Thứ Ba, 2025-01-07, 1:52 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2011 » Tháng Năm » 14 » VẬN ĐỘNG TRANH CỬ… KÍN
10:40 AM
VẬN ĐỘNG TRANH CỬ… KÍN
taphongtan.wordpress.com

Bài đã đăng báo Người Việt

Hôm qua (5/5/2011), đài HTV7 phát chương trình ứng cử viên quốc hội tiếp xúc với cử tri quận 5 (Sài Gòn), hình ảnh trên ti vi cho thấy hội trường lèo tèo chừng hơn 100 người ngồi ở hàng ghế phía dưới hội trường. Anh phát thanh viên đọc thuyết minh có câu (kèm theo hình vài chị phụ nữ đang đứng đọc bản tin dán danh sách ứng cử viên ở bức tường bên ngoài) mà nghe xong tôi cho rằng nó phản ánh đầy đủ tính chất của việc "bất cần được bầu cũng đậu” của ứng viên: "Cử tri nào không được vào tiếp xúc thì xem tiểu sử ứng cử viên cũng có thể quyết định bầu cho ai”.

Tôi đặc biệt chú ý đến mấy chữ "không được vào tiếp xúc” nghe đau như roi quất của anh phát thanh viên. Than ôi! Hiếp pháp và luật bầu cử quy định "Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”, "ứng cử và bầu cử là quyền của mọi công dân”, nhưng qua bản tin thời sự ngắn ngủi của HTV7 đã cho thấy thực tế một bộ phận lớn dân quận 5 (Sài Gòn) đã bị tước quyền "tiếp xúc ứng cử viên” bằng cách "không được vào” hội trường tham dự buổi tiếp xúc. Vậy có bao nhiêu triệu cử tri cả nước bị Ban tổ chức bầu cử (cũng là nhà cầm quyền Việt Nam) tước đoạt quyền tiếp xúc, chất vấn ứng cử viên?

Năm 2002, tôi đang công tác tại Sở Thương mại – Du lịch tỉnh Bạc Liêu. Công việc ở đây đối với tôi rất nhàn nhã, nói theo kiểu dân gian thì nó dễ đến nỗi "Một tay bụm… một tay làm” cũng "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, có điều ít khi được chạy long nhong bên ngoài mà phải ngồi "thường trực” tại cái bàn làm việc của mình để… đọc báo là chính.

Hôm nọ, cơ quan tôi tiếp nhận công văn (thay giấy mời) của Ủy Ban tỉnh ra lệnh mỗi cơ quan cử 1 cán bộ đại diện đến Hội trường Ủy Ban thị xã để "Ứng cử viên quốc hội khóa XI tiếp xúc cử tri” (nguyên văn câu trong công văn), nghe cứ như cử tri là con cháu còn ứng cử viên khệnh khạng ra lệnh cho mình đưa cái mặt tới cho họ "dạy bảo” vậy, chớ hổng phải "Cử tri tiếp xúc ứng cử viên”. Ông Trưởng Phòng Tổ chức hỏi tôi: "Mai em có làm gì không?”. Ông Trưởng phòng này (nay đã nghỉ hưu) thuộc loại "dễ chịu” nên tôi "thành thật trả lời”: "Muốn có là có, muốn không là không. Anh muốn có thì em bày chuyện ra làm, anh muốn nhờ em đi đâu thì em dẹp vô, mai mốt làm, không có gì phải gấp”. Ông bèn chìa cái công văn kia ra đưa cho tôi và nói: "Vậy mai đi dự cái hội nghị này 1 buổi đi”. Những loại hội nghị như thế này, cán bộ đi dự coi như được đi "xả xì-trét”, khỏi phải làm việc, đi về không cần phải báo cáo kết quả công tác với sếp.

Hôm sau, đúng giờ tôi đến địa điểm, chìa cái Công văn ra cho mấy chú cảnh sát bảo vệ coi, ghi sổ xong mới được vào bên trong Hội trường. Ai không có giấy này đừng hòng qua cửa của mấy chú nhé! Bên trong hội trường có 4 dãy ghế dài, đã có mặt (tính luôn tôi) cỡ chừng 200 người, mà phần lớn là các ông bà cụ cán bộ hưu đã giành chổ ngồi kín hết các hàng ghế trên rồi. Chừng 3-4 hàng ghế chót là những cán bộ "đại diện cơ quan, đơn vị” như tôi.

