Thứ Ba, 2024-04-23, 2:22 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Năm » 19 » Về những văn kiện Đại hội XI, «Giải đáp trúng những vấn đề xã hội» hay là quay lưng lại cuộc sống?
10:47 AM
Về những văn kiện Đại hội XI, «Giải đáp trúng những vấn đề xã hội» hay là quay lưng lại cuộc sống?

Bùi Tín



Bộ máy tuyên truyền trong nước không ngừng quảng cáo cho những văn kiện chuẩn bị cho đại hội toàn quốc lần thứ XI của đảng CS Việt Nam sẽ diễn ra vào đầu năm 2011. Báo chí luôn nhấn mạnh rằng «các văn kiện được chuẩn bị rất công phu», rằng đã «qua góp ý, thảo luận của 2 lần họp Ban Chấp hành trung ương».

Trước khi công bố các văn kiện gồm có Bản Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành trung ương khóa X, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2010-2015, Cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội 10 năm 2010-2020, Báo cáo xây dựng đảng, sửa đổi, bổ sung điều lệ đảng…, lãnh đạo đảng CS vừa công bố một bài viết tổng hợp nêu lên những vấn đề lý luận cốt lõi nhất, có tựa đề là «Sự phát triển nhận thức của Đảng ta từ Cương lĩnh năm 1991 đến nay». Bài viết ký tên ông Nguyễn Phú Trọng, ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội.

Ai cũng biết đây là công thình tập thể của nhóm thảo văn kiện được chọn lọc trong Học viện chính trị quốc gia mang tên Hồ Chí Minh, có nhiều giáo sư - tiến sỹ, lương cao nhất nước, mỗi kỳ đại hội đảng lại được chia chác, thu nhập những khoản tiền khổng lồ lấy từ ngân sách nhà nước.

Một đội ngũ báo cáo viên của Trung ương đảng đang được phái đi khắp 63 tỉnh thành cả nước để dọn ra «món ăn tinh thần tổng hợp này», với mục đích tối hậu là chuẩn bị tinh thần để tất cả đại hội đảng các cấp diễn ra từ tháng 6 đến tháng 12 tới sẽ thông qua trôi chảy, «nhất trí rất cao» tất cả một lô các văn kiện dài thòng kể trên.

Cũng như các đại hội đảng trước đây, hệ thống báo cáo viên cùng đội ngũ cán bộ tuyên giáo đang huênh hoang rằng các văn kiện được chuẩn bị rất kỹ trong suốt 2 năm qua sẽ đáp ứng trúng tâm tư nguyện vọng của đông đảo nhân dân (!), sẽ giải đáp đầy đủ mọi vấn đề của cuộc sống xã hội (!), với mục tiêu là cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, trong một xã hội phát triển hài hòa, bình đẳng, tự do, công bằng, văn minh.

Có thật đúng vậy hay không?

Trước hết hãy xem bà con nông dân ta mong muốn và chờ đợi điều gì? Nước ta vẫn còn là nước nặng về nông nghiệp. Nông dân vẫn chiếm gần 70 số dân. Hầu hết nông dân ta đang làm nghề nông đều mong đảng và nhà nước trả lại cho họ quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất, như từ xưa vốn có, cả thời phong kiến và thuộc Pháp, bị đảng tịch thu một cách độc đoán hơn nửa thế kỷ nay. Không có lý do gì khi đảng đã trả lại cho nhà tư sản thương nghiệp, nhà tư sản công nghiệp quyền sở hữu cá nhân về nhà máy, cửa hàng, công cụ, kho hàng, tài sản riêng từng bị họ tịch thu…, còn cho đảng viên cộng sản kinh doanh tư bản chủ nghĩa, cho thuê nhân công không hạn chế… mà sao vẫn không trả lại sòng phẳng cho nông dân quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất? Như thế là công bằng, bình đẳng ư? Như thế là coi trọng nông dân, là coi trọng công nông liên minh, là đánh giá cao sự đóng góp về người và của cho chiến tranh, là đền ơn đáp nghĩa đối với nông dân ư?

Vì vậy vấn đề nông dân bị mất đất, bị cướp đất ngày càng nhiều, không sao kể hết, với những kiểu «thu hồi» và «đền bù» cực kỳ phi lý, nghe rất chướng tai nông dân ta.

Trong thời hội nhập quốc tế, đảng phải trả lại cho nông dân quyền sở hữu vốn có, không thể trì hoãn nữa, như nông dân Thái Lan, Malaysia, Philippines ở gần ta, không hơn không kém.

Các văn kiện Đại hội XI «quên» không đề cập gì đến vấn đề sinh tử này của nông dân, tức là đảng đã phản bội liên minh công nông, không thể có chữ gì khác. Do đó nông nghiệp vẫn bị trì trệ. Một khi nông dân có quyền sở hữu chính đáng, họ sẽ chăm sóc đồng ruộng của mình như chăm bẵm con cái yêu thương, sẽ có những mùa bội thu, họ sẽ đầu tư cho đồng ruộng được trù phú, sẽ thành những hợp tác xã tư nhân giàu mạnh.

Rõ ràng các văn kiện Đại hội XI là xa lạ, là quay lưng lại với nông dân. Nông dân trông chờ một sự trình bày cặn kẽ về chính sách của đảng CS đối với nông dân hiện tại ra sao, có đổi mới gì không? hay vẫn cứ như cũ, nghĩa là không tình, không nghĩa, vẫn độc đoán quy định ruộng đất là của «toàn dân» một cách vu vơ, rồi đảng nắm tất cả, để rồi tùy hứng mà «thu hồi», mà «đền bù». Có gì phi lý hơn là móc túi lấy chiếc ví của người ta, lại nhăn răng ra cười xòa rằng: tao thu hồi, cần thì tao đền cho mày vài xu. Không lịch sự, cũng không lương thiện chút nào, không giống một nước nào cả!

