Thứ Sáu, 2024-11-22, 5:05 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Năm » 20 » Vẫn theo gương Bác
6:57 PM
Vẫn theo gương Bác


Vẫn theo gương Bác
Tưởng Năng Tiến

Sau nhiều năm lưu lạc, khi trở lại cố hương, ông Cao Ngọc Quỳnh bùi ngùi kể lại: "Tôi cô đơn lạc giữa dòng người, dòng hoa, dòng đèn và dòng… khẩu hiệu. Vẫn những khẩu hiệu ấy của nhiều chục năm về trước với những sắc màu rực rỡ hơn trong sự mầu nhiệm của nền kinh tế thị trường.”

Khẩu hiệu cũ trong sắc màu mới ở Sài Gòn – Ảnh: Cao Ngọc Quỳnh

Họ Cao khiến tôi nhớ đến "những dòng khẩu hiệu ấy của nhiều chục năm về trước”, cùng với một tiếng thở dài – cố nén:

- Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!
- Chủ nghĩa Mác Xít Lê Nin Nít bách chiến bách thắng vô địch muôn năm!
- Hồ Chủ tịch sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

Suốt đời phải sống giữa cả đống Độc lập – Tự do – Hạnh phúc – Bách chiến – Bách thắng – Vĩ đại – Quang vinh – Muôn năm… giăng mắc ngổn ngang ở khắp nơi như thế, nếu không bị loạn thị, e cũng thành mụ mị. Do đó, "Tổ quốc (nếu được) nhìn từ xa” trông có vẻ lại rõ nét hơn:

"Xứ sở phì nhiêu sao thật lắm ăn mày
Xứ sở nhân tình sao thật lắm thương binh
Đi kiếm ăn đủ kiểu
Nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng …
Xứ sở thông minh sao lắm trẻ em thất học
Lắm ngôi trường xơ xác đến tang thương…
Xứ sở thiêng liêng sao lắm đình chùa làm kho hợp tác…”

(Nguyễn Duy, "Tổ quốc nhìn từ xa”, 1988)

Hai mươi năm sau, năm 2008, một công dân khác – ông Phạm Đình Trọng – cũng "Nghĩ suy Từ Ấn Độ”, với nỗi niềm ray rứt, trăn trở và bất an (y trang) như thế:

"Ấn Độ là đất nước của thần linh… Việt Nam cũng là đất nước của thần linh… Nhưng chỉ vài chục năm cách mạng vô sản, nhiều đình chùa có tự ngàn xưa bị san phẳng, thần linh bị báng bổ… Những thần linh giả được đôn lên. Thần tài được tôn thờ…

Những ngày ở xứ sở của thần linh, tôi cứ tiếc nuối, cứ ngẩn ngơ nhớ đến cụ Phan Chu Trinh, một thần linh lớn lao, cao cả của chúng ta mà chúng ta chưa nhận thức đầy đủ.

Cùng thời với Gandhi, chúng ta có Phan Chu Trinh. Cùng tư tưởng, cùng cách lựa chọn như Gandhi, Phan Chu Trinh cũng chủ trương không dùng bạo lực, không đẩy người dân tay không ra đối đầu với súng đạn thực dân, mà phải trước hết nâng cao dân trí cho họ. Dân trí cao, người dân sẽ ý thức được quyền con người, quyền dân tộc mà bền bỉ đấu tranh chính trị, đấu tranh nghị trường giành độc lập. Gandhi đã thực hiện điều đó. Ấn Ðộ đã giành độc lập theo cách đó và đã thắng lợi!

Ðịnh mệnh trớ trêu đưa đẩy, chúng ta đã chọn con đường cách mạnh vô sản!” Ðó là cái giá chúng ta phải trả cho con đường cách mạng vô sản mà chúng ta đã chọn!”

Nói là "Tổ quốc nhìn từ xa” nghe cho nó có vẻ giang hồ và kiểu (cọ) chút đỉnh, chứ thực ra thì cũng không cần lê la xa xôi ráo, chỉ cần sống trên cao chút xíu – nhiều công dân Việt Nam – cũng có thể nhìn ra được thực trạng rõ ràng (và phũ phàng) của đất nước mình.

Từ cao nguyên Lâm Viên, ông Mai Thái Lĩnh, một biên tập viên của tạp chí Lang Biang (tờ báo đã bị đóng cửa vào tháng 5 năm 1988) cũng đã trình bầy những quan điểm tương đồng như ông Phạm Đình Trọng, qua một loạt bài viết công phu – "Tìm hiểu quan niệm chính trị của Phan Châu Trinh” –  xin trích dẫn một đoạn ngăn ngắn:

"Nếu quân chủ (quân trị) là chế độ mà một ông vua hay một dòng họ (hoàng gia) làm chủ, nếu dân chủ (dân trị) là chế độ mà toàn dân làm chủ, thì chế độ độc đảng toàn trị (đảng trị) chính là chế độ trong đó một đảng làm chủ. Chế độ đó thực chất chỉ là một chế độ quân chủ kiểu mới, một chế độ quân chủ trá hình.