Tỉnh tôi lúc đó tổng dân số là 769.348 người (Nguồn: Niên giám thống kê 2002 tỉnh Bạc Liêu). Tôi đại diện cho mấy chục cán bộ trong cơ quan tôi (theo ý ông Trưởng phòng tổ chức "tuyển chọn”, chớ hổng phải hỏi ý kiến tập thể à nghen), còn khoảng 200 người được "tuyển chọn” đang ngồi trong hội trường đây chắc chắn người dân thường không ai bầu họ "đại diện” cho hơn 700 ngàn người dân trong tỉnh, nhưng họ vẫn "nghiễm nhiên” là "đại diện” (có giấy mời), người dân nào không có giấy mời không được vào tiếp xúc người "chuẩn bị đại diện cho dân”. Tôi dám dùng từ "chắc chắn” để khẳng định vì tôi biết có thách ăn vàng nhà cầm quyền địa phương cũng không lấy đâu ra bằng chứng để chứng minh rằng 200 người kia đã được dân tỉnh công khai bầu làm đại diện, thậm chí nhiều người dân còn không biết ngày hôm đó có cuộc tiếp xúc ứng viên quốc hội nữa kìa! Ông Phạm Thế Duyệt (nguyên ĐBQH các khóa VIII, X, XI) từng phàn nàn rằng người ta chỉ cho phép ông tiếp xúc với những "cử tri chuyên nghiệp” như thế này, còn muốn gặp dân thật sự thì thật là khó hơn lên trời.

Ban tổ chức giới thiệu 3-4 ứng cử viên gì đó (họ tên gì bây giờ tôi quên rồi), lần lượt từng ứng viên lên bục, hết người này đến người khác thay nhau cầm micrô và tờ giấy cúi mặt đọc oang oang. Tôi ngồi tít phía dưới nghe tiếng được tiếng mất, nghe người thứ 1 đọc xong chưa kịp hiểu và nhớ ông (bà) ấy vừa đọc cái gì thì đã có ứng viên kế tiếp đọc lấp lên, cứ như vậy, tôi không nhớ nỗi giữa các ông (bà) ứng viên đó khác nhau ở điểm nào, ngoại trừ đặc điểm giới tính.

Sau khi ứng viên đọc xong thì đến lượt các cụ hưu ngồi phía trên được Ban tổ chức mời lên trên nói. Tôi "làm bộ nhiệt tình” hỏi một người trong Ban tổ chức rằng tôi cũng muốn phát biểu (thiệt ra tôi có biết hồi nãy ứng viên phát biểu cái gì mà "ý kiến”, chẳng qua muốn "làm phép thử” thôi) thì người này nói: "Muốn phát biểu thì phải đăng ký trước. Mấy bác hưu trí đó đăng ký hôm qua, mà danh sách còn dài cỡ mười mấy người. Phải ưu tiên cho các cụ. Chị đăng ký bây giờ chắc là không kịp giờ để nói đâu”. Quả thật, các cụ cầm micro cà kê dê ngỗng nói vòng vo Tam Quốc dai nhách, mỗi cụ hơn nửa giờ, túm lại thì tôi cũng không hiểu ý các cụ muốn cái gì nữa. Buồn ngủ quá, tôi kéo ghế ra ngồi gần cửa ra vào "tám” thoải mái với mấy chú cảnh sát bảo vệ, dù sao cũng là "lâu lâu gặp lại người quen cũ”. Bắt đầu tiếp xúc cử tri lúc 7 giờ sáng, đến 11 giờ giải tán, mỗi ứng viên nói nửa giờ, rồi Ban tổ chức nói chen vô giữa các ứng viên, rồi các cụ hưu lên nói, rồi Ban tổ chức nói, v.v… chừng 4 cụ hưu nói là hết giờ rồi, có đâu cơ hội cho những người như tôi "ý kiến ý cò”. Buổi tiếp xúc cử tri "thành công tốt đẹp”.

