Thứ Tư, 2024-12-25, 1:15 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2012 » Tháng Mười Một » 5 » VÀNG VÀ MÁU!
4:06 PM
VÀNG VÀ MÁU!
 HNSG

Văn Quang – Viết từ Sài Gòn

Xin long trọng minh xác ngay rằng bài này không có "nhã ý” chôm nguyên văn tiểu thuyết trinh thám rất nổi tiếng của nhà văn Thế Lữ từ thời Tự Lực Văn Đoàn xa xưa (*). Đây chỉ là sự trùng hợp với cái tiêu đề mà thôi. Bởi vàng vốn là máu của người dân Việt Nam ta từ ngàn xưa cho tới nay. Làm cả đời ky cóp được tí tiền, giành giụm để làm đủ thứ quan trọng trên đời. Hãy tạm kể có 3 thứ việc, cả đời ông bà ta thường lo nghĩ đến là tậu trâu, cưới vợ và làm nhà. Ngoài ra, các cụ còn muốn thực hiện "nghĩa vụ cao cả” của các bậc sinh thành đối với con cái như cho con gái có chút của hồi môn khi lập gia đình, chia của cho các con trước khi nằm xuống về với tổ tiên…

Cũng như nhiều quốc gia Á châu, vàng ở Ấn Độ cho đến nay vẫn là thứ trang sức nhiều giá trị (của hồi môn, tích trữ, chứng tỏ đẳng cấp giàu nghèo…). Ở Trung Quốc xưa và nay, vàng là bản vị của sự tiết kiệm, lặng lẽ vươn lên để trở thành "tiểu gia”, "đại gia” của người dân. Vậy nên, vàng được coi là một phần máu thịt của người dân, có thể nói đó cũng là đặc trưng của văn hóa phương Đông.
Những "tử huyệt” của nền kinh tế Việt


Vàng ngày nay vẫn giữ nguyên những giá trị then chốt đó trong hầu hết những gia đình người Việt, bất kể là quan hay dân, miễn là có tí tiền tích cóp được. Tôi không kể đến những nhà tài phiệt, những quan tham, những "đại gia vĩ đại” do thời thế tạo nên, họ có đủ cách để giữ tiền qua các ngân hàng nước ngoài, tích trữ từng bó đô la như bó rau muống. Tuy nhiên, vàng vẫn có một ví trí vững vàng trong két sắt của họ. Khi đồng tiền mất giá, tất cả những kiểu tiết kiệm, kiểu làm ăn không sinh lời, nhiều rủi ro thì cất vàng trong tủ, chôn vàng dưới nền nhà là cách an toàn nhất.

Tất cả là do mất niềm tin vào những đổi thay của nền kinh tế suy thoái chung trên toàn thế giới và nhất là tại VN. Từ biện pháp hành chánh này đến biện pháp hành chánh khác tung ra để cứu vãn lạm phát, cứu vãn cái kho nợ xấu khổng lồ của hầu hết các ngân hàng, cứu vãn những doanh nghiệp nằm chết trên đống vàng gồm hàng loạt nhà cửa đồ sộ làm ra rồi không bán được hoặc cứu vãn những cái kho chứa đầy hàng sản xuất ra nằm ế mốc ế meo. Rồi cứu vãn 400 tấn vàng (hay cả ngàn tấn, không có cách gì kiểm tra hết) nằm chết trong dân làm cho tài hóa không lưu thông, tiền thiếu, vàng thừa nhưng không huy động được…

Bằng ấy cái mà nhiều nhà kinh tế học, thích nói chuyện "kinh tế vĩ mô”, gọi là "tử huyệt của nền kinh tế VN”. Những "tử huyệt” đó đang làm đau đầu, bấn xúc xích những chuyên gia, những bộ trưởng chịu trách nhiệm về nền kinh tế tài chánh của VN. Quốc Hội có quá nhiều vấn đề vô cùng quan trọng để thảo luận, để xem xét và để tìm ra quyết sách. Một số lớn người dân ít phải lo đến cơm gạo áo tiền hàng ngày, theo dõi kết quả cụ thể của những vị đại diện cho dân đã làm được những gì, sẽ làm những gì và họ "tiên đoán” tương lai sẽ ra sao. Từ đó họ có niềm tin hay không.