Như vậy, chế độ độc đảng toàn trị chỉ là một chế độ dân chủ giả hiệu, không phải là một chế độ dân chủ đích thực. Vì thế, chúng ta sẽ không ngạc nhiên nếu như tất cả, hay hầu hết những gì Phan Châu Trinh nhận xét về chế độ quân chủ đều có thể áp dụng cho chế độ độc đảng toàn trị (đảng trị), tức là một chế độ trong đó một đảng làm chủ. Dù có thay một ông ‘vua cá nhân’ bằng một ông ‘vua tập thể’ thì những nét tương đồng vẫn có thể tìm thấy dễ dàng, nếu như mỗi chúng ta không bị những thứ chữ nghĩa ‘biện chứng’ làm cho mờ mắt, hoặc bị những giáo điều của ‘tôn giáo mới’ làm cho đầu óc khờ khạo, u mê.

Và cũng từ đó, chúng ta càng hiểu một cách sâu sắc tại sao hàng loạt các nhà nghiên cứu dựa trên quan điểm Marx – Lenin đã và đang luôn luôn tìm mọi cách để bưng bít, xuyên tạc quan niệm chính trị của Phan Châu Trinh, một trong những nhà dân chủ đầu tiên và có thể là nhà dân chủ lớn nhất của nước ta trong thế kỷ 20.”

Quan điểm của ông Mai Thái Lĩnh được ông Hà Sĩ Phu (một cư dân khác, cũng sống hơi cao, trên cao nguyên Lâm Viên) tận tình chia sẻ – qua một loạt những bài viết khác: "Tư tưởng và dân trí là nền móng xã hội”–  cũng xin trích dẫn một đoạn ngắn:

"Nếu đoàn tàu Việt Nam thuở ấy rẽ vào đường rầy Phan Chu Trinh, nhằm hướng xã hội dân chủ như Na Uy, Thuỵ Điển bây giờ thì sao nhỉ?

Nếu nương vào Pháp để đi lên thành công, không thành cộng sản, thì giản ước được bao nhiêu thứ:
• không có cuộc đánh Pháp 9 năm
• không có cuộc ‘Nam Bắc phân tranh lần thứ 2′ dẫn đến cuộc đánh Mỹ
• không phải tham chiến ở Căm-pu-chia
• không tranh giành gì để phải đánh Tàu năm 1979
• không có lý do gì phải tiến hành cuộc ‘đổi mới hay là chết’
• không có lý do gì để xuất hiện làn sóng đòi dân chủ-nhân quyền, dẫn đến hài kịch bịt miệng bị cáo trước toà cho thiên hạ xem, vân vân…

Nghĩa là tiết kiệm được bao nhiêu thời gian, bao nhiêu gương anh hùng, bao nhiêu nạn nhân, bao nhiêu máu xương, bao nhiêu hận thù… và tăng thêm được bao nhiêu là hạnh phúc…

Nhưng bất hạnh thay, lịch sử đã không chọn Phan Chu Trinh. Không, đừng nói lịch sử, phải nói: dân tộc này đã không chọn Phan Chu Trinh.”

Ông Phạm Đình Trọng thì nằng nặc cho là vì "định mệnh trớ trêu đưa đẩy chúng ta đã chọn con đường cách mạng vô sản!”. Còn ông ông Hà Sĩ Phu thì nhất định nói rằng "dân tộc này đã không chọn Phan Châu Trinh”. Nói cách khác, theo hai ông, là "chúng ta” hay "dân tộc này” đã lựa ông Hồ Chí Minh.

Bộ thiệt vậy sao, Trời?

Nếu đúng vậy thì xin thưa (trước) là trong số những người mà ông Phạm Đình Trọng gọi là "chúng ta”, và ông ông Hà Sĩ Phu tóm gọn thành cả "dân tộc này” (kể như) không có… "em” đâu đó nha.

