy nhóm Hà Giang đã thua cuộc trong vụ đấu với phe Nguyễn Tấn Dũng qua vụ công ty Sông Lô. Điều này cho thấy là việc Ủy ban kiểm tra trung ương dựa trên các tấm hình trần truồng của Nguyễn Trường Tô để đề nghị kỷ luật một số cán bộ tại Hà Giang chỉ dựa vào ngọn của vấn đề. Tức là dựa trên sự suy đồi đạo đức của cán bộ để tung ra biện pháp kỷ luật nhằm che dấu sự xung đột gay gắt về đặc quyền, đặc lợi giữa các phe trong nội bộ. Chính cán bộ tỉnh Hà Giang trong cuộc họp báo cũng thấy lý cớ mà Ủy ban kiểm tra đưa ra không thuyết phục vì không dám nói thật.

Nếu chịu khó suy nghĩ ta sẽ thấy: sự kiện tòa án tỉnh Hà Giang tuyên bố hủy kết quả sơ thẩm vụ án mua dâm nữ sinh bắt điều tra và xử lại từ đầu, vụ đưa Lê Văn Cuông - đại biểu quốc hội Thanh Hóa - ra chất vấn Nguyễn Tấn Dũng về thái độ ngang bướng của Nguyễn Trường Tô, đặc biệt là vụ Tỉnh Ủy Hà Giang họp báo tuyên bố bất phục kết luận của Ủy ban kiểm tra trung ương, cho thấy là cả một chuỗi những sự dàn dựng của một số phe nhóm để tìm cách triệt hạ lẫn nhau. Nhiều phần, quyết định của Ban bí thư đảng sẽ dựa trên kết luận của Ủy ban kiểm tra, tức là bộ ba Tô – Nhất - Vận sẽ ra đi; nhưng vụ án Hà Giang một lần nữa cho thấy là sự đấu đá giữa trung ương và địa phương đã trở nên gay gắt, nghiêm trọng.

Trung Điền
Ngày 17/7/2010
http://viettan.org/
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1255 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 403
Khách: 403
Thành Viên: 0