Người dân có cảm tưởng Quốc hội hiện nay đang bị tràn ngập về những "tệ nạn” như bệnh kinh niên tham nhũng trở nên "quá xá” rồi, tưởng như ung thư đến thời kỳ thứ tư, vô phương chạy chữa. Đến chuyện những con đập vỡ làm người dân hoảng hốt chỉ lo ôm đồ chạy. Rồi đến chuyện bỏ phiếu tín nhiệm mở đường cho "văn hóa từ chức” và bãi chức, chuyện lấy tiền đâu tăng lương… Quả là "một rừng” công việc, nặng như trái núi đang làm ngăn trở sự tiến hóa của dân tộc mà những ông đại biểu cho dân phải giải quyết.

Nhưng ở đây, tôi chỉ điểm lại những vấn đề về "vàng và máu” như tiêu đề đã nêu.

Nhà nước độc quyền vàng, dân chịu thiệt nặng

Người dân đi mua vàng, ai cũng biết vàng SJC có thương hiệu uy tín và có thị phần lớn từ rất nhiều năm nay. Nhưng không phải ai cũng mua vàng có nhãn hiệu SJC. Người dân còn mua nhiều nhãn hiệu khác như AAA, PNJ, SBJ, Rồng Thăng Long của Cty Bảo Tín Minh Châu, giá cả chỉ hơn kém nhau chút ít không thành vấn đề. Vàng nào cũng là vàng, mỗi khi cần tiêu, chỉ việc mang ra các cửa tiệm vàng bán lại là xong. Nếu cẩn thận hơn, họ mang hóa đơn, có khi không cần hóa đơn, đến cửa tiệm mua vàng cũ, bán lại. Khi có lời, khi thiệt vài ba trăm ngàm tùy theo thời giá.

Nếu Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) để thị trường tự quyết định thì sẽ không có gì xáo trộn. Việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng là hợp lý nhưng sau khi chọn SJC là đơn vị gia công duy nhất vô tình tạo tâm lý rằng chỉ có vàng miếng SJC là được tin cậy, còn các thương hiệu khác là "đồ bỏ”. Điều này khiến thị trường xáo trộn với hàng loạt hành động sùng bái vàng SJC.

Người dân tá hỏa tam tinh, nôn nóng chuyển đổi vàng "phi” SJC (tức là vàng không mang nhãn hiệu SJC) sang SJC, chen nhau đi kiểm định vàng. Rất dễ hiểu, đang có vàng trong tay bỗng chốc trở thành… vàng không có giá trị bởi không phải là vàng SJC. Ai mà không đau, ai mà không hoảng hốt.

TS Nguyễn Đại Lai, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng, đã ví von: "Nếu giá trị của vàng trên thế giới được đo bằng tuổi vàng thì với thị trường vàng trong nước, do cơ chế cấm "nửa vời” nên tuổi của vàng miếng không quan trọng bằng miếng vàng đó mang nhãn hiệu gì. Vàng SJC như được khoác trước "chiếc áo vinh quang” sẽ trở thành vàng chính hiệu "SBV” – là thương hiệu của NHNN…”.

Vừa mất thì giờ vừa bất an

Ngay cả chuyện chuyển đổi vàng miếng cũng khiến dân mệt mỏi. NHNN nhiều lần khẳng định vàng các thương hiệu khác được chuyển đổi dễ dàng. Thực tế không như vậy. Người dân đổ xô đến dập vàng thì cũng phải chờ đợi phiền phức, bởi phải chờ SJC kiểm định. Thị trường đâm ra khan vàng SJC trong khi vàng các thương hiệu khác thì số phận hẩm hiu.

