Vì sao lại xảy ra việc trấn áp bất thường Blogger Việt Nam vào những ngày này?
Mấy hôm nay trên phương tiện truyền thông trong và ngoài nước và các mạng xã hội đưa tin về blogger khá nhiều và nghe chừng có vẻ nghiêm trọng lắm. Như trang RFA nhận định rằng "Tình hình trong nước xem chừng như căng thẳng đáng ngại khi công an sách nhiễu nhiều bloggers và các nhà dân chủ” và họ dẫn chứng là Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, tiếp tục bị ngồi tù và có nguy cơ bị truy tố tội hình dù anh đã mãn án tù 2 năm rưỡi, bloggers Anh Ba Saigòn bị bắt mới đây, một số blogger khác bị cô lập, hành hung giữa lúc những nhà dân chủ bị sách nhiễu liên tục.
Nói chuyện này thì cũng phải nhắc đến dư luận của cộng đồng blogger Việt Nam mấy ngày vừa qua đang xôn xao và hào hứng với tin quyết định chọn ngày 19/10 là ngày Blogger Việt nam, sở dĩ chọn ngày đó vì theo các blogger chủ trò họ bảo đó là ngày anh Điếu cày – Nguyễn Văn Hải được ra tù và sau lại thêm vào vì là ngày anh Điếu "bát” – Phan Thanh Hải bị bắt.
Từ những sự kiện trên, một câu hỏi được đặt ra là "Có phải tại sự xôn xao mang tính hội đoàn của các blogger mấy ngày vừa rồi là nguyên nhân chính quyền phải tạm thời cách ly các bloggers , các nhân vật bất đồng chính kiến đó khỏi đời sống xã hội không?”. Đặt câu hỏi đó vì các blogger khác, những ngày này họ vẫn viết bài phản biện xã hội một cách bình thường như blogger Người Buôn Gió – Bùi Thanh Hiếu, blogger mẹ Nấm – Như Quỳnh, blogger Phạm Viết Đào v.v… họ vẫn vô tư để sống đấy chứ, có ai làm gì họ đâu?
Chúng ta phải tìm câu trả lời cho câu hỏi nêu trên, bởi nếu có một lời giải đáp chính xác sẽ có lợi ích cho cả đôi bên là chính quyền nhà nước và các đồng chí bloggers mắc chứng bệnh ngứa mồm, hay nói và hay viết. Cần phải hiểu rằng, các ý kiến của các bloggers phản ảnh qua các bài viết trên blog và được loan tải trên mạng nó đáng sợ lắm. Những cái đó nó không chỉ đơn giản là làm đau lòng các đồng chí đầy tớ của dân, người đang dẫn dắt chúng ta mỗi khi họ nghe thư ký báo cáo, mà theo họ cho biết, những cái đó nó còn mang tính chất kích động sự thù ghét nhà nước trong lòng bạn đọc nó mang tính chất góp củi để chờ ngày thiêu cháy họ.
Còn nhớ, cách đây hàng trăm năm nhà độc tài Napoleon Bonaparte đã nói về sự lo sợ của nhà cầm quyền đối với báo chí đối lập như sau, xin trích lại để các đồng chí cả hai bên nhân dân và nhà nước cùng ghi nhớ và thấm nhuần. Đó là ” Nhà báo là một người ưa cằn nhằn, một kẻ thích chỉ trích, một nơi cho những lời khuyên, một quyền lực tối cao, một người thầy của dân tộc. Bốn tòa báo đối nghịch còn đáng sợ hơn cả ngàn lưỡi lê.”
Một trong các quy luật vận động và phát triển của xã hội loài người được ghi trong chủ nghĩa Marx -Lênin, được gói gọn trong câu nói "Mâu thuẫn là động lực của sự phát triển” của Lênin, người Cộng sản nói ra điều đó nên họ rất biết và hiểu điều này. Khi chủ nghĩa Cộng sản với sự tồn tại của phe Xã hội chủ nghĩa với 26 quốc gia đứng đầu là Liên xô đang ở thế thượng phong, đang là mối đe dọa với chế độ dân chủ thì chính quyền các nước XHCN không chấp nhận tiếng nói của người dân, nghĩa là muốn yên ổn thì hãy biết câm mồm lại cho chúng tao đưa chúng mày (dân) đến tiên đường cộng sản, nơi mà hưởng thụ tùy thích kể cả không phải làm gì như chúng tao hiện tại.
