Thứ Ba, 2024-11-05, 8:35 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Ba » 18 » Vì sao Cộng Sản lùi hai bước?
2:22 PM
Vì sao Cộng Sản lùi hai bước?

Ngô Nhân Dụng

 
Một tuần lễ sau khi phải thả Luật Sư Lê Thị Công Nhân, cường quyền Cộng Sản lại quyết định "tạm tha” cho Linh Mục Nguyễn Văn Lý. Có thể coi là họ đã chịu lùi 2 bước.

Mặc dù cô Lê Thị Công Nhân được ra khỏi cái nhà tù nhỏ vì bản án của cô hết hạn, nhưng nếu đảng Cộng Sản muốn họ vẫn có thể bịa ra bất cứ lý do nào để giữ cô trong nhà giam, như họ vẫn làm từ xưa tới nay đối với những người đòi dân chủ. Cho nên trả tự do cho cô là Cộng Sản chấp nhận một bước lùi. Còn cha Nguyễn Văn Lý thì được đưa về cho Tòa Tổng Giám Mục Huế săn sóc lấy lý do vì bị bệnh; nhưng trong thực tế ông đã lâm trọng bệnh từ lâu mà gần đây cũng không có triệu chứng nào nặng nề hơn đến nỗi không thể đem vào giam trong nhà thương của công an. Vì lý do nào mà một người bị xử án 3 lần, tổng cộng 14 năm tù, lại được đưa "về nhà” chữa bệnh? Cho nên, có thể coi việc Cộng Sản trả tự do cho cô Lê Thị Công Nhân và Linh Mục Nguyễn Văn Lý là những bước lùi bất đắc dĩ của chế độ Cộng Sản. Tại sao họ chịu lùi, và tại sao lại chịu lùi vào lúc này?

Chúng ta không thể tin là đảng Cộng Sản đã thay đổi chính sách. Không thể tin họ đã chấp nhận từ nay cho người dân Việt Nam, những người như Cha Lý và cô Công Nhân, được tranh đấu công khai cho quyền làm người và thể chế dân chủ. Ðường lối đảng Cộng Sản trước sau như một là độc tài chuyên chính, theo lời Hồ Chí Minh từ nửa thế kỷ trước.

Như vậy thì chỉ có thể giải thích là đảng Cộng Sản đã đã lùi hai bước ngay trong lúc này vì họ sợ áp lực của dư luận quốc tế. Nhưng các áp lực đó đã có từ lâu chứ không mới xẩy ra; cho nên cũng có thể là trong thực chất đảng Cộng Sản chẳng có chính sách, chủ trương nào lâu dài cả. Mọi quyết định của họ đều tùy tiện, nhất thời, do nhu cầu từng giai đoạn. Họ không có một đường lối nhất quán, trông bên ngoài thấy những hành động mâu thuẫn với nhau. Giả thuyết đáng tin nhất là đảng Cộng Sản hiện giờ có nhiều cái đầu, những cái đầu độc lập với nhau và những cánh tay không do một bộ não duy nhất chỉ huy. Các quyết định được đưa ra như thể "ngẫu nhiên,” không phải một bộ máy có người nắm quyền kiểm soát; ngược lại từ bên trong và bên ngoài có quá nhiều lực đẩy.

Những lực đẩy từ bên ngoài có thật và càng ngày càng mạnh. Những phiên xử án Linh Mục Nguyễn Văn Lý, các luật sư Nguyễn Văn Ðài và Lê Thị Công Nhân đã gây ra những làn sóng phản đối khắp thế giới, từ phía các chính quyền cũng như các hội đoàn trong xã hội công dân. Hình ảnh bình tĩnh thản nhiên của Nguyễn Văn Ðài và Lê Thị Công Nhân khiến cả loài người có lương tâm kính trọng, khiến người ta càng có lý do khinh thường chế độ độc tài Cộng Sản, khiến nước Việt Nam cũng bị khinh lây. Riêng Linh Mục Nguyễn Văn Lý thì bức hình của ông trong "phiên tòa bịt miệng” đã trở thành biểu tượng cho cuộc tranh đấu đòi quyền làm người của dân tộc Việt Nam hiện nay, trước sự đàn áp thô bạo của chế độ Cộng Sản.