Đảng vẫn quay lưng lại nông dân. Nông dân ta sẽ lắc đầu. Và sẽ phẫn nộ xung thiên đấy!

Đông đảo anh chị em trí thức có tâm huyết trông mong kỳ này, thái độ của đảng đối với trí thức sẽ thay đổi. Không thể như hiện tại. Vừa qua vụ góp ý, can ngăn khai thác bauxit là một sự kiện nổi bật. Một bên là tâm huyết, hiểu biết, kinh nghiệm của một số trí thức dân tộc lấy lợi ích quốc gia dân tộc lâu bền làm mục đích, với lời lẽ ôn tồn, cố thuyết phục bằng nhiều kinh nghiệm thực tế sinh động, một bên là lãnh đạo và bộ máy quan liêu duy ý chí cực kỳ chủ quan, quyết đâm lao là theo lao, coi thường cả hiểm họa ngoại xâm và hiểm họa tàn phá môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa trên một địa bàn chiến lược xung yếu nhất.

Anh em trí thức trông mong rằng đại hội các cấp cho đến Đại hội toàn quốc sẽ nhận ra lẽ phải, bàn kỹ việc khai thác tài nguyên quốc gia sao cho có lợi nhất, có quyết định cuối cùng về khai thác bauxit ở nước ta, đồng thời qua đó đảng và xã hội đánh giá đúng vai trò của trí thức, của kiến thức chính trị, kinh tế, tài chính, khoa học, kỹ thuật tiền tiến của thời đại, quyết đưa nền giáo dục và nền khoa học lên tầm cao thời đại.

Trong các văn kiện chuẩn bị cho Đại hội XI, không thấy vấn đề khai thác tài nguyên, khai thác bauxit được trình bày rõ ràng minh bạch, thái độ với giới trí thức vẫn lờ mờ như cũ, làm sao tinh hoa của đất nước có thể yên lòng! Đảng vẫn trên thực tế là quay lưng lại với trí thức, khoa học, công nghệ, giáo dục…

17 ngàn nhà báo trong nước, báo viết, báo nói, báo ảnh, báo mạng, bloggers… Tất cả hiện đều như bị mất hồn. Vì đảng cấm tư nhân ra báo, còn cấm không cho một ai viết tự do. Chỉ được viết những gì đảng muốn đọc.

Không có gì mang tính sở hữu cá nhân hơn một bài báo. Một bài báo là kết tinh trí tuệ, tình cảm, chính kiến riêng của người viết, mang tên tác giả ở dưới bài.

Không có nghề nào đòi hỏi tự do hơn là nghề báo. Vị trí xã hội của nhà báo là ở nét riêng.

Tự do báo chí là linh hồn của mọi tự do khác trong xã hội, theo ý kiến của Voltaire, nhà tư tưởng dân chủ Pháp. Không có tự do báo chí thì không có tự do chính trị, tự do kinh doanh, tự do tôn giáo, tự do văn hóa, sáng tạo.

Hai năm nay, đảng hứa sẽ bàn lại về Luật báo chí, nhưng cứ lần lữa hoài, để chưa bao giờ số nhà báo lại bị tra vấn, xét hỏi, bắt giữ, tù giam, kết án tù, bị tịch thu thẻ nhà báo, cảnh cáo, mất chức như 2 năm qua, từ các báo Du lịch, Pháp luật, đến Thanh niên, Tuổi trẻ, Vietnam Net, rồi đến Người đại biểu nhân dân, Lao động, Tia sáng, Kinh tế thị trường… Có thể nói lãnh đạo đảng đã tuyên chiến với cả làng báo nước ta. Có nhà báo trẻ trong nước cho rằng phải chăng cả 15 ủy viên Bộ chính trị hiện nay không một ai viết nổi một bài báo có thể đọc được, khác hẳn với lớp lãnh đạo thời trước, nên họ mới ghét bỏ, lườm nguýt, bạc đãi nhà báo đến thế. Do đó mà các văn kiện chuẩn bị cho Đại hội XI im re về tự do báo chí ở nước ta. Không những 17 ngàn nhà báo chờ đợi, mà toàn xã hội mỏi mắt mong chờ. Tại Đại hội, rồi sẽ có ai dám nêu lên tự do báo chí ở nước ta, sự tai hại cho toàn xã hội khi không có báo chí của tư nhân, của người công dân, khi nhà báo mất tự do hành nghề, không được tự do lao vào điều tra các vụ tham nhũng, các vụ án kinh tế, dân sự, chính trị, như ở Thái Lan, Philippines, Malaysia… ở quanh ta, còn kém cả thời phong kiến và thời thuộc Pháp!

Vậy thì trông mong được gì ở cái Đại hội XI này? Làng báo chán ngán, cả xã hội thất vọng.

Tóm lại lãnh đạo kêu gọi mọi công dân góp ý với đảng, góp ý vào các văn kiện của đảng.

Nhưng đảng vẫn cứ độc thoại với chính mình, không nêu lên các vấn đề xã hội thiết thân nhất, quay lưng lại với các vấn đề nóng bỏng nhất của nông dân, của trí thức, của làng báo tiêu biểu cho công luận xã hội, thì làm sao mà góp ý cho sát được.

Hay là chỉ có một cách còn lại là yêu cầu đảng làm lại từ đầu, viết lại các văn kiện mang thật sự hơi thở của cuộc sống, giải đáp trúng vào những vấn đề then chốt nhất về phát triển bền vững, thật sự xây dựng một xã hội hài hòa công bằng, tự do, bình đẳng, văn minh trong thực tế chữ không phải nằm chết dí trong các văn kiện.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 682 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0