Từ cách đây 20 năm trở lại đây, khi CNXH sụp đổ ở Liên xô và các nước Đông Âu thì cái tư tưởng ấy ở các nước hậu cộng sản đã chấp nhận đi theo Kinh tế thị trường TBCN như Việt nam và Trung quốc, cũng dần dần giảm đi rất nhiều. Nhà nước của các Đảng Cộng sản đã bước đầu nới lỏng tự do ngôn luận, tự do báo chí và đã phần nào tôn trọng phản biện xã hội như tờ Tuần Việt nam là một ví dụ điển hình. Nếu so với thời kỳ chưa đổi mới (trước 1986) thì đó là một bước tiến vượt bậc, cái còn thiếu duy nhất hiện nay không phải là quyền tự do báo chí mà là chấp nhận quyền được tự do có tiếng nói đối lập với chính quyền nhà nước một cách có tổ chức, báo chí đối lập.
Tâm lý tự nhiên trời phú cho con người bình thường thì ai cũng như ai, thích lời khen hơn tiếng chê bai, thích câu nịnh nọt hơn là lời thẳng thắn phê bình, vì theo lẽ đời thì trực ngôn sẽ nghịch nhĩ kẻ trên, trừ ông Thánh trong chuyện cổ tích. Tiếng nói phản biện xã hội của các bloggers hiện nay được ví như những con muỗi, con ruồi bé tí ti nhưng nó cứ vo ve khi một hình nhân bằng xương bằng thịt đang mơ màng để hưởng thụ sự đam mê tột đỉnh trong quyền lực của những kẻ có chức có quyền đang có được. Vậy thử hỏi ai không tức, ai không bực mình? Nếu là những kẻ tầm thường họ thì chắc chắn họ sẽ tìm mọi cách để đập chết loại vo ve ấy ngay tắp lự cho bõ tức chứ ai để yên cho như các blogger hiện nay.
Nói thế để các blogger biết ơn đảng, câu này là nói hết sức nghiêm túc. Cứ thử nghĩ xem anh Bùi Thanh Hiếu – Người Buôn Gió vi vu Bắc – Nam, viết bài chọc ngoáy chính quyền đăng trên bog hàng tuần, chị Như Quỳnh – mẹ Nấm và nhiều người khác nữa cũng kêu la hàng ngày trên blog cá nhân, cái gì của chính quyền hở ra thì họ cũng chọc, cũng ngoáy có sao đâu?
Vậy chính quyền họ sợ cái gì? Rất đơn giản, nếu ta hình dung mỗi blogger là một chiếc đũa nhỏ nhoi,mảnh mai bẻ lúc nào cũng được, thì xin nói thẳng là chính quyền họ sợ đũa bị bó thành bó. Nghĩa là sự đoàn kết của các bloggers đang có chiều hướng hình thành tổ chức của blogger hay cái Hội Blogger Việt nam theo kiểu Câu lạc bộ nhà báo tự do của Điếu cày, của Anhbasg, của Song Chi, của Uyên Vũ … và nhiều nhiều người khác. Họ sợ ngay sau khi Điếu cày ra tù sẽ là đầu lĩnh để tụ tập kính thưa các loại Điếu khác sẽ ngấm ngầm hình thành một tổ chức mang tính chính trị đối lập với vũ khí của họ là báo chí, là blog và các phương tiện truyền thông khác.
Trong thời đại toàn cầu hóa, với internet có khả năng kết nối mọi người trong tích tắc, sự lan tỏa của thông tin cũng hết sức nhanh chóng. Chỉ cần 1/10 giây đồng hồ người ở bên kia bán cầu cũng đã biết mọi thông tin đang xảy ra ở Việt Nam, thì việc hình thành một tổ chức Hội Blogger Việt với các cây bút sắc bén, với lối viết mạnh bạo, chính xác, có lý sẽ mang một sinh lực mới cho nền báo chí Việt Nam, những người này họ có thừa khả năng dùng ngòi bút làm đòn xoay ché độ hiện tại. Đó là cú sinh tử thử thách với sự tồn vong của chế độ hiện tại, là sự thách thức ngấm ngầm không tuyên bố mà chính quyền cảm nhận được, đó chính là lý do và câu trả lời vì sao lại có chiến dịch cấp tập bắt bớ, quản chế các blogger ở tại Sài gòn trong mấy ngày vừa qua.