Tháng Bảy năm ngoái, 37 vị nghị sĩ Quốc Hội Mỹ đã ký thư yêu cầu đảng Cộng Sản Việt Nam trả tự do cho ông "ngay lập tức và vô điều kiện.” Tới đầu tháng này, ông phụ tá ngoại trưởng Mỹ Kurt Compbell, lại lên tiếng yêu cầu lần nữa, khi được tin linh mục bị bệnh. Cuối tuần trước, Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế đã can thiệp yêu cầu chính phủ Mỹ xếp chính quyền Cộng Sản Việt Nam trở lại vào danh sách các chế độ vi phạm tự do tôn giáo "cần quan tâm đặc biệt.” Và trên thế giới, cộng đồng người Việt khắp nơi liên tiếp vận động các vị đại biểu Quốc Hội nơi họ sống tạo áp lực buộc chính quyền Cộng Sản phải tôn trọng quyền sống tự do dân chủ của người Việt Nam.

Những áp lực đó chắc chắn có hiệu quả; bằng cớ là đảng Cộng Sản đã phải lùi ngay hai bước trong vòng một tháng, khi họ phải trả tự do cho cô Lê Thị Công Nhân và Linh Mục Nguyễn Văn Lý. Mặc dù cô Công Nhân vẫn tiếp tục bị quản thúc, và Cha Lý chỉ được "tạm trao cho Nhà Chung” để chữa bệnh; nhưng đối với Cộng Sản thì rõ ràng là nếu không bị bắt buộc không đời nào họ nhượng bộ liền hai bước như thế.

Bởi vì, khi chịu lùi hai bước, họ biết sẽ còn phải chịu thêm áp lực để lùi nữa. Hiện nay đảng Cộng Sản đang chịu rất nhiều áp lực từ các tầng lớp dân chúng sống trong nước. Phong trào các nông dân đòi đất bị chiếm đoạt chưa nguôi vì không có một cách giải quyết thỏa đáng; thì các thành phần thanh niên và trí thức đã tự biến thành những thế đối kháng trên các mặt trận truyền thông. Ðảng Cộng Sản bị tấn công tới tấp vì không bảo vệ được chủ quyền dân tộc đối với biên cương và hải phận, không bảo vệ được ngư dân đánh cá bị "hải tặc” mặc binh phục Trung Cộng đánh đập, cướp bóc. Giới trí thức Việt Nam khắp nước và khắp thế giới bầy tỏ nỗi phẫn nộ vì những vụ cho Trung Cộng khai thác bô xít, cho thuê rừng. Trong khung cảnh "tứ bề bị vây hãm, tấn công” như vậy, người suy nghĩ bình thường cũng thấy không nên trả tự do cho những người tranh đấu đối kháng mạnh bạo nhất, như Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Lý. Làm như vậy không khác nào thả cọp về rừng và tiếp tay cho "các lực lượng thù nghịch.”

Một cách giải thích là chế độ Cộng Sản hiện nay rất lúng túng. Trong khi thành phố Hà Nội đang kỷ niệm Một Ngàn Năm ngày Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long thì dân chúng thủ đô đã bất bình từ nhiều năm qua vì pho tượng Lý Thái Tổ ở bên bờ Hồ Hoàn Kiếm thấy rõ ràng chỉ mô phỏng hình ảnh một ông vua Tàu trong phim bộ Trung Quốc! Khác với hình ảnh những ông vua đời Lý, đời Trần mà sử sách cho biết vẫn còn giữ phong tục Việt Nam và rất gần gũi với người dân bình thường. Chưa hết, gần đây lại có tin chính quyền Cộng Sản đã đưa một đoàn quay phim sang Tàu để quay một cuốn phim về Lý Thái Tổ! Ai cho phép các cán bộ nắm đầu 10 tỉnh cho các công ty Trung Quốc thuê đất trồng rừng với hợp đồng 50 năm trong lúc cả nước đã nổi giận vì vụ khai thác bô xít? Những hành động này chỉ có thể nói là "Hết khôn, dồn ra dại!”

