Việt
Nam đối diện tình trạng lạm phát tăng cao, mất ổn định kinh tế vĩ mô,
thâm hụt ngân sách, nhà đầu tư mất niềm tin vào giá trị đồng tiền.
AFP photo/Hoang Dinh Nam
Giá cả vẫn tiếp tục tăng cao. Một tiệm bán đồ khô ở Hà Nội hôm 15/3/2010.
Chính phủ Việt Nam đã chống đỡ
con thuyền kinh tế như thế nào. Nam Nguyên phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, chuyên
gia kinh tế độc lập ở Hà Nội để ghi nhận ý kiến ngoài chính phủ.
Tình trạng lạm phát
Nam Nguyên: Chính phủ đẩy mạnh chống lạm phát, vậy chính sách tiền tệ tín dụng hiện
nay đang là nới lỏng hay siết chặt theo sự nhận định của ông?
TS Lê Đăng Doanh: Chính phủ hiện nay có nhìn nhận tình trạng lạm phát là nghiêm trọng
và đã liên tục có chỉ thị về việc phải kềm chế lạm phát gởi các UBND tỉnh thành
phố và các bộ ngành, giao các bộ thực hiện chính sách giám sát tăng giá. Nhưng
hiện nay giá vẫn tiếp tục tăng và có lẽ những biện pháp hành chính chỉ có giới
hạn nhất định.
Chính phủ có thực hiện chính
sách tiền tệ tín dụng thắt chặt cho đến gần đây, sau Tết Nguyên Đán thì đã có
việc thay đổi, mở rộng khả năng cấp tín dụng.
Chính phủ hiện nay có nhìn nhận
tình trạng lạm phát là nghiêm trọng và đã liên tục có chỉ thị về việc phải kềm
chế lạm phát.
TS. Lê Đăng Doanh
Thay cho việc tắc nghẽn thanh khoản
thì bây giờ cho phép các ngân hàng, các doanh nghiệp được vay tín dụng hay cấp
tín dụng trên cơ sở lãi suất thỏa thuận và lãi suất đầu ra được tự do nhưng lãi
suất huy động tiền vốn vào thì vẫn chưa được tự do.
Vì vậy sắp tới đây lãi suất
huy động cũng được nới lỏng như vậy chính sách tiền tệ tín dụng thắt chặt được
chuyển sang chính sách nới lỏng hơn.
Nam Nguyên: Lãi vay ngân hàng lập đỉnh cao 17%, 18% làm cho các doanh nghiệp khu
vực tư nhân gặp nhiều khó khăn. Tình trạng này thể hiện điều gì, hậu quả?
TS Lê Đăng Doanh: Việc lãi suất tăng cao như vậy thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ đổ
vào chi phí kinh doanh, làm cho chi phí kinh doanh tăng thêm và như vậy sẽ thúc
đẩy lạm phát lại tăng hơn nữa.
Giá trị tiền đồng VN
Nam Nguyên: Chính sách tỷ giá hiện nay, theo TS, có đủ linh họat chưa?
TS Lê Đăng Doanh: Chính sách tỷ giá thì chính phủ đã điều chỉnh liên tục trong một thời
gian ngắn, tôi nghĩ sắp tới đây chính phủ có thể sẽ điều chỉnh nhưng mà không
phải là trong thời gian quá ngắn. Bởi vì mới đây trong vòng ba tháng đã có 2 lần
điều chỉnh mà tác dụng đối với việc nâng giá các mặt hàng nhập khẩu đã quá rõ
ràng, nên chắc tới đây việc này sẽ phải thận trọng hơn.
Mua bán đô la Mỹ. photo courtesy of vietnamnet
Nam Nguyên: Các tổ chức tín dụng quốc tế, ngay cả Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế cũng đề cập
tới việc phục hồi niềm tin của giới đầu tư vào tiền đồng VN, khả năng thực hiện
việc này theo đánh giá của ông?
TS Lê Đăng Doanh: Việc phục hồi niềm tin vào giá trị tiền đồng là một yêu cầu rõ ràng
và cấp bách, song thực hiện việc đó như thế nào lại là một vấn đề còn cần phải
được giải quyết một cách đồng bộ.
Bởi vì các vấn đề kinh tế vĩ
mô của Việt Nam có sự liên hệ phức tạp chặt chẽ liên ngành với nhau, có lẽ phải
bắt đầu từ việc hạn chế bội chi ngân sách và phải hạn chế các chương trình đầu
tư quá rầm rộ của chính phủ và chỉ tập trung vào các chương trình đầu tư có hiệu
quả.
Trên cơ sở cắt giảm bội chi
ngân sách thì có thể cắt giảm chi tiêu, cũng giảm được nhập siêu và trên cơ sở
đó làm cho các cân đối vĩ mô được ổn định hơn. Trong mối quan hệ như vậy niềm
tin vào giá trị tiền đồng VN sẽ được cải thiện.
Việc phục hồi niềm tin vào
giá trị tiền đồng là một yêu cầu rõ ràng và cấp bách, song thực hiện việc đó
như thế nào lại là một vấn đề còn cần phải được giải quyết một cách đồng bộ.
TS. Lê Đăng Doanh
Nam Nguyên: Theo TS, chính phủ có đang đi theo đúng hướng này hay không?
TS Lê Đăng Doanh: Cho đến nay tôi thấy là các dự án đầu tư vẫn đang được thúc đẩy mạnh,
cho nên tôi nghĩ rằng hạn chế bội chi ngân sách vẫn là một vấn đề phải được hết
sức chú ý.
Nam Nguyên: Trong tình hình như thế, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% của chính
phủ sẽ tạo ra thêm những áp lực mới, thưa TS?
TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi nếu có thể điều chỉnh chính sách và cải cách mạnh mẽ, thì chỉ
tiêu tăng trưởng 6,5% cho nền kinh tế vẫn có thể đạt được mà không gây ảnh hưởng
nhiều đến vấn đề lạm phát. Vấn đề là có giữ được chỉ số lạm phát 7% hay không,
cho tới nay thấy rất khó có thể giữ được.
Nam Nguyên: Cảm ơn TS Lê Đăng Doanh về thời gian ông dành cho đài RFA.