Tỉnh Hưng Yên đã có phản ứng sau vụ cưỡng chế đất đai quy mô lớn hôm 24/4 tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang.
Trang thông tin điện tử của tỉnh đăng bài viết của ông Bùi Văn Thanh, Chánh văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh nói về lịch sử dự án khu đô thị mà ông nói được Thủ tướng phê duyệt hồi năm 2003 và các diễn biến trong vụ cưỡng chế.
Ông Thanh lặp lại những gì ông nói với truyền thông trong nước rằng vụ cưỡng chế với "sự hỗ trợ của Bộ Công an và Công an tỉnh" đã "đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, tài sản của nhân dân và các lực lượng tham gia hỗ trợ thi công, cưỡng chế."
Bấm Bài viết của ông Thanh cũng nói về phản ứng của một số người dân Văn Giang trước và trong khi diễn ra vụ cưỡng chế hôm 24/4:
"[C]hiều ngày 23.4.2012, số đối tượng quá khích đã kích động khoảng hơn 100 người dân dựng 2 lều bạt gần khu vực giải phóng mặt bằng.
"Ngay từ sáng sớm ngày 24.4, có khoảng 300 người dân tập trung tại các điểm gần khu vực giải phóng mặt bằng.
"Từ 7 giờ sáng, các lực lượng hỗ trợ thi công đã dùng các phương tiện tuyên truyền, giải thích, vận động người dân ra khỏi khu vực hỗ trợ thi công và cưỡng chế.
"Đến 8 giờ 30 phút cùng ngày, mặc dù đã được tuyên truyền thuyết phục nhưng vẫn còn khoảng 200 người dân đã chuẩn bị từ trước cuốc, xẻng, dao, liềm, gậy gộc, gạch đá, chai xăng cố tình chống lại lực lượng làm nhiệm vụ cưỡng chế."
Ông Thanh không đề cập tới số nhân viên công quyền tham gia cưỡng chế, các vũ khí được sử dụng và thương vong của người dân cũng như của lực lượng cưỡng chế.
Theo ông Thanh, Hưng Yên đã bàn giao cho dự án đô thị sinh thái Ecopark hơn 57 ha đất hồi năm 2009 trong đó có hơn 7 ha dùng cho xây dựng đường giao thông.
"Đến 8 giờ 30 phút cùng ngày [24/4], mặc dù đã được tuyên truyền thuyết phục nhưng vẫn còn khoảng 200 người dân đã chuẩn bị từ trước cuốc, xẻng, dao, liềm, gậy gộc, gạch đá, chai xăng cố tình chống lại lực lượng làm nhiệm vụ cưỡng chế."
Bùi Văn Thanh, chánh văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên
Sau vụ cưỡng chế hôm 24/4, chính quyền đã giao tiếp 72 ha trong đó có gần 6 ha cưỡng chế từ hơn 160 hộ "không nhận tiền đền bù, hỗ trợ."
Theo thông tin trên báo Bấm Công an nhân dân, số hộ chưa nhận đền bù là hơn 1000 hộ kể cả 160 hộ vừa bị cưỡng chế.
Hiện chưa rõ liệu có đợt cưỡng chế nào trong tương lai không nếu thông tin trên báo Công an nhân dân là đúng và còn tới hơn 800 hộ chưa chấp nhận bán lại đất cho dự án đô thị sinh thái.
'Dân cần ổn định'
Phản ứng trước cuộc cưỡng chế tại Văn Giang, nhà báo Huy Đức đã có Bấm bài viết đăng trên Facebook và cho rằng sự đối đầu giữa người nông dân 'cuốc xẻng trong tay' với 'hàng ngàn cảnh sát chống bạo động "khiên-giáo" tua tủa' là sự cảnh báo đối với chế độ.
"Một chế độ rất sợ các thế lực thù địch không nên tạo quá nhiều thù địch ngay chính trong lòng mình. Đất nước này tao loạn quá nhiều rồi, hơn ai hết người dân cũng cần ổn định."
Nhà báo Huy Đức
Nhưng ông cũng nói việc cưỡng chế là không trái luật và giải thích theo phần "Thu hồi đất”, Luật Đất đai 2003 như sau:
"Điều 39 định nghĩa những "lợi ích quốc gia” chủ yếu là những "dự án đầu tư có nhu cầu sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt”.
"Dự án Ecopark đã được Thủ tướng phê duyệt, nếu chiểu theo Luật 2003, việc nông dân Văn Giang không chịu bị thu hồi nên bị cưỡng chế là hoàn toàn phù hợp với Điều 39."
Mặc dù vậy nhà báo Huy Đức nói chủ đầu tư những dự án như Ecopark nên "mời nông dân tham gia bằng cách góp vốn và chia lãi theo tỉ lệ vốn bằng quyền sử dụng đất" và viết thêm:
"Người dân Văn Giang không chống lại dự án Ecopark, người dân chỉ không đồng ý với giá và cách mà Chính quyền đền bù.
"Nếu con số 90% nông dân Văn Giang đã nhận đền bù là đúng thì cũng không thể coi 10% phản ứng là sai.
"Trước anh Đoàn Văn Vươn đã có những người cam chịu lệnh thu hồi đất của chính quyền Tiên Lãng."
"Không nên coi một chính sách luôn giữ kỷ lục trên dưới 80% tổng số người khiếu kiện trong suốt hơn 20 năm qua là không có gì sai.
"Cho dù quyết tâm cưỡng chế 160 hộ dân ở Văn Giang có thể chỉ vì lợi ích của một số cá nhân; có thể sau thất bại trong vụ Đoàn Văn Vươn, Chính quyền muốn cứng rắn để dập tắt khát vọng đòi đất của những nông dân muốn noi gương anh Vươn. Thì, hình ảnh cuộc cưỡng chế hôm 24-4-2012 đã trở thành một vết nhơ trong lịch sử."
Nhà báo Huy Đức, người được biết tới trong thế giới mạng với bút danh Osin, kết thúc bài viết:
"Một chế độ luôn lo sợ mất ổn định không nên nuôi dưỡng quá nhiều những mầm mống đang làm mất ổn định.
"Một chế độ rất sợ các thế lực thù địch không nên tạo quá nhiều thù địch ngay chính trong lòng mình. Đất nước này tao loạn quá nhiều rồi, hơn ai hết người dân cũng cần ổn định."