Rồi khi thị trường suốt hai tuần liền xuất hiện hàng trăm miếng vàng nhái thương hiệu SJC thì đến ngày 25-10, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng mới khẳng định: "Các thương hiệu vàng miếng khác đã được cấp phép vẫn được lưu thông bình thường. Do đó, việc có chuyển đổi sang vàng SJC hay không là quyền của người sở hữu, người dân cần bình tĩnh trước các thông tin, cân nhắc cẩn thận để tránh thiệt hại cho mình”.

Nói vậy nhưng liệu có người dân nào đi chọn mua một thứ tài sản vàng "phi” SJC để vừa mất lợi nhuận lại vừa gánh chịu những việc "tào lao” khác. Người dân vừa mất thời gian chuyển đổi, tinh thần lại bất an.

Nảy sinh ba lần thiệt hại

- Dân thiệt lần đầu tiên khi thông tin sẽ chỉ còn tồn tại duy nhất thương hiệu vàng miếng SJC trên thị trường. Thời điểm đó, dù chưa tuyên bố chính thức nhưng các thương hiệu vàng miếng không phải SJC ngay lập tức mất giá hàng triệu đồng một lượng so với vàng miếng SJC. Người có các loại vàng miếng này ngậm ngùi chấp nhận thiệt thòi, đành phải đi đổi sang vàng SJC cho "chắc ăn”. Đến khi việc độc quyền được chính thức, dù NHNN khẳng định, vàng phi SJC được bảo đảm giá trị nhưng trên thị trường, mức chênh lệch cao giữa 2 loại vàng vẫn duy trì. Những người "có gan” giữ vàng miếng không phải SJC cuối cùng, buộc phải chấp nhận thiệt hại để đổi vàng.

- Thiệt hại lần thứ 2 đến từ việc giá vàng trong nước luôn cao hơn thế giới từ 2- 3 triệu đồng do cung không đủ cầu. Điều này là đương nhiên khi hàng chục cơ sở sản xuất vàng miếng buộc phải đóng cửa để SJC "một mình một chợ’ sản xuất và cung cấp vàng miếng. Với mức chênh lệch này, những người có thói quen tích trữ vàng, các nhà đầu tư vàng trong nước phải đối diện với rủi ro cực lớn khi giá vàng đột ngột đổi chiều hay biến động mạnh. Thậm chí, nếu nhà độc quyền muốn làm giá, cố tình tạo khan hiếm giả, cung cấp nhỏ giọt thì người dân cũng bó tay.


Vàng giả SJC (trái) so sánh với miếng vàng SJC thật.

- Thiệt hại thứ 3 là mua nhầm vàng nhái, làm giả SJC. Chỉ trong ít ngày, đã phát hiện gần 470 lượng vàng nhái, giả SJC, hầu hết do người dân mang đến. Đây là kết quả của việc độc quyền nhưng thiếu chuẩn bị về năng lực cung cấp cũng như giám sát của cơ quan quản lý. Lợi dụng cơ hội này, một bọn bất lương đã tận dụng tối đa chênh lệch giá giữa vàng SJC với vàng phi SJC; giữa vàng SJC với vàng thế giới để tung ra thị trường các loại vàng nhái, giả SJC kiếm lợi. Chỉ tội người dân, ngay cả nhà sản xuất, các chuyên gia vàng còn khó phân biệt giữa vàng SJC thật và nhái, vàng giả thì họ làm sao biết được thật và giả. Đành một lần nữa chấp nhận thiệt thòi.

Đó mới chỉ là thiệt hại cụ thể về tài chính, còn rất nhiều những thiệt hại về thời gian, công sức, tâm lý hoang mang của người dân, lãng phí của xã hội cũng như những rối ren xảy ra trên thị trường chưa thể đong đếm được.