Những phản ứng của cô Lê Thị Công Nhân và cha Nguyễn Văn Lý cho thấy việc tạm phóng thích họ chỉ làm cho chế độ Cộng Sản bị thiệt hại thêm chứ không được lợi gì cả. Ngay khi ra khỏi tù, Linh Mục Nguyễn Văn Lý đã nhắc lại một lập trường chính đáng của ông là không công nhận luật lệ của đảng Cộng Sản, không công nhận tòa án Cộng Sản, cho nên ông từ chối không chấp nhận bị coi là một "phạm nhân.” Cô Lê Thị Công Nhân cũng xác định cô cương quyết tranh đấu đến cùng cho mọi người Việt Nam được sống tự do dân chủ và cô nhất định không thỏa hiệp với cường quyền áp bức. Tất cả các nhà tranh dấu dân chủ ở Việt Nam, từ giới thanh niên tới các nhà trí thức, cả các đảng viên Cộng Sản sẽ coi đó làm gương cho họ.

Cho nên có thể kết luận rằng đảng Cộng Sản Việt Nam đã lùi hai bước liên tiếp chính vì họ không dám cưỡng lại các áp lực quốc tế. Linh Mục Nguyễn Văn Lý may mắn sống vào thời đại này, hơn 20 năm sau khi các chế độ Cộng Sản ở Âu Châu đã sụp đổ. Trước tấm gương sụp đổ đó, các công an Cộng Sản ở Việt Nam cũng không dám tự tung tự tác bạo hành như các đồng nghiệp của họ ở Âu Châu 30 năm trước. Và nhờ áp lực kinh tế của các nước tư bản cho nên những người tranh đấu cho dân chủ ở Việt Nam cũng không bị thủ tiêu, may mắn hơn những người Ba Lan vào giữa thập niên 1980.

vào những năm đó, chế độ Cộng Sản Ba Lan đã giải tán công đoàn độc lập Solidarnos và ra lệnh thiết quân luật. Họ bắt cóc và thủ tiêu Linh Mục Jerzy Popieluszko, là một cán bộ công đoàn. Cha Popieluszko đi trốn nhưng vẫn tổ chức mỗi tháng một buổi thánh lễ ở họ đạo St. Stanislaw, ngày càng đông người tới tham dự. Ba sĩ quan công an Cộng Sản đã bắt cóc Linh Mục Popieluszko, cùng với một người tài xế, nhưng bác tài đã nhẩy qua cửa sổ trốn thoát. Mấy ngày sau thì người ta thấy xác Linh Mục Popieluszko trên dòng sông Vistula.

Nhờ người tài xế bạn ông còn sống nên tin tức được truyền đi làm dân Ba Lan phẫn nộ, cuối cùng chế độ Cộng Sản phải đưa ba sĩ quan công an và một đại tá chỉ huy họ ra tòa và kết án tù. Phải tới 5 năm sau, khi chế độ Cộng Sản tan rã, những viên tướng trùm công an và trùm mật vụ mới bị đem ra tòa xét xử về vụ ám sát, thủ tiêu này.

Ðám công an Cộng Sản ở Việt Nam hiện nay cũng biết số phận của các đồng nghiệp Ba Lan, Ðông Ðức của họ. Cho nên trong mấy năm qua, các người tù vì lương tâm ở Việt Nam đã được đối xử một cách lịch sự, tử tế hơn. Một chế độ đang tan rã cũng giống như một chiếc tàu sắp chìm, những con chuột cũng bỏ chạy. Ðây là một cơ hội để tiếp tục đẩy mạnh việc tranh đấu đòi tự do dân chủ cho mọi người Việt Nam.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 606 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 156
Khách: 156
Thành Viên: 0