Quan chức Hưng Yên nói với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng có những video clip giả trong vụ Văn Giang dùng để 'bôi nhọ' chính quyền.
Cáo buộc này do ông Nguyễn Khắc Hào, Phó chủ tịch tỉnh Hưng Yên đưa ra trong hội nghị về việc giải quyết khiếu kiện và tiếp dân sáng thứ Tư 2/5, theo VietnamNet.
Tuy nhiên Bấm ông Hào không đưa ra chi tiết về những video clip mà ông nói là giả.
Một trong những video xuất hiện trên YouTube mà BBC đã đăng dưới đây cho thấy cảnh hàng chục cảnh sát và những người mặc thường phục đeo băng đỏ đánh hội đồng một người dân tay không.
Đây cũng không phải là video duy nhất có cảnh người dân bị đánh.
Những hình ảnh về những vụ bạo lực trong cưỡng chế đã khiến một số quan chức bày tỏ sự bất bình trong đó có cựu ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Khoa Điềm.
Ông Điềm, người từng phụ trách văn hóa tư tưởng cho Đảng Cộng sản và đã về thăm Văn Giang, Bấm gửi thư cho nhà văn Nguyễn Quang Lập nói ông "quá nản" về vụ Văn Giang và kèm theo những dòng thơ ông viết khi về thăm vùng đất này hồi năm 2006:
Chúng ta vẫn bưng bát cơm trắng mỗi ngày
Thật đơn giản, hiển nhiên, như hơi thở
Không còn nhớ có bao giọt mồ hôi trên mặt ruộng
Bao nhiêu bùn, bao nhiêu khổ đau
Khi mồ hôi trở nên quá rẻ
Kẻ ranh ma trở nên quá giàu
'Phản động'
Trong báo cáo trước Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, quan chức Hưng Yên cũng cáo buộc có sự liên hệ giữa người nông dân với lực lượng chống chính quyền.
Ông Nguyễn Khắc Hào được dẫn lời nói:
"Trong vụ việc ở Văn Giang, có sự móc nối chặt chẽ với những phần tử chống đối ở nước ngoài."
Phó Chủ tịch Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào
"Những người lợi dụng dân chủ, móc nối với những phần tử tiêu cực, bất mãn, phản động trong nước và nước ngoài, cố tình chống phá chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, kìm hãm sự phát triển, thì nhất định phải có biện pháp xử lý kiên quyết.
"Trong vụ việc ở Văn Giang, có sự móc nối chặt chẽ với những phần tử chống đối ở nước ngoài. Các thông tin thậm chí còn được tường thuật tại chỗ, từng giờ, để tuyên truyền xuyên tạc, dàn dựng những video clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền."
Báo chí trong nước không đưa tin nhiều về vụ Văn Giang trong khi thông tấn xã Việt Nam lấy lại bài đăng trên cổng thông tin điện tử của tỉnh Hưng Yên.
Một số nhà bình luận nói với BBC lợi ích của một thiểu số đã được đặt lên trên lợi ích của người dân trong vụ Văn Giang.
Hiện ít nhất năm người vẫn bị giam giữ để điều tra về chống người thi hành công vụ trong vụ cưỡng chế hôm 24/4.