Một số công ty kinh doanh vàng bạc kiếm lời bạc tỷ.

Người thiệt tất nhiên sẽ có người hưởng lợi. Đó là những đơn vị hốt siêu lợi nhuận từ việc được NHNN cho phép dập lại vàng miếng phi SJC thành vàng miếng SJC. Như đã nói trên, chênh lệch giữa vàng miếng phi SJC và SJC trên thị trường cao tới 3 triệu đồngmột lượng, thấp cũng cả triệu đồng một lượng. Chỉ cần dập lại, bán sang tay, họ kiếm lợi trung bình 2 – 3 triệu đồng/lượng vàng. Với 350.000 lượng vàng đầu tiên cho phép dập lại, số lợi từ chênh lệch này là khổng lồ.


Máy dập vàng miếng thành vàng SJC, mỗi ngày cũng kiếm vài triệu đồng

Cơn hoang mang trong cộng đồng mà người dân vốn nổi tiếng thích cất giữ vàng hàng đầu thế giới. Hàng loạt người dân đổ xô đến thẩm định và ép lại bao bì tại công ty SJC. Nếu không may vàng đó là không phải là SJC, số phận của nó sẽ là bị cắt ra, sau đó được bán với giá vàng nguyên liệu, tất nhiên là thiệt mất đến 2-3 triệu một lượng. Trường hợp xấu hơn nữa, chủ nhân sẽ phải giao nộp vàng cho cơ quan công an giải quyết.

Khi hiện tượng vàng nhái manh nha xuất hiện, người dân đã được khuyên nên giao dịch tại các cơ sở uy tín, trong đó có ngân hàng. Nhưng vấn đề trái khoáy là, theo thông tin từ một lãnh đạo Cty SJC miền Bắc thì đến nay, đa phần lượng vàng SJC nhái mà đơn vị này phát hiện đến từ… các ngân hàng.

Đến các ngân hàng cũng còn chưa có nghiệp vụ kiểm định vàng, thì người dân "mắt thịt” lấy đâu ra cái khả năng siêu phàm để nhận diện vàng nhái. Mọi hậu quả sẽ rơi vào người mua phải vàng nhái.

Độc quyền "toàn tập”

"Chiếc áo” SJC sẽ làm nên rất nhiều thứ. Không có cái áo đó (hoặc áo nhái), những miếng vàng dù chất lượng, tuổi vàng không hề "thua chị kém em” cũng sẽ bỗng dưng trở thành một loại "con ghẻ” bị hờ hững, xua đuổi.

Chỗ dựa cho quyền lực của chiếc áo là các chính sách cho phép sự độc quyền "toàn tập” – độc quyền nhập khẩu, độc quyền sản xuất, độc quyền thương hiệu và giờ là độc quyền kiểm định vàng. Nhiều chuyên gia đã chỉ ra cơ chế độc quyền này không giúp loại bỏ sự chênh lệch vô lý giữa giá vàng Việt Nam so với thế giới, mà còn tạo khan hiếm giả, đẩy người dân vào thế cầu cạnh, chịu thiệt.

Không chỉ có thế, vị đứng đầu doanh nghiệp SJC, cách đây vài hôm còn chia sẻ sự phức tạp trong quy trình xin NHNN dập lại vàng SJC móp méo. Vị này cho biết: "Nếu cứ tiếp tục "xin – cho” thế này, chúng tôi sẽ ngưng mua vàng móp méo!”.

Nếu cả cái cửa "xin – cho’ này cũng đóng lại với người dân, thì tình hình sẽ còn rối loạn đến mức nào?

