Bùi Tín
Thế là ngâm tôm mãi, chính quyền sắp đưa các nhà dân
chủ Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định
ra xét xử.
Vì sao họ lần lữa? Vì còn phải ép cung, dọa dẫm, thăm
dò thái độ của các bị cáo trước tòa sau khi họ đã bày ra vở kịch "thú
tội, xin khoan hồng". Điều họ lo sợ nhất là khi phiên tòa được xử công
khai, có công chúng, nhà báo trong và ngoài nước, một số nhà ngoại giao
chứng kiến, các bị cáo có thể công khai phản cung, viện cớ đã bị đe
doạ, bị ép cung, bị nhũng nhiễu về tinh thần, tâm lý và cuộc sống vật
chất... sẽ long trọng tuyên bố những màn ép nhận tội và xin khoan hồng
trước đây là vô giá trị, theo nội dung luật tố tụng hình sự của Việt nam.
Họ lần lữa để nghĩ thêm mưu thâm kế hiểm, vẽ vời thêm
bản luận tội vốn dĩ rất nghèo nàn, thiếu hẳn chứng cứ hiển nhiên để có
thể độc đoán nâng tội danh "tuyên truyền chống phá chế độ" lên thành
tội danh "lật đổ chính quyền", với những khung trừng phạt nặng hơn, lên
đến mức tử hình.
Thật ra mưu ấy không thâm, kế ấy không hiểm vì chứng cứ lật đổ là ở đâu? Ý muốn thay đổi chế độ độc đoán bằng chế độ dân chủ bằng tuyên truyền, vận động, không bạo lực lại
là lật đổ ư? Thảo ra một bản hiến pháp mới trong đó hình thành một chế
độ chính trị đa đảng đa nguyên trong hoà bình, trật tự, trong khuôn khổ
pháp luật, thế mà là lật đổ ư? Ra ứng cử đại biểu quốc hội hiện hành
cũng có thể coi là âm mưu lật đổ ư?
Tất cả những hoạt động của 4 nhà yêu nước, đòi dân chủ
cho dân sắp ra toà đều nằm trong khuôn khổ của hiến pháp hiện hành,
công nhận quyền tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do lập hội của mỗi
công dân.
Kết tội lật đổ, vậy chủ trương lật đổ bằng phương tiện
gì? vũ khí gì? phương tiện nào? bom đạn, súng ống ở đâu? chiêu mộ chiến
sỹ ra sao? huấn luyện và chuẩn bị nổi dậy cướp chính quyền ra sao? Họ
họp hành, gặp gỡ, trao đổi ý kiến, hướng dẫn dư luận, khuyến khích công
dân bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa về đổi mới đất nước toàn diện,
đồng bộ, sao lại chụp mũ cho họ là lật đổ. Luật pháp nào? chứng cứ nào?
Máy vi tính, luận văn ôn hoà là tang chứng ư?
5 tháng trước vẫn những chứng cứ ấy, họ nêu lên tội danh "chống phá chế độ", đến nay không tìm ra được những chứng cứ gì mới, sao họ lại có thể thay đổi tội danh được! Thì ra đây chỉ là một thủ thuật để đe doạ các bị cáo, răn đe các nhà dân chủ khác, doạ nạt mọi công dân để không dám tán thành và tham gia cuộc đấu tranh không bạo lực đòi tự do dân chủ và nhân quyền.
Họ đã tính sai. Vì qua vụ án này, ai sợ ai ?
Mời các bạn đọc kỹ những bài luận văn của 4 nhà dân chủ
đang là bị cáo. Họ đã suy tính rất kỹ, động não dữ dội trước khi hạ
quyết tâm dấn thân.
Đó là những con người sống sâu sắc, có lý tưởng, yêu
nước thật lòng, thương dân thật sự, kiên cường, dũng cảm, đã nói là
làm, vững tin ở chính nghĩa. Nếu biết sợ, họ chỉ sợ chính mình, sợ đi
ngược lòng dân.
Các nhà dân chủ bị cáo yêu cầu chính quyền phải tỏ ra ngay thật, phiên toà phải tỏ ra công minh, đúng luật,
nghĩa là phải công khai thật sự, có dân chúng, gia đình bị cáo, nhà báo
trong ngoài nước, đại diện ngoại giao các nước tham dự đàng hoàng. Và
các luật sư phải được phát biểu đầy đủ, bị cáo được nói hết lời, quan
toà phải tỏ ra có công tâm, luận tội ngay tại toà, tuyệt đối không được
theo kiểu xử án bỏ túi sẵn, theo lệnh trên, kiểu tiền chế, nghĩa là
định mức tội từ trước khi xét xử.
Đúng ngày 28-12, tại Thái Bình phiên tòa xử nhà dân chủ
Trần Anh Kim đã diễn ra chóng vánh, vội vã, phơi bày tất cả sự yếu kém
khuất tất không đàng hoàng của chính quyền độc đảng và nền tư
pháp xiên xẹo, công cụ của họ. Phiên toà chỉ diễn ra trong chưa đến 3
tiếng đồng hồ, tiêu biểu cho kiểu phiên toà bỏ túi. Họ không
báo cho gia đình ông Kim đến dự. Cũng không có mặt báo chí trong nước
và nước ngoài. Các nhà dân chủ đều bị cầm chân, ngăn chặn không cho về
Thái Bình. Ai sợ ai, thế là rõ. Bản án 5 năm rưỡi tù giam và 3 năm quản
thúc rõ ràng là do bộ chính trị cộng sản quyết định từ trước, tiêu biểu
cho một phiên toà tiền chế.
