Lê Minh
Tính cho đến hôm nay là chẵn 500 ngày kể từ khi vụ Securency bị báo The
Age của Úc phanh phui hồi tháng Năm năm ngoái. Đây là vụ làm ăn bê bối
của một công ty trưc thuộc Ngân Hàng Trung Ương Úc (RBA), có liên quan
đến nhiều vụ hối lộ các quan chức nước ngoài để có được những hợp đồng
in tiền nhựa Polymer.
Vụ việc không chỉ liên quan đến các quan chức tại công ty Securency, mà
còn liên hệ đến nhiều quan chức ngân hàng tại các quốc gia khách hàng,
các đại lý trung gian tại nhiều quốc gia, trong đó có cả những công dân
của Anh Quốc.
Để giúp thực hiện cuộc điều tra, từ năm ngoái cảnh sát liên bang Úc đã
yêu cầu cảnh sát và Văn Phòng Điều tra các vụ Lừa đảo Nghiêm trọng
(SFO) của Anh Quốc nhập cuộc, giúp điều tra tận ngọn.
Hôm qua 6/10/2010, hơn 100 cảnh sát Anh Quốc và chuyên viên điều tra
của Văn Phòng này đã thực hiện nhiều vụ bố ráp tại các vùng Surrey,
Hampshire và Thames Valley, cũng như văn phòng đại diện của Securency
tại vùng Cumbria, bắt giữ 2 người có liên quan đến các vụ làm ăn bê bối
tại hải ngoại của công ty Securency. Đối với văn phòng này, đây là vụ
bố ráp lớn nhất kể từ sau vụ điều tra các cuộc làm ăn bê bối có liên
quan đến đại công ty Alstom của Pháp.
Trong cùng lúc, tại Tây Ban Nha cảnh sát nước này đã tiến hành lục soát
tại 2 địa điểm và trước đó tại Úc, cảnh sát cũng đã bố ráp, lục soát
tại 6 địa điểm khác nhau.
Cho đến đầu tuần này, thêm một chi tiết khá thú vị đã được tiết lộ. Đó
là việc Securency đã cho in thừa số tiền nhựa Polymer khi chưa có phép
của khách hàng. Hai cựu nhân viên của Securency đã cho cảnh sát liên
bang Úc biết rằng, họ đã được lệnh của "Xếp" phải in hàng loạt đồng
tiền nhựa chưa thành phẩm, mặc dầu không hề nhận được Đơn đặt hàng.
Những nhân viên này cũng giải thích rằng, việc in thừa tiền chưa thành
phẩm rồi chất đống để đó là vì ban giám đốc muốn báo cáo lên cấp trên
rằng công ty đã đạt chỉ tiêu làm ăn.
Những nhân viên này cũng cho biết là họ đã cảnh báo cấp trên về vấn đề
an toàn cho số tiền chưa thành phẩm này, vì nó được chất đống trong kho
bãi mà không được bảo quản, kiểm tra chặt chẽ có thể tạo điều kiện dễ
dàng cho kẻ gian đột nhập đánh cắp, tung ra thị trường tiêu thụ bừa
bãi. Tuy nhiên những lời cảnh báo này đã bị bỏ ngoài tai.
Phải chăng các quan lớn của Securency muốn làm giàu bất chính bằng cách cho in tiền bừa bãi rồi đưa kẻ gian tiêu thụ?
Tại hầu hết các quốc gia, chuyện in tiền giả là một trọng tội thì chắc
chắn các quan chức Securency không hề nghĩ tới chuyện này.
Vậy thì tại sao họ lại lệnh cho các nhân viên in thừa số tiền gần thành
phẩm đó rồi chất đống sẵn, mặc dầu không hề nhận một đơn đặt hàng nào.
Phải chăng ban giám đốc Securency chỉ nhận được đơn đặt hàng bằng miệng từ các quan chức của các quốc gia khách hàng?
Chỉ riêng vụ việc này, cảnh sát liên bang Úc đang chỉa mũi điều tra vào
các quan chức ngân hàng tại quốc gia khách hàng là Nigeria, Việt Nam và
Indonesia.
Vụ phát hiện in tiền thừa này khiến cho đọc giả người Việt Nam liên
tưởng đến câu chuyện người dân trong nước phát hiện nhiều đồng bạc mới
tinh, vừa được lưu hành đã bị phai màu, hoặc in thiếu hoa văn.
Tiền polymer bị nhoà
Phải chăng các quan chức ngân hàng Việt Nam là một trong số những người
đã đặt hàng bằng miệng, cho in thừa những tờ giấy bạc kia để đem ra thị
trường tiêu thụ?
Để thực hiện cuộc điều tra RBA-Securency trên diện rộng, cảnh sát liên
bang Úc đã huy động một lực lượng 20 nhân viên, trải rộng cuộc điều tra
trên nhiều quốc gia khác nhau.
Mặc dầu chịu nhiều áp lực từ báo chí, đảng Xanh nhưng cả chính phủ và
liên đảng đối lập đã từ chối cho mở rộng cuộc điều tra hơn nữa, chỉ vì
lo ngại rằng vụ việc rất "nhạy cảm", vì có liên quan đến nhiều quan
chức cao cấp của các quốc gia khách hàng đặt in tiền nhựa Polymer.
Hiện nay cuộc điều tra của cảnh sát liên bang Úc chỉ nhắm vào việc tìm
hiểu xem hành động hối lộ của các quan chức Securency có vi phạm luật
chống hối lộ tại hải ngoại không. Nếu có đủ chứng cứ để buộc tội các
quan chức cao cấp của Securency, thì việc các quan chức này phải hầu
tòa là chuyện sẽ phải xảy ra, và việc cung cấp các bằng chứng, vật
chứng cũng như tên tuổi của các nhân vật liên quan tại tòa là điều
đương nhiên.
Đó là các quan chức đã "dính chàm" vào số tiền 50 triệu đô được công ty
Securency chi trả trong khoảng thời gian từ cuối thập niên 90 đến đầu
năm 2009.
Đến lúc đó chúng ta sẽ biết được quan chức Việt Nam nào đã "dính chàm"
vào số tiền 50 triệu đô dùng để "bôi trơn" các hợp đồng, và có hay
không chuyện các quan chức này cho in thêm tiền "ngoài luồng" để trục
lợi, làm giàu bất chính.
Sydney, ngày 7/10/2010
Lê Minh
Tham khảo:
Global raids over RBA scandal
http://www.smh.com.au/business/global-raids-over-rba-scandal-20101006-167ws.html
Police raid RBA's banknote venture in global bribery probe
http://www.theaustralian.com.au/business/industry-sectors/police-raid-rbas-banknote-venture-in-global-bribery-probe/story-e6frg96f-1225935243915
Securency inquiry is long overdue
http://www.watoday.com.au/opinion/editorial/securency-inquiry-is-long-overdue-20101004-16475.html
RBA counterfeiting claim
http://www.theage.com.au/national/rba-counterfeiting-claim-20101003-162r2.html?from=age_sbs
Tiền polymer: Khi bức màn được vén lên
http://www.laodong.com.vn/Home/Tien-polymer-Khi-buc-man-duoc-ven-len/200610/6199.laodong
|