Thống đốc Ngân hàng nhà nước VN nhận lỗi về bất ổn thị trường vàng

Giải trình trước Quốc hội (QH) trong kỳ họp sáng 31-10-2012, về những bất bình trong quản lý kinh doanh vàng miếng suốt thời gian qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình nói: "Tôi xin thay mặt cho NHNN nhận trách nhiệm về việc không làm tốt thông tin truyền thông để phổ biến kịp thời những nội dung về chủ trương chính sách của Nhà nước trong vấn đề quản lý thị trường vàng. Do đó, còn nhiều thông tin chưa đầy đủ và chính xác gây nên những cách hiểu không đúng và bất ổn trên thị trường”.

Sau phần xin lỗi, ông Bình khẳng định: "Không có chuyện bắt buộc chuyển đổi từ mác vàng miếng này sang vàng miếng khác. Các loại vàng miếng đã được cấp phép vẫn được lưu hành bình thường”.

Phân trần về "sai sót” của mình, ông Bình cho biết từ ngày 25-5, tất cả các đơn vị dập vàng miếng, kể cả Công ty SJC, đều chấm dứt dập vàng miếng. Kể từ lúc đó, chỉ có NHNN thực hiện vai trò độc quyền Nhà nước được dập vàng miếng và NHNN chọn mác vàng SJC là mác vàng của NHNN. Thực tế, vàng SJC đến thời điểm hiện nay đã chiếm tới khoảng 93% – 95% thị phần vàng miếng toàn quốc.

Để tránh xáo trộn trên thị trường vàng miếng cũng như chi phí phải dập lại, NHNN sử dụng luôn mác đó và độc quyền Nhà nước về mác đó chứ không có Công ty SJC nào được dập vàng miếng SJC nữa. Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định 24, kể từ sau ngày 25-4, tất cả các loại vàng miếng mà trước đây đã được cấp phép dập vàng miếng đều được phép lưu hành bình thường.

Cũng theo ông Bình, nền kinh tế Việt Nam có khoảng từ 300 – 400 tấn vàng, tương đương 15-20 tỷ USD bị chôn chặt vào vàng. Mỗi khi giá vàng biến động làm ảnh hưởng đến tỷ giá thông qua hoạt động nhập khẩu lậu vàng gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu và gián tiếp làm cho lạm phát tăng cao trong những năm qua, tạo ra sự bất ổn của kinh tế vĩ mô. Từ tháng 5 đến nay, hệ thống ngân hàng đã mua lại được 60 tấn vàng (khoảng 3 tỷ USD) từ nền kinh tế.

Phản ứng của người dân

Lời xin lỗi của ông Thống đốc NHNN xem ra rất nhẹ nhàng. Lỗi là do "không làm tốt thông tin truyền thông để phổ biến kịp thời những nội dung về chủ trương chính sách của Nhà nước trong vấn đề quản lý thị trường vàng”.

Không biết ông thống đốc có biết đến nỗi lo cháy lòng vì những thiệt hại tiền tỷ của người dân khi chạy nháo nhào chuyển đổi từ vàng mang các nhãn mác sang SJC không và cả những người mua phải vàng nhái, vàng giả nữa? Hơn thế, ông có đọc được những phản ứng gay gắt của người dân chung quanh sự kiện này không? Xin nhắc lại một số trong hàng ngàn ý kiến đó trên hầu hết các trang báo VN:

- Độc giả Phung Khanh giãi bày: "Những người dân bình thường như chúng tôi, bao năm lao động tích cóp được ít tiền để chuẩn bị làm nhà, chuẩn bị cho con cái, rồi lo cho tuổi già … Vậy mà gửi tiết kiệm vào ngân hàng rồi chỉ trong thời gian giá trị đã bị bốc hơi. Thực sự xót xa mà chẳng thể làm gì, chẳng biết kêu ai.


