Thông tin từ giáo xứ Cồn Dầu cho hay, Văn Phòng Luật Dương
Hà – Cù Huy Hà Vũ nhận đứng ra bảo vệ quyền lợi cho sáu nạn nhân Cồn
Dầu đang bị giam giữ bất công tại trại giam của công an Đà Nẵng.
Những
năm gần đây, Văn phòng Luật Dương Hà, nhất là luật sư Cù huy Hà Vũ, đã
nhiều lần đứng ra nhận bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân không có tiếng
nói là những dân nghèo và nổi tiếng với những vụ kiện nổi đình đám
trong công luận, như: Vụ kiện UBND Thừa Thiên Huế về quyết định cấp
phép đầu tư xây dựng dự án khách sạn Life Resort trên đồi Vọng Cảnh (2005), Vụ kiện album "Chat với Mozart” của ca sĩ Mỹ Linh (2006), Vụ kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc ký quyết định cho phép Trung Quốc khai thác quặng bauxit ở Tây nguyên Việt Nam (2009), hay Vụ bào chữa cho Thiếu tướng công an Trần Văn Thanh (2009)
Trong
các vụ kiện hay bảo vệ quyền lợi cho các thân chủ của mình, luật sư Cù
Huy Hà Vũ luôn mạnh mẽ, khẳng khái tố cáo những vi phạm pháp luật của
các cấp lãnh đạo nhà nước Việt Nam từ trung ương cho tới địa phương.
Liên
quan tới vụ việc tại giáo xứ Cồn Dầu, ngày 20/10/2010, Văn phòng Luật
Dương Hà đã cử luật sư vào Đà Nẵng để làm các thủ tục bào chữa cho sáu
nạn nhân, nhưng cho tới sáng ngày 22/10 vẫn chưa được chấp thuận. Ngày
20/10, khi các luật sư đến Viện kiểm soát đăng ký tư cách luật sư bào
chữa thì được cơ quan công quyền Đà Nẵng nêu lý do "Ngày Phụ nữ Việt
Nam” nên không làm việc.
Trả
lời Đài Chân lý Á châu về vụ Cồn Dầu, tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ cho
biết về những cáo buộc của Kiểm sát quận Cẩm Lệ đối với những giáo dân
Cồn Dầu bị bắt giam:
"Lập
luận ấy hoàn toàn buồn cười, không ai có thể tin được. Không ai có thể
ép người thân của người bị mất phải chôn xác ở đâu. Đây không đơn giản
như ‘ép đi ăn cỗ’. Khi gia đình có người thân qua đời, đó là điều đau
khổ rồi, không ai muốn căng thẳng thêm. Vả lại nếu có thì người lớn
trong gia tộc có thể thúc ép người thân trong gia đình nên chôn chỗ
này, chỗ kia. Tôi chưa bao giờ nghe có chuyện thúc ép như thế, vì trái
với mặt tình cảm, cũng như trái ngược trong quan hệ xã hội.
Còn
tội danh nói ‘gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ’
là lạm dụng. Bản thân công an đã tập trung trước để ngăn chặn; như vậy
có ý định giải tán đám tang đó. Phía người dân muốn chôn người chết tại
nghĩa trang đó; nếu chính quyền thấy không đúng thì phải tìm mọi cách
thuyết phục dân bằng biện pháp hoà giải, bằng biện pháp dân sự.
Khi
chính quyền đưa cảnh sát cơ động đến tức đã mang tính ngăn chặn bằng vũ
lực rồi. Dân tay không tấc sắt khi đứng trước lực lượng được vũ trang,
trang bị đầy đủ mọi công cụ như thế không thể nói người dân chống người
thi hành công vụ được.”
Theo
thân nhân của các nạn nhân cho biết, gia đình họ vẫn chưa nhận được
giấy báo tham dự phiên tòa, trong khi những người được mời ra làm chứng
thì đã có giấy mời tới dự phiên tòa vào lúc 7g30 ngày 27/10 tới.
Trong
một diễn biến khác, những ngày qua, công an Cẩm Lệ đã cho người tới các
gia đình nạn nhân để điều tra xem ai là người đã chấp bút viết lá thư
kêu cứu gửi tới các Giám mục thuộc HĐGM Việt Nam và tiếp tục đề nghị
các gia đình không nên mời luật sư bào chữa.
22/10/2010
Nữ Vương Công Lý
|