Hôm qua (5/5/2011), đài HTV7 phát chương trình ứng cử viên quốc hội tiếp xúc với cử tri quận 5 (Sài Gòn), hình ảnh trên ti vi cho thấy hội trường lèo tèo chừng hơn 100 người ngồi ở hàng ghế phía dưới hội trường. Anh phát thanh viên đọc thuyết minh có câu (kèm theo hình vài chị phụ nữ đang đứng đọc bản tin dán danh sách ứng cử viên ở bức tường bên ngoài) mà nghe xong tôi cho rằng nó phản ánh đầy đủ tính chất của việc "bất cần được bầu cũng đậu” của ứng viên: "Cử tri nào không được vào tiếp xúc thì xem tiểu sử ứng cử viên cũng có thể quyết định bầu cho ai”.

Tôi đặc biệt chú ý đến mấy chữ "không được vào tiếp xúc” nghe đau như roi quất của anh phát thanh viên. Than ôi! Hiến pháp và luật bầu cử quy định "Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”, "ứng cử và bầu cử là quyền của mọi công dân”, nhưng qua bản tin thời sự ngắn ngủi của HTV7 đã cho thấy thực tế một bộ phận lớn dân quận 5 (Sài Gòn) đã bị tước quyền "tiếp xúc ứng cử viên” bằng cách "không được vào” hội trường tham dự buổi tiếp xúc. Vậy có bao nhiêu triệu cử tri cả nước bị Ban tổ chức bầu cử (cũng là nhà cầm quyền Việt Nam) tước đoạt quyền tiếp xúc, chất vấn ứng cử viên?

Kể ra thì trong nhiệm kỳ bầu cử này, cử tri Việt Nam nên "tự hào (hển)” khi được "nhà nước ta” "tâng bốc” lên hàng "Thánh sống”. Bằng vào vài câu gọi là "tiểu sử” ứng cử viên ngắn ngủn chừng 100 chữ mà cử tri có thể hiểu chính xác được hết bản chất con người của ứng viên và có ngay quyết định nên bầu người nào thì chỉ có là "Thánh” mới làm được, chớ không phải người phàm.

Ví dụ: Trong phần tiểu sử "đính kèm” danh sách không hề kèm theo "tiểu sử” căn biệt thự nguy nga tráng lệ đang gây nhiều thắc mắc về "nguồn gốc, xuất xứ” tài sản (số 198 đường Cách Mạng Tháng 8, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) của ứng viên Nguyễn Bá Thanh. Hoặc căn biệt thự đẹp lộng lẫy (26 Hồ Xuân Hương, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) nổi lên giữa một tỉnh miền Trung nghèo khó của ứng viên Nguyễn Đức Hải. Nếu cử tri (dân thường "không được vào”) muốn chất vấn ông Nguyễn Bá Thanh, ông Nguyễn Đức Hải về nguồn gốc các ngôi biệt thự thì phải làm sao?

Và còn rất nhiều hình ảnh tài sản đồ sộ "không rõ nguồn gốc, xuất xứ” của cán bộ bự (bị dư luận cho là bất minh) xuất hiện trên mạng, gây thắc mắc (người ngoài không thể giải thích được) khi so sánh giá trị tài sản với đồng lương quan chức cán bộ.

Nếu như ở Mỹ và các nước phương Tây, ứng viên tiếp xúc với cử tri một lúc hàng ngàn người, cử tri muốn gặp ứng viên càng nhiều thì ứng viên càng mừng (hy vọng lấy phiếu từ những cử tri này), tiếp xúc cả ngoài đường phố, quảng trường, sân vận động… để vận động tranh cử; thì "vận động tranh cử” ở Việt Nam diễn ra rất "kín đáo” trong bốn bức tường "cứng rắn”, ứng viên không cần biết đến cái bản mặt của đám cử tri thường dân cũng có kết quả trúng cử trên 90% như thường. Đây quả là "thành quả cách mạng vĩ đại” chỉ có ở Việt Nam!

Tạ Phong Tần

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 674 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 2
Khách: 2
Thành Viên: 0