Khách hàng ngồi chờ được kiểm định, ép bao bì vàng SJC tại Công ty SJC ngày 24-10 -2012

Không tin tưởng vào việc gửi tiết kiệm đành mua ít vàng cho an toàn, rồi cũng do chính sách điều hành quản lý vàng, cuối cùng người dân cũng thua thiệt. Muốn điều hành gì trước hết hãy nghĩ đến hàng triệu người dân lao động bình thường. Chúng tôi thật khó mong được lợi gì ở việc điều chỉnh các chính sách như vừa rồi, chỉ mong được bảo toàn giá trị sức lao động của mình đã bỏ ra. Vàng chính là máu thịt của người dân chúng tôi”.

Độc giả Hoàng Huy đề nghị: "Không được dùng mệnh lệnh hành chính để làm méo mó hoạt động mua bán vàng. Hãy để cho cơ chế thị trường quyết định. Người dân sẽ tự quyết định dự trữ tài sản của mình theo cách nào, miễn là nó mang lại lợi ích. Ngân hàng là đơn vị kinh doanh tiền tệ, phải có chiến lược phù hợp nếu muốn huy động vàng để làm lợi cho hoạt động kinh doanh của mình.”

- Độc giả Hai Hậu nhận xét: "Ngân hàng nhà nước là cơ quan phải chịu trách nhiệm trong cảnh bát nháo của vàng hiện tại. Cứ xem chương trình VTV1 và trả lời phỏng vấn của ông Lê Hùng Dũng thì ta nhận ra rằng tất cả các yếu kém của NHNN là mầm mống phát sinh ra hiên trạng này. Trong khi nền kinh tế đang chao đảo vì khủng hoảng thì NHNN lại tung ra những cú ‘đột phá” khiến thị trường càng thêm rối bời.

Của để dành cũng bị các ông làm cho khốn đốn

- Để kết luận cho bài viết này, mong Thống đốc NHNN VN vui lòng đọc những lời tâm sự này của bạn đọc Cong Quang trên báo Dân trí:

"Cho phép tôi được nói thẳng: SJC là đơn vị vô trách nhiệm nhất trong nền kinh tế nước ta. Vì sao mà người dân mua 1 món hàng dù nhỏ nhưng đơn vị sản xuất cũng cấp cho người mua phiếu bảo hành với đầy đủ thông tin như số seri, số lô, ngày sản xuất. Vậy mà SJC bán vàng mà không có giấy chứng nhận gì kèm theo dù trên miếng vàng có mã số nhận dạng. Lẽ ra nếu SJC có trách nhiệm họ sẽ kèm theo giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa tương tự như phiếu bảo hành trên các sản phẩm điện máy đi kèm với miếng vàng mà họ cung cấp ra thị trường thì làm gì có chuyện vàng nhái như hiện giờ. Vì vậy theo tôi SJC phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với số vàng nhái hiện có trên thị trường chứ không thể né tránh như hiện nay. Đơn giản là vì vàng là tài sản lớn của người dân không thể nói 1 câu không phải SJC rồi cắt đôi và giao lại cho người dân đi bán ngoài thị trường. Các ông quá xem thường tài sản của nhân dân và luôn đẩy dân vào cảnh khó vì sự vô trách nhiệm của chính các ông. Người dân đã quá mệt mỏi với bao vấn đề về cơm áo gạo tiền giờ đến lượt của để dành cũng bị các ông làm cho khốn đốn. Làm dân Việt Nam sao mà khổ thế còn làm quan ở ta thì sướng không gì bằng: cái gì không quản được thì cấm, cái gì ngon ăn thì độc quyền bỏ mặc bao nổi khổ cho dân”.

Khỏi cần bình luận gì thêm sau khi đọc những lời tâm sự cháy lòng của người dân.

Văn Quang 02-11-2012

* "Vàng và máu” là tập truyện đầu tiên của Thế Lữ (1934), là tác phẩm tiêu biểu và thành công nhất của ông ở thể loại trinh thám, đã trở thành một hiện tượng mới lạ ngay từ khi ra đời và để lại dư âm đến nhiều năm sau.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 497 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 14
Khách: 14
Thành Viên: 0