Ê mặt nhất cho ngành công an là ngay trước toà, ông Trần Anh Kim đã công khai phủ nhận tội danh lật đổ, tự cãi là ông vô tội, hoàn toàn bác bỏ vở kịch cúi đầu nhận tội, ăn năn hối cải và xin được khoan hồng mà bộ công an đã dựng lên một cách hèn hạ.
Có tin ngày 20-1-2010, họ sẽ xử 4 nhà dân chủ giữa
Sàigòn; sau vụ xử hôm nay ở Thái Bình, họ sẽ rút ra được kinh nghiệm
gì? Hay lại hoãn đã?!
Xem ra trước công luận trong và ngoài nước, giới cầm quyền, nhất là bộ chính trị độc quyền sinh sát, tỏ ra sợ hãi hơn là các chiến sỹ dân chủ và yêu nước lo sợ trước cường quyền bất công.
Vì công luận thế giới đang chăm chú theo dõi các
phiên toà này. RSF - Tổ chức Phóng viên Không biên giới, Human Rights
Watch - Tổ chúc Quan sát nhân quyền, Nghị viện Liên Âu, Uỷ ban Đối
ngoại Thượng viện Hoa kỳ... đang rất quan tâm đến các cuộc xử án này.
Lúc này là một thời điểm rất nhậy cảm. Rất có thể đầu năm 2010 Thượng viện Hoa kỳ sẽ bỏ phiếu về Nghị quyết lên án vi phạm nhân quyền nặng nề ở Việt nam, có thể đến mức đặt lại Việt nam vào danh sách đen CPC- Country of Particular Concern - Nước cần quan tâm đặc biệt về Quyền con người, với những hậu quả không lường hết.
Có những dấu hiệu cho thấy 15 con người trong bộ chính trị đang
phát rét trước khả năng Việt Nam bị quốc tế cho điểm rất xấu về hạnh
kiểm ngay vào dịp đầu năm, giữa lúc kinh tế đình đốn, lạm phát tăng,
nhập siêu lớn, xuất khẩu khó khăn, lòng dân không yên. Nông dân nổi
giận. Trí thức không tuân phục. Cả làng báo bị chăn dắt như đàn cừu,
không còn chịu nổi được nữa.
Vì sao tướng Phùng Quang Thanh bị chỉ mặt là "nói dối"
quả tang ngay sau khi sang Hoa kỳ về, ba hoa với phóng viên trong nước
rằng trong cuộc gặp thượng nghị sỹ James Webb ở thủ đô Washington DC,
ông đã thuyết phục(!) được ông này sẽ không ủng hộ còn vận động để
chống lại nghị quyết lên án Việt nam về nhân quyền tại thượng viện Hoa
kỳ?! Lập tức, văn phòng ông J.Webb ra tuyên bố cải chính là trong cuộc
gặp với ông J.Webb trong tháng 11-2009, tướng Thanh không hề nói gì đến
chuyện này. Thật ê mặt cho một đại tướng bộ trưởng Quốc phòng. Trả lời
cho thế giới và cho bà con ta ở trong nước ra sao đây?
Phải hiểu nội bộ thâm cung bí sử đảng CS mới có thể
giải mã được chuyện bê bối này. Rất nhiều khả năng là bộ chính trị đã
mật giao cho ông Thanh nhiệm vụ là khi sang Mỹ phải cố gặp ông J.Webb -
người vừa sang thăm Việt nam cùng bà vợ người Việt, hiện rất có thế lực
- để vận động ông này cản trở việc thông qua nghị quyết rất tệ hại ấy
đối với chính quyền trong nước. Không hiểu vì sao ông Thanh đã "quên",
hoặc e ngại ấp úng, hoặc không đủ chữ nghĩa để nói với ông J.Webb về
câu chuyện rất khó nói này.
Về nước ông phải bày trò giả dối để tránh khỏi bị mắng
mỏ, còn tâng công với bộ chính trị rằng ông đã hoàn thành xuất sắc(!)
nhiệm vụ. Không ngờ ông bị lật tẩy! Chắc chắn ông bị đồng chí của ông
trong bộ chính trị vặn tội.
Bộ chính trị giữa những khó khăn chồng chất đang sợ dư luận trong nước còn
hơn cả sợ dư luận nước ngoài. Họ sợ nhất là giữa phiên toà, khi các bị
cáo nói về lập trường của các chiến sỹ dân chủ kiên quyết bảo vệ độc
lập, chủ quyền đất nước, bảo vệ lãnh thổ lãnh hải và hải đảo thiêng
liêng của Tổ quốc, chống âm mưu bành trướng của nước lớn thì lòi ngay
ra bộ mặt ươn hèn quỵ luỵ, thông đồng với bọn bành trướng của
bộ chính trị. Nếu xử quá đáng những người yêu nước kiên định như thế
thì chính họ sẽ gây nên phản tác dụng khôn lường.
Bộ chính trị không thể không thấy xã hội nay đã thức
tỉnh, không còn âm thầm cam chịu như xưa, hàng ngàn vạn trí thức đã tự
tin tự chủ hơn, hàng chục ngàn luật sư đã hành nghề, lấy tôn trọng luật
pháp là tiêu chuẩn hàng đầu. Trong thời hội nhập, chính quyền không dễ
gì tự cô lập trong cái vỏ chủ quyền quốc gia, khi ngang nhiên chà đạp
nhân quyền mà họ đã long trọng cam kết tôn trọng.
Lại còn cái "trọng tội" rành rành buông tay cúi đầu không bảo vệ đất nước.
Bùi Tín
Paris 28-12-2009.
|