Ít nhất cũng có tới nửa phần dân tộc Việt – trong hơn một phần tư thế kỷ – đã chiến đấu không ngừng, đã chấp nhận hy sinh hàng triệu mạng sống, chỉ để cố giữ cho nửa phần quê hương Việt Nam không bị rơi vào thảm hoạ vô sản hoá và bần cùng hoá. Mà nói vậy – không lẽ – nửa phần dân tộc Việt còn lại đều đã đồng lòng cắm cúi bước theo con đường ("kách mệnh”) mà "Bác kính yêu đã chọn” hay sao? Vơ đũa cả nắm như vậy (e) còn trật dữ nữa.

Cả dân này Việt – nói tình ngay – chưa bao giờ có cái may mắn được lựa chọn bất cứ chuyện gì. Họ chỉ bị huyễn hoặc (hay được lãnh đạo) để lao vào những cuộc chiến rất "thần thánh” nhưng hoàn toàn không cần thiết – thay vì kiên trì nghe theo lời kêu gọi thống thiết "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của cụ Phan – thế thôi.

Theo cách nói của ông Bùi Tín là họ sống giữa "thế kỷ mây mù” mà. Và ông Hồ Chí Minh là nhân vật mù mờ, đáng ngờ nhất của thế kỷ này. Chỉ cái tên gọi, ngày sinh, ngày tử, và chuyện tình ái của ông ấy không thôi cũng đủ cho toàn dân… phát mệt, và khiến cho không ít kẻ phải mất việc – hay… mất mạng!

Sống và hoạt động "kách mệnh” cùng thời với ông Hồ mà không bị bán đứng, không bị ám sát, không bị hãm hại, không bị thủ tiêu… là may mắn và phước đức lắm rồi. Còn chuyện bị xuyên tạc, bị cái bóng đen và dàn loa tuyên truyền của Đảng ông ấy che khuất lấp (như trường hợp của cụ Phan Châu Trinh) thì kể như là chuyện nhỏ.

Sở dĩ ông Hồ Chí Minh gạt được nhiều người, trong nhiều năm, và có thể trở thành một thứ "thần tượng giả được đôn lên” (như chữ của nhà văn Phạm Đình Trọng) vì ông ta có được sự đồng lõa của cả một băng đảng chuyên môn làm bạc giả – Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Nửa thế kỷ trước, không ít những người thuộc thế hệ cha anh của tôi chưa bao giờ may mắn có được cái độ lùi cần thiết để nhìn rõ về chân dung của ông Hồ (nói riêng) và cuộc cách mạng vô sản (nói chung) một cách rõ ràng như thế. Thực không có gì ngạc nhiên là họ đã… trao duyên lầm tướng cướp, và cũng không có gì đáng trách vì họ đã cầm nhầm tiền giả.

Có đáng trách chăng là cho mãi đến hôm nay, sau khi cả dân tộc đã bị đẩy đi đến tận cùng sự bi đát (theo con đường Bác đi) mà Tuổi trẻ Online vẫn thản nhiên rầm rộ cổ động "bạn đọc tham gia viết bài Hoạt động theo gương của Bác”.

Một độc giả của diễn đàn này, ông Nguyễn Văn Hùng, đã "tham gia” với bài viết "Chiếc gối thần của bà tôi” – có đoạn – như sau:

"Bà tôi không theo đạo bà bảo chiếc gối bông là ‘chiếc bùa hộ mệnh’ của bà. Tôi để ý mỗi khi có việc gì hệ trọng thì bà lại lần giở chiếc gối, lấy ra một tờ giấy ố vàng đưa lên áp vào ngực và lẩm nhẩm khấn vái như người ta đọc kinh…

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, đất nước rợp cờ hoa mừng giải phóng, bà tôi lặng lẽ làm mâm cơm thắp hương lên bàn thờ Bác. Khác với mọi lần, bà tôi kính cẩn khấn vái rất lâu, nước mắt bà chảy dài làm tôi cũng muốn khóc theo. Khấn vái xong bà gọi tôi đến lấy cho bà chiếc gối. Tôi hồi hộp nhìn theo tay bà lần giở từng lớp bông gòn lấy ra một túi nilông đựng một tấm ảnh Bác Hồ đen trắng được bà cắt ra từ tờ báo Quân đội Nhân dân cũ và một tờ giấy ố vàng hơi nhàu, đó là bản Di chúc của Bác.”

Giữ "lề bên phải,” cho nó an toàn, là điều có thể thông cảm được trong hoàn nghiệt ngã đối với những người đang sinh sống bằng nghề truyền thông – ở Việt Nam. Tuy nhiên, tiếp tục cổ võ cho chính sách ngu dân của nhưng kẻ (bất nhân) đang cầm quyền ở xứ sở này thì lại là chuyện khác – có thể gọi đó là tội ác.

© 2010 Tưởng Năng Tiến

© 2010 talawas

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 776 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 14
Khách: 14
Thành Viên: 0