Người viết blog thì đương nhiên là blogger, nhưng không phải tất cả những người viết blog ai cũng tham gia hoạt động chính trị, nhiều khi người ta viết vì thích viết thì viết, hay viết đẻ chọc chơi vui, nhưng dù sao mỗi blogger phải có nguyên tắc riêng của mình. Ví dụ nguyên tắc của tôi khi viết blog thể hiện trong câu slogan của mình trên blog cá nhân là ”Tôi quan tâm đến chính trị nhưng không tham gia, bởi dù thay chính quyền hiện tại bằng chính quyền khác đi chăng nữa tôi cũng xin giữ vai trò người phản biện”. Nghĩa là tôi luôn xin giữ vai trò phản biện xã hội đối với chế độ hiện hữu, họ có cái hay trong đường lối chính sách ta phải khen, dở thì ta phải lên tiếng mới là đúng đắn. Nói như thế để các blogger hiểu rằng một khi mình không có nguyên tắc nhất quán sẽ dễ bị lôi kéo tham gia các tổ chức này nọ, làm cái thân lát đường cho một số kẻ cơ hội tiến bước.
Con người ta hơn nhau ở cái lý tưởng và cơ hội, như Cụ Hồ khi được Công ty Nước mắm Liên Thành bảo trợ đi qua Pháp học làm quan để về phục vụ trong chế độ bảo hộ của Thực dân Pháp. Khi mới sang Pháp, Cụ có làm đơn xin được vào học tại Trường hành chính thuộc địa, nhưng không được chấp thuận, nên khi mộng không thành và cộng với ý chí bình thiên hạ nên Cụ đã tham gia hoạt động chính trị và thành công.
Nói thế để thấy ý nguyện hay sở thích làm chính trị gia đâu phải là cái xấu và không có nghĩa đã là blogger là làm chính trị, là phải tham gia đảng phái. Nhưng những ai muốn làm chính trị, muốn làm chính trị gia, muốn nhận giải Nobel Hòa bình, hay vì một tương lai tươi sáng hơn … thì xin khuyên các bạn phải lấy Cụ Hồ làm tấm gương thì mới thành công được hay nói một cách khác ai đang nuôi lý tưởng làm bố thiên hạ phải học tập và noi gương Bác Hồ vĩ đại, đó là:
1. Dứt khoát đã dấn thân là phải biết chấp nhận đau thương tù đày. Hãy gạt bỏ những cái tầm thường của đời người như vợ con sang một bên để nhẹ lòng. Khi nào thành công thì có 10 cô Nông Thị Xuân cũng có hay là trên đường cách mạng gặp ai mình thích thì cứ "chọi” bừa, vài ba chục năm nữa biết đâu lại có thêm một bác Nông. Chứ đã dấn tham mà còn để vợ mang thai 7 tháng như Anhbasg thì tâm đâu mà trung kiên đến cùng.
2. Biết bảo vệ và quý trọng thân mình, đừng mang thân ra đánh đổi sự nổi tiếng bằng cách công khai để rồi bị bắt, rồi nhận tội và ở tù ít hơn (!?). Hãy học Cụ Hồ sự kín tiếng, đó là khi cách mạng thành công năm 1945 mà còn nhiều người làm chính trị còn không biết Hồ Chí Minh là ai? Vì trước đó Cụ Hồ dùng tên Nguyễn Ái Quốc của nhóm Ngũ Long. Cứ thử xem cả cuộc đời Cụ Hồ hoạt động cách mạng, Cụ bị bắt mấy lần? Một lần ở Hồng kông, một lần ở Trùng khánh chứ có bao giờ Cụ chịu mò về hoạt động trong nước đâu. Cụ Hồ cứ túc tắc hết theo Nga, theo Tàu tưởng, theo Tàu Mao nhận sự giúp đỡ của họ để xây dựng lực lượng cho mình, khi thời thế đến có cơ ăn (năm 1941) thì Cụ mới mò về Pắc Bó – Hà quảng Cao bằng dưới sự yểm trợ của Tàu Tưởng.
Cứ xem như các nhà dân chủ hay các nhân vật bất đồng chính kiến trong nước như Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, anh Điếu cày, hay Anhbasg… đã hoạt động mang tính chất chính trị, nhằm giật bắt cơm của kẻ khác mà lại còn công khai và ngang nhiên thách thức chính quyền thì đương nhiên là phải vào tù. Tất nhiên là phải chấp nhận nhưng có cần thiết phải lãnh phí nhân lực như vậy hay không?
Ngày nay sự vận động cho dân chủ ở Việt nam không chỉ cần thiên thời, địa lợi, nhân hòa mà còn cần cộng với sự yểm trợ của quốc tế là quan trong. Có nhiều người thốt lên rằng nếu anh Điếu cày, hay anh Ba sài gòn là người có quốc tịch Úc, Mỹ, Canada … như bà Võ Hồng đảng Việt tân vừa rồi thì họ có bị chính quyền đối xử như vậy không? Chắc chắn là không vì áp lực quốc tế không cho phép họ làm trò nhảm nhí như vậy.
Nói như vậy để thấy rằng trách nhiệm tiên phong trong phong trào đấu tranh phải dành cho những người Việt yêu nước có quốc tịch nước ngoài với sự yểm trợ về mọi mặt của các đảng chính trị ở Hải ngoại là hợp lý.
Con người là vốn quý, còn người là còn tất cả phải biết giữ gìn và trân trọng bản thân mình, nó không chỉ là chuyện giảm thiểu các hy sinh không cần thiết của lực lượng đấu tranh cho dân chủ vốn quá mong manh như hiện nay, mà nó còn là vấn đề bảo toàn lực lượng cho cuộc đấu lâu dài giữa phe tiến bộ và phe bảo thủ độc tài. Quan trọng hơn là lực lượng blogger phải tỉnh táo để quyết định các vấn đề quan trọng, đừng vì sự thỏa mãn các cái danh hão huyền, sự nổi tiếng viển vông mà không giải quyết được vấn đề gì.
Tôi tin rằng nếu như không có sự vận động ráo riết, rầm rộ trong việc chọn ngày blogger Việt nam 19/10 vừa qua, lại chọn lấy ngày ra tù của anh Điếu cày thì chắc chắn Blogger Điếu cày, blogger Phan Thanh Hải Anh Ba Sài Gòn sẽ có một số phận khác.
Hãy thận trọng, bình tĩnh và tỉnh táo. Mọi sự thay đổi theo chiều hướng tiến bộ hơn, dân chủ hơn ở Việt nam đã và đang diễn ra từng ngày từng giờ không thể có bàn tay nào hay thế lực nào kìm hãm nổi. Các bloggers, đặc biệt là các blogger trong nước hãy làm đúng vai trò của báo chí, của người làm báo đó là phản biện xã hội một cách tích cực, sắc xảo, thiện chí và mang tính xây dựng đối với chính quyền để họ tiếp thu, sửa chữa và thay đổi.
Hãy tự đặt vị trí mình vào vai trò của Tổng Bí thư, của Thủ tướng, của Ủy viên Bộ Chính trị với địa vị và tài sản khổng lồ có trong tay, xem mình có dũng cảm nới bỏ tự do dân chủ cho nhân dân không? Nói thì dễ lắm nhưng làm thật ư? Khó lắm!
Để kết thúc bài viết, xin được trích lời phát biểu của ông Lưu Hiểu Ba, nhân vật bất đồng chính kiến người Trung quốc, người vừa lĩnh giải thưởng Nobel hòa bình năm 2010, đó là ” Bất kỳ "lòng thù hận” nào cũng sẽ dẫn đến sự bạo động bên trong tâm trí hay thể hiện ra hành vi bên ngoài, và chẳng cần lâu, sự "bạo động” đó lại đưa người đấu tranh đi vào vết xe đẫm máu của lịch sử và phá hoại tiến trình dân chủ tại Trung Hoa. Đấu tranh nới rộng tự do không thể bằng cách đoạt đi tự do của người khác, mà phải để chính quyền Trung Quốc lộ mặt là kẻ đoạt tự do của nhân dân, buộc họ phải nhìn nhận sai lầm và tiến hành cải cách”
Hà nội, ngày 22/10/2010